Với sự ra đời của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, ngày 20 tháng 10 năm 1930 trở thành Ngày Phụ nữ Việt Nam đầu tiên trong lịch sử, đánh dấu một trang mới trong phong trào nữ quyền đầu thế kỷ XX. Thông điệp chính của ngày này được biết đến như là dịp kỷ niệm, tôn vinh và ghi nhận sự đấu tranh của người phụ nữ.
Thường thì, để tri ân hay cảm ơn một ai, chúng mình sẽ hay tặng quà, phải không nhỉ?
Tuy nhiên, thông điệp này đang không giữ được giá trị của nó, khi việc tri ân phụ nữ bỗng trở thành “gánh nặng” của cánh đàn ông vì “Phụ nữ có tận 2 ngày để đòi quà, còn đàn ông thì chẳng có ngày nào”. Báo đài tung hô ngày 20/10 là ngày nâng niu, yêu thương nửa kia của thế giới. Chủ nghĩa tiêu dùng lên ngôi, nhà nhà đổ xô đi mua hoa, hàng hiệu để tặng các chị em. Các chủ đề về phụ nữ nổi lên, mạng xã hội trở thành nơi tranh cãi hay bông đùa về phụ nữ thực dụng còn đàn ông bị “áp bức”, phải rửa bát, chiều chuộng cho các “bà la sát”.
Như vậy, dường như giá trị của phụ nữ được đo đếm bằng quà đắt tiền, bằng hoa, hàng hiệu, bằng những câu nói yêu thương và quan tâm mà 364 ngày còn lại của năm chẳng khi nào được nghe. VOGE tin là chị em nào cũng muốn có quà, nhưng là cả những món quà có ý nghĩa rộng hơn vật chất: sự tự do và bình đẳng về cơ hội phát triển trong mọi khía cạnh của cuộc sống.
Nhằm trả lại đúng ý nghĩa cho ngày này, VOGE sẽ cùng các bạn ngược dòng lịch sử để xem phụ nữ chúng mình ngày xưa muốn có “quà” như thế nào nhé! VOGE xin chúc toàn thể các chị em luôn rạng rỡ, hạnh phúc, tự hào và mạnh mẽ để “đòi” được những món quà ý nghĩa như vầy nhaaa
Đạm Phương nữ sử

Đạm Phương nữ sử (1881 – 1947), là nhà văn, nhà báo, nhà trí thức và là nhà hoạt động xã hội đầu thế kỷ XX. Bà được đánh giá là người có đóng góp to lớn cho các nhận thức và thực hành quyền phụ nữ và đấu tranh cho nữ quyền ở Việt Nam thời bấy giờ. Các tác phẩm nổi bật của bà chủ yếu là các bài báo về các vấn đề văn hóa xã hội, đặc biệt là vấn đề phụ nữ, sau được biên soạn thành sách như Gia đình giáo dục thường đàm (1928), Phụ nữ dự gia đình (1929),…
Là người nổi tiếng với quan niệm thống nhất và rõ ràng về vấn đề nữ học, có thể kể đến trích đoạn nổi tiếng của bà như:
“Nay cái vấn đề nữ học thật là một sự rất quan trọng thứ nhất trong mấy nghìn năm của nước ta…Nay sự học vấn của con gái là cốt để bổ ích thêm trí thức tư tưởng cho con người biết lo xa nghĩ rộng, khỏi bị mê hoặc ám muội như trước; đã là người thời biết cho đủ tư cách làm người, cuộc sinh tồn cạnh tranh là chung cả nhân loại có phải riêng chi một ai, mà người làm được người làm không được,…” [1]
Trong bối cảnh bấy giờ, khi phụ nữ không được đi học nhiều, Đạm Phương cũng nhấn mạnh giáo dục trong gia đình như một yếu tố hình thành phẩm giá, nhận thức tốt, chứ không phải cứ đến trường thì mới được coi là tiếp cận với giáo dục. Bên cạnh đó, bà nhận thức rõ việc người nữ, sau một thời gian dài bị bắt phụ thuộc vào nam giới, nay cần phải tranh đấu để giành lấy quyền lợi chính đáng của bản thân:
“Vậy thì bây giờ mà hô hào nữ quyền ở nước ta chưa phải là muộn. Vì nhân quyền đối với nữ quyền vẫn một dây liên lạc mật thiết với nhau. Ông Lương Khải Siêu nói rằng: Cuộc vận động nhân quyền theo nghĩa rộng, tức là vận động nữ quyền. Nhưng nói nữ quyền mà nữ giới ta chưa có nhân sinh thì cũng hoài thôi. Chưa đủ tư cách làm người thì nhân quyền cũng vô vị mà có hại. Than ôi! Cái thói ỷ lại của bọn nữ lưu chúng tôi đã gần như một cái bịnh căn thâm niên rồi, ỷ lại đó tức là cái nguồn gốc nô lệ đó. Nếu muốn kéo lại nữ quyền thì trước hết phải tìm nhân cách cho nữ giới, mà muốn tìm lại nhân cách cho nữ giới thì phải tảo trừ cái bệnh nô lệ đó.” [2]
Không chỉ về giáo dục cho nữ giới, bà còn lên tiếng về vấn đề trinh tiết, hôn nhân, cách nuôi dạy con cái,… Bà còn tham gia tích cực vào các hoạt động xã hội, thành lập Nữ công học hội ở Huế, tổng hợp bài giảng thành sách để phổ cập kiến thức cho chị em. Với những đóng góp xuất sắc và mở đường của Đạm Phương trong tiến trình vận động cho quyền bình đẳng nam nữ, bà trở thành một trong những nhà nữ quyền có tầm ảnh hưởng lớn nhất thế kỷ XX.
Huỳnh Thị Bảo Hoà

Huỳnh Thị Bảo Hòa (1896 – 1982), là nhà báo, nhà văn, nhà diễn thuyết và là một trong những nhà hoạt động xã hội tiên phong về nữ quyền tại Việt Nam. Bà hăng hái cộng tác cho các báo An Nam tạp chí, Đông Pháp thời báo, Tiếng dân, Thực nghiệp dân báo,… Sang đầu những năm 1930, bà vẫn đóng góp cho các báo Nam phong tạp chí, Phụ nữ tân văn. Bên cạnh đó, bà còn sáng tác thơ, hài đàm, biên khảo, cải cách tuồng, tiểu thuyết, nổi bật nhất là “Tây phương mỹ nhơn” (1927) với vô vàn lời khen và giới thiệu từ những tên tuổi như Tản Đà, Huỳnh Thúc Kháng, Đạm Phương nữ sử,…
Là nhà hoạt động xã hội tích cực, bà tham gia nhiều vào phong trào phụ nữ. Lấy Nữ công học hội Huế làm hình mẫu, bà sáng lập Đà thành Nữ công học hội và tham gia vào việc giáo dục phụ nữ, lập hội đoàn phụ nữ, ra báo chí dành cho phụ nữ,… Theo bà, “Trong các vấn đề phụ nữ ngày nay, không có điều gì cần thiết và quan hệ cho bằng sự học của đàn bà con gái nước ta, thiết tưởng nên bàn đi nói lại nhiều lần cũng chưa đủ” [3]. Bà còn là người khuyến khích nữ sinh đi du học nước ngoài. Bà luôn mong mỏi “tăng cao địa vị phụ nữ”, buộc xã hội phải công nhận “nam nữ bình quyền”,… [4] Nhờ vậy, bà trở thành một trong những lá cờ đầu của phong trào phụ nữ Việt Nam đầu thế kỷ XX.
Phan Thị Bạch Vân

Phan Thị Bạch Vân (1903 – 1980), là nhà báo, nhà văn Nam Bộ nổi tiếng đấu tranh cho nữ quyền vào đầu thế kỷ XX. Năm 1928, bà sáng lập Nữ lưu thơ quán, với mục đích “Lựa chọn để bán ra cho cả thảy chị em bạn gái bằng cái giá thật hạ những truyện sách xuất bản trong xứ, có ích cho tinh thần đạo đức và nền luân lý nước nhà, giúp cho trí thức nữ lưu được chóng mở học vấn thêm cao.” [5]. Bà vừa dịch thuật, viết xã thuyết, thơ, tiểu thuyết, cộng tác cho báo và tích cực hoạt động xã hội cho phong trào phụ nữ.
Bên cạnh đó, thông qua các bộ tiểu thuyết như Giám hồ nữ hiệp, Nữ anh tài, Kiếp hoa thảm sử,… bà cũng không quên lồng ghép tư tưởng tiến bộ, điển hình như: “Tôi nghe mấy lời mẹ dạy mà tủi thầm cho cái thân nhi nữ. Mình cũng mắt cũng tai cũng đầu cũng óc như nam nhi, cớ sao nam nhi người ta lại có quyền vùng vẫy nơi bể học rừng văn, còn mình lại buộc trở về toan đi nương thân gởi phận, chực bám vào người là cớ làm sao”. [6]
Dù chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, Nữ lưu thư quán của bà đã tập hợp được những tác giả tiến bộ với nhiều tác phẩm có giá trị, truyền bá tư tưởng tiến bộ và góp phần rất lớn vào việc đấu tranh cho phụ nữ, đặc biệt trong giới văn đàn khi tư tưởng bình quyền nam nữ vẫn còn rất mới.
Nguyễn Thị Manh Manh

Nguyễn Thị Manh Manh (1914 – 2005), hay nữ sĩ Manh Manh, tức Nguyễn Thị Kiêm, là nữ sĩ, ký giả nổi tiếng ở tuần báo Phụ nữ Tân văn. Bà vừa dạy học vừa viết báo, cộng tác thường xuyên với Phụ nữ Tân văn và các báo như Công luận, Nữ lưu, Tuần lễ nay,… Bà trở thành người ủng hộ mạnh mẽ cho nữ quyền khi cổ vũ Thơ mới, tham gia diễn thuyết và đóng góp loạt bài về nam nữ bình quyền.
Bà nổi tiếng với buổi diễn thuyết ở Hội Khuyến học Sài Gòn, khi “Lần thứ nhất một bạn gái lên diễn đàn và cũng lần thứ nhất có một cuộc diễn thuyết có đông người nghe như thế” (Hoài Thanh – Hoài Chân, Thi nhân Việt Nam, NXB Văn Học, Hà Nội 1988, trang 25). Ngoài ra, bà còn đóng góp trong buổi nói chuyện ở Hội chợ phụ nữ để ủng hộ Nữ lưu học hội, hay trong bài nói chuyện ở Huế “Dư luận nam giới với phụ nữ tân tiến”. Những buổi diễn thuyết của bà thường thu hút đông đảo quần chúng, tạo ra phong trào phụ nữ mới hết sức sôi nổi và thúc đẩy phụ nữ tham gia nhiều vào hoạt động xã hội ở Sài Gòn, Hà Nội. [7]
Nguyễn Thị Minh Khai

Nguyễn Thị Minh Khai (1910 – 1941), là nhà cách mạng Việt Nam với rất nhiều đóng góp trong công cuộc vận động cho quyền phụ nữ. Bà là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên tham gia diễn đàn Quốc tế Cộng sản với bài tham luận về vai trò của phụ nữ Đông Dương trong cuộc đấu tranh chống chiến tranh đế quốc và bảo vệ hoà bình: “…phụ nữ đã tham gia đáng kể vào các cuộc đấu tranh cách mạng. Họ tham gia các cuộc biểu tình và đã lãnh đạo một số cuộc ấy, đã diễn thuyết trong các cuộc mít tinh, nhiều lần phụ nữ đã dũng cảm đi hàng đầu trong các cuộc biểu tình và bọn lính phải thoái lui, phải đồng tình…”.
Với tư tưởng tiến bộ và ý thức nữ quyền cao, bà đã thẳng thắn phê bình bài “Đàn bà con gái Nhà Nam” đăng trên báo Dân chúng số ra các ngày 14, 24/9/1938: “Một dân tộc mà bọn tu mi còn nằm khoanh trong xó bếp chưa biết quan tâm đến tiền đồ quốc gia, xã hội, và phụ nữ đang bị giam hãm nơi gia đình xó bếp… thật là trái ngược với trào lưu và trình độ dân tộc tiến hóa…” Bà cho rằng: “Nam nữ xưa kia đã bình đẳng và sau này sẽ bình đẳng, lúc chưa bình đẳng thì phải đấu tranh đòi, đó là bước tiến hóa của lịch sử” [8]
Không chỉ vậy, bà còn sáng lập Phụ nữ đoàn, tổ chức phụ nữ đầu tiên tại Nghệ An. Bà tích cực tuyên truyền và vận động phụ nữ mọi tầng lớp tham gia, cổ vũ phong trào đấu tranh của nữ công nhân Vinh – Bến Thủy, đấu tranh đòi yêu sách, mở lớp huấn luyện cho phụ nữ,…
Để khép lại bài viết, VOGE xin được gửi đến cả nhà câu nói lịch sử của bà:
“Dù làm công tác gì thì mình là người phụ nữ, cũng phải quan tâm đến việc giải phóng phụ nữ. Vì chỉ có người phụ nữ mới hiểu hết những bất hạnh trong lòng chị em, những áp bức của phong kiến, đế quốc, trọng nam khinh nữ. Mà cũng chỉ phụ nữ mình mới phát động được tư tưởng chị em một cách sâu sắc và kiên trì. Khi nhiều phụ nữ giác ngộ thì sự nghiệp giải phóng phụ nữ mới hoàn thành được. Dù cho cách mạng thành công, thì sự nghiệp giải phóng phụ nữ vẫn còn phải tiến hành tiếp tục.” (1932) [9]
Nguồn tham khảo:
[1] Đạm Phương: “Vấn đề nữ học”, [Nam phong, số 43, tháng 1/1921], trong Tuyển tập Đạm Phương nữ sử, tr.61, 63, 64 (Đạm Phương nữ sử – vấn đề phụ nữ ở nước ta, NXB Phụ nữ Việt Nam, 2018)
[2] Đạm Phương: “Phát biểu trong cuộc đón tiếp Viện Nhân dân đại biểu Trung Kỳ đến thăm hội Nữ công”, [Trung Bắc tân văn, số ra ngày 25/09/1926], trong Tuyển tập Đạm Phương nữ sử, tr.327 (Đạm Phương nữ sử – vấn đề phụ nữ ở nước ta, NXB Phụ nữ Việt Nam, 2018)
[3] Huỳnh Thị Bảo Hòa: “Vấn đề giáo dục nữ lưu”, Thực nghiệp dân báo, số 2155 (3/2/1928).
[4] https://lyluanphebinh.vn/…/QUAN-NIEM-VA-THUC-HANH-NU…
[6] Tiểu thuyết Lâm Kiều Loan, cuốn 1, 1932. Phan Thị Bạch Vân
[7] https://hoilhpn.org.vn/CmsView…/html/print_cms.jsp…
[8] https://www.vwu.vn/…/tam-guong-nguyen-thi-minh-khai…
[9] Trích bài giảng “Sự thúc đẩy bình đẳng giới: Vài thời điểm ý nghĩa trong lịch sử Việt”, chiều 23/4/2022 của TS. Bùi Trân Phượng
Nguồn ảnh:
Ảnh Đạm Phương nữ sử, nguồn:
- https://phunuvietnam.vn/nu-ky-gia-xuat-sac-dau-the-ky-xx-16849.htm
- https://tokhaiyte.vn/dam-phuong-nu-su-van-de-phu-nu-o-nuoc-ta-pdf/
Ảnh Huỳnh Thị Bảo Hòa, nguồn:
- https://sachkhaiminh.com/huynh-thi-bao-hoa-van-de-phu-nu-o-nuoc-ta-huynh-thi-bao-hoa-doan-anh-duong
- https://baoquangnam.vn/nu-si-huynh-thi-bao-hoa-nha-bao-nu-dau-tien-cua-dat-quang-3034824.html
Ảnh Phan Thị Bạch Vân, nguồn:
- https://baotanglichsu.vn/vi/Articles/3098/72295/phan-thi-bach-van-nu-nha-bao-nha-van-chu-co-so-xuat-ban-vi-nu-quyen-djau-tien-o-nam-ky.html
- https://trivan.com.vn/phan-thi-bach-van-van-de-phu-nu-o-nuoc-ta-p40537416.html
Ảnh Nguyễn Thị Manh Manh, nguồn:
https://hoilhpn.org.vn/CmsView-EcoIT-portlet/html/print_cms.jsp?articleId=25257
Ảnh Nguyễn Thị Minh Khai, nguồn: