Từ không gian nghị trường tới sàn đấu thể thao, từ cơ thể tới tiếng nói, 2024 đã chứng kiến nhiều thảo luận sôi nổi về giới diễn ra. Từ khóa VOGE chọn khi hình dung về bức tranh giới của 2024 là “thách thức”. Chúng mình đã điểm lại những sự kiện xuyên suốt năm qua và trải dài về không gian địa lý, để thấy rằng sự cất giọng và hiện diện của phụ nữ và người đa dạng giới trong 2024 đã đặc biệt gợi nên sự thách thức với những khái niệm vẫn được coi là nghiễm nhiên: không gian công và không gian tư, chính trị và cá nhân, sinh học và văn hóa.
02/2024: Hoàn thiện Dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính tại Việt Nam

Đầu năm 2024 mở bát với tin vui dành cho cộng đồng người chuyển giới tại Việt Nam khi Dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính được hoàn thiện. Đây là một bước đi quan trọng nhằm cụ thể hóa các quyền của nhóm này và các cam kết quốc tế về nhân quyền.
Dự thảo Luật đặt mục tiêu công nhận hợp pháp quyền chuyển đổi giới tính, cho phép cá nhân thay đổi thông tin hộ tịch và các quyền nhân thân tương ứng. Ngoài ra, luật cũng quy định 15 nhóm quyền cơ bản, bao gồm quyền được tư vấn tâm lý, hỗ trợ pháp lý, lựa chọn phương pháp can thiệp y học và đảm bảo quyền lợi gắn với giới tính mới,…
Mặc dù dự thảo đã bao quát nhiều nội dung, một số vấn đề thực tiễn như điều kiện giam giữ hoặc khám xét theo giới tính sau chuyển đổi cần được làm rõ hơn. Việc xây dựng chính sách đồng bộ nhằm hỗ trợ người chuyển giới tham gia đầy đủ vào đời sống xã hội cũng là một thách thức cần giải quyết. Khi hoàn thiện, Luật Chuyển đổi giới tính không chỉ bảo vệ quyền lợi của khoảng 300.000 – 500.000 người chuyển giới tại Việt Nam mà còn góp phần thúc đẩy bình đẳng giới, hài hòa với chuẩn mực quốc tế và định hướng xã hội nhân văn, công bằng.
04/2024: Giám đốc Nhã Nam bị tố quấy rối nhân viên nữ

Dư luận Việt Nam chấn động trước thông tin ông Nguyễn Nhật Anh – Giám đốc Công ty sách Nhã Nam bị tố cáo có hành vi quấy rối tình dục đối với một nhân viên nữ. Vụ việc nhanh chóng lan truyền trên các nền tảng mạng xã hội, gây ra làn sóng phẫn nộ và tranh cãi gay gắt. Những cáo buộc cụ thể bao gồm những hành vi vượt quá giới hạn chuyên môn, tạo ra một môi trường làm việc không an toàn và gây tổn thương nghiêm trọng đến tinh thần của nạn nhân.
Sự việc này đã phơi bày một góc khuất đáng báo động trong xã hội về vấn nạn quấy rối tình dục tại nơi làm việc, đặc biệt là đối với phụ nữ. Trước sức ép của dư luận, ông Nguyễn Nhật Anh đã đưa ra lời xin lỗi công khai thông qua fanpage của Nhã Nam. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng lời xin lỗi này chưa đủ thành ý và không thể xóa bỏ những tổn thương mà nạn nhân đã phải gánh chịu. Vụ việc này cũng đặt ra câu hỏi về trách nhiệm của công ty, về việc họ đã có những biện pháp nào để ngăn chặn và xử lý các hành vi quấy rối, cũng như bảo vệ quyền lợi của người lao động.
07/2024: Chế độ thai sản từ năm 2024

Chế độ thai sản tại Việt Nam năm 2024 vẫn giữ nguyên một số điều cơ bản như Lao động nữ khi sinh con được nghỉ thai sản và nhận trợ cấp dựa trên mức đóng bảo hiểm xã hội với mức tối thiểu bằng 6 tháng lương cơ sở. Lao động nam có vợ sinh con cũng được hưởng quyền lợi này với thời gian nghỉ từ 7 ngày trong trường hợp vợ sinh mổ.
Ngoài ra có một số điều chỉnh nhỏ dựa trên mức lương cơ sở tại thời điểm lao động nữ sinh con. Theo quy định tại Điều 38 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, mức trợ cấp một lần khi sinh con được xác định bằng công thức: Trợ cấp một lần/con = 2 x Mức lương cơ sở.
Cụ thể, trước ngày 01/7/2024, với mức lương cơ sở là 1,8 triệu đồng, khoản trợ cấp một lần cho mỗi con là 3,6 triệu đồng. Tuy nhiên, từ ngày 01/7/2024, khi mức lương cơ sở tăng lên 2,34 triệu đồng, mức trợ cấp tương ứng cũng tăng lên 4,68 triệu đồng/con.
Những thay đổi này giúp tăng cường hỗ trợ cho lao động nữ sinh con sau ngày 01/7/2024, phù hợp hơn với bối cảnh kinh tế và mức sống ngày càng thay đổi.
08/2024: Luật Đất đai 2024 hướng tới lồng ghép vấn đề cấm phân biệt giới

So với luật Luật Đất đai 2023, phiên bản luận mới được công nhận từ ngày 01/08/2024 đảm bảo phụ nữ được hưởng lợi từ quyền đất đai được tăng cường. Luật này nhằm mục đích xóa bỏ phân biệt đối xử về giới, đảm bảo phụ nữ được tiếp cận bình đẳng với quyền sử dụng và sở hữu đất đai. Các điều khoản chính bao gồm tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia vào quá trình ra quyết định về đất đai, công nhận họ là đối tác bình đẳng trong các giao dịch đất đai và đảm bảo các chính sách đất đai hướng đến bình đẳng giới. Những thay đổi này bảo vệ tốt hơn quyền của phụ nữ trong các vấn đề về đất đai, thúc đẩy sự công bằng và đối xử bình đẳng.
08/2024: Nữ võ sĩ Imane Khelif bị tố là người chuyển giới sau khi đánh bại đối thủ chỉ trong 46s trong khuôn khổ Olympic Paris

Trên trường quốc tế, trong khuôn khổ của Olympic Paris 2024, nữ võ Imane Khelif của Algeria đã hạ gục đối thủ của mình trong ngày thi đấu mở màn môn boxing nội dung 65kg nữ chỉ vỏn vẹn trong vòng 46s. Tuy nhiên, chưa kịp ăn mừng với thành tích của mình, cô đã trở thành tâm điểm chỉ trích của truyền thông khi nhiều ý kiến nghi ngờ cô là người chuyển giới. Thậm chí, vận động viên nữ còn đối mặt với nguy cơ bị tước quyền tham dự thi do nhiều người phản đối sự có mặt của cô tại kỳ Thế vận hội. Nữ võ sĩ trở thành mục tiêu của bạo lực mạng, khi không chỉ bị chỉ trích bởi khán giả mà những nhân vật nổi tiếng trên mạng xã hội cũng công khai cho rằng cô là người chuyển giới.
Đối diện trước áp lực dư luận, những bức ảnh thời thơ ấu của cô được công bố cùng những thành tích trong quá khứ cũng được đưa ra để chứng minh cô là phụ nữ và hoàn toàn đủ tư cách tham gia các giải thể thao dành cho vận động viên nữ. Điều này cho thấy rõ sự bất bình đẳng trong thể thao, khi một vận động viên nữ bị nghi ngờ về chính giới tính của mình khi họ thể hiện sức mạnh của bản thân vượt trội hơn hẳn so với phần đông còn lại. Sau cùng, các cáo buộc cho rằng Khelif là người chuyển giới cũng được bác bỏ và cô tiếp tục thi đấu tại Olympic Paris 2024.
09/2024: Bà Gisèle Pelicot, một phụ nữ Pháp bị chồng chuốc thuốc và cho hơn 70 người đàn ông tấn công tình dục bà trong một thập kỷ

Những ngày giữa tháng 9, dư luận quốc tế sục sôi trước thông tin bà Gisèle Pelicot người Pháp, đã cáo buộc chồng mình chuốc thuốc mê và tuyển dụng hàng chục người lạ để cưỡng hiếp bà trong suốt 10 năm. Câu chuyện thương tâm của bà Gisèle đã làm dấy lên một lo ngại về sự an toàn của người phụ nữ trong chính cuộc hôn nhân của mình. Bà Gisele đã dũng cảm nói ra sự thật và yêu cầu xét xử công khai vụ án, trở thành một biểu tượng cho sự bền bỉ của những nỗ lực chống lại bạo lực tình dục.
Có thể nói, vụ việc của bà Gisèle Pelicot là một trong những vụ bê bối về bạo lực tình dục lớn nhất nước Pháp, với tính chất lâu dài và những ảnh hưởng nghiêm trọng cả về tinh thần và thể xác tới nạn nhân. Tại Pháp, hàng chục cuộc biểu tình do các hiệp hội về nữ quyền tổ chức đã diễn ra nhằm thể hiện sự ủng hộ và chia sẻ với bà Gisèle.
12/2024: Vụ án của nhà văn Dạ Thảo Phương và nữ vận động viên chưa đủ 14 tuổi bị hiếp dâm 11 lần tại trung tâm huấn luyện Hà Nội

Câu chuyện về quấy rối tình dục tại môi trường làm việc chưa bao giờ ngừng lại khi liên tiếp hai vụ việc đau lòng diễn ra trong một thời gian ngắn vào thời điểm cuối năm.
Đầu tiên, vụ án của nhà văn Dạ Phương Thảo lần nữa được hâm nóng. Cụ thể, vào năm 2022, nữ nhà văn này đã lên tiếng tố cáo ông Lương Ngọc An – người lúc bấy giờ giữ chúc Phó TBT báo Văn nghệ đã hiếp dâm cô nhiều lần trong một thời gian dài. Mặc dù vụ việc đã làm dấy lên làn sóng #MeToo tại Việt Nam thu hút được sự chú ý của dư luận, ông Lương Ngọc An sau đó chỉ đơn giản “điều chuyển công việc” và khoá trang cá nhân mà không bị trừng phạt hình sự. Thậm chí, sau một thời gian khi vụ việc dần chìm xuống, ông An còn được bổ nhiệm làm phó tổng biên tập tạp chí Nhà văn và Cuộc sống. Điều này khiến Dạ Thảo Phương một lần nữa lên tiếng chỉ trích, cho rằng đây là một sự xúc phạm nghiêm trọng đối với nỗi đau của nạn nhân và bất bình của xã hội. Sự việc này không chỉ là một vụ tấn công tình dục, mà còn là một biểu hiện của sự thiếu công lý và bảo vệ nạn nhân trong xã hội.
Vụ việc thứ hai, cũng gây xôn xao không kém về một nữ vận động viên chưa đủ 14 tuổi, đã bị chính các đồng đội của mình hiếp dâm tới 11 lần tại trung tâm huấn luyện Hà Nội. Tội ác này chỉ được phát hiện khi cô bé có biểu hiện bất ổn về tinh thần và khai báo với gia đình.
Dĩ nhiên, những dấu mốc trên đây và thảo luận diễn ra sau đó là kết quả của một lịch sử bền bỉ của những người đấu tranh và quan tâm về giới. Chúng không kết thúc khi 2024 đã khép lại, và cũng còn rất nhiều nỗ lực cần phải tiếp nối để công lý giới được diễn ra, ta vẫn còn một chặng đường dài cần phải đi. Nhân dịp này, chúng mình xin gửi lời cảm ơn chân thành nhất tới bạn đọc đã luôn sát cánh và ủng hộ VOGE, cùng những tiếng nói ngoài kia vẫn đang kiên trì đặt câu hỏi, thách thức, đối thoại về giới, bằng nhiều cách khác nhau. Mong rằng trong khoảng thời gian nhiều biến động và đổi thay này, chúng ta vẫn nhìn thấy và cảm nhận được sự hiện diện và đồng hành cùng nhau, để tiếp sức, tiếp nối và tiếp tục.
Chúc bạn một năm mới thật ấm áp và nhiều niềm vui!