Kinh nguyệt từ lâu đã trở thành một trong những điểm khác biệt rõ rệt nhất giữa nam và nữ, nhưng thay vì được nhìn nhận như một hiện tượng sinh lý bình thường, nó lại thường bị sử dụng như một công cụ để củng cố những định kiến giới. Đối với nhiều người, kỳ kinh nguyệt của phụ nữ là cái cớ để đàn ông vin vào, cho rằng phụ nữ yếu đuối hơn, dễ bị cảm xúc chi phối và không đủ khả năng chịu áp lực như nam giới. Những lập luận mang tính quy chụp này không chỉ ảnh hưởng đến cách xã hội nhìn nhận phụ nữ mà còn tác động đến cách phụ nữ nhìn nhận chính mình.
Không ít phụ nữ lớn lên với cảm giác xấu hổ về kinh nguyệt, coi đó là một điều bất tiện, một thứ cần giấu giếm thay vì một quá trình sinh học tự nhiên. Những trò đùa về kinh nguyệt xuất hiện khắp nơi – từ những lời chế giễu phụ nữ “đến tháng nên cáu gắt” đến những bình luận miệt thị về tâm trạng của phụ nữ, như thể mọi cảm xúc họ thể hiện đều được quy chụp về chu kỳ kinh nguyệt, thay vì được công nhận như một phản ứng bình thường trước những vấn đề trong cuộc sống.
Bên cạnh sự kỳ thị và đùa cợt, phụ nữ còn phải đối mặt với những bất công tài chính liên quan đến kinh nguyệt. Pink tax (thuế hồng) – hiện tượng các sản phẩm dành cho phụ nữ, bao gồm cả băng vệ sinh, thường có giá cao hơn các sản phẩm tương tự dành cho nam giới – khiến phụ nữ phải trả một khoản tiền không nhỏ chỉ để duy trì vệ sinh cơ bản. Sự bất công này sâu sắc đến mức ở một số quốc gia, phụ nữ phải nghỉ học, nghỉ làm hoặc tìm đến những giải pháp thiếu vệ sinh vì không đủ khả năng mua băng vệ sinh.
Nhưng nếu mọi thứ đảo ngược – nếu chính đàn ông mới là người có kinh nguyệt thì sao? Liệu nó có còn bị coi là sự bất tiện, là dấu hiệu của sự yếu đuối, hay ngược lại, trở thành một biểu tượng của quyền lực và sự ưu việt? Có thể nhà nữ quyền Gloria Steinem sẽ đưa đến cho các bạn một góc nhìn mới để trả lời cho câu hỏi trên.
Bà Steinem cho rằng, giống như cách một nhóm người da trắng trên thế giới “lừa” chúng ta tin rằng làn da trắng khiến họ vượt trội (mặc dù điều duy nhất mà nó thực sự làm là khiến họ dễ bị tổn thương hơn trước tia cực tím và dễ có nếp nhăn), thì đàn ông cũng đã cố gắng khiến chúng ta tin vào việc phụ nữ “tự nhiên” ghen tị với dương vật. Nói cách khác, bất cứ đặc điểm nào của những kẻ có quyền lực, luôn được coi là ưu việt hơn đặc điểm của những người ở nhóm yếu thế và điều này hoàn toàn không liên quan đến logic.
Rộng ra, ta có thể thấy hệ thống phụ quyền không chỉ đơn thuần đề cao đàn ông mà còn liên tục tái định nghĩa những đặc điểm gắn với đàn ông là ưu việt, trong khi hạ thấp những gì gắn với phụ nữ. Quan trọng hơn, giá trị của những đặc điểm này không cố định mà linh hoạt theo cách phục vụ quyền lực nam giới.
Điều này phản ánh cơ chế của hệ tư tưởng phụ quyền: không phải bản thân đặc điểm sinh học quan trọng, mà là cách xã hội trao giá trị cho nó dựa trên việc ai sở hữu đặc điểm đó. Như Emily Martin đã phân tích trong The Egg and the Sperm (tạm dịch: Trứng và Tinh trùng), ngay cả trong khoa học, tinh trùng được mô tả là “năng động” và “anh hùng”, trong khi trứng bị xem là “thụ động”, dù thực tế sinh học không hoàn toàn như vậy [1].
Một ví dụ khác là cách dương vật trở thành biểu tượng tối thượng của nam tính. Trong nhiều nền văn hóa, đàn ông không chỉ coi đây là dấu ấn sinh học mà còn là cốt lõi của bản sắc và quyền lực. Nếu xét theo lý thuyết của Freud, “nỗi sợ bị thiến” (castration anxiety) không chỉ là mất đi một bộ phận cơ thể, mà còn là mất đi địa vị và sự kiểm soát [2]. Điều này giúp lý giải tại sao việc làm tổn thương dương vật của đàn ông bị xem là sự sỉ nhục lớn nhất, trong khi bạo lực đối với cơ thể phụ nữ lại thường bị bình thường hóa hơn.
Từ đó, có thể thấy hệ thống phụ quyền không chỉ tạo ra sự khác biệt giới tính mà còn chủ động kiểm soát cách những khác biệt đó được diễn giải để củng cố quyền lực. Chính sự linh hoạt trong cách định nghĩa này cho phép nó duy trì sự thống trị, ngay cả khi bối cảnh xã hội thay đổi.
Vậy nếu đàn ông có kinh nguyệt dựa trên hệ thống giả thuyết trên, điều gì sẽ xảy ra? Bà Steinem đã vẽ ra một “bản phác thảo” về thế giới đó như sau:
🩸Kinh nguyệt sẽ trở thành một điều nam tính, đáng tự hào và đáng ghen tị.
😎Đàn ông sẽ khoe khoang về số ngày và lượng máu họ mất mỗi kỳ kinh.
🎉Các cậu bé sẽ đánh dấu lần đầu có kinh như một nghi thức trưởng thành và tổ chức lễ kỷ niệm long trọng.
👨⚕️Quốc hội sẽ tài trợ cho Viện nghiên cứu Quốc gia để nghiên cứu chứng đau bụng kinh nhằm loại bỏ sự khó chịu hằng tháng của nam giới.
💵Băng vệ sinh sẽ được nhà nước trợ cấp miễn phí.
🎖️Các chính trị gia cánh hữu, quân nhân và những người theo chủ nghĩa tôn giáo cực đoan sẽ viện dẫn kinh nguyệt như bằng chứng cho thấy chỉ có đàn ông mới đủ điều kiện nhập ngũ (“Muốn đổ máu thì phải từng mất máu”), giữ chức vụ chính trị (“Làm sao phụ nữ có thể quyết đoán khi thiếu đi “chu kỳ kiên định của sao Hỏa”*?”), làm linh mục và mục sư (“Làm sao phụ nữ có thể dâng máu mình để chuộc tội?”) hoặc trở thành giáo sĩ Do Thái (“Không có sự thanh tẩy hằng tháng, phụ nữ mãi mãi không trong sạch”).
… (Bà đã vẽ ra rất nhiều viễn cảnh từ nhiều khía cạnh khác nhau của xã hội).
Và bà kết lại bài luận rằng: “Thực tế là, nếu đàn ông có kinh nguyệt, họ sẽ còn tiếp tục biện minh quyền lực của mình bằng điều đó mãi mãi, trừ khi phụ nữ không cho phép.” [3]
*Tạm dịch từ tuyển tập tiểu luận Outrageous Acts and Everyday Rebellions (Gloria Steinem).
GLORIA STEINEM LÀ AI MÀ CÓ THỂ “VẼ” RA MỘT THẾ GIỚI NHƯ VẬY?

Gloria Steinem là một nhà báo, nhà văn, nhà hoạt động chính trị và nhà nữ quyền. Bà là người đồng sáng lập tạp chí New York và tạp chí Ms., đồng thời là tác giả của nhiều cuốn sách nổi tiếng như The Truth Will Set You Free, But First It Will Piss You Off!; My Life on the Road; Moving Beyond Words; Revolution from Within và Outrageous Acts and Everyday Rebellions. Ở Ấn Độ, bà còn xuất bản cuốn As If Women Matter.
Suốt sự nghiệp của mình, Steinem đã góp phần xây dựng nhiều tổ chức vì quyền phụ nữ như National Women’s Political Caucus, Ms. Foundation for Women, Free to Be Foundation và Women’s Media Center tại Mỹ. Bà cũng tham gia sáng lập các tổ chức quốc tế như Equality Now, Donor Direct Action và Direct Impact Africa, giúp mở rộng phong trào nữ quyền trên phạm vi toàn cầu.
Những đóng góp không ngừng nghỉ của bà đã được ghi nhận bằng nhiều giải thưởng cao quý như Huân chương Tự do Tổng thống – vinh dự cao nhất dành cho một công dân Mỹ, Giải Tự do từ Bảo tàng Dân quyền Quốc gia, Giải thưởng Công chúa Asturias về Truyền thông và Nhân văn…
A BUNNY’S TALE – THỎ NHƯNG KHÔNG “NON”

Trước khi trở thành một biểu tượng của phong trào nữ quyền, Gloria Steinem là một nhà báo trẻ đầy tham vọng. Nhưng ở thời điểm những năm 1960, báo chí vẫn là một thế giới do nam giới thống trị và cơ hội cho một nữ phóng viên trẻ tuổi có được một bài viết gây tiếng vang không hề dễ dàng. Giữa bối cảnh đó, Steinem đã chọn một con đường đầy táo bạo: trở thành một “Bunny” – tiếp viên tại Câu lạc bộ Playboy, để viết phóng sự điều tra.
Quyết định này không phải là một lựa chọn ngẫu nhiên. Khi đó, Hugh Hefner và đế chế Playboy của ông ta không chỉ là một tạp chí khiêu dâm đơn thuần, mà còn được ca tụng như biểu tượng của “giải phóng tình dục”. Trong khi Hefner tuyên bố rằng Playboy cổ vũ sự tự do, thực tế tại các Câu lạc bộ Playboy lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Với sự nhạy bén của một nhà báo, Steinem nhận ra rằng cách tốt nhất để vạch trần sự thật là đặt chính mình vào trung tâm của nó. Và đó là cách A Bunny’s Tale ra đời.
Năm 1963, với cái tên giả Marie Catherine Ochs, Gloria Steinem bước vào thế giới của các Bunny – những cô phục vụ tại Câu lạc bộ Playboy Manhattan. Quảng cáo tuyển dụng mô tả đây là công việc thú vị, xa hoa, với mức lương từ 200 đến 300 USD/tuần – một con số hấp dẫn với nhiều phụ nữ trẻ thời bấy giờ. Nhưng thực tế mà Steinem trải nghiệm lại khác xa với những lời hứa hẹn ấy.
Trước khi chính thức làm việc, Steinem phải trải qua một quy trình xét nghiệm bệnh hoa liễu – một yêu cầu vô lý mà không khách hàng nam nào phải chịu. Sau khi được nhận, cô bị ràng buộc bởi những quy tắc ngặt nghèo: các Bunny chỉ được hẹn hò với những khách hàng sở hữu chìa khóa VIP, còn lại đều bị cấm. Nhưng đồng thời, họ cũng không được từ chối khách một cách “thô lỗ”. Họ phải duy trì vẻ ngoài hoàn hảo đến mức cực đoan – ngay cả phần đuôi thỏ trên đồng phục cũng không được phép lấm bẩn.
Điều kiện làm việc tại Playboy Club không chỉ khắc nghiệt mà còn bóc lột. Mức lương thực tế thấp hơn nhiều so với quảng cáo. Các Bunny phải tự trả tiền bảo trì đồng phục, mua lông mi giả – một phụ kiện bắt buộc và chỉ nhận được một phần nhỏ tiền boa, khi Câu lạc bộ giữ lại 50% khoản tips đầu tiên từ hóa đơn của khách. Công việc này cũng để lại những hệ lụy về sức khỏe: bộ đồ bó sát khiến họ khó thở, giày cao gót làm chân sưng tấy và phồng rộp, những vị khách say xỉn liên tục quấy rối họ.
Trong bài viết, Steinem mô tả một đêm khi có khoảng 2.000 khách ra vào Câu lạc bộ, nhưng chỉ có khoảng mười người trong số đó “nhìn chúng tôi như thể chúng tôi là con người”. Câu nói ấy đã lột tả chính xác nhất bản chất của công việc này – nơi phụ nữ bị biến thành món đồ trang trí xa hoa trong một cuộc chơi do đàn ông chi phối.
Khi A Bunny’s Tale được xuất bản trên tạp chí SHOW vào tháng 5 và tháng 6 năm 1963, nó nhanh chóng thu hút sự chú ý. Đây là một trong những phóng sự đầu tiên vạch trần mặt trái của Playboy – nơi tự nhận là “giải phóng phụ nữ”, nhưng thực tế lại là một môi trường bóc lột và kiểm soát phụ nữ đến từng chi tiết nhỏ nhất.
Hefner ngay lập tức phản ứng, tuyên bố rằng Playboy luôn đứng về phía phong trào nữ quyền. Ông ta còn khẳng định số lượng đơn xin việc tại Playboy Club tăng lên sau khi bài báo của Steinem được xuất bản. Tuy nhiên, một thay đổi quan trọng đã diễn ra: Playboy buộc phải chấm dứt việc bắt buộc các Bunny xét nghiệm phụ khoa – một trong những điểm mà Steinem đã chỉ trích.
Về phía Steinem, A Bunny’s Tale giúp bà khẳng định vị thế của một nhà báo sắc sảo nhưng đồng thời cũng để lại những hệ lụy. Bà từng chia sẻ rằng trong nhiều năm sau đó, bà hối hận vì bài viết này, bởi nó khiến bà liên tục nhận được những lời mời làm những phóng sự mang tính “giật gân” khác như đóng giả vũ nữ thoát y hay gái mại dâm để viết bài. Những bức ảnh bà mặc đồng phục Bunny cũng trở thành một bóng ma ám ảnh, bị sử dụng để chế giễu bà, làm giảm đi sự nghiêm túc của những đóng góp sau này.
Dù vậy, theo thời gian, Steinem nhìn nhận lại và nhận ra rằng A Bunny’s Tale đã làm được điều cần thiết: vạch trần cách mà xã hội biến phụ nữ thành công cụ phục vụ nam giới dưới lớp vỏ bọc của “giải phóng tình dục”. Bài viết này không chỉ là một tác phẩm báo chí điều tra xuất sắc mà còn là một trong những bước ngoặt quan trọng đưa Gloria Steinem trở thành một trong những nhà hoạt động nữ quyền hàng đầu của thế kỷ XX.
“HOÁN ĐỔI GIỚI TÍNH” ĐỂ GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ GÌ?

Quay lại với “bản phác thảo” nếu đàn ông có kinh nguyệt của bà Steinem, khi mới đọc qua bài tiểu luận giả tưởng ấy, chúng ta đều có thể đặt ra câu hỏi liệu cách hoán đổi giới tính của bà có thực sự là một phương pháp hiệu quả để giải quyết tận gốc vấn đề hay không? Nó lật đổ được định kiến gì không hay chỉ làm nổi bật bất công? Thay vì trực tiếp chỉ ra những khó khăn mà phụ nữ gặp phải khi có kinh nguyệt, Steinem lại đặt trọng tâm vào cách đàn ông sẽ hưởng lợi nếu họ có đặc điểm này. Điều này có thể khiến vấn đề bị xê dịch khỏi trọng tâm ban đầu: phụ nữ thực sự cần được nhìn nhận về những trải nghiệm của họ, thay vì chỉ so sánh với nam giới để nhấn mạnh bất công. Việc đặt đàn ông vào vị trí của người có kinh nguyệt giúp làm nổi bật sự phi lý của hệ thống định kiến giới, nhưng nó chưa thực sự xóa bỏ gốc rễ của vấn đề – phụ nữ vẫn đang chịu đựng sự kỳ thị và sự kỳ thị đó cần phải được giải quyết theo hướng trực tiếp.
Tuy nhiên, lập luận của bà không dựa trên sự so đo giữa phụ nữ và đàn ông mà dựa trên giả thiết rằng những gì thuộc về nhóm có quyền lực sẽ luôn được coi là giá trị, trong khi những gì gắn với nhóm yếu thế thì dễ bị xem nhẹ hoặc thậm chí bị khinh miệt. Điều này phản ánh một thực tế quan trọng: vấn đề không nằm ở bản thân kì kinh nguyệt, mà nằm ở cách xã hội gán giá trị cho nó dựa trên hệ thống phụ quyền. Khi Steinem giả định đàn ông có kinh nguyệt, bà cho thấy định kiến không đến từ đặc điểm sinh học, mà đến từ sự chi phối của nam giới trong việc quyết định điều gì được tôn vinh, điều gì bị coi thường.
Đặt bài luận của Steinem vào bối cảnh những năm 1970, khi phương tiện truyền thông đại chúng còn hạn chế, thông tin về sức khỏe sinh sản của phụ nữ không phổ biến và kinh nguyệt vẫn là một chủ đề cấm kỵ, phụ nữ không chỉ xấu hổ về kỳ kinh nguyệt của mình mà còn không có đủ sự hỗ trợ từ xã hội.
Trong bối cảnh ấy, bài luận của Steinem có thể được xem như một tuyên ngôn mạnh mẽ, giúp phụ nữ nhận ra rằng kì kinh nguyệt không phải là một điều đáng xấu hổ, mà chỉ là một phần tự nhiên của cơ thể. Nó giúp họ có cái nhìn khách quan hơn về chính mình và gián tiếp khẳng định rằng sự kỳ thị đến từ những quy tắc do xã hội áp đặt chứ không phải từ bản thân chu kỳ kinh nguyệt. Đây là một bước tiến quan trọng trong việc phá bỏ định kiến và thúc đẩy phụ nữ tự tin hơn về cơ thể của mình.
Trích dẫn:
[1] https://www.journals.uchicago.edu/doi/abs/10.1086/494680
[3] https://www.tandfonline.com/doi/full/10.1080/23293691.2019.1619050
Ref:
- http://www.gloriasteinem.com/about
- https://www.history.com/this-day-in-history/gloria-steinem-publishes-a-bunnys-tale-show-magazine
- https://www.theguardian.com/commentisfree/2013/may/26/gloria-steinem-bunny-tale-still-relevant-today
Giải thích: *Chu kỳ kiên định của sao Hỏa: Trong chiêm tinh học và thần thoại, Sao Hỏa (Mars) thường gắn liền với chiến tranh, sức mạnh, sự hiếu chiến và “năng lượng nam tính”. Đây cũng là nguồn gốc tên gọi của vị thần chiến tranh La Mã, Mars. Hình tượng này đã được sử dụng để củng cố định kiến rằng nam giới có bản chất mạnh mẽ, hiếu chiến hơn phụ nữ. Cách sử dụng hình tượng này là một sự mỉa mai khá sâu cay của Steinem về định kiến giới áp lên phụ nữ, họ thường bị cho là “thiếu ổn định cảm xúc” do chu kỳ kinh nguyệt, dẫn đến những áp đặt rằng họ không phù hợp với các vai trò lãnh đạo hoặc các vị trí cần sự quyết đoán. Nhưng với đàn ông, nó có thể củng cố thêm cho quan niệm rằng đàn ông có một “chu kỳ” ổn định (ám chỉ chu kỳ nội tiết hoặc cảm xúc) giúp họ duy trì tính hiếu chiến và quyết đoán.