RAINBOW CAPITALISM: KHI HOẠT ĐỘNG XÃ HỘI TRỞ THÀNH MỒI CÂU CỦA TƯ BẢN

Những năm gần đây, ta đều dễ dàng bắt gặp nhiều nhãn hàng, thương hiệu lớn ra mắt sản phẩm “cầu vồng” với các thông điệp ủng hộ cộng đồng LGBTQ+. Nhưng liệu những hoạt động đó có thực sự là một bước tiến có lợi cho cộng đồng hay chỉ là một chiếc mặt nạ mới giả danh “hoạt động xã hội”, nhằm “hút máu”, thu lời của chủ nghĩa tư bản? ⚠️

❓Làm sao để kinh doanh nhưng trông vẫn giống như đang giúp ích cho xã hội? Làm sao để thu được lợi nhuận một cách “văn minh”, “thân thiện”? Tất cả đều được trả lời bằng Rainbow capitalism* [1].

Đây là thuật ngữ mô tả việc chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa tiêu dùng tham gia vào phong trào LGBTQ+ bằng cách kết hợp phong trào LGBQT+ với hoạt động quảng cáo, sản xuất sản phẩm nhằm giúp họ thu hút nhóm người tiêu dùng thuộc hoặc ủng hộ cộng đồng này. Nói một cách đơn giản hơn, Tư bản cầu vồng chính là khi các doanh nghiệp tỏ ra quan tâm đến LGBTQ+, đưa những hình ảnh, biểu tượng “rất LGBTQ+” vào nhãn hàng, sản phẩm của họ(in sticker cầu vồng, thay đổi bao bì sản phẩm với các dòng chữ ủng hộ LGBTQ+…). Nhưng thực chất, họ không quan tâm hay có mong muốn xây dựng cho cộng đồng mà chỉ lợi dụng để làm giàu, làm đẹp cho doanh nghiệp.

Để biết rõ hơn về màn “hoá trang” thành các hoạt động xã hội ủng hộ LGBTQ+ của chủ nghĩa này, các độc giả của VOGE hãy cùng chúng mình khám phá thêm ở dưới nhé.

*Rainbow capitalism: Chủ nghĩa tư bản cầu vồng còn được gọi là pink capitalism (Tư bản màu hồng) hoặc gay capitalism (Tư bản đồng tính).

TƯ BẢN ĐÃ BẮT ĐẦU KHOÁC LÊN MÌNH LÁ CỜ CẦU VỒNG NHƯ THẾ NÀO? ????

Không rõ thuật ngữ “Rainbow capitalism” bắt đầu được sử dụng từ khi nào nhưng theo một số tác giả thì Rainbow capitalism phát triển song song với chủ nghĩa tư bản hiện đại ở phương Tây. Các doanh nghiệp bắt đầu nhắm đến LGBTQ+ như một miếng mồi ngon để kiếm lời vào những năm cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21, khi cộng đồng LGBTQ+ được xã hội chấp nhận nhiều hơn và đủ sức để chi trả cho những món đồ liên quan đến cộng đồng như: mỹ phẩm, quần áo hóa trang, tóc giả, cờ LGBTQ+…

Trước giai đoạn này, những người thuộc cộng đồng LGBTQ+ được cho rằng là nghèo hơn những người dị tính và lý do lớn nhất chính là vì bị đối xử bất công trong lao động. Một số nghiên cứu được thực hiện trong những năm 1980, 1990 cho thấy số người Mỹ thuộc cộng đồng LGBTQ+ bị phân biệt đối xử trong việc làm dao động từ 16% đến 68%. Những người đồng tính nam cũng kiếm được ít hơn từ 10% đến 32% so với những người dị tính nam có trình độ tương tự. Người chuyển giới được cho là có tỷ lệ thất nghiệp cao và nếu có việc làm thì cũng có thu nhập thấp [2].

Lúc đầu, Rainbow capitalism chỉ nhắm tới các quán bar và nhà tắm dành cho người đồng tính. Sau đó dần dần đã mở rộng ra nhiều ngành khác. Cho đến nay, Rainbow capitalism gần như len lỏi vào tất cả các ngành, thời điểm mà sự “xâm lấn” này được biểu hiện rõ nhất chính là vào tháng 6 hàng năm (Tháng Tự hào).

THÁNG TỰ HÀO VÀ NHỮNG TRÒ KIẾM TIỀN KỆCH CỠM CỦA CÁC DOANH NGHIỆP ????

Khi các doanh nghiệp không thực sự quan tâm đến cộng đồng LGBTQ+ nhưng lại muốn trục lợi từ cộng đồng này thì đâu là lúc thích hợp nhất để kiếm tiền? Câu trả lời chính là Tháng Tự hào. Bởi lẽ Tháng Tự hào chính là thời điểm các tổ chức LGBTQ+ hoạt động mạnh mẽ và cũng là lúc mọi người hướng sự chú ý nhiều đến cộng đồng này. Những sản phẩm với phiên bản “cầu vồng” được bày bán nhan nhản, những thông điệp trông có vẻ rất quan tâm đến LGBTQ+ in đầy trên đủ loại sản phẩm nhưng hành động thực tế của các doanh nghiệp này lại đi ngược lại với những gì họ cố thể hiện ra. Tất cả trông đều rất lố bịch, nửa mùa.

Gần đây, vào tháng Tự hào 2022, Disney+ đã mắt Disney+’s Pride Collection (Bộ sưu tập các sản phẩm tự hào của Disney+) với những chương trình, phim ảnh có sự xuất hiện của yếu tố LGBTQ+ để thể hiện sự thân thiện của Disney+ đối với cộng đồng này. Đặc biệt, trong bộ sưu tập đó, Disney+ đã đưa vào chương trình The Owl House, nhưng điều đáng nói là Disney+ đã từng từ chối sản xuất tiếp chương trình này chỉ vì nhân vật chính trong chương trình là người song tính (bisexual).

Một ví dụ khác cho sự “nực cười” của Rainbow capitalism trong Tháng Tự hào, AmericanAirlines (Hãng hàng không của Mỹ) và AT&T (Công ty viễn thông đa quốc gia có trụ sở tại Mỹ) đã thể hiện sự chúc mừng cho Tháng Tự hào trên Twitter mặc dù họ từng ủng hộ Mitch McConnel – người đã tích cực ngăn chặn Đạo luật Bình đẳng bảo vệ những người thuộc cộng đồng LGBTQ+.

Nhiều ý kiến cho rằng Rainbow capitalism dù gì cũng giúp cho cộng đồng LGBTQ+ được biết đến nhiều hơn, và dù gì thì đó cũng xuất phát từ “ý tốt” của các doanh nghiệp. Nhưng thực chất Rainbow capitalism lại có hại cho cộng đồng LGBTQ+ nhiều hơn những gì bạn tưởng. Cũng giống như tất cả các hình thức chủ nghĩa tư bản khác, Rainbow capitalism cũng có tính bóc lột và những gì các công ty làm để giúp cộng đồng LGBTQ+ được ủng hộ thì ít mà muốn được ủng hộ thì nhiều. Phần lớn họ sẽ chỉ tỏ ra ủng hộ cho đến khi Tháng Tự hào hoặc những dịp đặc biệt của cộng đồng LGBTQ+ kết thúc mà thôi. Những gì họ bỏ ra đều dồn vào sản phẩm nhằm thu lợi nhuận từ cộng đồng LGBTQ+ và những người ủng hộ cộng đồng. Vài hình dán cầu vồng, vài tấm áp phích hay thậm chí là những quảng cáo liên quan đến LGBTQ+ trên màn hình lớn tồn tại trong thời gian ngắn,… Đôi khi việc rập khuôn về cộng đồng còn làm cho nhiều người không trong cộng đồng có cái nhìn sai lệch về LGBTQ+. Thậm chí những sản phẩm có phần rỗng tuếch, “lố bịch” mà họ mang đến còn góp phần làm cộng đồng LGBTQ+ bị bôi nhọ. Họ gần như không làm được gì ngoài việc rao giảng một cách bề mặt về sự bình đẳng.

SỰ KHÁC BIỆT GIỮA RAINBOW CAPITALISM VÀ CÁC HOẠT ĐỘNG XÃ HỘI GIÚP ÍCH CHO CỘNG ĐỒNG LGBTQ+ ????️

Có một thực trạng đáng bất ngờ là 76% người thuộc LGBTQ+ tại Mỹ ủng hộ sự tham gia của các doanh nghiệp vào các sự kiện Tháng Tự hào, 24% phản đối còn lại đa phần lại đến từ chính những người tổ chức các sự kiện đó – những nhà hoạt động xã hội thực thụ [3].

Cuộc khảo sát trên thể hiện hai điều: (1) nhận thức của mọi người chưa cao (ngay cả những người thuộc LGBTQ+). Họ vẫn còn nhầm lẫn Rainbow Capitalism là hoạt động xã hội và lầm tưởng về sự “tử tế” của các doanh nghiệp’ (2) Rainbow Capitalism không bao giờ và chưa bao giờ là hoạt động xã hội, điều này được chính những người hoạt động xã hội nhận thức rất rõ ràng.

Ranh giới mong manh giữa những nhà “vận động” và những nhà “khai thác” ở chỗ, trong khi các nhà hoạt động xã hội nỗ lực giúp ích và giải quyết các vấn đề cộng đồng LGBTQ+ đang phải đối mặt thì Rainbow Capitalism chỉ mới khai thác bề nổi, những điều ai cũng biết. Thậm chí họ còn đánh vào những điều hay bị lầm tưởng về LGBTQ+ để dễ dàng thu hút được sự chú ý từ người mua.
Có lẽ họ không biết và cũng không cần biết rằng cộng đồng LGBTQ+ còn một chặng đường dài phía trước để đạt được sự tự do.Điều đó chỉ có thể xảy ra nếu thị trường cố gắng đạt được sự tiến bộ và chấp nhận thực sự, điều này tạo ra tác động tích cực và có ý nghĩa đối với sự phát triển của cộng đồng LGBTQ+. 

LÀM SAO ĐỂ THOÁT KHỎI CÁI BẪY CỦA RAINBOW CAPITALISM ❓

Dưới áp lực của đồng tiền, đôi khi chính các doanh nghiệp cũng vô tình rơi vào vòng xoáy của Rainbow Capitalism. Vậy các doanh nghiệp có thể làm gì để gỡ được cái mác “đạo đức giả” của Chủ nghĩa tư bản cầu vồng? ????

???? Đáp án duy nhất cho câu hỏi này chính là “sự chân thật”. Doanh nghiệp có thể đưa ra các chính sách và thực hành bảo vệ người thuộc cộng đồng LGBTQ+. Những chính sách này có thể xoay quanh việc bình đẳng trong cơ hội thăng tiến, trong tiền công cho những người thuộc cộng đồng này. Và tất nhiên, để không bị coi là kẻ “giả tạo” thì các doanh nghiệp ủng hộ quyền bình đẳng LGBTQ + cần thực hiện những gì họ “rao giảng” trên truyền thông, từ việc đưa ra quan điểm, chính sách rõ ràng để cắt đứt với các đối tác, khách hàng có hành vi thù ghét, kỳ thị đối với cộng đồng LGBTQ+, đến những biện pháp khắc phục những vấn đề cộng đồng này đang gặp phải mà doanh nghiệp có thể giúp đỡ.

Không chỉ doanh nghiệp mới dễ sa vào “cái bẫy phô mai” của Rainbow Capitalism, người tiêu dùng cũng là đối tượng chính mà tư bản này hướng đến. Tìm hiểu kỹ trước khi mua và phân biệt được rõ đâu là hoạt động xã hội, đâu là tư bản hóa nhằm trục lợi chính là chìa khóa cho người tiêu dùng thông minh. Đừng mua sắm những món đồ y hệt về công năng sử dụng chỉ khác là thêm vài hình cờ ngũ sắc trên bao vì với giá đắt hơn, rồi nghĩ rằng “thôi dù gì cũng đóng góp một phần cho LGBTQ+”. Hành động này thực chất không những không giúp gì cho cộng đồng mà ngược lại còn tiếp tay làm giàu cho tư bản.

Rainbow Capitalism hoàn toàn có hại cho cộng đồng LGBTQ+, VOGE mong rằng bạn đọc hãy tỉnh táo để trở thành người tiêu dùng thông thái trước những mánh khóe đầy lợi dụng của Rainbow capitalism. ????️‍????????️‍????????️‍????

Nguồn trích dẫn:

[1] Roque Ramírez, Horacio N. (2011). “Gay Latino Cultural Citizenship. Predicaments of Identity and Visibility in San Francismo in the 1990s”. In Hames-García, Michael; Martínez, Ernesto Javier (eds.). Gay Latino Studies. A Critical Reader. Duke University Press. pp. 175–197. ISBN 978-0-8223-4937-2.

[2] lbelda, Randy; Badgett, M. V. Lee; Schneebaum, Alyssa; Gates, Gary (1 March 2009). “Poverty in the Lesbian, Gay, and Bisexual Community”.

[3] Holden, Dominic. “Most LGBTQ Americans Actually Love Having Cops And Corporations In Pride Parades”. BuzzFeed News. Retrieved 23 July 2022.

Tài liệu tham khảo:

[1] The Dangers of Rainbow Capitalism: https://jwa.org/blog/risingvoices/dangers-rainbow-capitalism

[2] The Worst Cases of ‘Rainbow Capitalism’ in Pride Month 2022: https://www.themarysue.com/the-worst-cases-of-rainbow…/