NGƯỜI-MÁY VÀ TIẾNG THÉT TRONG NHỮNG “GIẤC MƠ”: FOXCONN VÀ THỰC TRẠNG BÓC LỘT LAO ĐỘNG NỮ TRONG NHÀ MÁY

“Cô ấy hét lên trong giấc mơ…

Cơ thể cô chưa quen

Mười hai giờ quần quật một ngày trong nhà máy điện tử. Mệt mỏi

là từ duy nhất cô vẫn nói

Trên dây chuyền lắp ráp

toàn thân cô cứng đờ, vụng về; các khớp ngón tay máy móc,

vô hồn chuyển động trên băng

Người con gái Hồ Nam 17 tuổi giờ đây

gào thét như thể bị nghiền nát bởi núi đá

Tiếng thét nghẹn ứ và chảy sâu trong huyết quản

vỡ tan…” (*)

Đây chỉ là một trong số những lời tâm sự và nỗ lực giao tiếp thông qua thơ ca của các nữ công nhân Trung Quốc, những người từng chôn vùi cả tuổi xuân của mình trong hệ thống nhà máy vô tri và khắc nghiệt. Tiếng thét như một mũi tên xuyên thẳng vào một thời đại công nghiệp chật chội, chen chúc những “cỗ máy” di động, dù là một sự phản kháng đầy tuyệt vọng, nhưng nó cũng là lời chứng cho thực trạng vắt kiệt sức lao động của một nền kinh tế hàng hoá.

Những ngày gần đây, cuộc biểu tình bùng lên tại nhà máy sản xuất Iphone lớn nhất của tập đoàn công nghệ Foxconn tại Trịnh Châu, Trung Quốc một lần nữa dấy lên sự báo động về tình trạng bóc lột và thiếu an toàn lao động, đặc biệt trong bối cảnh người lao động bị mắc kẹt giữa các biện pháp thắt chặt sự bùng phát Covid của quốc gia và cách xử lí tình huống kém hiệu quả của hệ thống nhà máy này [1].

Thực trạng bóc lột lao động tại Foxconn đã tồn tại từ rất lâu, và cuộc biểu tình mới đây cũng không phải là nỗ lực đấu tranh đầu tiên của tập thể công nhân nhà máy. Hơn nữa, sự bóc lột này còn ngầm ẩn và đan cài các yếu tố về giới, mà ở đây, đối tượng bị bóc lột chủ yếu là các lao động nữ. Theo số liệu ghi nhận năm 2016, trong khoảng hơn 1 triệu công nhân làm việc tại 12 nhà máy lớn của Foxconn ở Trung Quốc đại lục, có đến 80% là phụ nữ [2].

Trước hết, sự khai thác nhân công tàn bạo này tập trung vào một bộ phận những người phụ nữ được gọi là “lao động nhập cư” trong nước [3] mà ngay từ tên gọi đã chỉ ra tình trạng như những cá nhân “bên lề” trên chính đất nước của họ. Sau cải cách mở cửa tại Trung Quốc, sự phát triển như vũ bão của công nghiệp cùng với quá trình “đô thị hoá” làng mạc, thị trấn kéo theo một lượng lớn nông dân rời bỏ nông thôn lên thành phố mang theo giấc mơ và hy vọng về một cuộc sống khấm khá hơn, lần đầu tiên gia nhập vào chuỗi sản xuất khổng lồ chi phối nền kinh tế.

Là những người lao động nhập cư, công nhân nữ Foxconn bị giảm thiểu quyền lợi được bảo vệ lao động trong xã hội nói chung và phải chịu áp lực công việc ngày càng cao trong bối cảnh nền kinh tế hàng hoá khắc nghiệt [4]. Chính điều này dẫn tới hệ quả của những vụ tự tử thương tâm trong khuôn viên nhà máy, hoặc những cuộc phản kháng cá nhân và tập thể.

Điều gì đã xảy ra với những người phụ nữ đằng sau cánh cổng sắt và chuỗi dây chuyền lạnh ngắt? Ma trận quyền lực nào củng cố cho sự bóc lột ngang nhiên dưới vỏ bọc của các biện pháp “lột xác” nền kinh tế? Hướng đi nào cho những nỗ lực phản kháng của phụ nữ đòi lại sự bình đẳng và an toàn trong lao động?

Trong bài viết này, VOGE sẽ bóc tách (1) các động cơ thúc đẩy cuộc biểu tình của công nhân nữ, (2) vì sao lao động nữ vẫn đầu quân vào các nhà máy bất chấp thực trạng bóc lột (3) những cơ chế quyền lực ngầm áp chế và bao che cho bạo lực và (4) đặt vấn đề bảo vệ lao động nữ trong bối cảnh các nhà máy điện tử chuyển giao công nghệ từ thị trường Trung Quốc sang Việt Nam.

(*): Trích dịch bài thơ “Chu Dương Xuân” của Trịnh Tiểu Quỳnh – một nhà thơ nữ từng làm việc như một lao động nhập cư trên dây chuyền lắp ráp ở nhiều nhà máy khác nhau tại Trung Quốc. Thơ của cô viết về cuộc sống của những người lao động nhập cư Trung Quốc bị lãng quên và gạt ra bên lề đặt trong bối cánh đô thị hóa và toàn cầu hóa kinh tế.

“Đôi tay tôi đã trở thành một phần của dây chuyền lắp ráp, cơ thể tôi bị đóng dấu vào một hợp đồng…” [7]

VĂN HOÁ DOANH NGHIỆP HAY SỰ TÁI TẠO LẠI “TRẠI TẬP TRUNG”?

1. Điều kiện sống tệ hại
Những công nhân nữ trong nhà máy Foxconn buộc phải ở trong một khu vực khép kín, nơi mà mọi tòa nhà và ký túc xá đều bị kiểm soát bởi hệ thống kiểm tra an ninh, lớp lớp cổng điện tử với lính canh túc trực 24 giờ mỗi ngày.

“Bao nhiêu ốc vít đang lỏng lẻo, bao nhiêu thanh sắt đang rỉ hoen
Cơ thể chồng chất mệt mỏi và đau đớn, dư lượng còn tồn đọng
của các chất độc hoá học ăn mòn xương và cơ bắp,
quyện hoà trong mạch máu và các dây thần kinh
để lại những tê liệt.” [5]

Điều kiện lao động của công nhân nữ không được đảm bảo. Bệnh tật âm ỉ do tiếp xúc liên tục với hoá chất, cơ thể họ bị xem như những cỗ máy vô hồn trong không khí tù đọng và những ca làm căng như dây cót. Trong khi thời gian làm thêm bắt buộc ở Trung Quốc theo quy định của Luật Lao động là 36 giờ/tháng thì hầu hết công nhân nữ ở Foxconn phải làm thêm 80 giờ mỗi tháng và chỉ được trả thêm khoảng 1000 nhân dân tệ [4].

2. Triệt tiêu danh tính
Phần lớn những lao động nữ trong nhà máy Foxconn đều ở độ tuổi từ 17 đến 25. Họ mang theo những ước mơ riêng tư, niềm tin và một sự nồng nhiệt của tuổi trẻ, nhưng tất cả đều bị tước đoạt và bỏ lại sau cánh cổng sắt lạnh lùng. Thậm chí ngay cả cái tên – yếu tố cơ bản nhất để phân biệt một cá nhân cũng “biến mất trong thẻ làm việc của nhà máy” [7], chỉ còn những con số vô nghĩa “A234, A967, Q36…” [6]. Điều này không khác gì tái tạo lại mô hình vận hành của những “trại tập trung” khét tiếng của Đức Quốc xã trong lịch sử khi mà các nạn nhân bị “đánh dấu” bằng hàng loạt dãy số hoàn toàn võ đoán xăm lên da thịt, bị “lột cả tên”, bị tước đoạt tất cả những gì thuộc về quyền cơ bản của con người.

Để định danh cá nhân, cái tên rõ ràng là thứ đầu tiên cho thấy một con người có cá tính, có sự riêng biệt và có ý nghĩa. Việc xoá bỏ sự tồn tại của dấu ấn cá nhân và thay thế bằng những con số ngẫu nhiên này là một hành động phi nhân tính bởi mã số hàng loạt không nói lên điều gì về tính cách của những người bị đánh dấu nhưng chúng xác định “vị trí” của họ trong chuỗi dây chuyền sản xuất. Bất chấp tuổi tác, không kể hoàn cảnh riêng tư hay xuất thân vùng miền, một khi được gán với những dãy số là khi họ trở thành một tập hợp chung, tập hợp của những “cỗ máy”, những công cụ, không hơn không kém.

Những doanh nghiệp này còn tận dụng các biện pháp để bóc lột triệt để “công cụ” của mình: xây dựng hệ thống đánh giá xếp hạng A, B, C, D hoặc đặt ra mức Xuất sắc để khuyến khích người lao động làm thêm giờ và không nghỉ phép; sử dụng đồng hồ bấm giờ hay các thiết bị kiểm tra năng lực của công nhân và không ngừng tăng mức hạn ngạch cho đến khi năng suất đạt đến mức tối đa. Hơn nữa, họ còn bị sỉ nhục và bêu rếu để “làm gương” trước tập thể vì những vi phạm nhỏ nhặt và bị hành hạ hoặc đối xử thô bạo nếu ngơi tay dù chỉ một nhịp.

3. Thiếu an toàn chức nghiệp (job security)
Không chỉ vậy, các nhà máy sa thải công nhân nữ khi họ đã quá 35 tuổi. Doanh nghiệp sẽ lấy lý do chuyển dịch cơ cấu kinh doanh để bào chữa cho việc sa thải, hoặc ép buộc công nhân nghỉ việc vì điều kiện công việc không-thể-chịu-đựng-nổi.

“Tại bản tin tuyển dụng, độ tuổi: từ 18 đến 35
Nữ công nhân 37 tuổi đứng ngoài cổng nhà máy

Những chiếc lá rụng héo mòn theo thời gian, mục nát vì bệnh công nghiệp
Mười năm cuộc đời bám bụi rỉ sét, còn lại đây…tuổi già” [5]

Những giờ lao động không quản ngày đêm của công nhân nữ chỉ để bị thải hồi sau khi sức trẻ của họ bị vắt kiệt, không kỹ năng, không kinh nghiệm gì quý báu ngoài lắp đặt những mạch điện hay ghép nối vỏ đồ điện tử trong chuỗi sản xuất hàng loạt vô hồn.

“Những toà nhà công xưởng, mở ra vận may và gieo rắc bất hạnh của một thời đại” [6]

“MỘT CỔ” VÀ “HAI TRÒNG”?

Bất chấp thực trạng bóc lột tàn bạo trong các mô hình nhà máy như Foxconn, vì sao công nhân nữ vẫn tiếp tục đầu quân cho những hệ thống này?

Trước khi quá trình đô thị hoá và toàn cầu hoá kinh tế mở ra cơ hội cho những cô gái trẻ ở nông thôn, họ buộc phải cam kết với gia đình và công việc nội trợ mà không có sự lựa chọn nào khác. Ở đây những người phụ nữ bị bóc lột “trắng” mà không nhận được một đồng thù lao trong khi vẫn phục vụ tích luỹ tư bản, sản sinh ra thêm thặng dư và tái tạo sức lao động [8].

Kinh tế mở cửa cũng là lúc họ được gia nhập vào thị trường lao động với một vai trò khác – người làm công ăn lương, mang lại cho họ một bản sắc và ý thức về danh tính mới trong sự liên kết với tính hiện đại và thành thị thay vì bị trói buộc trong gia đình nông thôn và công việc đồng áng [9].

Tuy nhiên điều này đẩy phụ nữ vào thế mắc kẹt, bởi bán sức lao động cho những dây chuyền hàng loạt của quyền lực tư bản, người phụ nữ thực chất dịch chuyển từ hình thức bóc lột này sang cơ chế bóc lột khác. Thế nhưng, phần lớn những người phụ nữ vẫn lựa chọn làm việc trong các nhà máy, bởi họ chỉ có hai hướng đi, hoặc là quay lại vị trí nội trợ không công đầy bế tắc nơi làng quê nghèo nàn, hoặc ít nhất giành được quyền tự chủ, tự do khỏi các gia đình gia trưởng và đánh đổi bằng việc bị bóc lột đến kiệt quệ cả về thể chất lẫn tinh thần ở các mô hình sản xuất.

Một xã hội tiến bộ và bình đẳng đến đâu khi mà phụ nữ vẫn luôn bị đặt trong tình thế tiến thoái lưỡng nan giữa hai lựa chọn mà lựa chọn nào cũng kết thúc ở điểm chung: mất sự tự do cơ bản, bị bóc lột và luôn ở trạng thái thiếu an toàn?

“Phụ nữ là cá, quần quật lao động ngày đêm, kéo theo
đơn đặt hàng của sếp, lợi nhuận, GDP tuổi trẻ, tầm nhìn, ước mơ kéo theo cả hào quang của Thời đại Công nghiệp.” [6]

BẠO LỰC ĐƠN LẺ HAY MA TRẬN QUYỀN LỰC NGẦM?

Trước hết cần phải khẳng định, chủ thể bóc lột lao động nữ đầu tiên là chủ nghĩa tư bản toàn cầu với đại diện ở đây là Foxconn và chuỗi nhà máy điện tử. Các tập đoàn lớn trên thế giới như Apple, HP, Intel,… muốn máy tính và iPhone của họ nhanh chóng đáp ứng nhu cầu toàn cầu đã gây sức ép lên Foxconn để sản xuất ra số lượng khổng lồ, điều này đồng nghĩa với việc người lao động sẽ bị khai thác đến cùng kiệt.

Các nhà tư bản áp dụng chiêu bài thu hẹp càng nhiều càng tốt tiền lương của người lao động để bỏ qua một biên lợi nhuận rộng trong khi khối lượng công việc đổ lên đầu họ ngày một nhiều và cường độ sản xuất ngày một tăng. Chẳng hạn ở nhà máy quy mô nhỏ của Foxconn, sản lượng được đặt ở mức 5.120 chiếc iphone/ ngày đã tăng 20% lên 6.400 chiếc/ ngày sau khi mức lương của họ tăng lên 1.200 nhân dân tệ (số liệu ghi nhận năm 2010), ở những nhà máy lớn hơn, định mức sản phẩm thậm chí lên tới 137.000 chiếc/ ngày [10].

Trên thực tế, sự trỗi dậy về kinh tế của Trung Quốc là một quá trình toàn cầu hóa do nhà nước thúc đẩy, mà ở đó nhà nước đã tạo điều kiện cho tăng trưởng kinh tế chủ yếu dựa trên xuất khẩu với mô hình liên doanh và 100% vốn đầu tư nước ngoài [11]. Hơn nữa, vì tình trạng “tạm thời” vĩnh viễn của họ và vì họ đến từ những vùng quê nghèo, lao động nhập cư trong nước được xem là một nguồn lao động rẻ và dồi dào.

Điều này dẫn đến việc Foxconn đã được hưởng lợi phần lớn từ quá trình toàn cầu hóa do nhà nước điều hành với các chính sách ưu đãi của chính quyền địa phương và nguồn nhân công giá rẻ. Thậm chí, chính quyền các địa phương còn cạnh tranh để Foxconn thành lập các tổ hợp nhà máy mới trong lãnh thổ của họ nhằm thúc đẩy tăng trưởng GDP đến mức họ bỏ qua việc thực thi luật lao động và theo đó là bảo vệ người lao động [12].

Ngoài ra, nền văn hóa gia trưởng của Trung Quốc kiến tạo những kỳ vọng về giới xác định lao động nữ là rẻ nhất và tuân thủ nhất, và do đó công nhân nhập cư nữ là những người được săn đón nhất trên thị trường tư bản toàn cầu [8]. Họ xây dựng người phụ nữ như một hình tượng biết phục tùng, ngoan ngoãn và dịu dàng, phù hợp với kỉ luật của nhà máy. Cùng với áp đặt khuôn mẫu giới, sự phân tầng theo giới tính – nam giới trong quản lý và nữ giới trong dây chuyền lắp ráp cũng khiến các nữ công nhân gặp khó khăn trong việc đưa ra các yêu sách dưới tinh thần nữ quyền đối với quyền lực thống trị của nam giới.

ĐẶT VẤN ĐỀ BẢO VỆ LAO ĐỘNG NỮ TRONG BỐI CẢNH TẠI VIỆT NAM

Cuộc biểu tình tại Trịnh Châu hôm nay không phải là sự phản kháng đầu tiên, và chắc chắn cũng không phải cuối cùng, khi mà tư bản toàn cầu, thiết chế chính trị và chế độ phụ quyền vẫn bắt tay áp đặt bạo lực lên những người phụ nữ.

Không chỉ ở Trung Quốc, vào đầu năm 2021, Foxconn đã triển khai dự án nhà máy điện tử tại Bắc Giang, biến Việt Nam trở thành quốc gia thứ 2 trên thế giới có nhà máy lắp ráp iPad và các sản phẩm laptop của Apple. Và tương tự, số lượng lao động nữ trong các nhà máy ở Việt Nam vẫn chiếm ưu thế, theo thống kê, trong số 10 triệu lao động làm việc trong các ngành công nghiệp sản xuất, khoảng 2/3 số lao động đó là phụ nữ [13].

Chỉ số GDP tăng chóng mặt và sự bùng nổ của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài được cho là một bước đột phá của Việt Nam. Nhưng những con số biết nói ấy liệu có thể “nói” được điều gì về viễn cảnh những nữ công nhân Việt được đảm bảo quyền lợi và an toàn lao động, được bảo vệ và đào tạo thay vì bị bỏ lại trong nghèo đói và bị bóc lột triệt để bởi quyền lực tư bản?

Giống như công nhân nữ Trung Quốc, các lao động nữ Việt Nam cũng bị đặt trong điều kiện sống và làm việc thiếu thốn. Họ cũng không có một bữa ăn giữa ca tử tế để duy trì sức khoẻ và cải thiện chất lượng làm việc, không có kĩ năng gì khác ngoài biết vặn bóng đèn và ráp nối các mạch điện được nhập khẩu từ Trung Quốc [13]. Và rồi cũng đến một ngày, khi độ tuổi làm việc không còn phù hợp với tiêu chuẩn của nhà máy, họ sẽ phải bước chân ra đường với một tương lai ảm đạm và mờ mịt cùng sức khoẻ đã kiệt quệ, tuổi trẻ đã héo mòn.

Nhìn vào cuộc biểu tình gần đây tại Trung Quốc và thực tế nhức nhối bên trong những nhà máy công nghiệp ở Việt Nam, chúng ta có thể thực hiện một số biện pháp để cải thiện tình hình trước khi vấn đề ngày càng trở nên nghiêm trọng và đáng báo động hơn: Thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững và an toàn, không vì lợi nhuận mà vắt kiệt sức lao động của con người,… Bên cạnh đó cần thực thi Luật lao động một cách nghiêm túc, hiệu quả và đảm bảo quyền lợi cho người lao động, hoạt động công đoàn tại cơ sở sản xuất không mang tính hình thức, đi kèm với đó có thể thành lập các ban giám sát hoặc đường dây hỗ trợ kịp thời người lao động bị bóc lột,…

Còn các độc giả của VOGE nghĩ gì về thực trạng bóc lột lao động nữ trong bối cảnh chủ nghĩa tư bản toàn cầu hiện nay? Đừng ngần ngại để lại những chia sẻ về quan điểm của các bạn với VOGE nhé. 

NGUỒN THAM KHẢO:

[1]: Protest break out at Covid-hit iPhone factory in China

https://www.theguardian.com/…/protests-break-out-at…

[2]: John Peter Robert (2016), “China: From Permanent Revolution to counter-Revolution”.

[3]: Dẫn theo Zhang Sifeng, Zhang Wenxue, Wang Lijian & Zhang Li (2010), “China’s Migrant Workers’ Social Security”, Chinese Journal of Population Resources and Environment, 8:2, 3-12, khái niệm “công nhân nhập cư” hay “lao động nhập cư” lần đầu tiên xuất hiện ở Trung Quốc vào năm 1984 dưới đề xuất của Giáo sư Zhang Yulin thuộc Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc trong “Công bố Nghiên cứu Xã hội học” của ông.

[4]: Pun Ngai & Jenny Chan (2012), “Global Capital, the State, and Chinese Workers: The Foxconn Experience”

[5]: Zheng Xiaoqiong, “A 37-year-old woman worker”.

https://www.tandfonline.com/…/10…/21514399.2017.1319221

[6]: Zheng Xiaoqiong, “Assembly Line”

[7]: Zheng Xiaoqiong, “Life”

[8]: Mariarosa Dalla Costa & Selma James, (1971). The power of women and the subversion of the community.

[9]: Pun Ngai (2005). “Made in China: Women Factory Workers in a Global Workplace”. Durham and London: Duke University Press

[10]: Bloomberg Businessweek (2010). “A look inside Foxconn—where iPhones are made: a postmodern Chinese industrial empire that was blighted by suicides”

[11]: Doug Guthrie, (2009). “China and Globalization: The Social, Economic and Political Transformation of Chinese Society”. New York: Routledge

[12]: Pun Ngai, Chris King Chi Chan & Jenny Chan (2010). “The role of the state, labor policy and migrant workers’ struggles in globalized China”. Global Labor J. pp. 132–151.

[13]: Behind booming FDI figures are Vietnam’s ‘disposable’ workers: https://e.vnexpress.net/…/behind-booming-fdi-figures…