Ngày 24/06/2022, Tòa án Tối cao Hoa Kỳ đã chính thức bác bỏ phán quyết năm 1973 – Roe v. Wade, vốn đảm bảo quyền bỏ thai được công nhận và bảo vệ bởi hiến pháp liên bang. Theo sau phán quyết bác bỏ ấy, đã có 9 bang cấm bỏ thai cho phần lớn các trường hợp [1].
Đứng trước sự kiện bác bỏ Roe v. Wade, trong phần 1 của chuỗi bài về quyền tự chủ cơ thể và tính dục này, VOGE xin được nhìn lại quá khứ – những dòng sự kiện, luồng tư tưởng và các nhà hoạt động đã không ngừng đấu tranh, kiến tạo nên quyền tự chủ cơ thể và tính dục nói chung, quyền bỏ thai nói riêng. Qua đó, VOGE mong rằng chúng ta sẽ có nhiều suy ngẫm hơn về quá khứ để cùng nhau xây dựng hiện tại và tương lai công bằng hơn cho tất cả.
Nhiều quan điểm hiện nay thường cho rằng “phụ nữ đã có bình đẳng rồi, không cần làm gì thêm vì bình đẳng giới nữa” hoặc cho rằng có ban hành luật, có bảo vệ quyền trên giấy tờ đã là minh chứng cho sự bình đẳng rồi. Thế nhưng sự kiện lật đổ Roe v. Wade này đã cho thấy thực tế phức tạp và gian truân hơn chúng ta hằng tưởng tượng. Đây có lẽ là một lời nhắc nhở, rằng những thành tựu có được từ mồ hôi nước mắt của phong trào vị nữ trong quá khứ – dù mới chỉ là quá khứ rất gần đây thôi – vẫn luôn có thể bị đe dọa trong hôm nay, tương lai và luật pháp vẫn có thể bị thay đổi theo hướng áp chế sự tự chủ của những nhóm yếu thế trong xã hội.
Đấu tranh vị nữ, vì vậy, không phải là việc làm một lần rồi thôi, hoặc một lần là xong, mà thực tế đã cho thấy, cần rất nhiều nỗ lực chung để cải thiện và duy trì chúng.
— PHẦN 1: CON ĐƯỜNG CHÔNG GAI ĐẾN ROE V. WADE [2] —
Vào thế kỷ 19, vì nhiều lý do phức tạp, nhiều bang và cả chính phủ liên bang (Hoa Kỳ) bắt đầu ban hành luật khiến bỏ thai trở thành một tội danh. Các hành vi và nỗ lực bỏ thai đều có thể bị phạt tiền hoặc cầm tù tại hầu hết các bang. Hành vi trao đổi các loại thuốc bỏ thai hoặc thông tin về bỏ thai qua thư từ cũng có thể bị phạt theo luật của bang và liên bang.
Cũng vào thời điểm đó, có hai luồng tư tưởng mới và mạnh mẽ về cuộc sống gia đình và vai trò của phụ nữ trong xã hội đối đầu với nhau, và luật bỏ thai trở thành chủ đề tranh cãi giữa hai luồng tư tưởng ấy. Một mặt, thế kỷ 19 là thời kỳ của các ý niệm về cá nhân và sự tự do trong cuộc sống gia đình, nhấn mạnh tầm quan trọng của sự riêng tư và thể hiện bản thân. Trong số những ý tưởng về cải cách tự do trong gia đình ấy, có những quan điểm rằng phụ nữ nên kiểm soát việc sinh sản của bản thân. Họ nên có khả năng quyết định liệu có kết hôn hay không, có con hay không, và có nên tiếp tục mang thai hay không. Những nhà nữ quyền tiêu biểu của thế kỷ 19 như Elizabeth Cady Stanton ủng hộ luồng tư tưởng này. Ngược lại, luồng tư tưởng cũ và bảo thủ hơn ủng hộ chủ nghĩa gia trưởng, mà tại đó vai trò của phụ nữ là những người vợ tận tâm và những người mẹ mắn đẻ.
Connecticut là bang đầu tiên hình sự hoá bỏ thai, vào năm 1821, và New York theo sau vào năm 1828. Luật cấm bỏ thai tại New York chỉ có một điều khoản hợp pháp hoá bỏ thai một cách công khai – “ngoại lệ điều trị” (therapeutic exception) để bảo vệ sự sống cho người phụ nữ. Trường hợp ngoại lệ này được thực hành một cách linh hoạt, vì các bác sĩ có thể (và thực sự đã) lập luận rằng sức khỏe tinh thần và sức khoẻ thể chất trong tương lai cũng là những lý do hợp lý cho việc bỏ thai.
BỎ THAI TIẾP TỤC LÀ CHỦ ĐỀ CẤM KỴ VÀO ĐẦU THẾ KỶ 20
Nửa đầu thế kỷ 20, mặc dù tránh thai và bỏ thai vẫn tiếp tục bị lên án, những thế hệ trẻ trong thời gian này bắt đầu suy nghĩ lại về tính dục và việc nuôi con. Để có một cuộc hôn nhân hạnh phúc, nhiều nhà tư tưởng và cây bút tin rằng cả nam và nữ cần tìm được khoái cảm tình dục trong mối quan hệ. Điều này dẫn đến các biện pháp tránh thai được sử dụng thường xuyên hơn.
Mặc dù những thông tin về tránh thai bị cấm phát hành, trên thực tế, rất nhiều cặp đôi thực hiện các biện pháp tránh thai. Các mạng lưới phụ nữ, các thành viên lớn tuổi trong gia đình, những y tá, bác sĩ, dược sĩ, bà đỡ và những cuốn sách nhỏ đều in thông tin về các biện pháp ngừa thai và chuyền tay nhau trong bí mật.
Hầu hết những nhà hoạt động cho việc tránh thai, như Margaret Sanger tại New York – người sáng lập ra tổ chức mà sau này được biết đến là Planned Parenthood Foundation – muốn các phòng khám giúp đỡ người nghèo. Sanger kết nối những chuyên gia y tế đáng tin cậy, và họ đề nghị luật pháp bang lẫn liên bang cần thay đổi. Cuộc chiến để hợp pháp hóa việc tránh thai vẫn tiếp tục, trong khi lần lượt các bang bắt đầu thay đổi luật để cho phép tránh thai và việc bán những thiết bị tránh thai. Vào năm 1965, tòa án liên bang gia nhập cuộc cải cách này, đầu tiên bằng cách cho phép thông tin về tránh thai được lưu chuyển và bác bỏ những điều luật tại những bang cuối cùng vẫn còn cấm thông tin về việc tránh thai.
Tuy vậy, đến cuối những năm 1960, bỏ thai vẫn là một tội danh theo luật của hầu hết các bang. Năm 1962, 42 bang chỉ cho phép bỏ thai trong trường hợp cần thiết để bảo vệ sự sống của người mẹ, mặc dù luật rất hiếm khi định nghĩa rõ ràng như thế nào là bảo vệ sự sống của người mẹ.
Vào năm 1914, Margaret Sanger và các đồng minh của bà mở một phòng khám chuyên về tránh thai tại Brooklyn, New York. Một cuộc càn quét của cảnh sát đã buộc phòng khám đóng cửa, và bà, cùng với em gái Ethel và một người phụ nữ khác, đã bị xét xử vì vi phạm luật khi.ê.u d.â.m của bang. Tại thời điểm đó, hầu hết các nhà hoạt động cho việc tránh thai đều từ chối rằng mình ủng hộ bỏ thai. Họ chủ yếu ủng hộ mở rộng “ngoại lệ điều trị” trong các điều luật bỏ thai.
NỮ QUYỀN & QUYỀN BỎ THAI CUỐI THẾ KỶ 20
Nửa cuối thế kỷ 20, sự trỗi dậy của phong trào “giải phóng phụ nữ” của những năm 1960 và 1970 dẫn đến cách tiếp cận vì sự lựa chọn (pro-choice) trong việc bỏ thai. Những nhóm quyền phụ nữ hướng đến chấm dứt mọi truy tố hình sự với việc bỏ thai, vì họ tin rằng đó là vấn đề riêng tư của phụ nữ.
Trải nghiệm của chính người phụ nữ, cụ thể là trải nghiệm bỏ thai hoặc không, ảnh hưởng trực tiếp lên quan điểm về quyền bỏ thai. Cốt lõi trong luồng tư tưởng của phong trào nữ quyền thời điểm đó là sự lựa chọn và tự chủ cơ thể. Nếu như sự lựa chọn là mô hình cho luật pháp, người phụ nữ nên được lựa chọn có hoặc không có con. Bỏ thai nằm ngay tại trung tâm của góc nhìn mới đó về người phụ nữ và luật pháp, trên cơ sở sự tự chủ tính dục chính đáng của người phụ nữ. Cũng giống như những câu chuyện về trải nghiệm bỏ thai có sức mạnh đoàn kết phụ nữ với nhau, lý luận về quyền tự do bỏ thai có sức mạnh tạo ra nền tảng để suy nghĩ lại về mối quan hệ giữa người nữ với nam, với quyền lực và với chính trải nghiệm của bản thân.
Hành trình vì bình đẳng giới vẫn là những vấn đề quan trọng với các nhóm nữ quyền bấy giờ, nhưng nỗ lực vì tự do tiếp cận bỏ thai an toàn, hợp pháp lại có phần khác với những mục tiêu như bình đẳng mức lương. Bỏ thai là một trải nghiệm mà chỉ có phụ nữ mới có, và cũng như các nhà nữ quyền dẫn đầu lúc bấy giờ giải thích, quyền bỏ thai vì vậy phải được giải thích bằng ngôn ngữ của sự khác biệt chính đáng chứ không phải bằng sự ngang bằng bề mặt.
ROE V. WADE – CHIẾN THẮNG CUỐI CÙNG HAY CHỈ LÀ BẮT ĐẦU?
Trong bối cảnh đó, hai luật sư tại Texas – Sarah Weddington và Linda Coffee – đã tìm các nguyên cáo sẵn sàng thách thức luật bỏ thai tại bang này. Họ tìm được 4 nguyên cáo và tiến hành khởi kiện. Phán quyết của vụ kiện ấy, Roe v. Wade, đã trở thành tâm điểm của cuộc tranh cãi về quyền bỏ thai/việc bỏ thai. Những nhà hoạt động nữ quyền đều ngạc nhiên bởi phạm vi của chiến thắng này, và nhiều bác sĩ cho rằng phán quyết này là bước ngoặt lớn cho thẩm quyền của ngành y tế. Những người theo Công giáo và những phát ngôn viên tôn giáo khác, giống như phần lớn phe bảo thủ, bác bỏ lập luận lẫn kết luận của phán quyết. Tổng thống Richard Nixon cũng lên tiếng phản đối phán quyết, và các chính trị gia với quan điểm chống bỏ thai đã bắt đầu làm việc để bác bỏ Roe.
Hội thảo Quốc gia của các Giám mục Công giáo (NCCB) đã kêu gọi thành lập “tổ chức vì sự sống cấp cơ sở” và bảo lãnh Uỷ ban Quốc gia vì Quyền Sống để điều phối những cuộc biểu tình cấp địa phương lẫn quốc gia chống lại phán quyết Roe. Tham gia cùng với Công giáo trong cuộc chiến chống lại hợp pháp hoá bỏ thai còn có một số lãnh đạo Kháng Cách Tin Lành.
Cùng lúc đó, các bang như Connecticut và Pennsylvania từ chối sử dụng quỹ liên bang Medicaid cho việc bỏ thai ở mọi giai đoạn của thai kỳ, trừ khi một hoặc nhiều bác sĩ xác nhận qua giấy trắng mực đen sự cần thiết của bỏ thai để cứu sự sống hoặc sức khỏe của người mẹ, hoặc bào thai có thể có khuyết tật bẩm sinh, hoặc có thai vì bị hi.ế.p d.â.m, loạn luân. Những bang chống đối bỏ thai cũng tìm cách hạ thấp Roe bằng cách áp đặt những hạn chế về địa điểm và thời gian việc bỏ thai được phép tiến hành, cũng như những điều kiện mà phụ nữ muốn bỏ thai buộc phải đạt được. Từ năm 1974 đến 1986, Toà án đã tiếp nhận nhiều vụ việc từ các bang và địa phương về các hạn chế trên.
LỜI KẾT
Như chúng ta thấy, ngay từ khi phán quyết Roe v. Wade ra đời, đã luôn có những nỗ lực bác bỏ, hạn chế và hạ thấp nó. Đến hôm qua, 24/06/2022, những nỗ lực đó đã thành hiện thực. Qua phần 1 này, VOGE mong các độc giả đã phần nào hiểu hơn hành trình đầy chông gai để đến được Roe v. Wade, cũng như những lý luận cơ bản nhất đã làm nền tảng cho quyền bỏ thai nói riêng, quyền tự chủ cơ thể và tính dục nói chung.
Hơn bao giờ hết, bây giờ chính là lúc chúng ta cần tìm hiểu và học hỏi từ lịch sử – để hiểu sâu sắc hơn những nỗ lực vì một thế giới công bằng, bình đẳng mà người đi trước đã xây dựng và để định hướng cho những hoài bão, hành động của chúng ta trong hiện tại lẫn tương lai. VOGE xin được hẹn các độc giả ở phần tiếp theo của chuỗi bài này, cùng tiếp tục soi chiếu về quyết định bác bỏ Roe v Wade, những tác động của nó lên xã hội và quyền phụ nữ nhé.
NGUỒN THAM KHẢO
[1] Theo New York Times đưa tin: https://www.nytimes.com/…/roe-wade-abortion-supreme-court
Tham khảo bài viết của VOGE về Roe v. Wade và quyền con người: https://www.facebook.com/voge.vn/posts/pfbid0KkheeoLiQ9Bh14cKyFycnDwYvcj9ik9B3sfoNuGDBeKBQCzux2UBVtuCpkfGnazel
[2] Bài viết được chọn lọc, tổng hợp và biên dịch bởi VOGE, dựa trên cuốn sách “The Abortion Rights Controversy in America: A Legal Reader” (biên tập bởi N. E. H. Hull, William James Hoffer và Peter Charles Hoffer, 2004).
Nguồn tham khảo:
– https://www.blackwomenradicals.com/blog-feed/cam-morris
– https://www.refinery29.com/…/abortion-rights-trans…