VĂN HÓA PHIM NGƯỜI LỚN & BẠO LỰC TÌNH DỤC TRONG ĐỜI SỐNG

Phim khiêu dâm (porn films) – hay còn được biết đến với tên gọi “phim người lớn”, “phim con heo” là một khái niệm không mấy xa lạ với nhiều thế hệ người Việt Nam. Theo thời gian, đại chúng đang dần cởi mở và dễ tiếp cận với những ấn phẩm vốn nhạy cảm này. Yếu tố “porn” thậm chí còn được sử dụng rộng rãi qua những nội dung trên mạng xã hội dưới dạng bài đăng, vlog, video Tik Tok như một cách để thu hút sự chú ý, “câu” tương tác.

Nhiều ý kiến cho rằng, sự phát triển của văn hóa phim khiêu dâm đã tạo nên sự suy đồi trong tư duy và hành vi tình dục của những người tiêu thụ dòng phim này. Ý kiến này liệu có đúng hoàn toàn? Mời bạn đọc cùng VOGE bóc tách nền văn hóa này, cũng như là sự tương quan giữa phim khiêu dâm và bạo lực tình dục trong đời sống để có những cái nhìn khách quan nhất về ý kiến này bạn nhé!

VĂN HÓA PHIM NGƯỜI LỚN: TÍCH CỰC HAY TIÊU CỰC?

Dòng phim khiêu dâm bắt đầu xuất hiện vào những năm 1800 – khi nền điện ảnh vừa chớm nở. Khác biệt với những tác phẩm khỏa thân nghệ thuật (erotica) đã xuất hiện từ những năm 7200 – 5200 TCN, phim khiêu dâm tập trung vào mục đích tăng cường khoái cảm tình dục của người tiêu thụ thông qua hình ảnh khêu gợi của cơ thể con người, cũng như các hoạt động quan hệ tình dục [7].

Theo thời gian, ngành công nghiệp phim khiêu dâm ngày càng phát triển và được hợp pháp hóa ở nhiều nước trên thế giới, ví dụ như Nhật Bản – đất nước sở hữu nền công nghiệp nổi bật hàng đầu châu Á. Japanese Adult Video – JAV (tạm dịch: Phim Người Lớn Nhật Bản) ra đời và được chấp thuận lưu hành từ những năm sau chiến tranh thế giới thứ hai. Thời bấy giờ, dân số Nhật Bản sụt giảm gần 2 triệu dân, điều này dẫn đến sự già hoá của biểu đồ tuổi tác dân số Nhật Bản. Do đó, chính phủ Nhật Bản đã quyết định hợp pháp hóa những sản phẩm khiêu dâm nhằm kích thích ham muốn và cảm xúc tình dục của người dân, đặc biệt là nữ giới, và thúc đẩy sự sinh sản [2].

Xét về mặt tích cực, phim khiêu dâm không chỉ kích thích, giải tỏa cảm xúc, mà còn cung cấp một số chỉ dẫn về quan hệ tình dục nhất định mà người tiêu thụ có thể tham khảo để điểm tô cho đời sống tình dục cá nhân của mình [5]. Mặt khác, theo nghiên cứu từ tác giả Michael C. Rea, những sản phẩm thuộc thể loại “porn” gắn liền nhiều hơn với những khái niệm tiêu cực như: tình dục vì lợi nhuận, vật thể hóa con người, hay sự đàn áp tình dục [1] Tương tự, tác giả Diana E. H. Russell cũng từng chỉ ra rằng đặc trưng của những sản phẩm khiêu dâm chính là sự kiểm soát và bạo lực tình dục và chúng ảnh hưởng rất nhiều đến cảm xúc và tư tưởng của người tiêu thụ [7] Từ đó, chúng ta có thể thấy rằng việc tiêu thụ văn hóa khiêu dâm nói chung, và phim khiêu dâm nói riêng không phải là điều sai trái. Song, sự chọn lọc và suy tính kỹ càng là những yếu tố cần thiết mà ai cũng cần phải cân nhắc khi đặt chân khám phá nền văn hóa này.

SỰ HÌNH THÀNH NHỮNG SUY NGHĨ & HÀNH ĐỘNG LỆCH LẠC

Nhờ vào sự phát triển vượt trội của truyền thông, việc tiếp cận các ấn phẩm khiêu dâm trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Tại Việt Nam – nơi ngành công nghiệp khiêu dâm vẫn chưa được hợp pháp hoá, những sản phẩm phim người lớn như JAV vẫn được tiêu thụ và truyền bá rộng rãi một cách thầm lặng. Chúng ta có thể thấy yếu tố khiêu dâm và tình dục len lỏi mọi ngóc ngách trong cuộc sống hằng ngày, từ những câu nói đùa, câu chuyện để bàn tán trong vòng tròn bạn bè, đến các nội dung công khai trên mạng xã hội.

“Porn” có thể được xem là một nền văn hóa lành mạnh khi và chỉ khi những người tiêu thụ phân định được ranh giới rạch ròi giữa phim ảnh và đời thật. Tuy nhiên, một bộ phận đại chúng đã và đang quá lún sâu vào những gì diễn ra trên màn ảnh, dần dà hình thành những sự lệch lạc trong suy nghĩ và cả hành động. Họ bị ảnh hưởng nặng nề từ tư tưởng “cứu rỗi” (salvage ideology) từ những sản phẩm JAV. Tư tưởng “cứu rỗi” đề cao vai trò của nam giới trong tình dục rằng nam giới hiểu cơ thể nữ giới hơn chính họ. Ngoài ra, những nhân vật nam trong phim người lớn luôn được khắc họa là người làm chủ cuộc chơi và là người đóng góp to lớn trong việc mang đến khoái cảm và hạnh phúc cho nữ giới [2]. Ngược lại, những nhân vật nữ trong phim khiêu dâm thường được xem là “vật thể tình dục” nhằm thỏa mãn dục vọng và ham muốn kiểm soát của người nam [7].

Từ những tình tiết phim người lớn, một bộ phận thanh niên tự hợp thức hóa lời nói và hành vi dung tục của bản thân mình bởi suy nghĩ rằng họ là những con người hiểu biết, là “đấng cứu thế” đem lại niềm vui khoái lạc cho người khác, hoặc đơn giản, họ đã lầm tưởng việc hợp pháp hóa và phổ biến của phim khiêu dâm sẽ đi song hành với việc hợp pháp hóa sự khiếm nhã của mình ngoài đời thực. Theo nghiên cứu của tác giả Diana E. H. Russell, 25 đến 30% nam sinh tìm thấy sự thỏa mãn khi xem những cảnh phim h.i.ế.p d.â.m và tồn tại trong mình cảm giác muốn thử cưỡng bức người khác [7]. Bên cạnh đó, đến 50% nam giới từng quấy rối tình dục bằng ánh mắt, lời nói hay thậm chí cử chỉ bạo lực khi họ nhìn thấy sự hấp dẫn của một đối tượng, hay khi họ nhìn thấy sự đồng thuận trong tình cảm tinh thần mà không cần quan tâm đối phương có muốn phát sinh thân mật thể xác với họ ngay tại lúc đó hay không [7].

Ngày nay, thật không khó để bắt gặp nhiều bạn trẻ sử dụng tình dục làm yếu tố “câu view” trong những nội dung trên mạng xã hội, đặc biệt là Tik Tok. Hơn thế, một số người còn cho mình quyền được trực tiếp lăng mạ và quấy rối người khác. Cách đây vài năm, có lẽ bạn chưa quên vụ việc một fanpage nổi tiếng với hàng trăm nghìn lượt theo dõi đã đăng tải những nội dung cợt nhả về quấy rối tình dục trên tàu điện Cát Linh. Những vụ án quấy rối tình dục hay h.i.ế.p d.â.m cũng bị xem nhẹ và mang lên đùa cợt, châm biếm trên những fanpage, hội nhóm lớn. Và rồi, tư duy, cũng như hành vi thiển cận được bao biện bởi những lý do rằng “chỉ là đùa vui” hay “JAV được hợp pháp hóa nên chúng ta nên bình thường hóa những suy nghĩ này”.

KHI BẠO LỰC TÌNH DỤC ĐƯỢC BÌNH THƯỜNG HOÁ BỞI VĂN HOÁ KHIÊU DÂM

Văn hóa khiêu dâm dần trở thành một trong những nguyên nhân gây nên bạo lực tình dục – từ bạo lực hành động đến bạo lực lời nói. Từ những lời nói đùa vô tình hay những suy nghĩ không thấu đáo, những người nghiện phim người lớn dần biến bạo lực tình dục thành mục tiêu để hướng đến [3]. Họ bị kích thích và ám ảnh với những diễn biến trong phim khiêu dâm và hình thành mong muốn áp dụng với người yêu, với bạn tình của mình, và thậm chí là những người xa lạ mà không cần quan tâm đến suy nghĩ của đối phương. Cụ thể hơn, họ mong mỏi người yêu hay bạn tình phải quyến rũ và gợi tình như những diễn viên trong phim, họ áp đặt người khác phải chấp nhận lời nói nhạy cảm và hành động tình dục thô bạo của mình vì cho rằng đây là điều bình thường, trong phim diễn viên tận hưởng được thì tại đời thực cũng thế [4]. Sự thật là, những gì diễn ra qua màn ảnh không bao giờ phản ánh đúng đắn đời sống tình dục thực. Một mặt, trong quá trình sản xuất phim người lớn, đội ngũ thực hiện có thể đảm bảo được sự an toàn và tinh thần thoải mái nhất định của diễn viên dựa vào việc sử dụng góc quay, kỹ xảo hay những thủ thuật khác. Mặt khác, những thước phim người lớn thoạt trông đầy xúc cảm và thỏa mãn ấy đôi khi lại chứa đựng bao nhiêu mồ hôi, nước mắt, và cả sự tủi nhục của diễn viên.

Văn hóa khiêu dâm không chỉ tạo nên những tư duy sai lệch mà còn ảnh hưởng đến tâm lý của những người hứng chịu bạo lực. Nhiều nạn nhân, đặc biệt là nữ giới dễ dàng chấp nhận các hành vi bạo lực, cho rằng điều đó là bình thường (ví dụ như “stealthing” – hành vi tháo bao cao su khi quan hệ, hay những hành vi mang tính cưỡng ép…). Ngoài ra, nhiều người còn dễ dàng hình thành nên sự tự ti và dằn vặt dẫn đến việc họ tự ép mình trở nên quyến rũ gợi tình hơn, hoặc cố gắng chấp nhận những “sự đổi mới” trong chuyện chăn gối bất kể mình có thoải mái và vui vẻ với chuyện đó hay không.

Tóm lại, ở đời thực, liệu chúng ta đã hiểu hết về những điều này và đảm bảo được sự an toàn cả về thể chất và tâm lý cho đối tác của mình trước khi bắt buộc họ chấp thuận những gì ta học được từ phim khiêu dâm? [4]

TÔN TRỌNG – CHÌA KHÓA CHO MỘT NỀN VĂN HÓA LÀNH MẠNH

Quả thực, những gì trên màn ảnh khiêu dâm không thể dạy chúng ta những kiến thức đúng đắn về đời sống tình dục. Việc tiếp nhận những văn hoá phẩm ấy mà không chắt lọc dễ khiến chúng ta hiểu nhầm bản chất của những thước phim được dựng lên để thỏa mãn nỗi tò mò và khoái cảm có được nhờ kích thích tức thời. [5] Giá trị của nền văn hóa này được cho rằng không nằm ở những hình ảnh trần trụi chúng ta được nhìn thấy mà nằm ở cách chúng ta tiếp nhận, suy nghĩ và áp dụng hợp lý vào đời sống. [5] Đời sống thật luôn là một sự khác biệt hoàn toàn so với đời sống trên màn ảnh. Những hình thức tình dục được cường điệu trên phim có thể rất hấp dẫn, nhưng trong thực tế thì chưa chắc: một nghiên cứu đã chỉ ra rằng trong số 14 hình thức tình dục (sexual practices) như tình dục công khai (public sex), bạo dâm (BDSM), tráo đổi bạn tình (Swing), quan hệ tập thể… phần lớn nữ giới chỉ cảm thấy kích thích bởi 3 trên 14 thể loại trên, trong khi con số này ở nam giới lại cao hơn hẳn [5]. Bên cạnh đó, hơn một nửa số nữ giới được khảo sát bày tỏ rằng họ thích được thưởng thức những đường nét cơ thể hay những bộ phim có sự trung hòa nhẹ nhàng giữa các diễn viên (như thể loại phim đồng tính nữ) nhưng vì những tiêu chuẩn và mong muốn được đặt ra bởi đàn ông, họ vẫn cố gắng đáp ứng lại những nhu cầu “nặng đô” hơn. [6] Vậy nên, trước khi muốn thực hiện một hình thức nào với bạn tình, cần chắc rằng người đó cũng thoải mái với điều mà bạn thích. Sự tôn trọng là chìa khoá cho tình dục lành mạnh.

Tạm kết

“Chúng ta không nói rằng tất cả những người xem phim khiêu dâm đều muốn cưỡng hiếp người khác. Song, việc ám ảnh bởi phim khiêu dâm sẽ tạo cho họ cảm giác mình có quyền được thực hiện những lời nói hay hành vi bạo lực tình dục” – nhà nghiên cứu văn hóa khiêu dâm, giáo sư Gail Dines đã cho hay [6].

Những tư tưởng tình dục độc hại vẫn còn tồn tại và xuất hiện thường xuyên không chỉ trên mạng xã hội. Chúng ta cần nhớ rằng, sự phổ biến và hợp pháp hóa phim khiêu dâm không đi cùng với sự hợp pháp hóa việc bạo lực tình dục, cả hành động và lời nói. Văn hóa khiêu dâm không xấu nhưng những tiêu cực gây nên bởi đại chúng đã và đang dần biến tướng nền văn hóa này. Giải pháp khắc phục chính là sự chấp nhận và tôn trọng cho những khác biệt giữa phim ảnh và đời thực, giữa người với người. Tuy nhiên, đây lại là một quá trình lâu dài cần có những chiến dịch giáo dục và truyền thông cụ thể. Còn bạn, bạn nghĩ như thế nào về vấn đề này, hãy chia sẻ cho VOGE những suy nghĩ cũng như là giải pháp của bạn nhé! 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Rea, M. C. 2001, ‘What Is Pornography?’ Noûs, vol. 35, no. 1, viewed May, 2022 <http://www.jstor.org/stable/2671948>

[2] Coates, J 2018, ‘The Japanese adult video industry’, Contemporary Japan, vol. 31, no.2 viewed May, 2022 <https://www.tandfonline.com/…/10.1080/18692729.2018.155375 >

[3] https://fightthenewdrug.org/jessica-eaton-pop-culture…/

[4] http://www.rolereboot.org/…/the_truth_about_the_porn…

[5] Stella, R 2020, ‘Porn culture, embodied experiences and knowledge of sexual practices’, Sexualities, vol. 33, no.3, viewed May, 2022, <https://doi.org/10.1177/1363460718791964>

[6] https://www.theguardian.com/…/porn-damaging-effects…

[7] Russell, D.E.H 1988, ‘Pornography and Rape: A Causal Model’, Political Psychology, vol. 9, no.1 viewed May, 2022 < https://www.jstor.org/stable/3791317 >