NAM TÍNH MỀM ĐÃ ẢNH HƯỞNG THẾ NÀO ĐẾN VĂN HÓA KPOP?

Ý niệm về tính nam luôn được xây dựng trong sự tương quan với xã hội, văn hóa, lịch sử hơn là được xác định về mặt sinh học. Thuật ngữ “nam tính” được dùng để đề cập đến các vai trò, hành vi và thuộc tính được xem là phù hợp với những người mang giới tính sinh học nam. Trong đa số các nền văn hóa nói chung, ta thường bắt gặp một số khuôn mẫu được coi là nam tính: tóc ngắn, giọng trầm, đi đứng mạnh mẽ, mặc đồ tối màu, thân hình lực lưỡng,.. Nếu tìm kiếm từ khóa “Người đàn ông nam tính” trong google hình ảnh, bạn sẽ thấy những ví dụ rất giống với khuôn mẫu trên [1]. Vậy sẽ ra sao nếu quy chuẩn tính nam truyền thống không còn chiếm thế độc tôn, khi những xu hướng về sự nam tính cũng như cách thể hiện giới (gender expression) khác dần lên ngôi?

Ở bài viết “Kpop: Cảm hứng tích cực về thể hiện giới hay chiến thuật Marketing?”(*), VOGE đã tìm hiểu về những thể hiện giới trong văn hóa Kpop. Bài viết hôm nay sẽ cung cấp cho bạn đọc một mảng màu khác của bức tranh lớn Kpop đó: xu hướng nam tính mềm (soft masculinity).

NAM TÍNH MỀM LÀ GÌ?

Nam tính mềm (soft masculinity) được hiểu là thuật ngữ chỉ mẫu hình đàn ông với vẻ đẹp đặc trưng thường được xem là “nữ tính”, “mềm mại”: làn da mịn màng, mái tóc xoăn, óng mượt, quần áo là lụa, môi hồng, mắt to, yêu thích thời trang, mỹ phẩm, biết bộc lộ cảm xúc yếu đuối,… – những phạm trù vốn mặc định cho phụ nữ. Nhà nghiên cứu người Hàn Quốc Sun Jung nhận định: “Tôi nghĩ hiện tượng nam tính mềm nên được lý giải thông qua ý niệm về nam tính lai hoặc nam tính đa năng: vừa mềm mại lại vừa nam tính, khác với việc phụ nữ hóa đàn ông” [2]. Các yếu tố của nam tính truyền thống vẫn còn hiện hữu, có thể trong khuôn hàm sắc nét, cơ thể rắn chắc, thái độ, hành vi, trong mối quan hệ với các giới khác… nhưng vẻ ngoài của họ được tô điểm bằng mái tóc gợn sóng, nhiều màu sắc hơn cùng gương mặt được trang điểm.

NAM TÍNH MỀM ẢNH HƯỞNG TỪ ĐÂU?

Theo học giả Sun Jung [2], khía cạnh mới của việc định nghĩa “nam tính” này có thể bắt nguồn từ giới tinh hoa văn hóa và quân sự, gọi là Hwarang, những người sống trên bán đảo Triều Tiên từ năm 57 TCN đến năm 935. Nhóm người này được biết đến là những người ưa trang điểm, đeo phụ kiện và được đào tạo về nghệ thuật, văn hóa, lịch sử. Bên cạnh đó, một lời giải thích khác đó là cuối những năm 90 của thế kỷ XX, chính phủ Hàn nới lỏng các hạn chế nhập khẩu hàng hóa Nhật Bản, bao gồm cả manga, anime, shojo – những thể loại truyện tranh đặc trưng về hình tượng nam tính bishounen – mỹ thiếu niên. Sự lai tạo giữa nam tính truyền thống, hình tượng “mỹ nam đẹp như hoa” – Hwarang, và bishounen của Nhật Bản [3] đã tạo nên một xu hướng mới, ảnh hưởng đến phong cách thẩm mỹ của các nghệ sĩ Hàn Quốc.

GEN 1 – ẢNH HƯỞNG CỦA NAM TÍNH TRUYỀN THỐNG

Sự du nhập Nho giáo vào xã hội Hàn Quốc những năm 108 TCN đến năm 313 đã phần nào định hình khuôn mẫu nam giới ở đất nước này [4]. Cho đến ngày nay, nền móng của tân Nho giáo là sự phân tách giới tính theo không gian và phân công lao động, trong đó nam giới được trao cho địa vị của những người thừa kế tài sản, tham gia hoạt động chính trị, những công việc ngoài-gia-đình [5]. Bên cạnh đó, di sản từ chiến tranh, các quá trình quân sự hóa, văn hóa quân phiệt cũng góp phần định vị tính nam trong xã hội một cách đầy cứng nhắc và cực đoan. Người đàn ông trong một thời gian dài được gói vào khuôn mẫu nam tính: cứng rắn, mạnh mẽ; lý tính, không được phép ủy mị, nhẹ nhàng,…

Giai đoạn đầu của làn sóng Hallyu cũng chịu phần lớn ảnh hưởng từ hình mẫu “siêu nam tính” (hyper-masculinity) lúc bấy giờ. Sự tiên phong của nhóm nhạc H.O.T, Seo Taiji & Boys vào thập kỷ 90 của thế kỷ XX đã tạo nên một bước chuyển mình cho âm nhạc Hàn Quốc, đánh dấu mốc cho một nền công nghiệp mới ra đời. Những chiếc áo thun oversized, quần jeans rộng thùng thình, nón kết đội ngược, mái tóc bổ luống vuốt thẳng đứng,… có thể dễ dàng bắt gặp trong hầu hết trong phong cách của H.O.T, Shinhwa hay Deux. Xu hướng thẩm mỹ âm nhạc thống trị giai đoạn này chủ yếu xoay quanh thể loại rock, hip-hop.

GEN 2 – KHI NAM TÍNH MỀM LÊN NGÔI

Thế hệ tiếp nối Gen 1 bắt đầu vào năm 2003, qua sự ra mắt của nhóm nhạc nam TVXQ. Ngoài TVXQ, Bigbang, Super Junior, SHINee, 2PM, 2AM, … là những gương mặt tiêu biểu trong giai đoạn này. Làn sóng Hallyu bùng nổ và tầm ảnh hưởng của các nghệ sĩ Hàn Quốc không còn chỉ dừng lại trong khu vực nội địa. Ngành công nghiệp Kpop dần có được sức ảnh hưởng lớn, nghệ sĩ có cơ hội và được yêu cầu thử nghiệm nhiều phong cách hơn. Chính vì thế, tính đa màu trong âm nhạc cũng như phong cách biểu diễn đã được kéo dãn. Những cơ hội từ sự phát triển kỹ thuật – công nghệ và toàn cầu hóa, cùng với yêu cầu của thị trường và công ty chủ quản, đã tạo cơ hội cho sự phổ biến của một hình mẫu nam tính mới: nam tính mềm (soft masculinity) hoặc nam tính hỗn hợp (hybrid masculinity). Bên cạnh những phong cách mạnh mẽ, nam tính góc cạnh như T.O.P (Bigbang) hay Siwon (Super Junior), hình ảnh mỹ nam ngọt ngào, phi giới tính nổi lên một cách mạnh mẽ. Tiêu biểu cho hình tượng phi giới tính chính là G-Dragon (Bigbang). Trưởng nhóm Bigbang thường xuyên được bắt gặp với những phục trang cho nữ giới như chân váy, áo vải tweed, họa tiết da báo hay áo vest kim tuyến đã trở thành đặc trưng của anh trong những buổi biểu diễn. Mũ lông, phụ kiện nhiều màu sắc, …. là những món đồ mà G-Dragon thường xuyên sử dụng.

Heechul (Super Junior) từ những ngày đầu ra mắt đã được định hình phong cách phi giới tính cùng mái tóc dài quyến rũ, làn da trắng hồng, đường nét khuôn mặt mềm mại. Từ tóc xoăn dài lãng tử, búi củ tỏi, buộc đuôi ngựa,… đều được ca sĩ thử nghiệm. Jaejoong (JYJ), Junsu (JYJ), Minho (SHINee), Ryeowook (SJ), hay “tắc kè hoa” như G-Dragon (Bigbang), Heechul (SJ) đều làm rõ nét xu hướng nam tính mềm trong văn hóa Hallyu. Không khó để nhìn thấy những sản phẩm âm nhạc của các nam thần tượng với một làn da không tì vết, những bộ tóc đầy màu sắc, hay lớp trang điểm kỹ càng. Sự nổi lên của dòng nhạc Ballads, những bản tình ca trở nên phổ biến hơn, được thể hiện bởi cả nghệ sĩ nam và nữ.

Trước sự phổ biến của nam tính mềm, nhiều người tỏ thái độ tiêu cực và chống đối xu hướng này. Một trong những hình thức chống đối cực đoan nhất đó là bám víu và củng cố “siêu nam tính”, dưới danh nghĩa “truyền thống” hay “quy luật tự nhiên”. Cân nhắc ví dụ về thiếu niên ở Trung Quốc phải luyện tập một cách cực đoan để trở nên rắn rỏi, xuất phát từ mối lo sẽ bị “yếu mềm” như nghệ sĩ Hàn Quốc. Một bộ phận phụ huynh tại Trung Quốc cũng đã lên án gay gắt việc đài truyền hình nước này phổ biến hình ảnh các nam tài tử trang điểm bóng bẩy, đeo khuyên tai. “Nếu cứ quảng bá cho các nhân vật ẻo lả này, sẽ làm thảm họa cho đất nước”, “Đàn ông đang trở nên ‘quá mềm yếu’ và về cơ bản, điều đó không coi trong đặc quyền khẳng định bản lĩnh đàn ông” [6]. Đối với những người mang tư tưởng nam tính cực đoan, đây có lẽ là cuộc khủng hoảng khi họ phải đối mặt với việc thay đổi nguyên mẫu nam tính truyền thống.

GEN 3, 4: KHI NAM TÍNH TRUYỀN THỐNG KHÔNG LÀ CÁCH DUY NHẤT THỂ HIỆN TÍNH NAM

Trải qua quãng thời gian dài, sự kỳ vọng về chuẩn mực nam tính với nam giới nói chung và những nam thần tượng tại Hàn Quốc nói riêng đã dần thay đổi và được chấp nhận. Hình mẫu nam nghệ sĩ Kpop các thế hệ sau lại một lần nữa cho thấy được tính đa dạng và nguyên bản. Thế hệ tiếp theo của làn sóng Hallyu được châm ngòi qua màn ra mắt của nhóm nhạc EXO vào năm 2012.

Thước đo của vẻ đẹp ở thế hệ thứ 3 trở đi có thể được xem là sự đa dạng hóa tính nam. Jimin – thành viên nhóm nhạc BTS thường xuyên mặc quần áo thiết kế dành cho phái nữ, thực hiện những động tác vũ đạo mạnh mẽ cùng thân hình rắn rỏi [7]. Hay TXT, nhóm nhạc Gen 4 là tiêu biểu của việc hình tượng nam tính không chỉ đóng khung trong một hình thái nhất định. Ra mắt vào năm 2019, định hướng âm nhạc của TXT đầy tươi trẻ, năng động cùng hình tượng mỹ nam thuần khiết, trong trẻo. Nhưng trong giai đoạn 2020, nhóm nhạc trẻ đã chuyển hướng sang phong cách mạnh mẽ, trưởng thành hơn. Xuất hiện với ngoại hình chỉnh chu, tạo hình tỉ mỉ cùng những bộ cánh phi giới tính giờ đây được công chúng coi là chuyên nghiệp và là một dấu hiệu của sự tôn trọng khán giả.

Nam tính mềm, hay tính đa dạng hơn trong việc bộc lộ bản thân, cũng đã ảnh hưởng đến tính đa dạng trong âm nhạc của các thế hệ này. Sự kết hợp của nhiều phong cách âm nhạc khác nhau (pop, rock, ballad, jazz,…) cũng được thấy nhiều hơn ở các nhóm nhạc Gen 3,4. Chẳng hạn như BTS, nhóm nhạc luôn mang đến những yếu tố mới lạ cho các sản phẩm âm nhạc. Bắt đầu với album 2 Cool 4 Skool và mini album O!RUL8,2? (2013) đậm chất hip hop cổ điển, BTS lần đầu tiên thử nghiệm dòng nhạc R&B và rock trong mini album Skool Luv Affair và album phòng thu Dark & Wild (2014); pop latin, jazz hip hop trong chuỗi album Love Yourself (2017–2018); dance-pop và disco trong đĩa đơn “Dynamite”, “Butter”, “Permission to Dance” (2020–2021) [8].

Sau nhiều năm tranh luận về hình ảnh nam idol cần phải thể hiện sự mạnh mẽ hay cứng rắn rập khuôn, những fan hâm mộ Hàn Quốc và thế giới đã dần thay đổi cái nhìn về khuôn mẫu nam tính áp đặt lên nghệ sĩ. Thay vào đó, họ cho thấy sự tôn trọng nghề nghiệp và ủng hộ nhiệt huyết của người nghệ sĩ qua những sản phẩm nghệ thuật.

TẠM KẾT: NAM TÍNH MỀM KHÔNG LÀM BIẾN CHẤT TÍNH NAM TRUYỀN THỐNG

Sự phổ biến của văn hóa Hallyu hay nam tính mềm không phải là một mối nguy cho “nam tính” hay “nam giới” như nhiều người nhận định. Nam tính mềm cho phép những người đàn ông được bộc lộ bản thân theo cách mà trước đây từng bị xem là điều cấm kỵ và tiêu cực một cách vô lý, không có cơ sở.

Không loại trừ những trường hợp sử dụng nam tính mềm cho mục đích trục lợi giải trí, đặc biệt trong ngành công nghiệp giải trí ở Hàn Quốc: chẳng hạn, những hành động thân mật giữa các nam thần tượng đã trở thành một điều phổ biến, phục vụ cho văn hóa thần tượng; hoặc sử dụng nam tính mềm như công cụ kích cầu, thúc đẩy tiêu dùng hàng mỹ phẩm nhiều hơn. Điều đó cho thấy rằng, tuy sự phổ biến của nam tính mềm và đa dạng thể hiện giới hiện tại trong Kpop có một số tích cực, nhưng chúng ta vẫn còn một con đường dài để đạt đến đa dạng giới và thể hiện giới trên cơ sở bao hàm và bình đẳng thực chất.

REFERENCES

[1] Bài viết Định kiến về biểu hiện giới đối với nam: https://www.facebook.com/voge.vn/posts/3284203171868954

[2] Dr. Sun Jung (2011). Korean Masculinities and Transcultural Consumption: Yonsama, Rain, Oldboy, K-Pop Idols.

[3]https://theconversation.com/un-designing-masculinities-k…

[4] Tham khảo tại: Yang, K. P., Henderson, G. (1958). An Outline History of Korean Confucianism Part I: The Early Period and Yi Factionalism.

[5] Deuchler, M. (1992). The Confucian Transformation of Korea: A Study of Society and Ideology, Harvard-Yenching Institute Monograph Series.

[6]https://zingnews.vn/so-anh-huong-yeu-mem-cua-k-pop-tre-tq…

[7]https://www.koreaboo.com/…/bts-wears-dresses-skirts…/

[8] Tham khảo tại: https://vi.wikipedia.org/wiki/BTS

Các bài viết tham khảo:

(*): https://www.facebook.com/voge.vn/posts/3425522647737005

https://arcanelost.com/soft-masculinity/

https://www.woroni.com.au/…/the-blooming-of-soft…/

https://www.refinery29.com/…/kpop-male-singers-masculinity

https://yiersansiwuliuqibajiushitake.weebly.com/k-pop…

Việc phân chia các thế hệ tại thị trường âm nhạc Kpop chỉ mang tính tương đối, vì nó phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác ngoài mặt thời gian. Trong bài viết, VOGE dựa vào các điểm chung về genre âm nhạc, phong cách thể hiện cũng như thời gian ra mắt của các nghệ sĩ/ nhóm nhạc để cho thấy rằng nam tính mềm đã thay đổi văn hóa thần tượng Kpop như thế nào đó!