BELL HOOKS: BIẾT CHẤT VẤN VÀ BIẾT YÊU ĐỂ BIẾT ĐẤU TRANH CHO CÔNG BẰNG XÃ HỘI

SERIES MẢNH GHÉP NỮ QUYỀN CHÍNH THỨC LÊN SÓNG, VỚI NHÂN VẬT ĐẦU TIÊN LÀ bell hooks!

Trong cao trào của làn sóng nữ quyền thứ hai ở Mỹ, những nhà nữ quyền da trắng, thượng/trung lưu đã “chiếm sóng” phong trào, biến nhu cầu của họ trở thành nhu cầu chung. Họ đã định hướng cách phản kháng và lề hóa những chủ thể khác như phụ nữ da trắng lao động, phụ nữ da màu, phụ nữ chuyển giới, v.v. Chính vì thế khi tham gia phong trào vào thời điểm đó, bell hooks, tên thật là Gloria Jean Watkins (1952 – 2021), đã không tìm thấy không gian dành cho bản thân bà, một phụ nữ da màu bị áp bức bởi chế độ gia trưởng lẫn chủ nghĩa thượng tôn da trắng.

Đây không phải sự giải phóng mà bell hooks muốn hướng tới. Bà đã chất vấn sự loại trừ (trải nghiệm của các nhóm bị áp bức), cũng như kêu gọi một mục tiêu mới hướng đến sự tự do cho tất cả mọi người, chấm dứt mọi hình thức phân biệt, áp bức và bóc lột trong phong trào nữ quyền chính thống lúc bấy giờ. 

bell hooks, người đã tự chọn cho mình cái tên này và viết thường, với mong muốn mọi người có thể tập trung sự chú ý vào những ý tưởng quan trọng trong tác phẩm của bà, thay vì bản sắc của bà như một cá nhân riêng biệt. Và để làm điều đó, bà cũng miệt mài tìm cách truyền đạt các ý tưởng đơn giản, dễ hiểu hơn, thoát khỏi môi trường hàn lâm, vượt qua bức tường học thức (một đặc quyền kinh tế, giới tính, chủng tộc) để “gõ cửa từng nhà” và kể cho họ nghe những gì mà bà suy nghĩ về nữ quyền và công lý xã hội. 

“bell hooks luôn cố gắng tìm ra cách để diễn đạt phong trào nữ quyền, chính trị nữ quyền theo quan điểm của bà với tư cách là một phụ nữ da màu, và điều đó định hình cách thức tổ chức tác phẩm của bà, những câu hỏi mà bà đặt ra, những cuộc tranh luận mà bà tham gia.” – Soyica Colbert [1] 

Việc định vị danh tính của mình và kết hợp nó vào một cuộc đấu tranh lớn hơn đã làm bell hooks trở nên thật ấn tượng đối với những ai quan tâm đến lý thuyết nữ quyền, đặc biệt là nữ quyền da màu. 

Tuy nhiên, việc thừa nhận danh tính và trải nghiệm gắn với nó cũng khiến bà bị giới hạn khi nói về sự áp bức liên tầng và bị che đậy dưới nhiều hình thái phức tạp khác. Suy cho cùng, bell hooks vẫn là một nhà nữ quyền phương Tây, bà vẫn sẽ có trải nghiệm sống khác xa những con người sống ở xã hội chịu đựng sự thống trị của chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa đế quốc. Hay đơn giản, ngay cả ở tại nước Mỹ, hooks cũng không đề cập đến sự hiện diện của nhóm người Mỹ bản địa bị thực dân da trắng chiếm đất, diệt chủng và trục xuất khỏi mảnh đất của họ. 

Trải nghiệm cá nhân của hooks với tư cách một người phụ nữ da màu đã chi phối rất nhiều quan điểm của bà. Điều này khiến bà bỏ qua không ít những điểm nhìn khác. Phân biệt giới tính, chủng tộc, và giai cấp, không phải là những hình thái duy nhất của sự phân biệt và cách nó hoạt động sẽ phụ thuộc vào từng địa phương. Chính bell hooks cũng nhận ra điều đó về chế độ gia trưởng trong các tác phẩm của bà. 

Dù vậy, đây không phải là sự phản kháng của riêng bell hooks. 

“Nữ quyền cho tất cả mọi người”, bà kêu gọi sự tham gia của vô số người sống ở vô số cuộc đời mà bà chưa thể hiểu hết, chỉ cần họ có mong muốn chấm dứt sự thống trị dưới bất kỳ hình thức nào. Bà khuyến khích nhìn vào mục tiêu chung để có thể đoàn kết mọi người lại với nhau thay vì nhìn chỉ chủ nghĩa nữ quyền qua lăng kính hậu thuộc địa, điều này sẽ khiến nỗ lực đấu tranh của các nhà nữ quyền cấp tiến phương Tây trở thành vô nghĩa. Chúng ta có thể tiếp tục chất vấn bản thân, chất vất lẫn nhau, chất vấn xã hội. Nhưng mục đích của việc chất vấn là sửa đổi để cùng nhau tiến bộ thay vì phê phán, là thúc đẩy nhau kiên cường thay vì làm suy yếu nỗ lực và ý chí của cá nhân cũng như tập thể. Như bell hooks từng nói rằng: 

“Tình đoàn kết của chúng ta phải được khẳng định bằng niềm tin chung vào tinh thần cởi mở trí tuệ nhằm tôn vinh sự đa dạng, hoan nghênh những chính kiến bất đồng ​​và hân hoan vì những cống hiến tập thể cho sự thật.” – bell hooks (1994) [2] 

Từ tự vấn bản thân đến chất vấn xã hội

Sinh ra và lớn lên ở tiểu bang Kentucky miền Nam nước Mỹ, nơi mà cộng đồng người da màu phải đối mặt với sự phân biệt chủng tộc sâu sắc, hooks từ sớm đã tìm kiếm sự giải thoát khỏi sự áp bức xã hội thông qua văn học và viết lách. Bà yêu thích thơ của Emily Dickinson, Langston Hughes, Gwendolyn Brooks và Elizabeth Barrett Browning. Ở trường trung học, hooks cũng lấy cảm hứng từ tuyển tập The Black Woman năm 1970 của Toni Cade Bambara, trong đó có các câu chuyện, bài luận và thơ của một nhóm nhà văn nữ da màu mới nổi khi đó bao gồm Alice Walker và Nikki Giovanni. Điểm chung của họ là góc nhìn mới mẻ về vấn đề chủng tộc, giới tính, chính trị, hình ảnh cơ thể và vô số chủ đề khác vào thời điểm mà chủ nghĩa nữ quyền vẫn chưa được nhìn nhận (bởi những người đàn ông da màu) là một phần của phong trào dân quyền. Những tư tưởng này đã dẫn dắt và nuôi dưỡng ra bell hooks. 

Bà tham gia vào con đường học thuật, nghiên cứu chính thống và góp phần mở ra không gian thảo luận cho các vấn đề trước giờ không được (phép) nhắc đến ở môi trường học thuật, đó là lịch sử và trải nghiệm bị áp bức của phụ nữ da màu, là tình yêu giữa người với người trong đấu tranh xã hội, … thông qua việc viết và xuất bản nhiều sách, tập thơ. Những tác phẩm tiêu biểu của hooks được thảo luận sôi nổi có thể kể đến Ain’t IA Woman: Black Women and Feminism, Feminist Theory: From Margin to Center, All About Love: New Visions, Talking Back: Thinking Feminist, Thinking Black, tập thơ And There We Wept, When Angels Speak of Love

Những suy ngẫm và chất vấn của bell hooks không xuất hiện ngẫu nhiên, chúng là kết quả của mỗi trải nghiệm mà bell hooks phải đối mặt. Đó là trải nghiệm với bạo lực, với sự phân biệt khi là một người phụ nữ da màu sống trong xã hội nước Mỹ. Đó cũng là trải nghiệm với tình yêu mà bà đánh mất, bị tước đoạt, nhận được và trao đi suốt quãng đời.

Tự vấn về bản thân là cách mà bell hooks chọn để đối diện với mọi thứ, từ những điều quý giá đến những thứ để lại sang chấn. Khác với người thân của bà, những người rất kháng cự việc nói ra về cuộc đời mình vì nó là điều riêng tư, bell hooks cho rằng việc thảo luận những điều đó công khai là một vấn đề chính trị. Vì việc thảo luận như thế góp phần chữa lành những sang chấn được gây ra bởi sự phân biệt chủng tộc, sự lề hóa, sự phân biệt giới tính và những bất công xã hội. Việc nói về trải nghiệm của một cá nhân có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự tự vấn trong cuộc sống hàng ngày, giúp họ nhìn nhận một cách có ý thức vào địa vị xã hội, nguồn gốc và lịch sử của chính họ. 

Và bà đã thực hành điều đó suốt cuộc đời hoạt động nữ quyền. 

Kí ức về sự phản kháng đầu tiên trong đời 

Là một người phụ nữ da màu trong xã hội Mỹ, bell hooks đã có những trải nghiệm bị phân biệt đối xử và lề hóa thường xuyên. Khi viết “Talking Back: Thinking Feminist, Thinking Black”, bell hooks kể rằng việc “phản bác” (“back talk” hoặc “talking back”), trong cộng đồng người da màu ở miền Nam nước Mỹ, đồng nghĩa với việc nói chuyện ngang hàng với những nhân vật có thẩm quyền. Nó giống như khi người ta dám phản đối một điều gì đó, hoặc đơn giản chỉ là họ dám có chính kiến. Và điều này không được phép xảy ra. Tổ tiên, ông bà, cha mẹ của bell hooks đều được dạy rằng họ phải hành xử đúng đắn bằng cách im lặng và lắng nghe thay vì lên tiếng bày tỏ suy nghĩ. Họ sẽ bị trừng phạt nếu họ dám làm ngược lại những điều đó. 

Chỉ bằng một cụm từ “talking back”, bell hooks đã kể với chúng ta về sự tồn tại của hệ thống thượng tôn da trắng, phân biệt, bóc lột và đàn áp người da màu kéo dài hơn hai thế kỷ. Nó phản ánh lịch sử của ông bà, cha mẹ bell hooks, những người sinh ra và lớn lên trong một xã hội mà họ buộc phải im lặng, làm theo và không được phép phản bác lại với những người có quyền lực hơn họ. Cái giá phải trả nếu họ làm trái lại những “nguyên tắc” của xã hội là sự trừng phạt, thường là bằng các hình thức bạo lực.    

Những người da màu sống ở miền Nam nước Mỹ, hoặc ít nhất là những người thân của bà, đều chịu chung một số phận bị tước đoạt tiếng nói của chính mình trong một hệ thống phân biệt chủng tộc. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa tiếng nói của họ sẽ được lắng nghe và ngang hàng với nhau trong chính cộng đồng người da màu. Quyền được lên tiếng vẫn giới hạn ở những người có quyền lực, thường là người đàn ông có tiếng nói hơn trong cộng đồng hay dòng họ của anh ta.

Lần này, bà đang kể cho chúng ta nghe một dạng thức khác của sự phân biệt, chế độ gia trưởng. Nhưng khác với sự im lặng hay được hiểu như sự khuất phục trước chế độ gia trưởng, trước những người có quyền lực trong một không gian riêng tư hơn, họ không im lặng như thế. Họ vẫn nói, nhưng những lời ra lệnh, đe dọa, làm ầm ĩ (đó là cách bell hooks miêu tả tiếng nói của phụ nữ da màu) là những lời nói không được lắng nghe, không được thừa nhận rằng đó là những lời nói có ý nghĩa trong cộng đồng của bà. Đàn ông thì khác. Bà ấn tượng rằng lời nói của những người đàn ông da màu dẫu sao vẫn có giá trị, cần được lắng nghe, thậm chí phải ghi nhớ, vì những nhà thuyết giáo trong các nhà thờ nơi bà sinh sống đều là đàn ông.  

Mọi tiếng nói xung quanh bà đều là tiếng nói một chiều, cho đến khi bà biết được hóa ra người ta có thể chia sẻ và công nhận lẫn nhau. Đó là khi bà biết đến cuộc nói chuyện của những người phụ nữ da màu, mẹ bà nói chuyện với mẹ, với các chị em gái, và những người bạn là phụ nữ. Bà nhớ về cách mà giọng nói của họ chỉ chứa đựng sự thân mật, sự hài lòng và cả niềm vui. Nếu đó có là những lời ầm ĩ hay ra lệnh, thì đối với hooks, nó vẫn là thứ ngôn ngữ phong phú và đầy chất thơ, đến nỗi bà sẽ cảm thấy bị tách rời và bóp nghẹt đến chết nếu không được tham gia những cuộc hội thoại đó. 

Chính trong không gian mà phụ nữ nói chuyện với nhau, nơi mà đàn ông thường im lặng hoặc vắng mặt, đã đánh thức trong bà một khao khát được nói và được có tiếng nói. Để có tiếng nói riêng, bà bắt đầu từ việc tham gia vào các cuộc đối thoại đó, đặt câu hỏi và không ngừng phát biểu, cho đến viết nhật ký để lưu giữ những lời nói hay suy nghĩ mà bà không thể hiện được chỉ qua việc nói, bất chấp những đòn roi và lời mắng nhiếc mà bà nhận được sau đó. Và đó là cách đầu tiên mà bé gái bell hooks đã thách thức lại tư duy gia trưởng trong không gian gia đình. 

Quyền được lên tiếng và không bị từ chối khi lên tiếng trở thành nhu cầu bức thiết trong giai đoạn đầu đời của bell hooks. Tưởng chừng như nó đã được đáp ứng khi bà tham gia vào phong trào nữ quyền ở Mỹ, nhưng một lần nữa bà phải đối mặt với thực tế rằng tiếng nói của những người phụ nữ da màu bị phớt lờ bởi chính những nhà nữ quyền trung lưu da trắng. Bà vẫn nhớ những khi bà ghé các hiệu sách và nhận thấy số sách viết về phụ nữ da màu xuất hiện ít ỏi. Nỗ lực của phụ nữ da màu nhằm nhấn mạnh sự hiện diện và cả sự vắng mặt của họ trong phong trào phản kháng dường như thất bại. bell hooks đã chất vấn những nhà nữ quyền da trắng ở thời điểm đó đã bỏ qua sự tồn tại của phụ nữ da màu hoặc nếu nhớ đến họ thì cũng chỉ nhớ về những khuôn mẫu phân biệt giới tính và chủng tộc phổ biến. 

Cùng chịu sự bóc lột và đáp áp của chế độ gia trưởng, nhưng chính những người phụ nữ da trắng trung lưu tiếp tục phân biệt và đàn áp những người phụ nữ da màu khác. Viễn cảnh này giống với cộng đồng người da màu vẫn tồn tại sự phân cấp, nơi mà bell hooks lớn lên và có nhiều trải nghiệm đau thương. Nó khiến bà nhận ra sự áp bức có thể xuất hiện dưới nhiều hình thái khác nhau và đan cài lẫn nhau, một người phụ nữ da trắng chống lại chế độ gia trưởng vẫn có thể đàn áp và bóc lột một người phụ nữ da màu khác, hay một người đàn ông da màu chống lại sự phân biệt chủng tộc vẫn có thể tấn công tình dục người phụ nữ cùng chủng tộc với anh ta. 

Sự loại trừ tiếng nói và những giải phóng nửa vời vào thời điểm đó trở thành động lực hướng bell hooks đến nỗ lực phải xây dựng được không gian hợp pháp cho những đối thoại của phụ nữ da màu trong phong trào nữ quyền, để họ được cất tiếng nói cho những nhu cầu chính đáng, cho những trải nghiệm bị đàn áp của mình. Đó cũng là một trong những lý do bà chọn bút danh bell hooks khi hoạt động dưới tư cách là một nhà nữ quyền. Cái tên đó là cách bà xây dựng bản sắc của một nhà văn có thể thách thức và chế ngự mọi quyền lực buộc bà phải im lặng. Dưới cái tên bell hooks, bà là một người phụ nữ dám nói lên mọi suy nghĩ của mình và không bao giờ sợ hãi việc bị trừng phạt. 

Từ một bé gái dám phát biểu trong những cuộc đối thoại giữa các thành viên trong gia đình, đến một nhà văn, nhà nữ quyền dám thách thức cả một xã hội đầy bất công với sự trừng phạt nặng nề hơn những lời mắng nhiếc, “phản bác” là hình thức khởi đầu và cũng là hình thức xuyên suốt trong suốt quá trình phản kháng của bà. Nó trao cho bà trước hết là sự dũng cảm và kiên cường với những gì bell hooks tin là bà nên chất vấn, sau đó là nó trao quyền cho bà có khả năng lan tỏa tiếng nói của công bằng đến với mọi người xung quanh. Hành động phản bác đối với bà không chỉ là những lời nói suông, đó là biểu hiện của một tiếng nói được giải phóng. 

Khi tình yêu là động từ: yêu là đang đấu tranh  

Tình yêu có vẻ là một đề tài không đáng tin cậy khi người ta bắt đầu thảo luận với nhau về những bất công xã hội và mọi hình thức phản kháng lại những bất công đó, ít nhất là ở thời của bell hooks, vì tất cả những gì người ta có thể hình dung về tình yêu thường là một điều gì đó lãng mạn, ủy mị và thậm chí yếu đuối. Những điều được cho là không giúp được gì cho mục tiêu của các phong trào dân sự. Nhưng bell hooks ở đây để nói với chúng ta rằng, đó là do chúng ta không có một hình dung cụ thể về tình yêu để thực hành, chúng ta phải học cách yêu trước tiên để biết được vai trò của nó trong hành trình phục hồi những tổn thương ở mỗi người và rộng lớn hơn là trong hành trình hướng đến xã hội bình đẳng và hòa bình. 

Trải nghiệm đầu tiên của bell hooks với tình yêu được bà nhận thức rõ ràng nhất, tiếc thay lại là khi tình yêu rời bỏ bà. bell hooks là đứa con đầu lòng trong gia đình nên bà đã nhận được sự yêu thương từ khi bà mới chào đời, những gì bà cảm thấy suốt khoảng thời gian khi bà là đứa trẻ duy nhất trong gia đình là sự trân trọng và được nhìn nhận như một điều cần thiết. Nhưng rồi đến một ngày bà thấy mình không còn quý giá nữa, bởi những người yêu mến bà đã không còn công nhận và quan tâm đến bà như trước. Đó không phải khoảnh khắc duy nhất mà tình yêu rời bỏ bà, hooks trải qua nhiều mối quan hệ tan vỡ hơn nữa khi lớn lên. Nhưng sự thiếu vắng của tình yêu từ những trải nghiệm đó giúp bà nhận ra tình yêu quan trọng như thế nào trong đời. 

Sự thất vọng với những thảo luận về tình yêu đương đại và cảm giác tan vỡ của việc thiếu đi tình yêu đã thôi thúc bell hooks suy nghĩ sâu sắc hơn về ý nghĩa của nó trong nền văn hóa mà bà đang sống. Khi nghiên cứu về những cuốn sách viết về chủ đề tình yêu, bà nhận thấy phần lớn mọi người đều định nghĩa tình yêu một cách mơ hồ, và đây là nguyên nhân khiến cho người ta bối rối với tình yêu. Những người xung quanh bà có xu hướng nhấn mạnh vào loại tình cảm lãng mạn khi nói về tình yêu. Nhưng tình yêu với bell hooks rộng lớn hơn như thế. Và thay vì định nghĩa tình yêu như một danh từ, bà chọn cách hiểu nó như một động từ. Tình yêu là sự kết hợp của việc quan tâm, công nhận, tôn trọng, cam kết, tin tưởng và giao tiếp trung thực, cởi mở với nhau. Những hành động này không phải bản năng mà phải được nuôi dưỡng qua từng ngày để có thể phát triển và đáp ứng các nhu cầu chăm sóc lẫn nhau.  

Hiểu tình yêu theo cách này khiến bell hooks nhận ra tình yêu và mọi hình thức gây tổn thương cho người khác không thể cùng tồn tại. Kết luận này cũng đến từ sự thừa nhận rằng bà đã lớn lên trong một gia đình mà bà không cảm thấy mình được yêu thương bởi các thành viên trong gia đình vì những khoảnh khắc mà họ đã gây đau đớn cho bà bằng lời nói và hành động bạo lực, dù bà biết ơn sự chăm sóc và quan tâm mà họ dành cho bà. Không thể hợp lý hóa việc lạm dụng bằng cách nghĩ “thương cho roi cho vọt”. Lạm dụng không bao giờ là một biểu hiện của tình yêu nhưng nhiều người thà chấp nhận để mình bị lạm dụng còn hơn chấp nhận rằng mình không được yêu thương. Đó là một suy nghĩ cần được thay đổi nếu chúng ta muốn bước tiếp, hồi phục những tổn thương và đón nhận tình yêu đúng nghĩa ở phía trước. Mất một thời gian dài với vô số lần tự vấn và những lần trị liệu tâm lý để hooks kiên định với một định nghĩa về tình yêu như thế. 

Những trăn trở về tình yêu gia đình và tình yêu lãng mạn đã góp phần không nhỏ cho những suy ngẫm và thực hành trung tâm trên con đường phản kháng lại quyền lực của bell hooks. Sau đó là sự ảnh hưởng của những người cũng có tư tưởng dùng tình yêu để đi đến hòa bình và công lý, đó là Martin Luther King, là thiền sư Thích Nhất Hạnh. Trong những năm đầu đại học, bà đã được nghe thông điệp của King về tình yêu như một con đường chấm dứt chế độ phân biệt chủng tộc và chữa lành vết thương mà những nạn nhân của chế độ đó phải hứng chịu. Với Thích Nhất Hạnh, cuốn sách The Raft Is Not the Shore đã nói với bà rằng trong thế giới này, mọi nỗ lực chấm dứt sự thống trị, mang lại hòa bình và công lý, đều là thực hành tâm linh, mà với bà gần như là cách thực hành tình yêu. Những tư tưởng này đã giúp bà soi chiếu và biến những suy ngẫm về tình yêu cá nhân thành một tình yêu lớn hơn trong xã hội, một tình yêu có thể tạo ra một cuộc cách mạng chấm dứt mọi bạo lực và bất công.  

Khi niềm tin vào khả năng của tình yêu trong các phong trào xã hội càng lớn, sự thất vọng lại càng rõ rệt, bởi bà nhận ra những điều đáng lẽ nên được xây dựng trên nền tảng tình yêu lại ngày một xa rời tình yêu. Trong phong trào chấm dứt nạn phân biệt chủng tộc, thông điệp của Martin Luther King được thay thế bằng những lời kêu gọi khác nhấn mạnh đến sự phản kháng của những người hiếu chiến. Trong khi King kêu gọi bất bạo động và lòng trắc ẩn, phong trào mới này kêu gọi người ta phải cứng rắn hơn, tiến hành bạo lực chống lại kẻ thù của mình. Các nhà lãnh đạo hiếu chiến cho rằng việc yêu thương kẻ thù của mình khiến họ yếu đuối và dễ bị khuất phục. Cùng lúc đó, phong trào phụ nữ cũng chỉ trích tình yêu, kêu gọi phụ nữ quên đi tình yêu để có thể nắm lấy quyền lực. Khi tham gia vào các nhóm nâng cao nhận thức của những nhà nữ quyền thời đó, bell hooks đã chứng kiến sự gạt bỏ tình yêu ra khỏi phong trào bằng quan điểm lên án tình yêu là thứ khiến nhiều nhà nữ quyền ngủ với đàn ông, đối tượng bị họ xem là kẻ thù của phong trào nữ quyền. Các nhà nữ quyền ấy cho rằng để đạt được tự do thì cần chấm dứt việc khao khát và suy nghĩ về tình yêu. 

Hai phong trào dân quyền đang quay lưng với chính cốt lõi của nó là tình yêu, được dẫn dắt bởi những nhà lãnh đạo quan tâm đến quyền lực nhiều hơn là những thực hành chăm sóc và tin tưởng lẫn nhau. Đây là nguy cơ đưa phong trào rời xa công lý và hòa bình thật sự. Chính bà cũng chỉ trích tư duy gia trường, thứ gây ra đau khổ cho mọi người. Tư duy đó phủ nhận tình yêu, đồng thời duy trì nỗi sợ hãi và cái chết – những thứ mang tính hủy diệt. Vậy thì những người hiếu chiến trong các phong trào dân quyền này sẽ chống lại điều gì khi họ ngày càng đến gần hơn với “hình mẫu” mà họ đang phản kháng? 

Có thể thấy, những lý thuyết nữ quyền được bell hooks viết ra đều có mối liên hệ sâu sắc với những trải nghiệm thực tế của bà. Trước khi tham gia vào cuộc chiến lớn, bell hooks đã trải qua hàng nghìn cuộc chiến nhỏ hơn với bản thân bà, với những sang chấn mà bà từng nghĩ mình sẽ không thể nào vượt qua được. Những trải nghiệm bị phân biệt còn chứa đựng nhiều điều hơn những tương tác giữa các cá nhân trong và ngoài cộng đồng của bà, chúng là cả một lịch sử kéo dài nhiều thế kỷ và là một mạng lưới áp bức đan cài phức tạp. Những thực trạng ấy cần được nhận thấy trước khi ta có thể thay đổi được chúng. 

Bà luôn được nhắc nhở về giá trị của cộng đồng người Mỹ gốc phi mà bà gắn kết, bao gồm những gì vẻ vang, đáng vun trồng và ghi nhớ, cũng như những gì đau đớn nhất. Tổ tiên của bell hooks từng có quá khứ là nô lệ. Ông bà của bell hooks, ngay cả khi đã cao tuổi, vẫn tiếp tục làm người hầu trong nhà của những người Mỹ da trắng thuộc tầng lớp trung lưu. Ký ức của họ về những trải nghiệm khó khăn liên quan đến phân biệt chủng tộc và bạo lực, giống như ký ức của những người Mỹ gốc Phi khác về quá khứ nô lệ, tạo thành sang chấn di truyền qua các thế hệ một cách thầm lặng.  

Những trải nghiệm đau thương không được nói thành lời thì chúng sẽ mãi bị che lấp; hay thậm chí, bị xem như không tồn tại. Nhưng việc nó bị phớt lờ không có nghĩa là nó không có ảnh hưởng. Cách cha mẹ bell hooks nuôi dạy bà đã cho thấy hậu quả của những nỗi đau liên thế hệ mãi không được phục hồi. Chính việc tự vấn bản thân đã giúp nó sống lại, không phải để làm người ta đau đớn thêm lần nữa mà là giúp người ta nhìn trực diện vào nó, để tìm thấy một giải pháp tốt hơn, hoặc tốt nhất là một khả năng không bao giờ lặp lại nỗi đau đó lên thế hệ sau nữa. 

Kể cả những trải nghiệm với tình yêu cũng vậy. Chỉ có trực diện với nỗi đau thiếu vắng tình yêu mới giúp bell hooks nhận ra tầm quan trọng của tình yêu trong đời. Và những trăn trở không ngừng về tình yêu cũng mang lại cho bell hooks cuộc gặp gỡ với những nhà tư tưởng lớn có khả năng thúc đẩy bà không ngừng nghiên cứu và tìm tòi một con đường chấm dứt mọi hình thức áp bức và thống trị bằng sức mạnh của tình yêu, để đạt được sự giải phóng toàn diện và công lý cho tất cả mọi người.

Tầm nhìn nữ quyền: Công lý thực sự là công lý… 

Việc khám phá những chất vấn của bell hooks đưa đến một câu hỏi: Vậy thì xã hội mà bell hooks mong muốn hướng tới và đang nỗ lực đấu tranh cho là xã hội như thế nào?   

“Cho tất cả mọi người” [3]

Trải nghiệm bị tước đoạt và lề hóa tiếng nói dưới danh tính của một người phụ nữ da màu đã đưa bell hooks đến với mong muốn mang tiếng nói của những người ngoài lề vào trung tâm của diễn ngôn và phong trào nữ quyền. Khi viết Ain’t I a Woman: Black Women and Feminism, hooks đã chiêm nghiệm về vai trò của những người phụ nữ da màu trong xã hội từ chế độ nô lệ đến thời điểm một năm trước khi cuốn sách được xuất bản vào năm 1981. Bà đã nhận thấy nhiều điều: lịch sử của phụ nữ da màu bị gạt bỏ, trải nghiệm của họ bị phớt lờ; cách mà phụ nữ da màu nói riêng đã bị ảnh hưởng bởi chủ nghĩa phân biệt giới tính và chủng tộc; cũng như việc theo đuổi sự bình đẳng toàn diện. Từ đó, hooks cho rằng nếu những tiếng nói và trải nghiệm sống bị lề hóa có cơ hội được lắng nghe, thì điều đó sẽ tạo nên một nền tảng vững chắc cho các hoạt động phản kháng. 

“Về cơ bản, nếu chúng ta chỉ hướng tới thay đổi sự thống trị mà chúng ta cảm thấy nó trực tiếp bóc lột hoặc áp bức cá nhân chúng ta, thì chúng ta không chỉ vẫn bám chặt vào nguyên trạng mà còn đồng lõa, nuôi dưỡng và duy trì chính những hệ thống thống trị đó. Chúng ta vẫn sẽ tiếp tục hành động theo những cách làm suy yếu nỗ lực của cá nhân chúng ta cho cuộc đấu tranh giành tự do và giải phóng tập thể, cho đến khi tất cả chúng ta có thể chấp nhận bản chất liên kết, phụ thuộc lẫn nhau của các hệ thống thống trị và nhận ra những cách cụ thể mà mỗi hệ thống được duy trì.” – bell hooks (1994) [4] 

Như vậy, một tầm nhìn đã được xác lập rõ ràng. Để đi đến thế giới hòa bình nơi mọi người đều có thể là chính mình thì phải đấu tranh chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, chủ nghĩa tinh hoa giai cấp, chủ nghĩa đế quốc chứ không chỉ đấu tranh chống chủ nghĩa phân biệt giới tính (một trải nghiệm vốn chỉ thuộc về nhóm phụ nữ da trắng trung lưu có học thức trong phong trào). Muốn đấu tranh được thì phải biết kết hợp mọi trải nghiệm bị đàn áp, nhất là của các nhóm bị lề hóa phải gánh chịu nhiều tầng áp bức đan xen. Sự kết hợp này mở ra một không gian mà tất cả mọi người đều có thể lên tiếng vì bất công của bản thân và nương tựa lẫn nhau nhằm chấm dứt những bất công đó.

Đồng thời, việc công nhận vai trò và sự hiện diện của nhóm phụ nữ da màu trong phong trào nữ quyền là một điều cần thiết cho quá trình chữa lành những sang chấn của họ. Những vết thương được gây ra bởi chế độ da trắng thượng đẳng, phân biệt chủng tộc, phân biệt giới tính và chủ nghĩa tư bản cần được thừa nhận để tạo cơ hội cho họ đối diện và chữa lành nó. Không ai có thể chữa lành những sang chấn trong im lặng và cũng không ai có thể chữa lành sang chấn cho người khác. Việc chữa lành vết thương dựa phù hợp với danh tính xã hội (ở đây là chủng tộc) của một người là điều kiện tiên quyết để người đó tham gia bền vững vào phong trào nữ quyền và cuộc đấu tranh giải phóng người da màu. 

Chỉ có thể đạt được bằng tình yêu

Đương nhiên, bell hooks đã hình dung được một xã hội giải phóng toàn diện thì cũng tìm kiếm được một phương pháp phản kháng phù hợp để đi đến xã hội đó.

“Sớm muộn gì thì tất cả mọi người trên thế giới cũng sẽ phải tìm ra cách chung sống hòa bình[…]. Nếu muốn đạt được điều này, con người phải phát triển một phương pháp từ chối trả thù, xâm lược và trả đũa cho mọi xung đột của con người. Nền tảng của phương pháp đó chính là tình yêu” – Martin Luther King Jr. (1964) [5] 

Bởi vì nhận thức rằng tình yêu và sự thống trị không thể cùng tồn tại, bell hooks có một lời kêu gọi chung cho mọi người rằng hãy học cách yêu thương. Bà đã chứng kiến ​​cách mà các phong trào đấu tranh cho công lý lên án văn hóa thống trị, nhưng lại ngầm sử dụng quyền lực để trục lợi mà không thực sự tạo ra những thay đổi cơ bản trong cấu trúc xã hội. Khi các nhà hoạt động cấp tiến không phá vỡ cốt lõi của tư duy thống trị, thì sự thay đổi thực sự sẽ không được tạo ra. Đó là lý do tại sao việc vun đắp tâm trí yêu thương lại quan trọng đến vậy. Khi tình yêu là nền tảng đạo đức của chúng ta, nó sẽ định hình sự tham gia của chúng ta vào chính trị.

“Nếu không có đạo đức tình yêu định hình hướng đi cho tầm nhìn chính trị và khát vọng cấp tiến của chúng ta, chúng ta thường bị dụ dỗ, bằng cách này hay cách khác, phải trung thành liên tục với các hệ thống thống trị – chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa phân biệt giới tính, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, chủ nghĩa giai cấp. Tôi luôn thấy bối rối về việc những người phụ nữ và đàn ông dành cả cuộc đời để chống lại và phản đối một hình thức thống trị này lại có thể ủng hộ một hình thức thống trị khác một cách có hệ thống.” – bell hooks (1994) [6] 

Để đấu tranh cho hòa bình và công lý, chúng ta có thể bắt đầu bằng việc thực hành tình yêu thương của cá nhân, vì ở đó, chúng ta có thể trực tiếp trải nghiệm sức mạnh biến đổi của tình yêu. Chẳng hạn, bà gợi ý chúng ta có thể ngồi lại và đánh giá xem việc lạm dụng trong thời thơ ấu có tác động thế nào đến chúng ta và chúng ta đã thiếu vắng tình yêu như thế nào. Lạm dụng luôn liên quan đến sự thiếu tình yêu thương, và nếu chúng ta lớn lên mà không biết cách yêu thương, thì làm sao chúng ta có thể tạo ra các phong trào xã hội chấm dứt sự thống trị, bóc lột và áp bức?

Về cơ bản, để bắt đầu thực hành tình yêu, chúng ta phải chậm lại và đủ tĩnh lặng để tự vấn những khoảnh khắc trong đời chúng ta. Nếu chúng ta chấp nhận rằng tình yêu là sự kết hợp của hành động quan tâm, cam kết, kiến ​​thức, trách nhiệm, sự tôn trọng và lòng tin, thì khi đó chúng ta mới có thể thực hành tình yêu theo kiểu này để đi đến chấm dứt sự lạm dụng trong những mối quan hệ, cũng như sự thống trị trong xã hội. 

Ta cần biết cách mà ta sẽ thay đổi và được thay đổi khi chúng ta yêu. Và không còn sự cảm nhận nào cụ thể và rõ ràng hơn sự cảm nhận về cách sức mạnh của tình yêu biến đổi cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Bằng cách đó, chúng ta mới có thể thuyết phục những người thiếu tin tưởng và sợ hãi tình yêu, rằng việc yêu thương sẽ giúp hồi phục những sang chấn của cá nhân và của tập thể. Bà cho rằng việc những kẻ thống trị có thể duy trì suy nghĩ và thực hành thống trị của chúng thành công là nhờ vào việc sản sinh cảm giác thiếu thốn liên tục. Cảm giác này chỉ có thể được chấm dứt khi chúng ta cảm thấy trọn vẹn. Và việc yêu bản thân, yêu mọi thứ vượt ra ngoài bản thân chúng ta là cách hiệu quả nhất để mang lại sự trọn vẹn đó. 

Nguồn tham khảo

[1] Bản gốc “She’s trying to figure out how the feminist movement, feminist politics, can be articulated from her perspective as a black woman, and that informs the way that her work is organized, the questions that she’s asking, the debates that she’s engaged with,”

Goodman, E. 2019. How bell hooks Paved the Way for Intersectional Feminism. https://www.them.us/story/bell-hooks 

[2] Bản gốc “Our solidarity must be affirmed by shared belief in a spirit of intellectual openness that celebrates diversity, welcomes dissent, and rejoices in collective dedication to truth.”

hooks, b. 1994. Outlaw Culture: Resisting Representations. 

[3] Bản gốc “(Feminism) Is for Everybody”

hooks, b. 2000. Feminism Is for Everybody: Passionate Politics. 

[4] Bản gốc “Fundamentally, if we are only committed to an improvement in that politic of domination that we feel leads directly to our individual exploitation or oppression, we not only remain attached to the status quo but act in complicity with it, nurturing and maintaining those very systems of domination. Until we are all able to accept the interlocking, interdependent nature of systems of domination and recognize specific ways each system is maintained, we will continue to act in ways that undermine our individual quest for freedom and collective liberation struggle” 

hooks, b. 1994. Outlaw Culture: Resisting Representations.

[5] Bản gốc là đoạn trích trong bài phát biểu của Martin Luther King Jr. đã truyền cảm hứng cho bell hooks hướng tới một cuộc cách mạng tình yêu:

“Sooner or later all the people of the world will have to discover a way to live together in peace.… If this is to be achieved, man must evolve for all human conflict a method which rejects revenge, aggression, and retaliation. The foundation of such a method is love.”

hooks, b. Toward a Revolution of Love. https://www.lionsroar.com/toward-a-revolution-of-love/ 

[6] Bản gốc “Without an ethic of love shaping the direction of our political vision and our radical aspirations, we are often seduced, in one way or the other, into continued allegiance to systems of domination—imperialism, sexism, racism, classism. It has always puzzled me that women and men who spend a lifetime working to resist and oppose one form of domination can be systematically supporting another.” 

hooks, b. 1994. Outlaw Culture: Resisting Representations.

[7] Biana, H. T. 2020. Extending bell hooks’ Feminist Theory. Journal of International Women’s Studies, 21(1), 13-29.

[8] Ostaszewska, A. (2020). Understanding, Explaining and Interpreting the Process of Shaping a Woman’s Subjectivity on the Example of Bell Hooks Autobiography. A Study of Women’s

Autobiographies in the Context of Thomas and Znaniecki’s Research. Italian Sociological

Review, 10 (2S), 341-353.

[9] Smith, E. T. bell hooks – Ideas for Social Justice. https://commonslibrary.org/bell-hooks-ideas-for-social-justice/ 

[10] hooks, b. 2017. Building a Community of Love: bell hooks and Thich Nhat Hanh. https://www.lionsroar.com/bell-hooks-thich-nhat-hanh-building-community-love/ 

[11] hooks, b. 1989. Talking Back: Thinking Feminist, Thinking Black.

[12] hooks, b. 1999. All About Love: New Visions.