Hiện nay, tình trạng lề hóa đã được giảm thiểu, cán cân bình đẳng cho cộng đồng LGBTQ+ cũng được rút ngắn khoảng cách hơn trong quá khứ, nhưng sự phân biệt, kỳ thị vẫn ẩn náu đâu đó trên nhiều phương diện, đặc biệt trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Những sự kì thị ấy được thể hiện qua từng con chữ, từng sắc thái, giọng điệu trên các bài báo, tít báo. LGBTQ+ trong một số trường hợp vẫn gián tiếp bị coi là chủ đề nhạy cảm, hành vi xấu, hoặc là tệ nạn xã hội bất chấp những nỗ lực chạm tới bình đẳng, tự do của cộng đồng LGBTQ+ và của toàn xã hội. Thay vì tập trung vào vấn đề hay nguyên nhân thực sự thì một số bài báo lại lợi dụng LGBTQ+ để tạo tít giật gân. Những tiêu đề có vẻ sẽ trở nên “nóng” hơn nếu gắn cộng đồng LGBTQ+ với sự quan hệ bừa bãi, không chung thủy, mại dâm, lừa đảo, hay thậm chí là g.i.ết người… Cho dù tất cả những tội ác trên đều không liên quan đến xu hướng tính dục hay bản dạng giới của nạn nhân và thủ phạm mà chính do đạo đức, giáo dục, môi trường hay hàng tỷ nguyên nhân khác, thì những cụm từ như “đồng tính”, “LGBTQ+”, “giới tính thứ ba” vẫn được lôi ra như một lời buộc tội.
Nếu 10 năm về trước, chắc hẳn không khó để bạn bắt gặp những bài báo, tin tức thể hiện rõ quan điểm thù ghét, ác ý đối với cộng đồng LGBTQ+: coi những người thuộc cộng đồng này là bệnh hoạn, lệch lạc, trái với tự nhiên…. Thì hiện nay những bài báo tấn công trực tiếp như vậy đã ít đi rất nhiều, bởi những luồng quan điểm phân biệt, kỳ thị, thiếu kiến thức như vậy rất dễ gây ra khủng hoảng truyền thông và nhận “gạch đá” từ người đọc. Tuy nhiên, thay vì thực sự có cái nhìn khách quan, nhiều bài báo lại được “hoá trang” để thể hiện sự kỳ thị một cách gián tiếp. Nhưng dù có khéo léo trong cách thể hiện thì mục đích của những bài báo đó vẫn chỉ có một: thể hiện sự bài trừ, phản đối và gắn cho cộng đồng LGBTQ+ cái mác không mấy tốt đẹp.
Những điều này rất có hại cho cộng đồng, bởi nó không những ngăn cản người thuộc cộng đồng LGBTQ+ cởi mở về xu hướng tính dục và bản dạng giới của họ bởi nỗi sợ bị gắn với những điều tiêu cực mà còn làm xã hội có cái nhìn lệch lạc, sai trái. Và điều nguy hiểm nhất của những tít báo như trên lại là ở sự “hoá trang” khéo léo của nó. Nếu các bài báo thể hiện trực tiếp quan điểm thù ghét, kỳ thị dễ dàng bị nhận ra và phản bác, thì các tựa báo “hóa trang” dễ dàng lấp liếm hơn bao giờ hết. Chúng có thể mang đủ lý do như “không kì thị chỉ nói sự thật”, “đồng tính thì bảo là đồng tính”… ra để giải thích. Nhưng bạn đã bao giờ thấy những tựa báo như “Bạn trai dị tính lừa dối tôi” hay “Giết bạn tình dị tính để cướp tài sản” chưa? Những tít báo lợi dụng cộng đồng LGBTQ+ chính là ác độc hoá, phân biệt, kỳ thị dựa trên xu hướng tính dục và bản dạng giới – điều này không thể chối cãi.
Những tít báo như trên không chỉ kỳ thị với những lời lẽ độc ác mà còn xâm phạm đến quyền riêng tư của người được viết trên báo, bởi xu hướng tính dục và bản dạng giới của một người luôn là vấn đề rất riêng tư, cá nhân, hoàn toàn không nên bị công khai một cách thụ động và mang ra để câu view, câu tương tác như vậy. Đây là một cách điều hướng dư luận để kích động người đọc chĩa mũi nhọn vào những thông tin ngoài lề, tấn công đời tư của người được đề cập trong bài báo.
TRUYỀN THÔNG VÀ LGBTQ+: “TẠI SAO CẦN CÓ TIẾNG NÓI CHUNG”?
Tưởng chừng truyền thông nói chung và báo chí nói riêng không có ảnh hưởng quá lớn đến cộng đồng LGBTQ+ nhưng thực chất, truyền thông lại có vai trò vô cùng quan trọng trong việc đưa hình ảnh của LGBTQ+ đến với đại chúng. Bởi ở Việt Nam hiện nay, vốn hiểu biết của công chúng về cộng đồng LGBTQ+ chưa thực sự nhiều. Bằng chứng là có nhiều người vẫn nghĩ đồng tính là bất bình thường, người chuyển giới vẫn bị nhìn nhận với giới tính sinh học hay cụm từ “giới tính thứ ba” vẫn xuất hiện thường xuyên trên truyền hình, báo chí, mạng xã hội,… thì truyền thông đóng vai trò như một kênh cung cấp thông tin về cộng đồng LGBTQ+ đến mọi người. Nếu truyền thông đưa đến những hình ảnh đẹp, những ngôn từ chuẩn và phù hợp thì công chúng sẽ có xu hướng giảm kỳ thị, định kiến, và có thêm ý thức, hiểu biết để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho cộng đồng này.
Ngược lại, truyền thông như con dao hai lưỡi, nếu người cầm bút sử dụng ngôn ngữ không phù hợp, thiếu khách quan hay những hình ảnh quy chụp để giật tít, câu view sẽ tạo ra những thông điệp truyền thông tiêu cực làm tăng định kiến, kỳ thị. Bởivậy nên báo chí, truyền thông càng cần “chuẩn” và “chắc” để người đọc có cái nhìn đúng đắn nhất về LGBTQ+.
Bệnh hoạn, loè loẹt, truỵ lạc… đó là những gì báo chí dù cố ý hay chẳng may đã nhiều lần gán cho LGBTQ+ có thể những “chiếc mác” này đã mang lại cho người viết nhiều lượt xem nhưng đổi lại, đó lại là những bước đi lùi về văn hoá và tệ nhất đó là gáo nước lạnh đập tan bao nỗ lực hướng tới bình đẳng cho cộng đồng LGBTQ+ và văn minh cho xã hội mà các nhà lập pháp, nhà chính sách và các cơ quan quản lý tại VN ngày đêm chung tay xây dựng.
Đối với người đọc, người xem, VOGE mong rằng các bạn đừng vì những bài báo mang tính quy chụp, “vơ đũa cả nắm” bôi xấu hình ảnh của cộng đồng LGBTQ+ mà có ác cảm hay định kiến đối với cộng đồng này. Ngoài ra, đối với những người làm trong lĩnh vực báo chí, truyền thông, VOGE tin rằng các nhà báo, phóng viên chân chính là những người sẽ mang đến cho xã hội những thông tin chính xác cùng với những ngôn ngữ đúng đắn. Những người làm báo có đạo đức nghề nghiệp chắc hẳn sẽ không xoáy sâu vào xu hướng tính dục và bản dạng giới của người liên quan hay làm lộ thông tin riêng tư của người khác trên báo, ngay cả khi họ là nghi phạm hay phạm nhân đang trong quá trình xét xử. Hãy khách quan, tỉnh táo, thận trọng ngay cả khi bạn là người đọc hay người viết, để ngày càng nhiều người có cái nhìn công tâm, bình đẳng hơn đối với cộng đồng LGBTQ+.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
[1] UNDP Việt Nam, Là người đồng tính, song tính và chuyển giới (LGBT) ở Châu Á: Báo cáo quốc gia Việt Nam, 2014.