Xin chào! VOGE hân hạnh mời bạn tham gia chuyến bay VOGExPRIDE 2022 đến năm châu bốn bể để khám phá làn sóng lục sắc từ mọi châu lục trên thế giới.
“Queer” là một thuật ngữ tiếng Anh chỉ chung cộng đồng đa dạng giới & tính dục – những người có bản dạng giới và xu hướng tính dục khác với tiêu chuẩn nhị nguyên truyền thống. Theo dòng lịch sử, làn sóng đấu tranh giải thoát khỏi áp bức giới và giành lại hình ảnh tích cực cho cộng đồng queer nổi lên khắp nơi trên thế giới. Một số khái niệm như “người đồng tính”, “người chuyển giới” đã không còn quá xa lạ với đại chúng. Tuy nhiên, liệu những gì chúng ta được tiếp thu về phong trào queer đã đủ đa chiều và sâu sắc?
“LGBT là sản phẩm của phương Tây”, “sự đấu tranh và phổ biến những khái niệm này cũng là ‘bắt chước’, ‘đua đòi’ theo văn hóa nước bạn” hay “sự Tây hóa làm hình thành những tư tưởng giới ‘lệch lạc’” là một số những ý kiến trái chiều về đa dạng giới và tính dục ta dễ dàng bắt gặp ở các nền tảng thông tin đại chúng.
Quả thực, những lý thuyết và thực hành về queer từ Mỹ hay châu Âu có sức ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình phát triển của dòng chảy queer. Tuy nhiên, không phải mọi phong trào xây dựng và đấu tranh cho hình ảnh queer đều xuất phát từ, hay nhờ vào phương Tây [1].
Tác giả Peter A. Jackson chỉ ra rằng một số nước châu Á như Thái Lan hay Indonesia đã vô cùng cởi mở với sự đa dạng giới từ trước giai đoạn ý niệm “queer phương Tây” du nhập vào những đất nước này. Người Thái cũng đã lưu truyền những danh từ rất riêng chỉ cộng đồng những người đa dạng giới & tính dục như kathoey, gay, tom-dee [1]. Giáo sư Ara Wilson của trường Đại học Duke cũng cho rằng, việc nghiên cứu và khắc họa những vấn đề về đa tính dục không nên chỉ dựa vào một góc nhìn nhất định mà cần cân nhắc sâu sắc những bối cảnh về cộng đồng, đặc quyền, hay khả năng khác nhau ở những vùng lãnh thổ khác nhau [2].
Và còn gì nữa?
Việt Nam, Mỹ Latinh, châu Phi và Trung Á là những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề của chế độ thực dân và bạo lực từ các thiết chế đô hộ. Vậy, cộng đồng queer ở các vùng địa lý và văn hoá này đã đấu tranh chống lại những áp bức giới song song với những áp bức về chủng tộc, kinh tế, văn hoá như thế nào?
Hãy thắt dây an toàn và cùng chúng mình chu du đến ba vùng đất Mỹ Latinh – châu Phi – Trung Á để tìm hiểu về phong trào queer ở các khu vực này ngay thôi. Stay tuned cùng VOGE nhé!
PHẦN 1: QUEER ĐÂY QUEER ĐÓ, QUEER ĐẾN ĐÂU RỒI?
CHUYẾN BAY VOGExPRIDE 2022 ĐÃ ĐẾN VỚI MỸ LATINH
Một lục địa với lịch sử đầy bấp bênh, chia rẽ và bạo lực đã ảnh hưởng đến phong trào bình đẳng giới nói chung và queer nói riêng tại Mỹ Latinh như nào? Các phong trào vì quyền LGBTQ+ bị đàn áp, bạo lực giới ngày càng diễn ra thường xuyên, cực đoan hơn và đan cài với các áp bức khác, những yêu cầu và nhu cầu đa dạng bị dập tắt.
Nhưng cũng từ đó, phong trào queer tại Mỹ Latinh trở thành cái nôi nuôi dưỡng những lý luận, thực hành phản đế, giải thuộc địa, đa quốc gia có sự tích cực tham gia của các nhóm cấp cơ sở và sôi nổi vận động chính sách tại các cấp chính quyền khác nhau.
Ủa như trên có nghĩa là sao? Cụ thể là sao? Mời các bạn đọc tiếp để hiểu bối cảnh và bấm vào hình để đọc về các phong trào LGBTQ+ cụ thể tại châu lục này nha.
DI SẢN THUỘC ĐỊA & SỰ PHÁT TRIỂN TÂN THỰC DÂN
Sau khi giành được độc lập khỏi chế độ thuộc địa vào đầu thế kỷ XIX, Mỹ Latinh bắt tay vào kiến tạo các thiết chế hậu thuộc địa. Thách thức lớn nhất đối với các nhà lãnh đạo bấy giờ là thiết lập được nhà nước ổn định dựa trên các nền tảng quản lý mà tất cả người dân có thể chấp nhận và tôn trọng.
Để khẳng định sự độc lập của bản thân khỏi đế chế Tây Ban Nha, những nhà lãnh đạo Mỹ Latinh học hỏi và áp dụng mô hình nhà nước của châu Âu, Bắc Mỹ. Đến khoảng năm 1850, tuy vẫn còn non trẻ, những nhà nước của khu vực này đã có phần ổn định. Cùng lúc, làn sóng công nghiệp hóa thứ hai đang phát triển mạnh tại Bắc Mỹ, và Mỹ Latinh đã trở thành nguồn cung cấp nguyên liệu thô cho sự bành trướng của nền kinh tế Bắc Đại Tây Dương.
Tất cả điều trên dẫn đến thực trạng “tân thực dân” – khi Mỹ Latinh đã chính thức độc lập nhưng trên thực tế vẫn cực kỳ dễ tổn thương, phụ thuộc vào các nền kinh tế công nghiệp lớn. Song song đó là tình trạng phân hóa, bất bình đẳng gia tăng trong nội bộ Mỹ Latinh khi giai cấp thượng lưu bản địa được hưởng phần lớn lợi ích trong trật tự xã hội mới này. Cho đến thế kỷ XX, lục địa này phải đối mặt với sự bấp bênh chính trị, xã hội, kinh tế và từ đó dẫn đến gia tăng các bạo lực thiết chế hóa, độc tài quân phiệt và chia rẽ mãnh liệt trong cộng đồng.
LÀN SÓNG TIÊN PHONG: ‘NUESTRO MUNDO’ TẠI ARGENTINA
“Nuestro Mundo”, tức là “Thế giới của chúng ta”, được cho là tổ chức quyền LGBTQ+ đầu tiên tại Mỹ Latinh.
Ra đời vào năm 1967 tại Argentina, Nuestro Mundo đã phải đối mặt với chế độ độc tài quân phiệt khi đó. Vì vậy, tổ chức đã tập trung nâng cao nhận thức xã hội về những sự bất công, đàn áp mà người LGBTQ+ đang gánh chịu – đặc biệt là bạo lực và ngược đãi đến từ cảnh sát.
Đến năm 1971, Nuestro Mundo đã cùng nhiều nhóm khác thành lập “Mặt trận Giải phóng người đồng tính”. Những tổ chức này đã phát hành tạp chí của riêng họ, mang tên “Somos” (nghĩa là “We are” trong tiếng Anh).
Tuy vậy, sau đó cộng đồng LGBTQ+ tại Argentina vẫn tiếp tục phải chịu nhiều áp bức và bất công. Trong những năm 1976 đến 1983, chính phủ quân quản đã phát động chiến dịch “thanh tẩy” nhắm đến người đa dạng giới và tính dục, nhằm “đe dọa những người đồng tính ra khỏi đường phố, để họ không làm phiền những người đàng hoàng khác.”
ENCUENTROS & AYUQUELEN: NHỮNG PHONG TRÀO NỮ QUYỀN CỦA NGƯỜI ĐỒNG TÍNH NỮ
Tại Chile, mặc dù dưới chế độ độc tài của Augusto Pinochet, tổ chức đầu tiên vì quyền của người đồng tính nữ đã được thành lập vào năm 1984 – mang tên Ayuquelen. Khác với những cách tiếp cận trước đây, Ayuquelen không cố gắng hòa nhập hay thỏa hiệp với xã hội bảo thủ. Tuy nhỏ, tổ chức này mang cách tiếp cận triệt để – không chỉ thúc đẩy quyền của người đồng tính nữ và các quyền về giới khác, mà còn góp phần chống lại chế độ độc tài bấy giờ.
Encuentros, nghĩa là những cuộc họp/gặp gỡ, là một phong trào đa quốc gia cũng vào những năm 1980. Những nhà nữ quyền đồng tính nữ trên khắp châu Mỹ (kể cả người Mỹ Latinh tại Hoa Kỳ và vùng Carribean) tổ chức họp hai lần một năm để thảo luận định hướng, chiến lược đấu tranh tại Mỹ Latinh.
Encuentros, tương tự các nhà nữ quyền Mỹ Latinh, nhận định rằng sự phụ thuộc kinh tế, nghèo đói, các mối quan hệ thuộc địa với các nước phương Tây và hệ tư tưởng phụ quyền là các yếu tố chính tạo nên điều kiện sống của phụ nữ Mỹ Latinh. Vì vậy, qua những cuộc họp, họ đã thảo luận giải pháp cho tình trạng đan cài giữa phân biệt giới, kì thị đồng tính nữ, chủng tộc, chênh lệch kinh tế, tình trạng tân thực dân và đàn áp chính trị.
REDLACTRANS: MẠNG LƯỚI VÌ QUYỀN CỦA NGƯỜI CHUYỂN GIỚI
Thành lập vào năm 2004 và cũng là một phong trào đa quốc gia, RedLacTrans là mạng lưới khu vực đầu tiên hoạt động vì quyền của người chuyển giới. Mạng lưới có các tổ chức thành viên tại 24 quốc gia Mỹ Latinh, bao gồm Bolivia, Colombia, Honduras, Ecuador, Panama, Peru, v.v… và tập trung nghiên cứu cuộc sống của người chuyển giới, phục vụ cho vận động chính sách tại nhiều cấp chính quyền, tổ chức.
Bối cảnh bạo lực và quân chủ độc tài tại nhiều nước Mỹ Latinh, cùng với tình trạng kì thị người chuyển giới và đa dạng giới, đã dẫn đến tình trạng g.i.ế.t người đa dạng giới nói chung và phụ nữ chuyển giới nói riêng (còn gọi là transfemicide). Tại Brazil, mặc dù thù ghét người chuyển giới đã là một tội danh theo luật pháp từ năm 2019, nước này vẫn dẫn đầu thế giới trong suốt 13 năm liền về số người chuyển giới, đa dạng giới bị á.m s.á.t.
Theo báo cáo năm 2012 của RedLacTrans, kỳ thị chuyển giới tại Mỹ Latinh còn có thể thấy qua việc họ bị hạn chế rất khắt khe tiếp cận y tế, việc làm và giáo dục. Diane Rodríguez, một nhà hoạt động quyền của người chuyển giới tại Ecuador, kể lại việc phải thôi học đại học vì “các giáo sư và nhân viên trường, khi thấy cơ thể đã chuyển đổi của tôi, đã tấn công và quấy rầy tôi bằng mọi cách mà bạn có thể hiểu hai cụm từ đó.” Rodriguez cũng cho biết nhiều người chuyển giới thường xuyên bị đuổi khỏi nhà khi còn rất trẻ, và với ít sự hỗ trợ, quan hệ thân quen, những người đó buộc phải làm những công việc phi chính thức như m.ạ.i d.â.m.
CÁC LÝ THUYẾT QUEER GIẢI THUỘC ĐỊA
Bên cạnh những phong trào xã hội và vận động chính sách sôi nổi vì quyền LGBTQ+, Mỹ Latinh còn là cái nôi của những lý thuyết queer giải thuộc địa. Những trí thức và nhà hoạt động Mỹ Latinh chất vấn tính dĩ Âu vi trung (tức lấy châu Âu làm trung tâm) và tính khái quát hóa những trải nghiệm của châu Âu, của người da trắng, dị tính để đại diện cho người queer toàn thế giới. Lý thuyết giải thuộc địa phản đối việc các nước phi phương Tây bị gói gọn trong vai trò “cung cấp ví dụ” để các học giả danh giá tại châu Âu, Bắc Mỹ so sánh với những lý thuyết mang tính khái quát, toàn cầu của bản thân.
Dựa trên lịch sử của chính Mỹ Latinh, nơi các mối quan hệ phụ thuộc và logic thực dân vẫn tồn tại kể cả sau khi thời kỳ thuộc địa chính thức chấm dứt, các học giả tại đó đã cho thấy chủ nghĩa thực dân có thể “khoác lên” những hình thái thống trị khác nhau để tiếp tục tồn tại bền bỉ. Các quá trình có nguồn gốc hoặc bị khắc sâu hơn từ chế độ thuộc địa có thể được tái tạo, ngay cả khi chúng ta tuyên bố đã giải quyết hay xóa bỏ được chúng.
Mặc dù lý thuyết queer đến từ châu Âu và Bắc Mỹ có thể mang tính thách thức và chống đối trong bối cảnh của chính nó, việc áp dụng chúng vào các bối cảnh khác sẽ tạo ra sự thống trị tân thực dân trong việc tạo ra tri thức. Các học giả queer giải thuộc địa, vì vậy, cho rằng chúng ta cần thoát khỏi logic của tính thuộc địa (*) và các hệ quả của nó, tách bản thân ra khỏi các thiết chế đóng góp cho thanh thế và ý nghĩa cho riêng Âu châu.
Một số học giả đã truy lại lịch sử lý thuyết queer Mỹ Latinh, và cho rằng Gloria Anzaldúa – nhà nữ quyền Chicana – chính là người sáng tạo ra trường phái này. Bên cạnh đó, các học giả queer giải thuộc địa cũng tìm hiểu các kiến tạo về giới và tính dục đã được thiết chế hóa, hoặc đôi khi đã bắt nguồn, từ chủ nghĩa thực dân như thế nào, các “vết thương” di chấn từ chế độ thực dân đã mở rộng và củng cố hệ thống giới như thế nào.
PHẦN 2: GÓC NHÌN LGBTQ+ TẠI CHÂU PHI: SỰ KÌ THỊ CÓ PHẢI “DI SẢN” CỦA CHỦ NGHĨA THỰC DÂN?
“Trong số 69 quốc gia hình sự hóa quan hệ đồng giới, có đến 33 quốc gia thuộc Châu Phi” – Graeme Reid, Giám đốc chương trình quyền LGBTQ tại Human Rights Watch (2022) [1]
Với những bộ luật hình sự hoá người đồng tính hiện đang có hiệu lực tại nhiều quốc gia ở Châu Phi (trong số đó có một vài bộ luật vừa được thông qua trong thời gian gần đây), Châu Phi thường xuyên bị dán nhãn là “châu lục kì thị đồng tính số một” [2]. Quan điểm này dường như càng được củng cố khi một số đại diện cho các quốc gia Châu Phi có những phát ngôn kì thị, điển hình là Yoweri Museveni – tổng thống đương nhiệm của Uganda – đã nói rằng: “Đồng tính rất đáng khi.nh” [3] trong một cuộc phỏng vấn. Museveni cũng khẳng định rằng đồng tính là một “món hàng nhập khẩu” từ phương Tây [4], điều này phản ánh được thái độ chung của các lãnh đạo ở Châu Phi về đồng tính. Phần nhiều trong số họ cho rằng đồng tính là một phát minh phương Tây đi ngược lại với các giá trị Châu Phi cốt lõi [2].
Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu và học giả đã đặt nghi vấn về quan điểm “đồng tính là phát minh phương Tây”. Họ cho rằng sự kì thị đồng tính mới là “di sản” để lại của chủ nghĩa thực dân từ các quốc gia phương Tây, chứ không phải bản thân đồng tính hoặc sự tự do về tính dục. Nhiều người chỉ ra rằng phần lớn các quốc gia Châu Phi trước thời kì thuộc địa có thái độ tương đối cởi mở về tính dục và thể hiện giới [5] [6]. Sự kì thị chỉ xuất hiện cùng với chủ nghĩa thực dân và tồn tại đến sau này.
Như vậy, đâu mới là nhận định hợp lý nhất?
CHÂU PHI TRƯỚC THỰC DÂN HOÁ: Quan hệ đồng giới và tư tưởng “phi nhị nguyên” không hề hiếm hoi!
Xuyên suốt bề dài lịch sử của Châu Phi, nhiều sử gia thấy được sự mềm dẻo trong thể hiện và nhìn nhận giới tại lục địa này. Quan hệ đồng giới nam và nữ thường được chấp nhận cho đến thế kỷ 16, khi Kitô giáo được mang đến bởi người Anh, Pháp và Bồ Đào Nha [6]. Nhiều bằng chứng điền dã cũng cho thấy con người ở nhiều nơi như Congo và Cameroon từng thực hành quan hệ đồng giới trước thực dân hoá [5]. Vào năm 1884, Uganda (trước là Buganda) từng có vua Mwanga II là một người đồng tính [4].
Không chỉ cởi mở hơn quan hệ đồng giới, nhiều lãnh thổ và khu vực ở Châu Phi trước thực dân hoá mang tư tưởng phi nhị nguyên. Ví dụ như bộ lạc Ganda – tộc người có số lượng lớn nhất Uganda – thường gọi những người phụ nữ hoàng tộc bằng danh xưng nam giới. Những phụ nữ này thậm chí có thể không cần phải thực hiện những nghĩa vụ thường hay áp đặt lên phụ nữ [5]. Ngoài ra, một số nơi như Angola còn có khái niệm Chibado (hay qimbanda), chỉ những người sinh ra là nam nhưng thường sống như phụ nữ [6]. Những bộ lạc như Igbo và Yoruba ở Nigeria cũng không mang tư tưởng nhị nguyên về giới tính; họ thậm chí còn không áp đặt giới lên trẻ em mới sinh, mà đợi một thời gian sau đó. Tương tự, người Dagaaba (Ghana thời nay) không xác định giới tính dựa trên cơ thể mà dựa trên năng lượng mà một người thể hiện ra bên ngoài [4].
Có thể thấy được, Châu Phi trước khi thực dân hoá có cách nhìn nhận rất khác về giới tính và xu hướng tính dục. Nhiều vùng lãnh thổ xem giới tính và tính dục là có thể thay đổi và không cố định dựa trên cơ thể. Bên cạnh đó, thái độ của người dân Châu Phi với quan hệ đồng giới là tương đối cởi mở.
SỰ KÌ THỊ ĐỒNG TÍNH VÀ ĐA DẠNG XU HƯỚNG TÍNH DỤC, THỂ HIỆN GIỚI: Một “di sản” của tư tưởng thực dân?
“Có bằng chứng lịch sử củng cố mối tương quan giữa sự kì thị queer thời nay và tư tưởng thực dân phương Tây” – C. T. McNamarah [2].
Nhiều lãnh đạo ở các quốc gia Châu Phi thời nay cho rằng đồng tính là một “sản phẩm” của văn hoá phương Tây và xem nó như một hiện tượng “phi Châu Phi” [2]. Tuy nhiên, như đã nói ở phần một, nhiều bằng chứng lịch sử đã chứng minh rằng các quốc gia Châu Phi trước thời kì thực dân hoá nhìn nhận đồng tính và thể hiện giới khá cởi mở.
Thậm chí, những từ ngữ mang tính miệt thị mà nhiều người sử dụng hiện tại như “fXggot” (*), hay những từ dùng để phân loại và dán nhãn quan hệ đồng giới như “gay”, “homosexual” đều được cho là bắt nguồn từ ngôn ngữ Anh [7]. Trước khi những từ này được dùng để phân loại con người dựa trên xu hướng tính dục và khiến người đồng tính trở nên “dị biệt”, quan hệ đồng giới là điều bình thường trong nhiều nền văn minh. Eusebius McKaiser, một chuyên gia phân tích gốc Nam Phi cho rằng những từ ngữ dùng để phân biệt các xu hướng tính dục theo hệ nhị nguyên (“bình thường” và “bất thường”) có thể xuất phát từ những nghiên cứu tâm lý ở phương Tây [7]. Nhiều nhà vận động về quyền lợi LGBT cũng cho rằng tôn giáo cũng đã được sử dụng trong thời thuộc địa như một công vụ để xoá bỏ văn hoá Châu Phi và những thực hành tính dục trong văn hoá Châu Phi [5].
Bên cạnh đó, việc một lượng lớn các bộ luật cấm quan hệ đồng giới được thiết lập trong thời kì thuộc địa bởi các quốc gia phương Tây như Anh, Pháp, Hà Lan cũng góp phần củng cố thái độ kì thị queer vẫn còn tồn tại đến thời nay [2]. Nhiều luật trong số đó đã hình sự hoá các hành vi quan hệ đồng giới, các hình phạt thậm chí bao gồm án chung thân. Đa phần những luật này vẫn còn được giữ lại và củng cố tại nhiều vùng lãnh thổ và quốc gia Châu Phi cho đến hiện nay. Ví dụ như đến năm 2019, một dự luật được gọi là “K.i.l.l The Gays” đã được đưa ra thảo luận tại quốc hội Uganda, luật này bao gồm các hình phạt đối với người tham gia vào quan hệ đồng giới, trong đó mức án cao nhất có thể là án t.ử hì.nh [9].
Tuy nhiên, dẫu phần lớn nghiên cứu đều đồng ý là sự kì thị queer có một phần rất lớn bắt nguồn từ thời kì thuộc địa (hơn nửa số quốc gia Châu Phi có luật kì thị queer từng là thuộc địa Anh [2]), điều đó không thể lý giải hết được cho sự thù ghét đồng tính và queer ở Châu Phi hiện nay: hơn 85% người Jamaica tự hào thừa nhận họ kì thị đồng tính, các lãnh đạo Uganda sẵn sàng thông qua những dự luật xoá bỏ quyền con người của cộng đồng LGBTQ [8].
ĐẤU TRANH VÌ LGBT TẠI CHÂU PHI: Hành trình dỡ bỏ sự kì thị bắt nguồn từ chủ nghĩa thực dân [7]
Công cuộc đấu tranh cho quyền LGBTQ tại Châu Phi vẫn còn một quãng đường dài phía trước, khi mà mãi đến năm 2015, người đồng tính và các hành vi quan hệ đồng giới vẫn là phạm pháp ở 34 quốc gia Châu Phi [6]. Khoảng 50% đàn ông đồng tính ở Zimbabwe từng là nạn nhân của bạo hành vì xu hướng tính dục [6].
Việc nhìn nhận rằng các thực hành tính dục phi dị tính là tự nhiên đã tồn tại ở xã hội Châu Phi từ trước thời kì thuộc địa là bước đầu trong công cuộc đấu tranh vì LGBTQ. Xuyên suốt thế kỷ qua, các nhà hoạt động vì quyền con người tại đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể: Các sự kiện pride được tổ chức khắp châu lục, người đồng tính được xuất hiện nhiều hơn trong các tác phẩm văn học, âm nhạc và hội hoạ. Phần lớn các phong trào LGBT tập trung vào việc dỡ bỏ các bộ luật có nội dung tội phạm hoá người đồng tính, cũng như bình thường hoá sự tồn tại của cộng đồng LGBTQ để giảm thiểu sự kì thị và bạo lực đối với cộng đồng này [6].
Có thể nói, dẫu rằng các đế chế thực dân đã mầm mống kì thị xuống đầu tiên, nhưng với sự bám rễ dai dẳng của các tư tưởng, thực hành, điều luật kỳ thị đồng tính, những người củng cố nó cho đến nay lại chính là chính quyền và phần lớn công dân Châu Phi [8]. Việc nhìn nhận lại lịch sử chỉ là bước đầu, công cuộc đấu tranh thực sự vẫn còn cần rất nhiều nỗ lực từ chính người dân Châu Phi cũng như sự ủng hộ của các cộng đồng quốc tế.
Nguồn tham khảo:
[1] Reid, G. 2022. Progress and Setbacks on LGBT Rights in Africa – An Overview of the Last Year. https://www.hrw.org/…/progress-and-setbacks-lgbt-rights…
[2] McNamarah C., T. 2018. Silent, Spoken, Written, and Enforced: The Role of Law in The Construction of the Post-Colonial Queerphobic State. https://ww3.lawschool.cornell.edu/…/McNamarah-note…
[3] Uganda President: “Ho.mosexuals are di.sgusting”. https://www.youtube.com/watch?v=Yzu4WgUOWUM
[4] Buckle, L. 2020. African Sexuality and the Legacy of Imported Homophobia. https://www.stonewall.org.uk/…/african-sexuality-and…
[5] Kalende, V. 2014. Africa: homophobia is a legacy of colonialism. https://www.theguardian.com/…/africa-homophobia-legacy…
[6] Yorke-Westcott, J. 2021. A History of Queer African Activism. https://amaka.studio/…/a-history-of-african-queer-activism
[7] McKaiser, E. 2012. Homosexuality un-African? The Claim is An Historical Embarrassment. https://www.theguardian.com/…/homosexuality-unafrican…
[8] Stern, M., J. 2014. Don’t Blame Yesterday’s Colonialism for Today’s Homophobia. https://slate.com/…/dont-blame-homophobia-on…
[9] Uganda Introduces ‘Kill The Gays’ Bill. ( 2019) https://www.dw.com/…/uganda-introduces-kill…/a-50797504
PHẦN 3: QUEER ĐÂY QUEER ĐÓ, QUEER VỀ Á THÔI!
TÍNH GIAO THOA TRONG DÒNG CHẢY QUEER TRUNG Á
Xin mừng các hành khách của VOGE đến với chuyến bay thứ ba của VOGExPRIDE 2022.
Nhà sử học người Anh Arnold Tonybee đã miêu tả Trung Á như một “bùng binh”, nơi các tuyến đường được bao phủ “từ tất cả các phần tử của la bàn và từ đó các tuyến lại ra toả tất cả các phần khác của la bàn”. Sự giao thoa, biến động đã xảy ra không chỉ ở lịch sử, chính trị, tôn giáo hay xã hội mà còn ảnh hưởng đến sự biến chuyển của cộng đồng queer tại khu vực này.
Trước những năm 1990, các nước trong khu vực Trung Á vẫn chưa được định hình, xác định rõ ràng. Trung Á trong lịch sử, đã trở thành khu vực bành trướng lãnh thổ lớn cuối cùng của đế quốc Nga. Bởi vậy, khi tìm hiểu về lịch sử phát triển queer ở Trung Á tức là tìm hiểu về dòng chảy queer của năm nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ (Kazakhstan, Uzbekistan, Kyrgyzstan, Turkmenistan và Tajikistan) [1]. Hầu hết các chuyên gia nghiên cứu châu Á có xu hướng tập trung vào một quốc gia cụ thể, nhưng khi xét đến Trung Á trong lịch sử, ta cần nhìn nó như một khối tổng thể.
Quyền của người LGBT ở châu Á còn hạn chế so với nhiều khu vực khác trên thế giới. Hoạt động tình dục đồng giới bị cấm ở ít nhất 20 quốc gia châu Á [2]. Vậy cộng đồng queer ở Trung Á mang những đặc trưng tiêu biểu của riêng mình hay là sự pha trộn của các quốc gia đô hộ? Mời độc giả ấn vào các hình dưới để hiểu rõ hơn bối cảnh và sự biến động của dòng chảy queer Trung Á nha.
GIAO THOA CÙNG CÁC Ý NIỆM VỀ GIỚI CỦA NGA
Bất chấp sự kỳ thị đồng tính phổ biến trong các quốc gia châu Á hiện nay, không một quốc gia nào có thể phủ nhận sự hiện diện của các hoạt động LGBT trong lịch sử của mình. Dòng chảy queer ở Trung Á có mối liên hệ sâu sắc đến cộng đồng queer ở khu vực Nga, bởi khu vực này từng là thuộc địa của Liên Xô [3]. Định kiến của người Liên Xô về cộng đồng LGBT đã ảnh hưởng không nhỏ lên tiến trình phát triển dòng chảy queer tại Trung Á.
Trật tự giới tính ở địa phương phản ánh việc chế độ thực dân Nga áp đặt các cấu trúc tư pháp, chính trị, văn hoá, xã hội, tôn giáo và giới thể hiện các giá trị hiện đại của châu Âu. Những hình ảnh và khuôn mẫu như vậy có thể đã tạo ra ấn tượng về trật tự giới tính nhị phân. Tuy nhiên, nghiên cứu đã cho thấy rằng trật tự giới tính của các nước thuộc địa Nga ban đầu là phi nhị phân [4].
Trung Á là khu vực không có ngôn ngữ viết trong lịch sử. Ngôn ngữ của phần lớn cư dân của các nước Cộng hòa Trung Á thuộc Liên Xô cũ thuộc nhóm ngôn ngữ Turkic. Bởi các nước thuộc Liên Xô cũ phần lớn sử dụng tiếng Nga, và bị Nga chiếm đóng làm thuộc địa trong một thời gian dài nên các thuật ngữ về cộng đồng queer ở Trung Á lúc bấy giờ cũng được lấy từ ngôn ngữ Nga Xô Viết. Thuật ngữ “tema”, là tiếng lóng về LGBT của Nga, có nghĩa là “người đồng tính”, “hiểu biết về LGBT” cũng đã được các quốc gia mà ngày nay thuộc Trung Á sử dụng như một cách phân loại, dán nhãn cộng đồng queer [5].
Thái độ tiêu cực đối với phụ nữ là công cụ cho việc duy trì thuật ngữ “chủ nghĩa đồng tính nữ” trong bộ luật hình sự của Kazakhstan, Kyrgyzstan và Tajikistan. Điều này chịu sự ảnh hưởng từ những chính sách xã hội của Liên Xô về vấn đề quyền của người đồng tính luyến ái và việc đối xử với nhóm người này năm 1920 [2].
Không có quá nhiều các tổ chức về LGBT ở Trung Á, hay làm về cộng đồng người LGBT Trung Á. “Genderdok-M”, một trong những tổ chức thành công nhất ở Liên Xô cũ, lưu trữ các tài liệu lưu trữ về các cộng đồng đồng tính và ấn phẩm của những năm 1990 trước kỷ nguyên kỹ thuật số [5].
Tổ chức “Labrys”, được thiết lập bởi Anna Dovgopol (Kyiv) và Anna Kirei (London), là nơi ẩn náu an toàn cho cộng đồng LGBT trong cuộc cách mạng Bishkek năm 2010 [5]. Là thành viên không phải người Kyrgyzstan của cộng đồng Kyrgyzstan đa dạng về sắc tộc, họ cảm thấy có thể thể hiện bản thân mạnh dạn hơn, nhưng họ khẳng định Labrys đã trở thành một “tổ chức Kyrgyzstan duy nhất” không giống như các tổ chức LGBT phương Tây, vì các hình thức tự lực và công việc mà Labrys làm.
BỨC TRANH CỘNG ĐỒNG LGBT TRUNG Á HIỆN ĐẠI
Những năm cuối thế kỷ 20, thuật ngữ “giới” ở Trung Á chủ yếu được các cơ quan quốc tế giới thiệu cho các nhà hoạt động và học giả địa phương. Vào thời điểm đó, nghiên cứu học thuật và viết về giới chủ yếu chỉ giới hạn trong thảo luận về các vai trò xã hội và chế độ phụ nữ Trung Á [2].
Nhìn chung, các hoạt động cũng như quyền của cộng đồng queer lại khu vực Trung Á tính đến thời điểm hiện tại vẫn còn đang bị bó hẹp. Dưới đây là tóm tắt của những hoạt động, quyền về LGBT được cho phép ở năm quốc gia tại khu vực này [6]:
Các hoạt động tình dục đồng giới được cho phép ở Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan (từ năm 1998); Uzbekistan, Turkmenistan (chỉ hợp pháp hoá ở phụ nữ, đàn ông vi phạm có thể phạt tù lên đến 2-3 năm). Các luật liên quan đến nhận dạng, thể hiện giới chỉ mới được ban hành, có hiệu lực tại Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan. Việc công nhận quan hệ đồng giới, hôn nhân đồng giới, hành vi nhận con nuôi của các cặp đồng giới, LGBT được phép phục vụ trong quân đội hay các luật về chống phân biệt đối xử liên quan đến xu hướng tính dục đều bị cấm/phạm pháp trong các quốc gia này.
Ở Kyrgyzstan và Kazakhstan, thái độ của người dân dành cho người LGBT ít khắc nghiệt hơn. Có các tổ chức vận động mạnh ở cơ sở và không gian an toàn để mọi người có thể tụ tập và giao lưu. Nhưng sự kỳ thị xã hội, kỳ thị người đồng tính và quấy rối vẫn phổ biến trong các xã hội bảo thủ, chủ yếu là người Hồi giáo [4].
Chuyển đổi giới tính là hợp pháp ở nhiều quốc gia, nhưng lại không được xã hội chấp nhận và cộng đồng người chuyển giới thường xuyên phải chịu bạo lực. Người chuyển giới ở các nước Trung Á thường bị phân biệt đối xử và có nguy cơ bị bạo lực cao hơn cả vì ngoại hình và giấy tờ của họ không phù hợp với ngoại hình. Quá trình chuyển đổi của chuyển giới nữ của họ thường đau hơn so với chuyển giới nam [4]. Không tìm được cơ hội việc làm, phụ nữ chuyển giới thường cam chịu làm việc trong ngành kinh doanh tình dục.
TẠM KẾT: TÍCH LŨY ĐƯỢC GÌ SAU HÀNH TRÌNH “QUEER ĐÂY QUEER ĐÓ” & SUY NGẪM VỀ PHONG TRÀO QUEER TẠI VIỆT NAM?
Hành trình khám phá những sắc màu queer tại năm châu bốn bể đã tạm kết thúc. Có thể thấy mỗi cộng đồng, mỗi phong trào queer là hiện thân của sự đấu tranh và thách thức những cấu trúc giới khác nhau, đặc thù của dòng lịch sử, chính trị, văn hóa và xã hội ở chính khu vực của họ. Điều này phản bác một số lầm tưởng đại chúng rằng queer là sản phẩm “100% nội địa” phương Tây [1].
Queer là một khái niệm không cố định. Chẳng hạn, ở một số quốc gia châu Á như Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ, Philippines có sự đa dạng hóa khái niệm queer, từ nghiên cứu đến thực nghiệm. Trong khi đó, tại các quốc gia như Việt Nam hay Cam-pu-chia, những thông tin liên quan vẫn chưa được nghiên cứu quá chi tiết và sâu sắc [3].
Ví dụ, ngôn ngữ tiếng Việt chưa cụ thể hóa và có sự phân biệt giữa giới tính sinh học (sex) và giới (gender). Ngoài ra, những khái niệm về “bản dạng giới” (gender identity), “thể hiện giới” (gender expression), “xu hướng tính dục” (sexual orientation), hay “hành vi tình dục” (sexual behavior) vẫn chưa được phân biệt rõ ràng trong từ đại chúng. Ngoài ra, những định kiến giới xuất phát từ tư tưởng Nho giáo xưa về gia đình, xã hội kiểu mẫu chưa hoàn toàn mất đi, khiến những thảo luận về đa dạng giới & tính dục vẫn còn vấp phải nhiều luồng tranh cãi [2]. Tuy nhiên, công cuộc đấu tranh cho quyền của LGBTQ tại Việt Nam cũng ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực khi Quốc hội hợp pháp hóa chuyển giới vào năm 2015, hay gần đây Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam đã khẳng định đồng tính không phải là bệnh lý hay rối loạn tâm lý [4].
Sau một vòng khám phá các phong trào đấu tranh dưới chế độ quân chủ độc tài ở Mỹ Latinh, hay những hậu quả để lại từ chế độ thực dân tại châu Phi, Trung Á, bạn có liên hệ gì đến làn sóng queer tại Việt Nam? Theo bạn, những vấn đề liên quan nào vẫn còn nhức nhối và đáng lưu tâm? Làm sao để xây dựng phong trào bền vững, thực chất và giao thoa?
Hãy cũng chia sẻ và thảo luận cùng VOGE nhaaa!