Có tồn tại một không gian an toàn và lành mạnh cho sự phát triển của những đứa trẻ không khi học sinh LGBTQ+ vẫn là nạn nhân của sự phân biệt giới từ chính các nhà giáo dục?
Khoanh vùng những điều “khác biệt” có khắc sâu hơn định kiến về giới trong nhận thức của các em, đồng thời tước đi cơ hội hưởng quyền được học tập, phát triển một cách bình đẳng và hiệu quả bất kể xu hướng tính dục hay biểu hiện giới hay không?
Luật Giáo dục (sửa đổi) năm 2019 có đề cập: “Mục tiêu giáo dục nhằm phát triển con người Việt Nam có đạo đức, tri thức, văn hoá, sức khoẻ, thẩm mỹ và nghề nghiệp; có phẩm chất, năng lực và ý thức công dân […]” [1]. Thực tế hiện nay, giáo dục đã làm được điều đó chưa khi mà học sinh LGBTQ+ vẫn “được” bố trí chỗ ngồi riêng, và những vụ việc quấy rối tình dục vẫn tồn tại trong học đường?
Trường học nên tôn trọng sự đa dạng chứ không phải vạch rõ ranh giới và khoanh vùng chúng để dễ “nhận dạng” hơn. Dù vô tình hay hữu ý, giáo dục dường như đang uốn nắn, định hướng các em theo những khuôn mẫu giới nhất định, xóa bỏ sự đa dạng giới và điều chỉnh những hành vi được coi là “chưa chuẩn mực trong môi trường học đường”.
Tạo ra trường học an toàn, thân thiện với mọi học sinh bất kể xu hướng tính dục hay bản dạng giới là một việc làm không hề dễ, đòi hỏi sự kiên trì, bền bỉ, nhưng không bao giờ là không thể.
Thay vì né tránh kiến thức về giới, lo sợ học sinh có “vấn đề về giới tính”, cô lập các em thành một nhóm riêng biệt để không “ảnh hưởng” đến các học sinh khác; bao che cho bắt nạt, quấy rối hay xâm hại tình dục,… dưới đây là một số cách nhà trường có thể thực hiện để xây dựng bình đẳng giới và sự tôn trọng trong môi trường giáo dục.
Các độc giả của VOGE ơi, theo các bạn, nhà trường còn có thể làm những gì để kiến tạo một môi trường giáo dục an toàn và lành mạnh?
TIẾP CẬN KIẾN THỨC GIÁO DỤC GIỚI TÍNH VÀ TÌNH DỤC TOÀN DIỆN

Đưa giáo dục giới tính và tình dục toàn diện vào trong chương trình giảng dạy là một trong những việc làm quan trọng giúp học sinh hiểu về giới một cách chủ động, hình thành khả năng chất vấn và phản tư liên tục khi đứng trước các nguy cơ nhào nặn khuôn mẫu giới. Từ đó các em có cơ hội nhiều hơn để hiểu rõ về bản thân, biết cách bảo vệ và chăm sóc cơ thể lành mạnh, đồng thời có ý thức lắng nghe, tôn trọng nhu cầu cơ thể của mình và người khác.
Trên thực tế, các cơ sở giáo dục hiện nay đã bước đầu đưa nội dung LGBTQ+ vào các chủ đề sinh hoạt ngoại khóa. Tuy nhiên cách làm này vẫn còn mang tính hình thức và chưa toàn diện: việc chọn lựa kiến thức còn dè dặt do lo ngại nội dung nhạy cảm sẽ kích thích những tò mò “không lành mạnh”, giáo viên thường lướt qua kiến thức mà không chú trọng vào các phương pháp truyền đạt và sự tiếp thu chủ động từ học sinh. Do đó dẫn đến những trường hợp như các em tẩy chay, miệt thị bạn do không có kiến thức về LGBTQ+; các học sinh LGBTQ+ dễ bị tổn thương, loay hoay trong việc hoà nhập và bảo vệ bản thân,…
Thay vào đó, nhà trường cần hướng tới sự hiệu quả trong việc lồng ghép, tích hợp đa dạng các khía cạnh về giới và tình dục toàn diện một cách linh hoạt vào quá trình giảng dạy. Chẳng hạn, giáo dục giới tính gắn liền với các kiến thức văn hoá, xã hội; về các kỹ năng cá nhân và các mối quan hệ; về hành vi và sức khỏe tình dục,…. Qua đó, học sinh biết cách bảo vệ bản thân khoa học và lành mạnh, đẩy lùi bắt nạt và nuôi dưỡng sự bao dung, sẻ chia trong học đường.
VOGE sẽ đính link ở dưới phần bình luận một số nguồn đáng tin cậy và hữu ích mà nhà trường có thể tham khảo để hiểu hơn cách triển khai hiệu quả mục tiêu giáo dục giới tính và tình dục toàn diện kết hợp với nội dung LGBTQ+.
Bộ công cụ thực hiện Giáo dục giới tính và tình dục toàn diện (GDGTTDTD) của UNESCO:
https://csetoolkit.unesco.org/…/giao-duc-gioi-tinh-va…
Tài liệu về trường học cầu vồng của thuộc Cổng thông tin hợp nhất kiến thức về LGBTI Việt Nam:
http://www.thuvien.lgbt/bocongcu
Bộ tài liệu về ứng phó với bạo lực và phân biệt đối xử của Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới – Gia đình – Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA)
https://csaga.org.vn/ung-pho-voi-bao-luc-va-phan-biet-doi…
TẬP HUẤN CHO CÁN BỘ GIẢNG VIÊN

Không chỉ tập huấn cho các em học sinh, các thầy cô và cán bộ công nhân viên cũng rất cần tập huấn đó nha.
Các quy định tại trường học, bên cạnh là sự cấu thành từ những quy chế chung trong ngành giáo dục, cũng là sự phản ánh tư duy của thầy cô, Ban giám hiệu chèo lái ngôi trường đó. Khi các cán bộ nhà trường chưa hiểu đúng về đa dạng giới và tính dục, về bạo lực giới/bạo lực tình dục hay chưa có nhạy cảm giới, những điều đó sẽ được phản ánh qua trải nghiệm của chính các em học sinh.
Có vô vàn các ví dụ phân biệt đối xử và bất công giới trong ngành giáo dục tại Việt Nam, mà tiêu biểu có thể kể đến như: các vụ việc quấy rối tình dục [1], quay lén trong nhà vệ sinh nữ [2] hay bắt nạt, cô lập học sinh LGBTQ+ [3] bị Ban giám hiệu ém nhẹm để “bảo vệ danh tiếng” cho trường; đổ lỗi cho nạn nhân trong quá trình xử lý các vụ việc bạo lực giới và bạo lực tình dục [1]; bắt nam sinh đứng trước trường xin lỗi và kiểm điểm vì… để tóc dài [4]; yêu cầu nữ sinh mua 4 loại đồng phục khác nhau cùng với chi phí bị độn lên đáng kể [5]; v.v…
Tập huấn gì cho thầy cô và cán bộ nhà trường? Nền tảng về đa dạng giới và tính dục (SOGIE)
Phân biệt đối xử và xây dựng môi trường bao trùm
Cách phản ứng và xử lý trên cương vị người chứng kiến bạo lực giới/tình dục (xây dựng quy trình xử lý, nhạy cảm giới và bảo mật thông tin/danh dự, thông tin đầy đủ với học sinh về cách báo cáo…)
LIÊN KẾT CÁC NỖ LỰC ĐA NGÀNH

Bên cạnh tổ chức GDGTTDTD trong khuôn khổ các cơ sở giáo dục, đào tạo chính thống, ngành giáo dục cũng có thể phối hợp với những cơ quan và ban ngành khác để tạo nên những tác động rộng rãi và năng suất hơn.
Cung cấp băng vệ sinh (các sản phẩm kinh nguyệt khác) miễn phí tại trường học và những địa điểm công; xây dựng các thông điệp truyền thông tích cực, gần gũi và bao trùm về sức khỏe sinh sản,… Đó chỉ mới là một số cách tiêu biểu để nâng cao nhận thức xã hội, góp phần xóa bỏ sự ngại ngùng và miệt thị xoay quanh tình dục và cơ thể, tăng khả năng tiếp cận những sản phẩm và dịch vụ y tế thiết yếu.
Hơn nữa, thực tế cho thấy lý do quan trọng khiến nhà trường và thầy cô không thể thực hiện những gợi ý trên đó là thiếu nguồn lực tài chính lẫn con người: đồng lương giáo viên ít ỏi, phải đi làm thêm để trang trải nhưng đồng thời kiêm nhiệm nhiều vai trò, gánh vác quá nhiều kỳ vọng; không có nhân sự đủ chuyên môn hoặc thay đổi nhân sự liên tục cũng dẫn đến thiếu niềm tin, đứt gãy các cơ chế để xử lý bạo lực giới hay bạo lực tình dục. Vì vậy, tập huấn cho học sinh, tập huấn cho giáo viên và cán bộ, nâng cao nhận thức chung vẫn là chưa đủ khi chưa phân bổ nguồn lực phù hợp.
“Giáo dục có thể đúng hoặc sai, nhưng chúng ta có thể tự nhận thức được điều đúng đắn” (*) 

Nếu không thể đảm bảo sự công bằng, bình đẳng và bao trùm trong môi trường giáo dục, nếu các em học sinh LGBTQ+ không được an toàn khi đến trường, đó chính là một hình thức phân biệt đối xử và sẽ dẫn đến bất bình đẳng trong xã hội. Nói cách khác, đó cũng giống như việc khước từ quyền được đến trường, được giáo dục và phát triển của những cá nhân đa dạng giới, đa dạng tính dục vậy.
Giáo dục là một thiết chế có khả năng định đoạt rất lớn đến cơ hội tương lai lẫn nhận thức của rất nhiều người. Vì vậy, VOGE tin rằng trách nhiệm đưa những thông tin chính xác, đảm bảo môi trường an toàn và bao trùm, nuôi dưỡng sự bao dung là vai trò của giáo dục. Tuy chúng ta không thể chối bỏ nhiệm vụ của từng cá nhân, nhưng với tác động lớn của thiết chế, cần đặt trách nhiệm lớn tương đương với quyền lực của nó.
(*) Bài gốc tại đây: https://www.facebook.com/2chieu/posts/pfbid0uhWdQMnQUitRtvsvJ2gQ7jpyAMrtfLQuRf1vWLmJyhpk6GpxP99uqtKA8sSee9nSl
NGUỒN THAM KHẢO:
[1]: Điều 2, Luật số 43/2019/QH14 về Luật Giáo dục (sửa đổi) năm 2019