Khi nói đến “nữ quyền”, người ta liền nghĩ đến những phụ nữ Tây phương, những hành động “nổi loạn” và khẩu hiệu “ồn ào”. Đầu thế kỷ XX, ngay cả những phụ nữ châu Á hoạt động chính trị và xã hội tích cực cũng không tự nhận bản thân là “nhà nữ quyền” vì cách hiểu tiêu cực này, và đúng như vậy, nam giới châu Á cũng thường xuyên “kết tội” những người phụ nữ bày tỏ chính kiến là “đua đòi theo Tây” [1], mà tại Việt Nam ngày xưa còn gọi là “muốn làm đầm” (tức muốn giống phụ nữ Pháp, các “bà đầm”).
Một mặt khác, đầu thế kỷ XX, khi phong trào giải phóng dân tộc đang sôi sục tại các nước đã và đang trải qua bạo lực thực dân, phụ nữ da màu khắp thế giới cũng đứng lên, vai kề vai cùng nam giới da màu chống lại thực dân, đế quốc và xây dựng hòa bình. Phụ nữ da màu đã tham gia đời sống chính trị và xã hội đầy nhiệt huyết, tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng họ không có ý niệm về “nữ quyền”, cũng không có nhận thức về giới/bình đẳng giới, mà chỉ đơn thuần tham gia dưới sự điều phối và vận động của những lãnh đạo nam của phong trào giải phóng dân tộc. Liệu điều này có đúng hay không?
Sinh năm 1907, chỉ ba năm trước khi Nhật Bản chính thức chiếm đóng Triều Tiên, cuộc đời của bà Pak Chong-ae có lẽ sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn vị thế của những phụ nữ đã “một tay” phản đế, phản chiến, chống lại chế độ phụ quyền lẫn xây dựng hòa bình [2]. Câu chuyện của bà cho thấy điều ngược lại: tuy có thể không tự xưng là “nhà nữ quyền” vì những miệt thị từ xã hội trọng nam khinh nữ, nhưng tư tưởng “chị em” có tồn tại, ngay cả trong lòng phong trào giải phóng dân tộc, hay các cuộc đình công phản đế. Đâu chỉ tồn tại, thực hành “hội chị em” còn cực kỳ đa dạng, dịch chuyển toàn cầu, kết nối chị em xuyên biên giới quốc gia và vùng lãnh thổ mà không hề phụ thuộc vào ý chí, lý thuyết, đảng phái của các nam lãnh đạo, trong cả những thời khắc đen tối nhất của lịch sử.
“Ba chìm bảy nổi” một mặt cho thấy nhất tính linh hoạt, không có chỉ huy hay người dẫn đầu cố định, không giáo điều bám víu vào lý tưởng chính trị nhất định nào, thoắt ẩn thoắt hiện để đảm bảo an toàn, nhưng mặt khác có lẽ cũng là mô tả “số phận” của các nhóm phụ nữ hoạt động chính trị trong xã hội nam quyền: không chỉ bị vây bắt bởi chính quyền đế quốc, độc tài mà còn bị kiểm soát bởi chính chế độ phụ quyền trong xã hội nước nhà.
👉 Mời bạn cùng khám phá và suy ngẫm qua bài viết này về bà Pak Chong-ae và những cộng sự của bà nhé.
PHỤ NỮ PHẢN ĐẾ: VẬN ĐỘNG CÔNG NHÂN & NÔNG DÂN CHỐNG “CỖ MÁY CHIẾN TRANH” NHẬT BẢN

Tài liệu chính thức đầu tiên về bà Pak Chong-ae đến từ kho lưu trữ của Quốc tế Cộng sản, trong đó bà lấy tên là Vera Tsoi. Nhà sử học Andrei Lankov cho biết bà đã theo học và tốt nghiệp một trường sư phạm tại Voroshilov (hiện nay là Ussuriisk), sau đó bà đến Moscow để tiếp tục việc học. Cũng tại Moscow, bà đã gặp ông Kim Yong-bom, người sau này trở thành bí thư đầu tiên của Đảng Lao động Triều Tiên sau giải phóng.
Từ năm 1925, Nhật Bản áp dụng bộ luật “Duy trì Hòa bình” để viện cớ đàn áp những người Triều Tiên chống đối chính quyền đô hộ, đặc biệt là những phong trào cánh tả. Sự giám sát và thống trị ngày càng tàn bạo hơn khi Nhật Bản tăng cường quân sự hóa vào năm 1930 và xâm lược Mãn Châu vào năm 1931. Để phục vụ cho tham vọng chiến tranh của Nhật, Bình Nhưỡng và khu vực phía Bắc Triều Tiên nói chung đã bị biến thành công xưởng khổng lồ chuyên sản xuất áo giáp.
Mặc dù hồ sơ của bà Pak Chong-ae không được tìm thấy do tính chất hoạt động bí mật, hồ sơ của ông Kim cho biết bà là thành viên Đoàn Thanh niên Cộng sản từ năm 1924 và thành viên Đảng Bolshevik từ 1931, thông thạo cả tiếng Nga và tiếng Triều. Trong thời gian ở Liên Xô, bà vẫn hoạt động tích cực, cùng 30 đồng đội, để vận động công nhân thành lập công đoàn. Bắc Triều Tiên bấy giờ sôi sục với vô số cuộc đình công của công nhân lẫn biểu tình của nông dân chống lại vương triều đế quốc Nhật Bản.
Năm 1932, bà Pak Chong-ae và ông Kim Yong-bom giả dạng thành một cặp vợ chồng và quay trở về Triều Tiên. Sau này, ông bà đã cưới nhau thật. Cưới chưa được bao lâu, năm 1935, bà Pak bị cảnh sát thực dân bắt. Vì không có đủ chứng cứ kết tội, cảnh sát buộc phải thả bà sau vài tháng giam giữ. Năm 1936 đến sau giải phóng năm 1945, bà buộc phải sống ẩn dật – tuy không có nhiều căn cứ cho biết bà đã đi đâu, nhiều nhà sử học phỏng đoán bà có thể đã trốn tại Trung Quốc.
Nhà sử học Kim Suzy nhận xét, ngay cả trong nhóm cộng sản hay nhóm nông dân bấy giờ cũng có nhiều bè phái, chia theo nhiều trường phái và tư tưởng khác nhau, tuy nhiên có lẽ do tiếp nhận giáo dục và hoạt động trong đa dạng bối cảnh, bà Pak không bị ràng buộc bởi những chia rẽ về trường phái và tư tưởng đó.
1945 – 1950: PHỤ NỮ NAM & BẮC TRIỀU VẪN CHUNG MỘT NHÀ

Năm 1945, Nhật Bản đầu hàng và Triều Tiên trở thành quốc gia độc lập. Bà Pak Chong-ae là thành viên nữ duy nhất trong Bộ Chính trị, bấy giờ có tổng cộng 17 người, của Đảng Lao động Bắc Triều Tiên, và đồng thời là chủ tịch Hội Phụ nữ Dân chủ Bắc Triều Tiên (Pukchosŏn minju nyŏsŏng tongmaeng).
Trong số các tổ chức đoàn thể, phụ nữ là nhóm đầu tiên thành lập được Hội của mình vào ngày 18/11/1945. Đến tháng 5/1946, Hội Phụ nữ tổ chức Đại hội toàn quốc lần đầu tiên với 800 nghìn thành viên và chi nhánh tại 12 thành phố, 98 quận và 616 thôn. Chỉ sau hơn một năm, thành viên của Hội đã tăng lên gấp đôi (1.5 triệu thành viên), trong đó 73% là phụ nữ nông dân. Việc học chữ và giáo dục trở thành nội dung quan trọng trong hoạt động của Hội thời kỳ đầu. Tờ báo chính thức của hội, mang tên “Phụ nữ Triều Tiên”, thường xuyên đưa tin về đời sống và công cuộc đấu tranh của phụ nữ khắp thế giới.
Trong khi đó tại Nam Triều Tiên, vào tháng 12/1945, một đại hội phụ nữ khác cũng đã diễn ra với 500 đại diện từ 194 hội nhóm hoạt động vì quyền phụ nữ, cùng sự chứng kiến của hàng nghìn khách mời và quan sát viên. Sau đại hội, một liên minh đã được thành lập: Đồng minh Phụ nữ Triều Tiên (Chosŏn punyŏ ch’ong tongmaeng). Như một cách bày tỏ niềm kính trọng với bà Pak, liên minh này đã chọn bà làm chủ tịch danh dự mặc dù bà không có mặt tại đại hội. Liên minh đã vận động cho quyền phụ nữ bằng cách xóa bỏ những “tàn dư phong kiến”, đảm bảo khả năng đọc-viết và độc lập kinh tế cho phụ nữ.
Đáng tiếc thay, đối mặt với sự đàn áp ngày càng lớn từ chính phủ Nam Triều Tiên dưới quyền của Mỹ bấy giờ, những người phụ nữ được bầu làm chủ tịch Liên minh tại Nam Triều Tiên – bà Yu Yong-jun và bà Chong Chil-song – đã chuyển đến sinh sống tại Bắc Triều Tiên trong giai đoạn 1947 – 1948. Cả hai bà đều từng học tập tại Trung Quốc và Nhật Bản, và từng cùng thành lập hội phụ nữ mang tên Kunuhoe vào năm 1920.
1950 – 1953: PHỤ NỮ THẾ GIỚI VÌ HÒA BÌNH & DÂN CHỦ

Tuy không để lại cho chúng ta bất kỳ lý luận hay tư tưởng hàn lâm nào, sự hiện diện của bà Pak Chong-ae trong các xuất bản giai đoạn 1945 – 1965 là rất lớn, dưới bút danh Pak Den Ai và hoạt động sôi nổi trên trường quốc tế. Đầu năm 1951, chưa đầy một năm sau khi chiến tranh Triều Tiên nổ ra, bà Pak Chong-ae cùng bà Ho Chong-suk (lúc bấy giờ là Bộ trưởng Bộ Văn hóa Bắc Triều Tiên) đã mời Liên đoàn Phụ nữ Dân chủ Quốc tế đến Triều Tiên để điều tra và công bố những tác động của chiến tranh đối với người dân Bắc Triều.
Trong lời mời của mình, đặc biệt đến với phụ nữ nước Mỹ, bà Ho Chung-suk đã nói: “Các bằng hữu người Mỹ! Các bạn phải biết những tội ác đang được thực hiện bởi chính con trai và chồng của các bạn tại Triều Tiên. Họ chẳng thể thoát khỏi trách nhiệm giết chóc những người hoàn toàn vô tội đâu. Cũng đừng nghĩ rằng các bạn sẽ được tha, rằng New York và những thành phố khác tại Mỹ sẽ không bao giờ phải gánh chịu sai lầm tương tự như những sai lầm mà thành phố và làng mạc của chúng tôi đang gánh chịu. Hãy đấu tranh mạnh mẽ hơn để con trai và chồng của bạn không bị gửi đến Triều Tiên!”
Đáp lại lời kêu gọi đó, Liên đoàn Phụ nữ Dân chủ Quốc tế đã cử một hội đồng gồm 21 phụ nữ đến Triều Tiên để cùng thực hiện báo cáo. Hội đồng được chủ trì bởi bà Nora K. Rodd (người Canada) và những phó chủ trì là bà Liu Chin-yang (người Trung Quốc, quản trị viên), Ida Bachmann (người Đan Mạch; thủ thư). Thư ký hội đồng gồm có bà Miluse Svatosova (người Czechoslovakia), bà Trees Soenito-Heyligers (người Hà Lan; luật sư). Còn lại là các thành viên hội đồng, đến từ Anh, Liên Xô, Trung Quốc, Pháp, Ý, Áo, Đông Đức, Tây Đức, Bỉ, Cuba, Argentina, Tunisia, Algeria và cả một đại diện từ Việt Nam, bà Lí Thị Quế.
Tháng 5/1951, Liên đoàn đã công bố báo cáo với tên gọi “Chúng tôi buộc tội!” (We accuse!) bằng 5 ngôn ngữ: tiếng Anh, Pháp, Nga, Trung và Triều. Báo cáo đã đưa ra nhiều bằng chứng và kết luận rằng tội ác chiến tranh đã xảy ra tại Bắc Triều Tiên, vi phạm Công ước Hague và Geneva – “cuộc chiến này chính là một cuộc chiến chống lại sự sống.” E ngại áp lực từ công luận, Mỹ cáo buộc báo cáo là chiến lược tuyên truyền của phe cộng sản. Bà Monica Felton, thành viên hội đồng báo cáo, đã trả lời rằng: “Việc chúng tôi chưa thể điều tra tình hình tại Nam Triều Tiên sẽ không, và cũng không thể, bác bỏ sự thật mà chúng tôi đã tự nhìn thấy tại miền Bắc.”
Bên cạnh báo cáo này, bà Pak Chong-ae cũng hoạt động sôi nổi trên trường quốc tế tại các hội nghị, tổ chức về quyền phụ nữ và hòa bình liên quốc gia khác như Hội đồng Hòa bình Thế giới (World Peace Council) và Đại hội Các bà mẹ Thế giới (World Congress of Mothers).
LỜI KẾT: BA CHÌM, BẢY NỔI, CHÍN LÊNH ĐÊNH

Đáng buồn thay, từ năm 1965, bà Pak Chong-ae không còn xuất hiện nhiều hay hoạt động sôi nổi nữa. Nhiều nhà sử học cho rằng bà có thể đã bị thanh trừng sau khi Kim Nhật Thành muốn củng cố quyền lực và thắt chặt hệ thống hơn. Cùng với sự vắng mặt của bà, ban biên tập tờ Phụ nữ Triều Tiên cũng dần bị thay thế.
Một số nguồn cho thấy bà đã bị giáng chức từ cuối những năm 1960 và thuyên chuyển về làm tại Bộ Nông nghiệp, rồi Bộ Thương mại. Có những lời đồn đoán rằng cuối cùng bà bị chuyển về làm quản lý một nhà máy tại ngoại ô tỉnh Bình An Bắc.
Chúng ta có thể thấy, trong suốt thời gian hoạt động, tầm nhìn nữ quyền của bà Pak Chong-ae đầy tính giao thoa và nhiều lớp lang, không thể bị dán nhãn đơn giản theo hệ nhị nguyên đối lập như xã hội chủ nghĩa (độc tài, Liên Xô) hoặc tư bản chủ nghĩa (dân chủ, Mỹ). Có lẽ, mong muốn của bà, cũng như tất cả những chị em đã hoạt động không ngơi nghỉ, là một tương lai bao trùm, sâu sắc và tinh tế hơn nhiều các hệ nhị nguyên và đảng phái tư tưởng vốn nặng tính nam, muốn sử dụng xung đột và chia rẽ để vận hành.
Vì kết quả không hề khả quan mà bà Pak và nhiều chị em Bắc Triều Tiên cuối cùng phải đón nhận, nhiều nhà sử học cho rằng bấy lâu nay họ đã bị “lợi dụng” bởi những lãnh đạo nam: tận dụng sức lao động, sự đóng góp và tính chính danh của phụ nữ để đạt được quyền lực, để rồi mãi mãi bỏ ngỏ việc giải phóng phụ nữ và rồi bóp nghẹt hoạt động của Hội. Ấy vậy, những hoạt động của bà Pak cùng các cộng sự không hề cho thấy họ đã phụ thuộc vào nam lãnh đạo, mà cho thấy sự độc lập trong hành động lẫn mục tiêu bình đẳng giới, tính giới trong chính trị rất rõ rệt. Và có lẽ, chính vì những mối liên kết hội chị em mạnh mẽ như thế, mà các nhà lãnh đạo nam đã “trừng phạt” bà trước khi những nhận thức và hành động chính trị mạnh mẽ hơn được ra đời.
Các độc giả của VOGE thì nghĩ như thế nào? Hãy cùng bình luận cảm nhận của bạn sau khi đọc về cuộc đời của bà Pak Chong-ae cho chúng mình biết nhé.
Nguồn tham khảo:
[1] Women’s Movements in Asia: Feminisms & Transnational Activism (Mina Roces & Louise Edwards, 2010)
Tất cả thông tin về bà Pak Chong-ae cũng như những mạng lưới và cộng sự của bà được chúng mình tổng hợp và dịch từ cuốn “Among Women across Worlds: North Korea in the Global Cold War” (Suzy Kim, 2023)