#VTVStop#VTV_hãy_có_trách_nhiệm
Không còn là một xu hướng mới trong các chương trình đưa tin và bình luận bóng đá, các cô gái trẻ với ngoại hình ưa nhìn trong trang phục rất ngắn, bó sát luôn được VTV chọn để đưa lên sóng truyền hình.
Có thể “truy” hành vi này về ít nhất 10 năm trước, khi máy quay thi thoảng chĩa vào các cô gái trẻ trên hàng ghế khán giả. Các fan bóng đá đều hưởng ứng hành động này và lấy đó làm trò vui – “sự tinh ý của bác quay phim khi biết chiều lòng các nam khán giả”. Sau một thời gian, khi “trò đùa” ấy ngày càng phổ biến, VTV và vô số các trang báo, trang thông tin từ chính thống đến cộng đồng đều nghiễm nhiên sử dụng hình ảnh và sự hiện diện của những cô gái như thế một cách chính thức, rộng rãi và thậm chí đầy thích thú, tự hào.
Trước thềm FIFA World Cup 2022, VTV đã phát sóng và đăng lên Youtube quá trình chuẩn bị các chương trình hưởng ứng World Cup của nhà đài. Trong đó, VTV nhấn mạnh chương trình “Nóng cùng World Cup” [1]. Video cho thấy nhiều cô gái ưa nhìn, trong trang phục bó sát và ngắn, đang luyện tập vũ đạo cho chương trình. Thuyết minh cho biết: “Ban Thể thao đã ngay lập tức khởi động Nóng cùng FIFA World Cup 2022. Chương trình quy tụ 32 cô gái xinh đẹp, thông minh, tự tin, đại diện cho 32 đội tuyển của đại hội bóng đá lớn nhất hành tinh”.
Hưởng ứng không khí “nóng” này, các trang báo mạng và fanpage cộng đồng lũ lượt đăng hình của 32 cô gái [2]. Người bình luận về ngoại hình, kẻ xin và trao đổi thông tin của các cô gái, đàm tiếu về kiến thức bóng đá, bĩu môi “con gái biết gì mà nói”, hay cười cợt cho rằng “thôi xinh là được”, “xinh thì sai cũng thành đúng.”
Chưa dừng lại ở đó, trong các chương trình bình luận bóng đá của VTV, khách mời nữ thường không phải những người có chuyên môn về thể thao, mà dường như “được” chọn dựa trên nhan sắc. Điều này dẫn đến chất lượng bình luận không đảm bảo, mở đường cho những lối suy nghĩ nặng định kiến giới và thù ghét phụ nữ. Với cách thiết kế và lựa chọn khách mời ấy, người nữ hiếm khi được hiện diện như những chủ thể, có chuyên môn và cân bằng vị thế với nam giới.
MÔN THỂ THAO “VUA”: KHI PHỤ NỮ LÀ VẬT TRANG TRÍ ĐẦY NHỤC DỤC TRONG THẾ GIỚI PHỤ QUYỀN
Bóng đá nói riêng, và phần lớn thể thao nói chung, là lĩnh vực mà nam giới và nam tính luôn được đề cao, lấy làm trung tâm. Tại nhiều nơi trên thế giới, khi phụ nữ bắt đầu lên tiếng và khẳng định vị thế, thể thao đã phần nào chuyên nghiệp hóa và có những cải thiện cụ thể với phụ nữ, đảm bảo môi trường bình đẳng và công bằng hơn [3]. Tuy chưa hoàn toàn phổ quát, chúng ta có thể thấy những nỗ lực đảm bảo môi trường an toàn, không q.u.ấ.y r.ố.i t.ì.n.h d.ụ.c cho vận động viên, thiết kế dụng cụ có nhạy cảm giới hơn hay các yêu cầu về mức lương, mức thưởng công bằng giữa các giới đang được thực thi.
Nhưng thay vì chọn cách tiếp cận chuyên nghiệp và nhân bản, VTV đã chọn cách công cụ hóa thân thể người nữ như vật trang trí với mục đích câu view, câu tương tác và trình hiện họ một cách bị động, ngờ nghệch, ở vị thế phụ, bên lề, thua kém hẳn so với những người nam trong chương trình. Nguyên nhân chính của điều này chính là cách sắp xếp bối cảnh trường quay, lên kịch bản, lựa chọn khách mời và phân công nhân sự của VTV.
Bên cạnh việc vật hóa và tình dục hóa phụ nữ, chúng ta cũng có thể đặt câu hỏi rằng “Liệu Việt Nam thiếu bình luận bóng đá chuyên nghiệp là nữ sao? Hay do quá trình tuyển dụng, khâu lên kịch bản và thiết kế chương trình từ đầu đã tồn tại định kiến giới? Hay do môi trường làm việc không thân thiện với người nữ? Hay do sự chênh lệch quá lớn về mức lương khiến người nữ thật sự có chuyên môn không muốn gắn bó và tham gia các chương trình thể thao?” Đó là những trăn trở và câu hỏi mở cần sự nghiên cứu cụ thể và cần câu trả lời xác đáng tại bối cảnh Việt Nam.
NGƯNG CỦNG CỐ CẤU TRÚC PHỤ QUYỀN #VTVStop
Hành động của VTV nói riêng và những trang tin tức nói chung đều đang củng cố cấu trúc phụ quyền trên rất nhiều phương diện: từ củng cố định kiến giới qua truyền thông, tạo ra môi trường làm việc không an toàn và thiếu công bằng cho phụ nữ làm việc chuyên nghiệp trong ngành thể thao, cho đến kiếm lợi nhuận trên thân thể và sức lao động của những cô gái trẻ – những người bị đưa ra bàn tán và truy lùng thông tin, bị nhục dục và vật thể hóa trước hàng trăm triệu người xem cả nước.
Vì một môi trường thể thao chuyên nghiệp, công bằng và an toàn hơn cho phụ nữ, VOGE mong chúng ta sẽ cùng lên tiếng để chấm dứt những thực hành này và những tư duy, cách làm củng cố bất bình đẳng giới. Chính những lề thói thiếu tôn trọng và hạ thấp phụ nữ như thế mới là rào cản lớn nhất ngăn cản phụ nữ tham gia và phát triển tiềm lực trong thể thao.