Khi nhắc đến tính dục và hình ảnh người nữ tại Việt Nam, chúng ta thấy gì? Giản dị, truyền thống; công, dung, ngôn, hạnh; ôn nhu,… – những đức tính đã được ghi chép, nhấn mạnh và lưu truyền qua lịch sử được viết chủ yếu bởi người nam. Vậy còn phóng khoáng, sỗ sàng, tự do, chủ động? Những khía cạnh này không phải là không có, mà bởi những luân lý xã hội, giáo điều ảnh hưởng từ độc tôn Tống Nho đã làm mờ đi những đặc điểm đó của người phụ nữ Việt xưa – hình ảnh người nữ không e lệ, không ngượng ngùng, không ngại thể hiện, phóng khoáng trong tình yêu.
Tính dục, hay cụ thể là tình dục, là lĩnh vực phải chịu đựng nhiều kìm nén. Các thiết chế xã hội thường dựng lên biển cấm tại lãnh địa này bởi nó là nơi cuối cùng xã hội có thể xen vào để kiểm soát tự do cá nhân. Nhiều người cho rằng những người phụ nữ thể hiện thẳng thắn những ham muốn (vốn dĩ là điều rất tự nhiên) hay có nhu cầu tình dục cao là hư hỏng, lẳng lơ, đáng xấu hổ. Sự thể hiện phóng khoáng của người phụ nữ đôi khi còn bị tình dục hoá dưới nhãn quan của nam giới. Những định kiến này xuất phát từ các khuôn mẫu giới, kìm nén sự tự do cơ bản của người phụ nữ và đè nặng lên họ những kỳ vọng “cao cả” không đáng có của xã hội.
Trong địa hạt văn chương nói chung và văn học Việt Nam nói riêng, đâu đó vẫn có hình bóng của màu sắc tính dục: văn chương tính dục. Đây là hiện tượng cho thấy xã hội có nhu cầu nhận thức về tự do cá nhân, và rằng nhiều rào cản, định kiến xã hội ít nhiều bị dỡ bỏ, ít nhất là trong tâm tưởng của chính người phụ nữ từ những giai đoạn lịch sử mà tính nam thống lĩnh mạnh mẽ hơn cả.
Trong những nỗ lực tìm lại những tiếng nói tự chủ tính dục của người nữ mà lịch sử đã bỏ quên, Hồ Xuân Hương là nữ thi sĩ tiêu biểu sử dụng ngôn ngữ thơ mang tính tính dục của văn học Việt Nam. Thơ Hồ Xuân Hương cho ta nhìn thấy vẻ đẹp trong những ham muốn, một cách tiếp cận mới về thân thể và tính dục, thoát khỏi những định kiến vốn có. Chính ở những trắc ẩn không một ai nói ra – hoặc có chăng nữa cũng nửa úp nửa mở bởi những ước lệ khắt khe của Nho giáo khiến cho hiếm ai dám “vi phạm” dù dưới hình thức chữ nghĩa – lại là điểm then chốt để phát lộ những khía cạnh bạo lực tinh vi của các thiết chế xã hội đối với thân thể, giới tính và rộng hơn, đối với đời sống cá nhân con người.
Dưới đây là một vài tác phẩm của Hồ Xuân Hương cho thấy rõ tính tự thân của tính dục ở người nữ. Những thể hiện của người nữ về bản thân họ biểu hiện ý chí và hơn hết, là nhu cầu của bản thân họ, không phải là sự “lên gân” về căn tính hay để làm hài lòng, thu hút một phái tính khác.
Quả mít (Hồ Xuân Hương)
Thân em như quả mít trên cây
Da nó xù xì múi nó dày
Quân tử có yêu xin đóng cọc
Đừng mân mó nữa nhựa ra tay.
(theo bản khắc năm 1914)
Ốc Nhồi (Hồ Xuân Hương)
Bác mẹ sinh ra phận ốc nhồi
Đêm ngày lăn lóc đám cỏ hôi,
Quân tử có thương thì bóc yếm
Xin đừng ngó ngoáy lỗ trôn tôi.
(theo bản khắc năm 1922)
Đánh cờ (Hồ Xuân Hương)
Chàng với thiếp đêm khuya trằn trọc,
Ðốt đèn lên đánh cuộc cờ người.
Hẹn rằng đấu trí mà chơi,
Cấm ngoại thuỷ không ai được biết.
Nào tướng sĩ dàn ra cho hết,
Ðể đôi ta quyết liệt một phen.
Quân thiếp trắng, quân chàng đen,
Hai quân ấy chơi nhau đà đã lửa.
Thoạt mới vào chàng liền nhảy ngựa,
Thiếp vội vàng vén phứa tịnh lên.
Hai xe hà, chàng gác hai bên,
Thiếp thấy bí, thiếp liền ghểnh sĩ.
Chàng lừa thiếp đương khi bất ý,
Ðem tốt đầu dú dí vô cung,
Thiếp đang mắc nước xe lồng,
Nước pháo đã nổ đùng ra chiếu.
Chàng bảo chịu, thiếp rằng chẳng chịu,
Thua thì thua quyết níu lấy con.
Khi vui nước nước non non,
Khi buồn lại giở bàn son quân ngà.
VOGE mong rằng chúng ta sẽ có một cái nhìn đa dạng hơn về cách thể hiện, mong muốn và nhu cầu của con người, bất kể họ thuộc giới tính nào. Vậy còn các bạn, những độc giả của VOGE, các bạn có ý kiến thế nào về vấn đề tính dục trong thơ Hồ Xuân Hương nói riêng cũng như vấn đề tính dục đối với phụ nữ nói chung?