![](https://cdn-gcs.ngxson.com/voge/2024/06/screenshot-2024-06-12-at-17.23.08.38o6jf.png)
Trên đây là một số ý kiến dưới dạng bình luận về vấn đề trầm cảm sau sinh mà một độc giả đã gửi về cho VOGE. Đối với những bình luận như thế này, dẫu rằng người viết có lẽ không mang ác ý, nhưng việc dựa trên trải nghiệm cá nhân (ví dụ “vợ tôi, mẹ tôi, hay bản thân tôi chịu cực nhưng vẫn ổn”, vv…) đã vô tình phủ nhận trải nghiệm của những người khác, đồng thời truyền tải thông điệp xem nhẹ bệnh tâm lý nói chung và trầm cảm sau sinh nói riêng. Bên cạnh đó, việc không nhìn nhận đúng tầm quan trọng của những bệnh này có thể dẫn đến những hệ quả đáng tiếc vốn có thể ngăn chặn được.
Những ý kiến này có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình nâng cao nhận thức về bệnh tâm lý nói chung và lan truyền hiểu biết sai lệch về sức khỏe sinh sản của phụ nữ nói riêng. Nhìn chung, những bình luận này đại diện cho hai quan điểm:
1. Trầm cảm là bệnh “hiện đại”, chỉ người yếu đuối mới bị trầm cảm.
2. Văn hoá đại chúng và phim ảnh khiến nhiều người “làm quá” vấn đề trầm cảm sau sinh.
Hãy cùng VOGE bóc tách bản chất của hai luồng ý kiến trên để nhìn nhận đúng hơn về vấn đề này nhé!
I – Quan điểm 1: Trầm cảm là bệnh “hiện đại”, chỉ người yếu đuối mới bị trầm cảm.
Đây là một ngộ nhận, bởi lẽ trầm cảm không phải là vấn đề mới. Xuyên suốt lịch sử loài người, các chứng u uất, buồn bã kéo dài ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần, khả năng hoạt động của con người vẫn luôn được ghi nhận trong nhiều tài liệu lịch sử dưới nhiều cái tên khác nhau.
Ví dụ, những ghi chép sớm nhất về chứng trầm cảm có từ thiên niên kỷ thứ hai Trước Công Nguyên ở khu vực Lưỡng Hà cổ đại, dù rằng vào thời này thì trầm cảm được xem như chứng buồn bã, xuống tinh thần do bị thế lực ma quỷ thâm nhập [1]. Ở Hy Lạp xưa, Hippocrates – người được xem là cha đẻ của ngành Y đã có những quan sát và ghi chép về căn bệnh trầm cảm (thường được biết đến với thuật ngữ “melancholia”). Ông cho rằng bệnh này bị gây ra bởi sự mất cân bằng vật chất trong cơ thể [2]. Từ thế kỷ XIX đến thế kỷ XX, với sự phát triển của tâm lý học cũng như phân tâm học, những tên tuổi như Emil Kraepelin hay Sigmund Freud đã có những đóng góp nhất định về các chứng bệnh tâm lý như rối loạn lưỡng cực, trầm cảm, các chứng u uất… [3], [4].
Ngày nay, tổ chức y tế thế giới WHO có một định nghĩa hoàn chỉnh và phổ quát hơn về bệnh trầm cảm: Trầm cảm là một dạng rối loạn tâm thần phổ biến, có những đặc trưng như cảm thấy buồn phiền, mất hứng thú và mất niềm vui, cảm giác mệt mỏi và tội lỗi kèm theo sự suy giảm tập trung. Viện Sức khoẻ Tâm thần Quốc Gia Hoa Kỳ cũng có những nhận định tương tự: Trầm cảm là chứng rối loạn tâm thần với đặc trưng là cảm giác buồn phiền, bất lực, mệt mỏi, vô vọng, không còn hứng thú trong các mối quan hệ cũng như gặp khó khăn trong sinh hoạt hằng ngày. Bên cạnh đó, ở Việt Nam, bác sĩ Nguyễn Khắc Viện cũng mô tả chứng trầm cảm bằng thuật ngữ “trầm nhược”: “Trầm là chìm xuống, bi quan. Nhược là suy yếu, mệt mỏi, uể oải, không muốn cử động, mặc dù không có bệnh tật rõ rệt” [5].
Có thể thấy được rằng trầm cảm không phải là vấn đề mới. Xuyên suốt bề dày lịch sử nhân loại, con người vẫn luôn có nguy cơ vấp phải nhiều tình huống, nhiều nguyên do dẫn đến tổn thương tinh thần, dễ mắc phải trầm cảm ở nhiều mức độ. Chứng trầm cảm vẫn luôn tồn tại, chỉ là dưới nhiều cái tên khác nhau, và với điều kiện cùng mức sống ngày một phát triển, chúng ta có cơ hội quan tâm nhiều hơn đến vấn đề này. Điều đó không có nghĩa là con người hiện tại yếu ớt hơn, hay mẫn cảm hơn xưa như bình luận phía trên đã nói, mà là chúng ta có điều kiện để tiếp cận một cuộc sống tốt hơn mà không phải “ngậm bồ hòn làm ngọt”. Việc để tâm đến các vấn đề sức khỏe tinh thần của bản thân và người xung quanh không phải là “nhạy cảm” hay “yếu đuối”, mà là có trách nhiệm với bản thân, gia đình và cộng đồng.
II – Quan điểm 2: Trầm cảm sau sinh là do… “làm quá lên” từ phim ảnh và văn hoá đại chúng
Quan điểm thứ hai này là hệ quả mang tính suy luận từ quan điểm đầu tiên rằng bệnh trầm cảm là loại bệnh chỉ có ở thời hiện đại và là biểu hiện của sự yếu đuối, dễ lung lay của con người. Quan điểm này cho rằng trầm cảm sau sinh – cũng tương tự trầm cảm nói chung – là một căn bệnh không có thật, chỉ đơn giản là bất mãn nhỏ nhặt của người phụ nữ bị phóng đại lên dưới ảnh hưởng của phim ảnh và văn hoá đại chúng.
Các nghiên cứu về chứng trầm cảm sau sinh đều đồng ý với quan điểm rằng trầm cảm sau sinh là rối loạn trầm cảm có thể xảy ra sau khi sinh, thường khởi phát ở thời điểm 2 tuần sau khi sinh và có thể kết thúc sau 18 tháng [5]. Các triệu chứng của trầm cảm sau sinh bao gồm cảm giác buồn chán, trống trải, vô vọng và ảm đạm, mất hứng thú với các hoạt động yêu thích, không có năng lượng, phản ứng chậm, rối loạn giấc ngủ… [5]. Đây là một chứng bệnh tâm lý có thể xảy ra với bất kì người phụ nữ nào sau khi sinh con. Theo một nghiên cứu, ở Việt Nam, khả năng sản phụ mắc phải trầm cảm sau sinh chiếm đến 20,4% ở khu vực thành thị và 15,8% ở vùng nông thôn [7]. Có thể thấy, việc giảm nhẹ độ nghiêm trọng hay bác bỏ chứng trầm cảm sau sinh là rất nguy hiểm đối với người mẹ và cả em bé sơ sinh. Nó không chỉ khiến sức khoẻ và năng lực hoạt động của người mẹ bị suy giảm, mà còn gây ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em, nhất là trên phương diện phát triển tâm sinh lý, trí thông minh và thậm chí là quá trình hình thành ngôn ngữ ở trẻ [5], [6].
Trên thực tế, nguy cơ dẫn đến trầm cảm sau sinh thường được phân loại ra hai yếu tố: yếu tố sinh học và yếu tố tâm lý – xã hội [5]. Về yếu tố sinh học, có ba điểm mà các nhà khoa học đã quan sát được: Thứ nhất, yếu tố di truyền đóng vai trò quan trọng trong bệnh trầm cảm ở nữ giới so với nam giới. Thứ hai, rối loạn các chất dẫn truyền thần kinh như Serotonin, Dopamine… có thể gây ảnh hưởng đến khẩu vị, chức năng tình dục và sự nhạy cảm với cảm giác đau. Thứ ba, sự gia tăng quá mức của lượng hoocmon sau khi phụ nữ mới sinh cũng có khả năng dẫn đến trầm cảm.
Mặt khác, trong yếu tố tâm lý – xã hội, những nguyên do dẫn đến trầm cảm sau sinh bao gồm sự đổ vỡ/xung đột trong mối quan hệ xung quanh (đặc biệt là với bạn đời hoặc các thành viên trong gia đình), tâm thế làm mẹ của người phụ nữ (đã sẵn sàng hay chưa, có xung đột gì trong vai trò làm mẹ hay không), sang chấn tâm lý tuổi thơ (gia đình đổ vỡ hoặc có ám ảnh nào đó). Ngoài ra, sự chỉ trích, cô lập, đánh giá tiêu cực hay can thiệp quá mức vào đời sống của phụ nữ sau sinh cũng được xem như là một yếu tố nguy cơ dẫn tới trầm cảm sau sinh [5]. Bên cạnh đó, nhiều nghiên cứu đã cho thấy rằng có mối tương quan giữa các yếu tố như thu nhập thấp, trình trạng việc làm và địa vị của phụ nữ trong xã hội với bệnh trầm cảm sau sinh. Thậm chí, vấn đề giới tính của trẻ mới sinh cũng có thể gây nên ảnh hưởng đáng kể với tâm lý người mẹ, do ở một số nơi thì nam giới “có giá trị” cao hơn nữ, và việc sinh con trai hay con gái có mối quan hệ mật thiết đến lợi ích và giá trị của người mẹ [5].
Như vậy, có thể thấy rằng trầm cảm sau sinh không phải là một hiện tượng được “phóng đại”, mà là một chứng bệnh tâm lý cần được nhìn nhận quan tâm đúng đắn. Nguyên do dẫn đến trầm cảm sau sinh đa chiều và bao gồm nhiều yếu tố sinh lý – xã hội đan xen, chứ không đơn giản là bị ảnh hưởng bởi văn hoá đại chúng hay phim ảnh. Trái ngược lại, nhờ sự tái hiện và phản ánh của một số phim ảnh và văn hoá phẩm truyền thông về những câu chuyện trầm cảm sau sinh của người phụ nữ mà chúng ta có cơ hội nâng cao nhận thức về vấn đề này. Ví dụ: những bộ phim như When The Bough Breaks (2017), Nhà Trên Sườn Đồi (2017) và Postpartum Care Center (2020)… đã khai thác rất tốt hình ảnh và các thử thách của người mẹ mới sinh từ nhiều góc độ, giúp khán giả xem phim có cái nhìn đúng hơn về sự quan trọng của chăm sóc sau sinh trên phương diện tinh thần, chứ không phải cổ suý trầm cảm như quan điểm trên.
III – Tạm kết: Cần có thái độ như thế nào với trầm cảm sau sinh?
Sau khi sinh con, người phụ nữ phải đối mặt với nhiều thay đổi về tâm sinh lý và trong số đó, trầm cảm sau sinh được xem là một biến chứng phổ biến nhất của sinh đẻ [5]. Vậy nên, chúng ta cần phải chủ động quan tâm, chăm sóc để phòng ngừa và điều trị kịp thời. Các biện pháp can thiệp được chứng minh là có hiệu quả bao gồm tâm lý trị liệu, thuốc chống trầm cảm được bác sĩ kê đơn, hỗ trợ xã hội không điều trị và can thiệp giáo dục [5]. Một số nghiên cứu cũng chỉ ra rằng phụ nữ khám sức khỏe sau sinh lần đầu sau một tuần thay vì sáu tuần cũng có thể giúp giảm tỷ lệ trầm cảm sau sinh. Đồng thời, những biện pháp như bổ sung chế độ ăn uống, can thiệp nội tiết cũng được đánh giá là can thiệp dự phòng tiềm năng [5].
Bên cạnh đó, với vai trò là người thân cận với sản phụ, chúng ta cần phải dành sự quan tâm đặc biệt cho người mẹ mới sinh. Cần chú ý chia sẻ, cảm thông, để ý đến dinh dưỡng cũng như tìm kiếm sự can thiệp chuyên môn khi phát hiện có dấu hiệu trầm cảm để giảm thiểu rủi ro và ngăn chặn được hệ quả đáng tiếc.
Quả thực, quá trình mang thai và làm mẹ là một trong những thay đổi lớn nhất trong cuộc đời người phụ nữ, đặc biệt là những người lần đầu làm mẹ. Việc hiểu đúng về những vấn đề và rủi ro trong giai đoạn này rất quan trọng để đảm bảo về sức khoẻ và chất lượng sống của bà mẹ và trẻ em. Thông qua bài viết này, VOGE hi vọng các bạn đọc sẽ có một cái nhìn đúng đắn hơn về trầm cảm sau sinh cũng như sức khỏe sinh sản của phụ nữ nói chung.
Nếu có cảm nghĩ, góp ý hoặc thắc mắc, các bạn độc giả đừng ngại chia sẻ với VOGE nhé!
Nguồn tham khảo:
1) Reynolds EH, Wilson JV. Depression and anxiety in Babylon. J R Soc Med. 2013;106(12):478-481. doi:10.1177/0141076813486262
2) Tipton CM. The history of “Exercise Is Medicine” in ancient civilizations. Adv Physiol Educ. 2014;38(2):109–117. doi:10.1152/advan.00136.2013
3) Mondimore FM. Kraepelin and manic-depressive insanity: An historical perspective. Int Rev Psychiatry. 2005;17(1):49-52. doi:10.1080/09540260500080534
4) De Sousa A. Freudian theory and consciousness: A conceptual analysis. Mens Sana Monogr. 2011;9(1):210-217. doi:10.4103/0973-1229.77437
5) Trịnh Thị Nguyệt, Nguyễn Thị Hồng Nhung (2020). Thực Trạng Phòng Ngừa Trầm Cảm Sau Sinh ở Phụ Nữ trên Địa Bàn Thành Phố Đà Nẵng. Khoa Tâm lý – Giáo dục trường ĐH Sư Phạm, ĐH Đà Nẵng.
6) Slomian, J., Honvo, G., Emonts, P., Reginster, J. Y., & Bruyère, O. (2019). Consequences of maternal postpartum depression: A systematic review of maternal and infant outcomes. Women’s health (London, England), 15, 1745506519844044. https://doi.org/10.1177/1745506519844044
7) Do, T., Nguyen, T., & Pham, T. (2018). Postpartum Depression and Risk Factors among Vietnamese Women. BioMed research international, 2018, 4028913. https://doi.org/10.1155/2018/4028913