BỈ NGẠN HỒNG – “BAO GIỜ THÌ LẤY CHỒNG?”

???? Mỗi dịp về quê ăn Tết, câu hỏi “bao giờ lấy chồng/vợ” lại trở thành nỗi ám ảnh của những người trẻ. Một phần vì nhiều người còn quan niệm kết hôn và sinh con thì phải “đúng tuổi” nên bố mẹ hay họ hàng thường “giục” chúng ta kết hôn và sinh con cho phù hợp với những tiêu chuẩn của xã hội. Những tháng cuối năm 2023, vấn đề kết hôn và sinh con lại tiếp tục trở thành đề tài được bàn tán khi chính phủ cũng lên tiếng vận động nam nữ thanh niên kết hôn với lý giải mức sinh giảm ở nhiều vùng, lâu dài gây ảnh hưởng đến phát triển bền vững cho cả nước.

Tuy nhiên, thực tế có thể thấy rằng sự thúc giục dù từ gia đình hay chính phủ đã và đang gây áp lực một cách không hiệu quả đối với người trẻ. Về cơ bản, khi một cộng đồng chấp nhận độ tuổi nào là “độ tuổi kết hôn”, thì mọi người trong cộng đồng đó có xu hướng cảm thấy bị hối thúc kết hôn và sinh con dù chưa sẵn sàng hoặc không có ý định. Khi những quyết định được đưa ra trong khi bản thân không thật sự sẵn sàng thì sự bền vững của gia đình càng không chắc chắn. Nếu không có sự chuẩn bị, sinh con và nuôi dạy con lại tiếp tục là một gánh nặng tài chính, với rất nhiều thứ chi phí phát sinh (tã sữa, thuốc men, học phí, vui chơi, ngoại khóa, v.v). Bản thân người phụ nữ khi sinh con, không chắc có thể giữ được mức thu nhập tốt. Áp lực tài lực tài chính càng dồn lên vai đôi vợ chồng trẻ, để rồi sau tiếng khóc của con rất có thể là tiếng vợ chồng cãi vã.

???? Dưới góc nhìn giới, phụ nữ là đối tượng dễ bị ảnh hưởng hơn cả. Nữ giới đã ngoài 30 mà chưa lập gia đình sẽ chịu nhiều định kiến hơn, nên áp lực cũng lớn hơn. Kết hôn và sinh con rõ ràng là một lựa chọn có ảnh hưởng lâu dài lên cuộc sống, sức khỏe, sự nghiệp. Ảnh hưởng đó, đặc biệt đối với người phụ nữ, kéo dài vài năm, hoặc thậm chí cả đời. Khi đã bước vào cuộc sống gia đình, phụ nữ “được” kỳ vọng sẽ sinh con và chăm lo gia đình. Ở đây tạm không nói đến những kỳ vọng về “vai trò của người vợ” chăm sóc gia đình áp đặt lên người phụ nữ khi bước vào hôn nhân, nhưng liệu cứ kết hôn là phải sinh con? Quan điểm “kết hôn thì phải sinh con” vô hình trung lại trở thành gánh nặng đè lên vai người phụ nữ. Sinh đẻ là một khả năng tự nhiên của họ, nhưng lại bị “đánh tráo” thành trách nhiệm phải sử dụng khả năng đó.

Đối với mỗi cá nhân, quan điểm về kết hôn và sinh con lại khác nhau, nhưng điều quan trọng ở đây có thể nhận ra rằng kết hôn có tác động lớn đến cuộc sống của các bên trong cuộc hôn nhân, đặc biệt là người phụ nữ, và trẻ em (nếu có). Vậy nên, mặc dù ý thức về vấn đề dân số có thể gặp phải, chọn kết hôn và sinh con vì áp lực từ gia đình và xã hội không phải là một lựa chọn tốt về lâu dài. Để tránh những vấn đề do lựa chọn vội vàng thì kết hôn, sinh đẻ không nên trở thành gánh nặng trách nhiệm, và người trẻ cũng không đáng bị chỉ trích vì “kết hôn muộn”.

⭐ Xem xét trên phương diện quốc gia, nỗ lực của chính phủ để duy trì dân số là có thể hiểu được, nhưng với những rào cản gánh nặng xã hội và tài chính như đã đề cập ở trên, giới trẻ vẫn phải đắn đo về chuyện kết hôn và sinh con. Vậy nên, để đảm bảo mục tiệc tiêu khuyến khích người dân sinh con và nuôi con cho tốt thì chỉ dựa vào công cụ truyền thông tuyên truyền là không hiệu quả.

Các chính sách quan tâm đến cuộc sống của người trẻ nhiều hơn mới có thể tạo điều kiện cho họ kết hôn và sinh con. Chính sách như nâng mức sống bằng cách tăng phúc lợi xã hội, đồng thời thúc đẩy bình đẳng trong công việc chăm sóc tạo tâm lý thoải mái cho lựa chọn kết hôn, sinh con. Có thể xem xét quy trách nhiệm xã hội của người sử dụng lao động đối với người lao động nuôi con nhỏ, tăng lương giảm giờ làm cho công nhân để họ yên tâm sinh con và nuôi con. Đặc biệt trong thời kỳ kinh tế biến động, tình hình suy thoái diễn biến phức tạp, áp lực tài chính sẽ càng lớn. Nên dẫu có yêu hết lòng, nhưng khi nền tảng sự nghiệp và tài chính còn bấp bênh mà gia đình không dư giả thì người trẻ cũng không đủ tự tin để bước vào hôn nhân, việc sinh con lại càng khó khăn. Lúc này, chính sách hỗ trợ chi phí học tập và y tế cho trẻ em có thể giúp các cặp đôi sẽ bớt phần nào nỗi lo tài chính. Thậm chí, những cặp vợ chồng khó khăn sinh con có thể được hỗ trợ, như vay vốn, hỗ trợ sinh kế.

???? Tóm lại, trong bối cảnh mức sinh giảm, áp lực từ gia đình và chính phủ có thể ảnh hưởng đến sự hiệu quả trong quyết định cá nhân và thậm chí áp đặt định kiến lên những người phụ nữ, nhưng về lâu dài không thể xây dựng thế hệ tương lai được chăm sóc và phát triển tốt. VOGE tin rằng sự quan tâm cần được thể hiện bằng cách tôn trọng quyết định của những người thân yêu và tin vào hạnh phúc của họ, bất kể lựa chọn có kết hôn hay không. Mặt khác trên phương diện chính phủ muốn tăng mức sinh, chính sách quan tâm tạo điều kiện cho đời sống của người trẻ là cần thiết để giúp họ tự tin và tự nguyện khi quyết định kết hôn và sinh con, thay vì tạo áp lực.