IMANE KHELIF & MỘT CUỘC “KHỦNG HOẢNG ĐỊNH NGHĨA GIỚI TÍNH”?

Gần đây, cộng đồng mạng đang tranh cãi sôi nổi về giới tính của một võ sĩ chuyên nghiệp người Algeria, Imane Khelif, người vừa giành được Huy chương vàng ở nội dung Quyền anh hạng cân bán trung của nữ tại Olympic 2024. Tranh cãi nổi dậy sau chiến thắng trong vỏn vẹn 46 giây ở vòng 1/8 của Imane do đối thủ người Ý bỏ cuộc. Các trang mạng xã hội Việt Nam, đặc biệt là những trang tin tức thể thao, đã lan truyền hình ảnh của Imane với những tiêu đề giật gân như “HÓNG PHỐT NAM THANH NIÊN ALGERIA ĐẤM VỠ MŨI NỮ VẬN ĐỘNG VIÊN NGƯỜI Ý…”, họ “tố cáo” Imane là “đàn ông đội lốt đàn bà”, “nam giả nữ”, “vận động viên mang nhiễm sắc thể XY”,… dù đó hoàn toàn là những tin đồn vô căn cứ. Thậm chí, nhiều người còn bóp méo sự thật rằng Imane là người chuyển giới nữ và (một lần nữa) hướng sự thù ghét đến cộng đồng này.

Nhìn nhận vấn đề ở bình diện rộng hơn, cuộc tranh cãi này, vốn được dấy lên bởi những người không tin Imane Khelif là phụ nữ “đích thực”, đã thể hiện điều gì? Liệu có phải chúng ta đang trải qua một cuộc “khủng hoảng định nghĩa giới tính”, khi có rất nhiều người phân vân không biết liệu Imane có được xem là phụ nữ hay không? Thật ra, VOGE cho rằng, nguyên do của những bối rối này bắt nguồn từ việc xã hội có cách hiểu quá hạn hẹp về giới và giới tính. Cho đến nay, người ta vẫn mặc định rằng con người chỉ có hai giới tính là nam và nữ, rằng là nam hoặc là nữ đều đồng nghĩa với đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn đồng nhất và tương ứng về nhiễm sắc thể, hóc môn, cơ quan sinh dục bên ngoài và thậm chí các tiêu chuẩn về tính cách, vai trò, hành vi.. Đây thực chất là một hiểu lầm tai hại, mà cụ thể tai hại như thế nào, mời bạn cùng VOGE mổ xẻ trong bài viết này và trường hợp của chị Imane nhé!

CƠ THỂ CON NGƯỜI LÀ MỘT PHỔ ĐA DẠNG

Trong y học hiện đại, người ta thường kiểm tra một số đặc điểm được cho là “đặc trưng giới tính” của một cá nhân để xác định giới tính của người đó. Các đặc điểm này thường bao gồm cặp nhiễm sắc thể (NST) thứ 23, hormone giới tính đặc trưng, cơ quan sinh sản và bộ phận sinh dục. Ở các lớp sinh học phổ thông, chúng ta thường được dạy rằng một người là nam khi người đó có các “đặc điểm giới tính” điển hình ở nam giới, bao gồm cặp NST 23 XY, hàm lượng testosterone cao, có tinh hoàn và dương vật. Đối với nữ thì là cặp NST XX, hàm lượng testosterone thấp/estrogen cao, có buồng trứng và âm vật.

Vậy nếu một người sinh ra với những đặc điểm giới tính không hoàn toàn trùng khớp vào hạng mục nam hoặc nữ, thì họ là gì? Ví dụ, bạn T. mang NST thứ 23 là Y và có hàm lượng androgen bình thường khi còn là bào thai, nhưng các tế bào của T. không phản ứng với androgen, nên T. sinh ra với bộ phận sinh dục nữ tính [1]. Tương tự, có rất nhiều trường hợp trẻ em sinh ra với cơ quan sinh dục không rõ ràng, có 2 NST X nhưng cơ quan sinh dục bên ngoài giống với nam [2], v.v. Những trường hợp này thường được gọi là liên giới tính. Ở Việt Nam, mỗi năm ước tính có khoảng 2500 trẻ liên giới tính trải dài khắp cả nước [3]. Cách nhìn nhận và phản ứng phổ biến với những trường hợp này là liệt nó vào mục bệnh lý, cần can thiệp y tế để “chữa” lại cho “bình thường” – giống hệt như cách đồng tính bị cho là bệnh cần chữa trước năm 1995. Và cũng như người đồng tính, thực tế là người liên giới tính không trải qua can thiệp y tế cho biết việc họ có đặc điểm giới tính “khác thường” không hề ảnh hưởng đến sức khỏe hay khiến họ gặp khó khăn trong đời sống hàng ngày. Ngược lại, những ca phẫu thuật sớm để “chữa bệnh” cho trẻ em liên giới tính lại có nguy cơ kéo theo hệ lụy lâu dài như vô sinh, đau đớn, són tiểu và chấn thương tâm lý suốt đời [4].

Nhiều người cho rằng “có thể có nhiều bản dạng giới nhưng giới tính (sinh học) thì chỉ có hai” – nhưng điều này là không đúng, vì cơ thể của con người đa dạng hơn chúng ta nghĩ. Trước đây, khi khoa học chưa phát triển đến mức có thể hiểu đầy đủ về tế bào và các cơ quan nội tạng của con người, người ta chủ yếu chỉ nhìn vào bộ phận sinh dục bên ngoài để xác định giới tính của một cá nhân, dẫn đến việc chỉ thừa nhận hai giới tính thường trông thấy. Nhưng chính sự tồn tại của người liên giới tính đã cho thấy hệ thống phân loại giới tính nhị nguyên này hoàn toàn không phản ánh đủ và toàn diện sự đa dạng của cơ thể con người. Cũng phải nói thêm rằng, niềm tin vào hệ nhị nguyên giới ăn sâu vào nhận thức của con người không chỉ do sự thiếu hụt về khoa học công nghệ mà còn đến từ sự áp đặt văn hóa, niềm tin từ thực dân da trắng lên các cộng đồng bản địa khắp thế giới (bạn có thể đọc thêm chuỗi bài viết “Queer đây Queer đó” của VOGE về thực hành công nhận đa dạng giới trong các văn hóa bản địa).

CỨ CÓ TESTOSTERONE, CÓ SỨC MẠNH THÌ LÀ… ĐÀN ÔNG?

Quay lại với trường hợp của Imane Khelif, nhiều người đã “đào” lại thông tin về việc cô từng bị Hiệp hội Quyền anh Quốc tế (IBA) loại khỏi giải đấu thế giới năm 2023 do không vượt qua được “bài kiểm tra giới tính” của tổ chức này. Họ vin vào sự kiện này và tố cáo Imane là đàn ông “giả đàn bà” để được thi đấu ở hạng mục nữ. Mặc dù Ủy ban Olympics Quốc tế đã không đồng ý và gọi hành vi của IBA là một hành động “tùy tiện” [5], các trang tin tức vẫn cố chấp suy đoán lý do cô bị loại là vì cơ thể có hàm lượng testosterone vượt ngưỡng trung bình ở nữ giới. Chưa nói đến tính xác thực của tin này, thì liệu việc khẳng định giới tính của một người chỉ dựa vào hàm lượng testosterone trong cơ thể có xác đáng chưa?

Như đã trình bày trong bài viết, có rất nhiều cách khác nhau để xác định giới tính của một người, nên rất khó có thể kết luận giới tính của cá nhân chỉ dựa vào hàm lượng testosterone trong cơ thể người đó. Thứ hai, nhiều người đi đến kết luận vội vàng về giới tính thông qua testosterone là vì họ tin rằng (1) chỉ có đàn ông mới có testosterone, (2) lượng testosterone ở nam luôn cao hơn nữ (dẫn đến nam luôn có thể lực tốt hơn nữ).

Đến nay, nhiều người vẫn lầm tưởng rằng testosterone chỉ có ở nam và estrogen chỉ có ở nữ. Thực tế, cơ thể tất cả giới tính đều tiết ra cả hai hormone thường được cho là “đặc trưng giới”. Hàm lượng testosterone cũng hoàn toàn có thể thay đổi do lối sống, chế độ luyện tập và ăn uống chứ không duy trì một mức nhất định suốt đời của một người. Ở nam giới, lượng testosterone tự do có thể giảm đến 50% khi bước vào độ tuổi 40 đến 80 [6]. Ngoài ra, nghiên cứu của Giáo sư Peter Sonksen, một giáo sư nghiên cứu về hormone tại Bệnh viện St Thomas (London, Anh), đã chỉ ra rằng các vận động viên nữ ưu tú thường có mức testosterone cao hơn đáng kể so với các vận động viên không ưu tú hoặc những người không phải vận động viên [7]. Vậy nên, các lập luận quy chất giới như “vì đàn ông luôn có lượng testosterone cao nên về mặt sinh học thì đàn ông khỏe hơn phụ nữ” là thiếu cơ sở khoa học.

Mặt khác, nhiều bình luận còn vô lý hơn khi cho rằng Imane có ngoại hình và sức mạnh “giống như một người đàn ông” nên không lý nào cô lại là phụ nữ. Các trang mạng còn trích dẫn câu nói của Angela Carini, đối thủ của Imane: “Tôi chưa bao giờ ăn một cú đấm nào mạnh như vậy“ để ám chỉ Imane có thể lực của đàn ông. Rõ ràng, những lập luận này được dựa trên các rập khuôn về giới rằng phụ nữ luôn là “phái yếu” và phải thể hiện sự “liễu yếu đào tơ”; còn đàn ông mới là “phái mạnh” với thể hiện giới vạm vỡ và cường tráng.

ĐỘNG LỰC SẮC TỘC VÀ GIAI CẤP ĐẰNG SAU

Imane Khelif không phải vận động viên nữ hợp giới đầu tiên bị cộng đồng mạng nghi ngờ giới tính. Rất nhiều vận động viên nữ khác có thể hiện giới không phù hợp với kỳ vọng của xã hội về một người phụ nữ “nữ tính”, như cầu thủ bóng bầu dục Ilona Maher, tuyển thủ bơi lội Katie Ledecky, đều bị nghi ngờ vì họ có thể lực vượt trội và thân hình vạm vỡ. Phụ nữ trong thể thao, và đặc biệt là phụ nữ da màu, cực kỳ dễ bị tổn thương trước những làn sóng “nghi ngờ về giới tính”. Quần vợt Serena Williams, vận động viên chạy cự ly trung bình Caster Semenya, vận động viên chạy nước rút Christine Mboma, v.v. đều là những phụ nữ da màu bị cáo buộc là đàn ông hoặc là người chuyển giới khi tham gia vào Thế vận hội [8].

Điều này cho thấy sự đan xen của động lực phân biệt chủng tộc, phân biệt giai cấp và chủ nghĩa thực dân đằng sau những nghi ngờ về giới tính này, vì tiêu chuẩn để đánh giá một người phụ nữ “nữ tính” thường được dựa trên đặc điểm của phụ nữ da trắng trung lưu thành thị.

Từ lâu, các nhà nữ quyền da màu đã lên tiếng phản ánh bất công khi xã hội da trắng không công nhận họ là phụ nữ. Sự nữ tính bị tước đi khỏi những người phụ nữ da đen vì họ là nhóm dân số phải lao động cơ cực từ sớm do hệ lụy của chế độ nô lệ (khác với phụ nữ da trắng – những người bị ràng buộc trong căn bếp của gia đình). Bài phát biểu kinh điển vào năm 1851 của Sojourner Truth “Ain’t I A Woman” đã phản ánh rõ nét một xã hội ưu tiên phụ nữ da trắng phù hợp với chuẩn mực giới và loại trừ phụ nữ da đen với “cánh tay (vạm vỡ) đã cày bừa, trồng trọt và thu thóc vào kho” [9]. Đáng buồn là, xã hội hiện nay hầu như không thay đổi mấy so với xã hội mà Truth từng lên án.

TẠM KẾT: KHÔNG PHẢI “KHỦNG HOẢNG ĐỊNH NGHĨA GIỚI” MÀ ĐÃ ĐẾN LÚC NHÌN TRỰC DIỆN VÀO SỰ THẬT ĐA DẠNG

Việc Imane Khelif và nhiều vận động viên nữ có thể hiện giới khác với “bình thường” phải hứng chịu sự công kích về giới tính là hệ quả của một xã hội phụ quyền định chuẩn hóa dị tính luôn muốn khuôn ép các cá nhân vào hình mẫu “chuẩn” nam, “chuẩn” nữ. Vì mải mê theo đuổi những chuẩn mực giới xa rời với thực tế mà xã hội chúng ta đã vô hình hóa những minh chứng cho sự đa dạng – sự tồn tại của người liên giới tính – để rồi chính xã hội đó lại kinh ngạc và phản ứng dữ dội khi một người “lệch chuẩn” xuất hiện trong tầm mắt của họ.

Phụ nữ lại đặc biệt dễ trở thành tâm điểm của những công kích này hơn – vì họ luôn bị kiểm soát chặt chẽ trong xã hội phụ quyền vốn vận hành theo quy luật duy trì quyền lực của nhóm nam giới thống trị. Theo chân Imane Khelif với tuyên bố đanh thép: “Tôi là phụ nữ”, VOGE tin rằng, đã đến lúc chúng ta tỉnh giấc khỏi lời ru của chế độ thực dân đã xóa trí nhớ về các cộng đồng muôn màu vẫn sống trong hòa bình của chúng ta và khỏi lời ru của chế độ phụ quyền đã xóa trí nhớ về những người phụ nữ muôn hình vạn trạng trong sự tự chủ và hạnh phúc.

🌂 Nguồn tham khảo bài viết:

[1] Chương 2 – Androgen, Estrogen, and Gender: Contributions of the Early Hormone Environment to Gender-Related Behavior, trong cuốn The psychology of gender (tác giả Alice H. Eagly, Anne E. Beall, Robert J. Sternberg, 2004)

[2] https://edition.cnn.com/…/intersex-surgeries…/index.html

[3] https://baophapluat.vn/cau-chuyen-ve-nguoi-lien-gioi-tinh…

[4] https://www.amnesty.org/…/its-intersex-awareness-day…/

[5] https://www.theguardian.com/…/algerian-boxer-at-centre…

[6] Chương 2 – Androgen, Estrogen, and Gender: Contributions of the Early Hormone Environment to Gender-Related Behavior, trong cuốn The psychology of gender (tác giả Alice H. Eagly, Anne E. Beall, Robert J. Sternberg, 2004)

[7] Nghiên cứu Sex, health, and athletes (tác giả Rebecca Jordan-Young, Peter Sönksen, and Katrina Karkazis, 2014) https://doi.org/10.1136/bmj.g2926

[8] https://www.instagram.com/p/C-QG8C1xxHn/…

[9] https://sourcebooks.fordham.edu/mod/sojtruth-woman.asp