Đấu tranh cho nữ quyền, ở hình thức đơn giản có thể hiểu là sự tìm lại điểm “cân bằng” cho phụ nữ trên cơ sở bình đẳng giới. Sự kiện đảo được phán quyết Roe v. Wade gần đây là cơ hội cho ta một lần nữa nhìn nhận lại bức tranh tổng thể mang tên Đấu tranh vị nữ này.
Nữ quyền không làm suy giảm hay bác bỏ những “quyền của đàn ông”. Nhưng tại sao là chủ nghĩa nữ quyền chứ không gọi là “chủ nghĩa con người” trong khi những quyền mà các phong trào nữ quyền đấu tranh đều nằm trong phạm trù “nhân quyền”?
Nữ quyền là nhân quyền bởi nó đấu tranh vì những vấn đề mà người phụ nữ chưa được hưởng trải dài từ quá khứ và đến cả hiện tại: quyền bầu cử, quyền giáo dục, quyền tự chủ sinh sản, các quyền về vấn đề giới tính,… Nhưng thực tế vẫn đang minh chứng một điều, rằng phụ nữ vẫn bị từ chối quyền con người của họ chỉ vì giới tính, chủng tộc và địa vị. Bốn làn sóng nữ quyền nổi bật là minh chứng cho sự đấu tranh này.
Làn sóng nữ quyền được đan xen cùng các phong trào về quyền công dân, công bằng xã hội. Tuy khác nhau về đặc điểm và giai đoạn, nhưng các làn sóng này đều mang mục tiêu chung: chấm dứt phân biệt giới tính, đạt được bình đẳng giới hoàn toàn trong pháp luật và thực tế. Các làn sóng đấu tranh nữ quyền không phải là một dòng chảy phát triển tuyến tính mặc dù chúng gần như đi theo một trật tự thời gian nhất định. Chúng là những thay đổi mạnh mẽ, sâu sắc về quan điểm giữa các thế hệ phụ nữ nói riêng và công dân trong xã hội mà thời điểm làn sóng khởi phát.
LÀN SÓNG THỨ NHẤT – “Suffrage Movement” : Quyền bầu cử và giáo dục
Làn sóng nữ quyền đầu tiên diễn ra vào nửa cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 (1848 – 1920). Mục tiêu đặc trưng của làn sóng này là mở ra cơ hội cho phụ nữ bằng cách tập trung vào quyền bầu cử. Các mục tiêu của làn sóng này rất rõ ràng: giành quyền bỏ phiếu, quyền tiếp cận nền giáo dục bình đẳng và giành lại quyền tự chủ thân thể và tài chính từ những người giám hộ nam (cha hoặc chồng) [1].
Trong làn sóng đầu tiên, quyền bình đẳng được hiểu như việc phụ nữ có thể tham gia vào các không gian kinh tế – chính trị. Tuy nhiên, việc đạt được quyền bầu cử và tiếp cận giáo dục một cách hợp pháp không có nghĩa là nữ quyền đã đạt được mục tiêu bình đẳng. Phong trào đấu tranh vị nữ ở thời điểm này do còn non trẻ nên đã không thành công hoàn toàn. Có nhiều phương diện mà chủ nghĩa nữ quyền của thời này còn thiếu sót bao gồm việc loại trừ và phân biệt đối xử với phụ nữ da màu. Trong thực tế, phụ nữ da màu không có quyền bầu cử cho tới năm 1965.
LÀN SÓNG THỨ HAI: “Cấp tiến hóa”
Làn sóng thứ hai bắt đầu vào những năm 1960 và tiếp tục kéo dài đến những năm 90, chủ yếu nổ ra ở Mỹ và các nước thuộc khu vực châu u. Làn sóng này diễn ra trong bối cảnh các phong trào phản đối chiến tranh và dân quyền cũng như ý thức tự giác ngày càng tăng về các nhóm thiểu số khác, bên cạnh các vấn đề về giới tính hay chủng tộc.
Những vấn đề mới mà làn sóng thứ hai quan tâm là bình đẳng thu nhập, quyền tự chủ sinh sản, tính dục nữ giới và bạo lực gia đình. Đặc biệt nổi trội là vấn đề tình dục và quyền tự chủ sinh sản. Các cao trào của làn sóng thứ hai bao gồm việc thông qua Đạo luật Trả lương bình đẳng, bản sửa đổi về Quyền bình đẳng cho Hiến pháp nhằm đảm bảo bình đẳng xã hội không phân biệt giới tính. Ví dụ tiêu biểu là các quyết định mang tính bước ngoặt của Tòa án Tối cao trong vụ Griswold v. Connecticut (1965) và Roe v. Wade (1973) liên quan đến quyền tự do sinh sản [2].
Nhiều thay đổi đã được tạo ra trong làn sóng thứ hai bao gồm: quyền phá thai; giáo dục; các vấn đề về sinh sản, tính dục nữ; các tổ chức và luật pháp để bảo vệ phụ nữ bị bạo hành; các nhóm và tổ chức hỗ trợ phụ nữ (như NOW và AAUW); soạn thảo các văn kiện quốc tế về quyền của phụ nữ, trong đó có Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử đối với phụ nữ (CEDAW, 1979);…
Đến những năm 90, nữ quyền được củng cố như một phong trào xã hội có phạm vi toàn cầu. Trong khi làn sóng nữ quyền đầu tiên thường được thúc đẩy bởi phụ nữ phương Tây da trắng thuộc tầng lớp trung lưu, thì giai đoạn thứ hai thu hút phụ nữ da màu và phụ nữ từ các quốc gia đang phát triển. Họ tìm kiếm nhiều hơn sự đoàn kết, với tuyên bố “Cuộc đấu tranh của phụ nữ là đấu tranh giai cấp.”
LÀN SÓNG THỨ BA: “Intersectionality” (*) – Tính giao thoa
Làn sóng thứ ba của chủ nghĩa nữ quyền xuất hiện từ giữa những năm 1990. Trong giai đoạn này, nhiều cấu trúc đã bị mất ổn định, bao gồm các quan niệm về “phụ nữ phổ quát” (**), cơ thể, giới tính, tình dục và thuyết dị tính.
Giới và tình dục trở thành chủ đề của cả nữ quyền và phong trào LGBT. Các vấn đề chính mà các nhà nữ quyền làn sóng thứ ba quan tâm gồm: quấy rối tình dục, bạo lực gia đình, chênh lệch lương giữa nam và nữ, rối loạn ăn uống và hình ảnh cơ thể, quyền sinh sản và tình dục, tử hình danh dự (***) và cắt bộ phận sinh dục nữ (****), sự phát triển tính xen kẽ cũng bắt đầu hình thành [3].
Trong giai đoạn này, nữ quyền mở rộng địa hạt để tìm kiếm công bằng và bình đẳng xã hội: giới tính, chủng tộc, tầng lớp kinh tế, tình dục và giới tính. Sự đa dạng này làm cho tính giao thoa trở nên cần thiết. Điều này dẫn đến việc nhắm mục tiêu vào nhiều lĩnh vực bất bình đẳng hơn nhưng đồng thời tạo ra những bất đồng sâu sắc về nhận thức ý niệm nữ quyền.
LÀN SÓNG THỨ TƯ
Chủ nghĩa nữ quyền của làn sóng thứ tư mới xuất hiện trong khoảng một thập kỷ qua, do đó rất khó để xác định bản chất của nó. Do sự phát triển công nghệ thông tin và mạng xã hội, có thể xác định làn sóng thứ tư được coi là đặc trưng của các chiến dịch lan truyền trên không gian mạng, ví dụ như các cuộc biểu tình và các phong trào như #MeToo. Giai đoạn này bao gồm sự tiếp diễn những chủ đề vẫn chưa được giải quyết triệt để của làn sóng thứ ba: LGBTQ+, các chuẩn mực về giới tính; và mở rộng thêm những vấn đề như quấy rối tình dục, miệt thị ngoại hình, h.iếp d.âm,…
ĐẤU TRANH VỊ NỮ – DÒNG CHẢY SONG SONG VỚI PHÁT TRIỂN XÃ HỘI
Chủ nghĩa nữ quyền thường được coi là ‘làn sóng’. Phép ẩn dụ này mô tả sự gia tăng hoạt động khi bắt đầu một giai đoạn, sau đó đạt đến đỉnh điểm, thường dưới dạng một thành tựu cụ thể của sự đấu tranh. ‘Sóng’ giảm và mất hiệu lực cho đến khi một ‘sóng’ khác hình thành.
Sự phân loại này nhằm phân biệt giữa các giai đoạn với mục đích và đặc điểm khác nhau, tạo ra một dòng thời gian rộng rãi về sự tiến triển của nữ quyền. Các “đợt sóng nữ quyền” tiếp biến, giao thoa như cách mà xã hội phát triển – các vấn đề không còn độc lập, chúng “xô” vào nhau. Chủ nghĩa nữ quyền với tư cách là một phong trào xã hội đã tồn tại đủ lâu và hòa nhập vào sợi dây xã hội, vì vậy nó không biến mất. Việc các phong trào nữ quyền có sức ảnh hưởng tới những phạm trù khác ngoài vấn đề đấu tranh do phân biệt giới tính từ những ngày đầu cho thấy rằng nó sẽ còn tiếp biến và trở nên cần thiết hơn trong tương lai.
Phong trào phụ nữ có tổ chức chỉ thực sự bắt đầu vào thế kỷ 19, mặc dù việc lên tiếng vì phụ nữ và đấu tranh cho bình đẳng luôn là một phần của tất cả xã hội loài người. Phụ nữ đã đấu tranh cho quyền bình đẳng và chống lại áp bức trong nhiều thế kỷ, và mặc dù một số cuộc chiến đã phần nào thắng lợi – chẳng hạn như quyền bầu cử và quyền tiếp cận giáo dục bình đẳng – phụ nữ vẫn chịu sự bất bình đẳng bởi hình thức bạo lực và phân biệt đối xử trong rất nhiều khía cạnh của cuộc sống. Thậm chí, không có gì đảm bảo rằng những thành tựu từ các làn sóng trước sẽ tồn tại vững bền, và sự lật lại luật Roe v. Wade tại Mỹ là một ví dụ. Luật bỏ thai vốn là một phần trong chiến dịch đấu tranh quyền tự chủ cơ thể và sinh sản, khi luật này bị rút lại, đồng nghĩa với việc phụ nữ đã mất những quyền trên. Do đó, mặc dù nhiều niềm tin cho rằng nữ quyền đã đạt được, nam nữ đã bình đẳng, nhưng sự thật cho thấy rằng đấu tranh vị nữ vẫn vô cùng cần thiết.
Chừng nào nam giới, nữ giới và tất cả giới khác còn chưa có được vị thế bình đẳng và sống trong một xã hội công bằng, thì các phong trào đấu tranh vị nữ vẫn cần và sẽ còn tồn tại. Dòng chảy đấu tranh và lên tiếng đó đã, đang và sẽ tiếp biến liên tục cùng với dòng chảy của xã hội. Chúng ta cần đấu tranh cho hiện tại và cả tương lai, như cách những người đi trước đã đấu tranh cho một bối cảnh ta được hưởng, được sống trong hiện tại.
Tài liệu tham khảo về cách chia mốc thời gian của các làn sóng:
Sách: Feminism: A Very Short Introduction (Margaret Walters)
[1]:https://thehumanist.com/…/a-brief-look-at-the-four…/