Nếu như cách đây chỉ 5 – 7 năm, giới tính và tính dục vẫn còn là một vấn đề nhạy cảm trên các diễn đàn truyền thông thì hiện nay, nó đã được truyền bá rộng hơn. Các tổ chức hướng tới thế hệ trẻ thường xuyên cập nhật những thông tin mới, mang tính giáo dục không chỉ những kiến thức về giới tính, tính dục mà còn là những vấn đề xã hội xoay quanh: bất bình đẳng giới, nữ quyền,… (tranh luận về bỏ thai, chiến dịch “Tôi đồng ý”,…)
Một trong những nguyên nhân đằng sau sự thành công của các tổ chức hướng tới nhóm người trẻ (thế hệ gen Z, 10x) chính là sự năng động, mới mẻ và linh hoạt trong cách tiếp cận. Thay vì cung cấp thông tin theo kiểu giáo điều “từ trên xuống”, các dự án đã chọn cách là những người bạn ngang hàng gần gũi. Dự án sử dụng những hình ảnh đầy màu sắc được thiết kế bởi chính các bạn học sinh, theo phong cách tinh nghịch, đáng yêu, gần gũi; lấy cảm hứng từ các chủ đề thân quen như hoạt hình, truyện tranh,…; các bài viết với ngôn từ sáng tạo, đậm chất giới trẻ – những cụm từ độc lạ chỉ xuất hiện ở thế hệ gen Z,… Đó đều là những gia vị khiến cho câu chuyện về giới tính, tính dục – một món ăn tưởng chừng như khô khan, lại trở nên hấp dẫn và thu hút người đọc.
Cách tiếp cận có thể mới mẻ, nhưng cần cân nhắc khi áp dụng nó vào vấn đề giới tính, tính dục. Giống như một con dao hai lưỡi, sự phá cách đôi khi có thể biến thành sự thô thiển chỉ trong chốc lát: bài viết lạm ngôn, sử dụng từ ngữ phản cảm như “cung khủ” hay “tó vu” (từ chỉ bộ phận trên cơ thể nữ và bộ phận sinh dục nam), miêu tả bộ phận sinh dục nữ gợi dục quá mức như “bầu ngực nõn nà” hay “hai cục thịt căng căng sậm màu”.
Một bài viết của dự án nọ thậm chí đã động chạm đến vấn đề phân biệt giới tính bằng cách đánh tráo khái niệm hành vi quấy rối tình dục với sự “kém duyên” trong bài viết của mình (tất cả sẽ được đề cập trong bài viết dưới đây). Nhìn chung, những bài viết như vậy thường được đăng tải bởi các tổ chức thiếu kinh nghiệm và hiểu biết; các dự án không có cố vấn chuyên môn để xây dựng, góp ý vào bài viết mà là các bạn học sinh tự tìm hiểu kiến thức, thông tin trên trạng mạng xã hội, Internet,…
Không phải ai tiếp cận với chủ đề trên cũng có cái nhìn đa chiều, trong khi những mâu thuẫn xoay quanh chủ đề giới tính, tính dục vẫn phát triển không ngừng mỗi ngày và luôn cần đến sự cập nhật từ các tổ chức uy tín. Vậy suy cho cùng, đâu mới là hướng đi dành cho vấn đề truyền thông giáo dục giới tính – tính dục? Cùng tìm hiểu và thảo luận nha!
[RANH GIỚI GIỮA THÔ THIỂN VÀ GẦN GŨI]

Đây đều là những cụm từ được cho là tạo sự gần gũi, liên hệ được với đối tượng trẻ (vị thành niên, từ 10 – 13 tuổi) – bộ phận còn đang trong giai đoạn hình thành nhận thức, tiếp thu kiến thức, xây dựng nhân sinh quan về thế giới xung quanh. Thật khó có thể làm ngơ trước sự phản cảm, ngôn từ thô và tục trong những bài viết như vậy. Thế nhưng, một dự án khi được hỏi và chỉ ra những vấn đề trong cách hành văn, ngôn ngữ không phù hợp của các bài viết, đã có cách tiếp nhận ý kiến bảo thủ, cho rằng đây là một “hướng đi mới”, sân chơi không dành cho những ai dám thử sức.
Các góp ý xây dựng qua email hầu như không được tiếp thu mà được phản hồi bằng những ngụy biện rằng dự án không mang tính truyền thống, muốn khai thác giới tính – tính dục một cách gần gũi, thân thiện với giới trẻ hơn thông qua phong cách sáng tạo, cập nhật xu hướng thời đại,… Họ có thể chưa tiếp xúc được với nguồn thông tin tin cậy, chính thống trước khi đưa ra phát ngôn trên mạng xã hội. Có lẽ, chính bản thân họ không nhận thức được sai lầm của mình nên cũng không có động lực và ý thức thay đổi.
[NHẬN THỨC SAI LỆCH #1: ĐÁNH TRÁO KHÁI NIỆM QUẤY RỐI TÌNH DỤC VỚI SỰ “KÉM DUYÊN”]

Dự án đã đăng tải bài viết về tuổi dậy thì của giới nữ với nội dung trích dẫn một trò đùa tình dục hướng tới đối tượng là các bạn nữ ở tuổi dậy thì với những thay đổi ngoại hình: “Eo ơi con kia tó vu thế? Chắc nó abcxyz với mấy thằng rồi đấy!!”
Điều đáng lo ngại chính là một hành vi quấy rối tình dục nghiêm trọng, thường được truyền tai nhau bởi những kẻ phân biệt giới tính, tình dục hóa phụ nữ lại “được” hiểu như “những câu nói chẳng mấy duyên dáng” hay “kém ziên” bởi chính dự án làm về giáo dục giới tính. Tuy dự án cho rằng đây là một cách tạo sự đồng cảm với những nạn nhân của trò đùa này, nhưng chính sự đánh tráo khái niệm như vậy đã vô tình góp phần cổ xúy hành vi phân biệt giới tính. Bản thân người viết có lẽ đã không ý thức được sai lầm của mình, họ đã không thể hiện rõ ràng thái độ phản đối, đồng thời biến câu đùa tình dục trở nên vô hại trong mắt độc giả, gây tổn thương gián tiếp đến những đối tượng đã và đang là nạn nhân của tình trạng này.
[NHẬN THỨC SAI LỆCH #2: GIÁN TIẾP ĐỔ LỖI CHO NẠN NHÂN]

Đối với một bài viết giáo dục giới tính như vậy, điều quan trọng cần nhấn mạnh rằng vấn đề không nằm ở việc bạn nữ “đi đến lớp với vòng một đã bắt đầu “phổng phao” hơn mà không có vật che chắn bảo vệ”. Mỗi con người đều có quyền tự chủ và quyền quyết định cách thể hiện bản thân với xã hội. Vấn đề xảy ra khi “những đứa bạn không có mấy duyên” – kẻ thiếu hiểu biết và tôn trọng cơ bản dành cho người khác – đã biến bạn gái trở thành tâm điểm thu hút vô vàn lời đàm tiếu xung quanh.
Việc chỉ rõ và phân tích 2 điều này rất quan trọng, bởi quan niệm cổ hủ trên (cho rằng nạn nhân của hành vi quấy rối tình dục/tấn công tình dục,… là do cách ăn mặc của họ) cần được thay đổi trong tư duy của cả cộng đồng. Theo cách nói khác – cần ngưng đổ lỗi cho nạn nhân. Tuy nhiên, một lần nữa, ta không thấy được thái độ đúng đắn của người viết trong bài truyền thông này. Bản thân người viết có thể không phải là một người phân biệt giới tính hay thiếu hiểu biết hoàn toàn về vấn đề giới tính, tính dục. Thế nhưng, nguy hiểm nằm ở chỗ, sâu trong tiềm thức của những người đang đóng vai trò là người giáo dục lại là những quan niệm cổ hủ, tư duy sai lệch bị ảnh hưởng bởi định kiến xã hội.
[TẠM KẾT]

Vì sao “giải thiêng” cho vấn đề tình dục là cần thiết? Bên cạnh việc giới trẻ hiện nay có xu hướng quan hệ tình dục ở độ tuổi ngày càng nhỏ, một xã hội có cái nhìn toàn diện, hiểu biết sâu sắc, đa dạng về tính dục, giới tính và những vấn đề xoay quanh cũng là điều ta cần hướng đến. “Giải thiêng” còn có nghĩa là bác bỏ xu hướng kỳ lạ hóa vấn đề giới tính, tính dục bằng việc thay thế những cụm từ về quan hệ tình dục hay bộ phận cơ thể con người bằng tiếng lóng, thường được thấy ở những diễn đàn truyền thông cho giới trẻ.
“Sáng tạo trong khuôn khổ” không có nghĩa là truyền tải thông tin rập khuôn, bởi một bài viết thành công là một bài viết có ảnh hưởng tốt đến cộng đồng, thu hút sự chú ý, quan tâm của nhiều đối tượng khác nhau. Đặc biệt khi chủ đề mang tính nhạy cảm như giáo dục giới tính. Bài viết vẫn cần đảm bảo tính chính xác về mặt nội dung, cách truyền tải thông tin khoa học, cập nhật đời sống. Không nên lạm dụng xu hướng nổi bật một cách vô tội vạ, dễ dàng khiến bài viết trở thành nội dung “rác”. Những câu chữ, ngôn từ khi được nói hay viết ra, đều mang trong nó sức nặng nhất định. Bản thân tư duy của những dự án, tổ chức về giáo dục giới tính – tính dục cần được điều chỉnh, bồi đắp thêm tri thức trước khi thực hiện sứ mệnh truyền tải tri thức đến đối tượng trẻ, để tránh được những sai lầm đáng tiếc như trên.
[#VOGEReader] Viết bởi độc giả Khánh Hạ.