BIỂU TÌNH IRAN: TỪ CHIẾC KHĂN CHE ĐẦU ĐẾN NHÂN QUYỀN VÀ QUYỀN PHỤ NỮ

Cuối năm 2022, nếu bạn tìm kiếm dưới từ khoá “Iran Protest” trên mạng xã hội Twitter, bạn sẽ thấy đến hàng chục nghìn tweet (bài đăng) kèm theo hình ảnh những phụ nữ trẻ thả tung mái tóc dài với một chiếc khăn che đầu siết chặt trong tay. Hoặc táo bạo hơn, có những cô gái còn cạo trọc đầu, cầm trên tay nắm tóc đã được cắt xuống của mình, rồi nhìn thẳng vào máy ảnh với sự bất khuất trong ánh mắt. Cũng trong tìm kiếm từ khoá này, bạn sẽ thấy được những video với hàng nghìn người cùng diễu hành trên đường phố thủ đô Iran, giơ cao nắm tay trong khi không ngừng hô to: “Zan, Zendegi, Azadi” (زن زندگی آزادی), có nghĩa là “Phụ Nữ, Sự Sống, Tự Do!” [1],[2].

Tất cả những hình ảnh và những đoạn video ấy đến từ phong trào chống chính quyền Cộng Hòa Iran đang diễn ra, và được dẫn dắt phần lớn bởi phụ nữ trẻ ở quốc gia này.

Cuộc biểu tình diễn ra từ giữa tháng chín năm 2022, và được xem là một trong những phong trào biểu tình lớn nhất trong nhiều năm trở lại đây – theo The Reuters [3]. Hiện nay, cuộc biểu tình đã diễn ra đến tuần thứ sáu và chưa hề có dấu hiệu sẽ giảm đi. Truyền thông cả trong và ngoài Iran đã đưa tin về những nỗ lực đàn áp cuộc biểu tình này từ cảnh sát và chính quyền Iran [3],[4]. Nhiều thanh niên, cả nam lẫn nữ đã bị bắt, bị hành hung và g.iế.t trong khi đang cố gắng bày tỏ sự phản đối [18].

Điều gì đang xảy ra tại Iran? Và nó có liên quan thế nào đến nữ quyền và bình đẳng giới? VOGE xin mời các bạn bấm vào từng ảnh trong bài để đọc thêm nhé. Chúng mình sẽ cùng bóc tách từng khía cạnh qua mỗi hình nha: (1) diễn biến chính, (2) ý nghĩa biểu tình, (3) điều cần chú ý.

PHẦN I: BIỂU TÌNH IRAN – DIỄN BIẾN CHÍNH

✊ Ngày 13/9/2022 

Mahsa Amini, còn được biết với tên gọi Zhina (hoặc Jina), là một cô gái trẻ 22 tuổi quốc tịch Iran. Ngày 13 tháng 9 năm 2022, cô bị cảnh sát bắt giữ tại Tehran, thủ đô Iran, khi cô đang trong kì nghỉ cùng gia đình với lý do: “trang phục không phù hợp” [3]. Cụ thể, cảnh sát cho rằng khăn trùm đầu (hijab) của Mahsa đã không che hết tóc của cô, và cô bị khép vào tội “không mặc hijab đúng cách” (gốc: “improper hijab”) [4].

✊  Ngày 16/9/2022

Mahsa Amini qua đời sau khi được đưa đến bệnh viện trong tình trạng hôn mê. Theo lời cảnh sát, Mahsa đột nhiên lên cơn đau tim trong lúc đang được “giáo dục” về quy chuẩn ăn mặc [3]. Tuy nhiên, một số bằng chứng bao gồm ảnh scan kết quả khám chữa đã cho thấy nguyên nhân tử vong của Mahsa là một cú đánh vào đầu dẫn đến nứt hộp sọ [5][6]. Bên cạnh đó, anh trai của Mahsa cũng kể lại rằng anh thấy cơ thể cô có nhiều vết bầm tím khi thăm cô trong bệnh viện [7]. 

✊ Ngày 17/9/2022

Những cuộc biểu tình bắt đầu diễn ra trong đám tang của Mahsa tại quê nhà cô. Lực lượng an ninh Iran đã dùng hơi cay để ngăn chặn biểu tình. Một số người phụ nữ bắt đầu cởi khăn trùm đầu của mình để phản đối [3].

✊ Ngày 18/9/2022 đến nay

Biểu tình bùng nổ khắp lran. Đám đông tụ tập trước đại học Tehran, thủ đô Iran để hô to khẩu hiệu: “Phụ Nữ, Sự Sống, Tự Do!” [3]. Người dân và lực lượng an ninh của Iran nhiều lần xảy ra xung đột dẫn đến thương vong từ cả hai phía [8]. Người tử vong ở phe biểu tình được cho là có nhiều trẻ em [9]. Thậm chí, nhiều nguồn tin cho hay lực lượng an ninh Iran đang bắt bớ học sinh từ trường nếu có dấu hiệu tham gia biểu tình [10].

? Hiện tại, biểu tình tại Iran vẫn đang diễn ra sau sáu tuần kể từ lúc bắt đầu, và chưa có dấu hiệu dừng lại. Như vậy, trường hợp của Mahsa có còn chỉ là “chuyện riêng, cá nhân”, hay nó còn phản ánh cấu trúc bất bình đẳng, bạo lực nào khác? Câu chuyện của Mahsa có liên quan gì đến quyền phụ nữ và những mối bận tâm của phụ nữ Iran không, đến mức cái ch.ế.t của cô đã dấy lên sự phản kháng mạnh mẽ như thế? Cùng VOGE tìm hiểu ở phần 2 nhé.

PHẦN II: Ý NGHĨA BIỂU TÌNH – HIJAB, TRANG PHỤC, QUYỀN PHỤ NỮ VÀ QUYỀN CON NGƯỜI

Bối cảnh, cũng là nguyên nhân cho phản ứng mãnh liệt trước cái c.h.ết của Mahsa Amini chính là cách thực thi pháp luật của nhà nước Iran trong vấn đề trang phục và chuẩn mực đạo đức đối với phụ nữ – mang nặng tính kiểm soát, áp chế và hạn chế sự tự trị của phụ nữ. Không còn là vấn đề cá nhân, những sự kiểm soát và áp chế ấy đã được thiết chế hóa vào lập pháp, hành pháp của Iran – những lĩnh vực vốn còn nặng tính phụ quyền và nắm giữ phần đông bởi nam giới.

Vào tháng 7 năm 1979, chỉ một thời gian ngắn sau khi cộng hoà Iran được thành lập, nhà nước này đã đưa ra một số chỉ đạo bắt buộc phụ nữ phải mang khăn che đầu hijab. Ruhollah Khomeini – lãnh đạo tối cao của Iran thời bấy giờ còn cho rằng việc phụ nữ không mang khăn trùm đầu tương đương với khoả thân (“Phụ nữ không nên khoả thân tại các ban bộ của nhà nước Hồi Giáo. Phụ nữ có thể xuất hiện tại đây nếu họ mang hijab”) [11]. Thậm chí, một số điều trong bộ luật hình sự cũng nêu ra chi tiết hình phạt dành cho những phụ nữ không mang khăn che đầu:

“Theo Điều 102 của Bộ luật Hình sự được Quốc hội Iran thông qua vào ngày 9 tháng 8 năm 1983 “Phụ nữ xuất hiện ở nơi công cộng mà không đeo khăn trùm đầu sẽ bị phạt roi đến 74 roi.”” – Trích tài liệu Justice For Iran [11].

Kể từ năm 1985, cụm từ “improper hijab” đã trở thành một thuật ngữ trong các văn bản nhà nước chính thức. Từ này chỉ những trường hợp mang khăn che đầu không che hết tóc, mặc quần áo bó sát hoặc quá ngắn, hay trang điểm [11]. Đến năm 2007, các cuộc tuần tra với mục đích chỉnh đốn quy chuẩn đạo đức thông qua cách ăn mặc vẫn diễn ra trên đường phố và nơi công cộng. Tuy rằng những bộ luật đã trải qua nhiều chỉnh sửa trong nhiều năm qua, hầu hết là theo hướng mềm dẻo hơn với việc mang khăn trùm đầu [12], sự hành pháp đối với cách ăn mặc của phụ nữ tại Iran vẫn còn tồn tại ở một số dạng. Năm 2020, lãnh đạo tối cao của Iran, Ali Khamenei đã có phát ngôn như sau: “Phụ nữ không che mặt nên bị đặt vào tình huống khiến họ thấy nguy hiểm” [13].

Nhiều báo cáo của chính phủ Iran đã cho thấy có hàng chục nghìn vụ bắt bớ và giam giữ trong nhiều năm qua. Nhiều nhân chứng đã kể lại trải nghiệm của mình, trong đó bao gồm bị ép ký giấy tuyên thệ và bị quấy rối tình dục [11]. Không chỉ vi phạm quyền tự do trong trang phục, làm chủ cơ thể và quyền tự trị nói chung của phụ nữ, những luật này còn nguy hiểm ở chỗ nó cho phép lực lượng an ninh và giới chức khống chế, xâm phạm thân thể và tinh thần người phụ nữ với lý do “hành pháp”. Các yếu tố được cho là vi phạm luật mặc hijab hầu hết đều không rõ ràng và thường mang tính chủ quan của những người thực hiện tuần tra [11]. Đây không chỉ đơn thuần là luật quản lý cách ăn mặc phù hợp, đây chính là sự kiểm soát, áp chế và bạo lực trên cơ sở giới nhắm đến phụ nữ.

Từ đó đến nay, đã có nhiều làn sóng phản đối với những luật này, tiêu biểu có sự kiện một nhóm người dân Iran tại thủ đô Tehran đã tấn công các cảnh sát tuần tra vì bắt bớ hai phụ nữ với lý do không mặc hijab đúng cách vào năm 2019 [14]. Có thể thấy, phong trào biểu tình nhân danh Mahsa Amini chính là tiếp nối của những làn sóng phản đối từ trước. Nhìn một cách đơn giản, đây là phong trào ủng hộ tự do trong ăn mặc và thể hiện bản thân. Nhìn sâu xa hơn, nó thách thức tư tưởng thù ghét phụ nữ, cũng như sự khống chế thân thể và áp chế quyền tự chủ của người nữ đã cắm rễ sâu trong pháp chế của nhà nước Iran.

PHẦN III: ỦNG HỘ PHỤ NỮ IRAN, KHÔNG CÓ NGHĨA LÀ PHẢI RƠI VÀO CÁI BẪY “ISLAMPHOBIA1

Với tất thảy những thông tin và sự kiện ấy, thật dễ dàng để thốt ra câu cảm thán: “Hồi giáo/Đạo Islam thật là tệ với phụ nữ, chúng ta cần phải giải cứu họ khỏi tôn giáo và cộng đồng ấy”. Song, khi nghĩ như vậy, chúng ta đang ngầm phân cấp một số nhóm thành “văn minh” hơn các nhóm khác, ở vị thế quyền uy hơn để có khả năng “giải cứu”, “khai sáng” các nhóm khác. Đây chính là lối mòn thực dân trên danh nghĩa “đấu tranh vì quyền phụ nữ”, và trên thực tế nó cũng không giải phóng phụ nữ – bởi khi phụ nữ Iran có thể thoát khỏi chế độ phụ quyền bản địa thì sẽ lập tức sa vào sự bóc lột, kiểm soát của phụ quyền tư bản và thực dân toàn cầu.

Ví dụ rõ nhất đó là trong khi phụ nữ tại Iran bị bắt buộc phải mang hijab, nhiều phụ nữ Hồi giáo tại các quốc gia phương Tây lại bị bắt buộc phải tháo hijab – một món đồ mang ý nghĩa tôn giáo quan trọng giúp họ cảm thấy thoải mái. Thậm chí, có nhiều trường hợp phụ nữ bị bắt buộc phải cởi bỏ khăn và trang phục trước mặt nhiều người, như cảnh sát Pháp đã ép phụ nữ Hồi giáo phải cởi bỏ một số phần quần áo tại bãi biển [15]. Bên cạnh đó, phụ nữ Hồi Giáo cũng thường bị xem là “phần tử khủng bố” chỉ vì mang khăn trùm đầu [16]. Đây cũng là một thực hành kiểm soát cơ thể, trang phục và hành vi của phụ nữ. Trong trường hợp của Mahsa, cô bị bắt vì “không mặc hijab đúng cách”, nhưng trong câu chuyện ở Pháp, người phụ nữ bị ép phải cởi bỏ hijab. Cả hai đều mang tính cưỡng ép, xâm phạm sự tự trị của người phụ nữ.

Có một sự thật là phụ nữ Hồi Giáo thường hay bị đặt vào một thế gọng kìm, và chiếc khăn che mặt hijab (hay burka) là một trong những biểu tượng tiêu biểu thường được các phe phái lợi dụng để kìm hãm họ, khuôn ép họ vào một trong hai trường hợp sau: Khủng bố, hoặc Nạn nhân. Trong quyển From Victims to Suspects (tạm dịch: Từ nạn nhân đến nghi phạm), tác giả Hussein Shakira nhận định rằng phụ nữ Hồi giáo thường xuyên được truyền thông phương Tây khắc họa như một nạn nhân cần được giải cứu [15]. Phụ nữ Hồi Giáo cũng thường xuyên bị dùng để hợp thức hoá sự thù ghét hướng đến cộng đồng theo đạo Islam. Truyền thông phương Tây cũng như chủ nghĩa nữ quyền thực dân cho rằng phụ nữ Hồi Giáo cần được cứu rỗi; điều này vừa không giải phóng họ, lại còn tăng thêm những khó khăn mà phụ nữ Hồi giáo đối mặt, lại vừa củng cố sự phân biệt chủng tộc, tôn giáo.

Theo báo cáo của tổ chức European Network Against Racism (tạm dịch: Hiệp hội Châu u Chống Kì thị Chủng tộc), phụ nữ Hồi giáo tại các quốc gia Châu u thường xuyên gặp nhiều sự kì thị, và thường bị phân vào hai vai trò giống như Hussein đã nói: Nạn nhân (bị kìm hãm) và kẻ khủng bố (thành phần nguy hiểm) [17]. Hình ảnh của phụ nữ Hồi giáo cũng thường xuyên bị sử dụng trong truyền thông để khắc họa sự nguy hiểm của tôn giáo này, dẫn đến định kiến thêm sâu sắc, thậm chí châm ngòi cho bạo lực hướng đến phụ nữ Hồi giáo [17].

Ủng hộ phụ nữ, không có nghĩa là thù ghét và phân cấp những tôn giáo, văn hóa, cộng đồng khác nhau. Hơn nữa, chúng ta cần nhận diện sự xâm phạm nhân quyền và kiểm soát, áp chế trên cơ sở giới ở nhiều hình thái đa chiều, đa dạng. Việc kiểm soát cơ thể phụ nữ có thể xảy ra trong trường hợp của Mahsa, và cũng có thể xảy ra với phụ nữ Iran tại phương Tây như đã kể trên. Cả hai trường hợp này đều là những biểu hiện của bất bình đẳng giới, mất cân bằng quyền lực và cần bị thách thức, phản đối.

  1. Islamphobia: Nỗi sợ hãi, sự thù ghét chống lại Hồi giáo ↩︎

TẠM KẾT: VỊ – NỮ – QUYỀN & SỰ TỰ TRỊ

Hiểu đơn giản, tự trị là quyền tự đưa ra quyết định trong mọi mặt cuộc sống, từ việc thể hiện bản thân qua trang phục cho đến các vấn đề cơ thể, sức khoẻ, tôn giáo, lao động – nghề nghiệp, v.v… Trong trường hợp của Mahsa Amini và nhiều cô gái khác ở Iran, quyền tự trị của họ đã bị hạn chế khi cảnh sát bắt họ chỉ vì trang phục, và chính quyền Iran thì bắt phụ nữ phải ăn mặc theo một cách nhất định. Các luật như phạt roi khi không tuân theo một số quy định về trang phục không chỉ vi phạm sự tự trị rất rõ ràng, mà còn xâm phạm danh dự, nhân phẩm, sự toàn vẹn của người khác.

Sự tự trị là mục đích cho mọi đấu tranh vị nữ, và trong quá trình tiến đến mục đích ấy, chúng ta cần thách thức những thiết chế và cấu trúc quyền lực đang hiện diện trong mọi mặt cuộc sống, với vô vàn hình thái khác nhau. Chỉ khi hiểu được tính chất này của đấu tranh vị nữ, chúng ta mới có thể đấu tranh vị nữ mang tính giao thoa và bao trùm thực chất.
Còn các độc giả của VOGE thì sao? Các bạn nghĩ gì về sự tự trị trong đấu tranh vị nữ qua cuộc biểu tình Iran? Còn khía cạnh nào khác của cuộc biểu tình mà VOGE chưa nhắc đến không nhỉ? Nếu có góp ý hay thông tin muốn chia sẻ, đừng ngại liên lạc với VOGE thông qua fanpage Facebook hoặc Email nhé!

Tài liệu tham khảo

[1] https://twitter.com/ksadjadpour/status/1577293985034506248

[2] https://twitter.com/celes2561/status/1578229170584199168

 [3] https://www.reuters.com/world/middle-east/events-iran-since-mahsa-aminis-arrest-death-custody-2022-10-05/

 [4] https://english.alarabiya.net/News/middle-east/2022/09/16/Iranian-woman-beaten-by-police-for-not-wearing-hijab-dies-after-coma

[5] https://www.iranintl.com/en/202209293255

[6] https://english.alarabiya.net/News/middle-east/2022/09/19/Mahsa-Amini-s-medical-scans-show-skull-fractures-caused-by-severe-trauma-Report 

[7] https://iranwire.com/en/women/107558-iranwire-exclusive-morality-patrol-beats-a-woman-into-coma/

 [8] https://www.aljazeera.com/news/2022/9/28/what-we-know-after-11-days-of-protests-in-iran

[9] https://www.timesofisrael.com/iran-rights-group-says-185-killed-including-19-kids-in-protests-crackdown/

[10] https://www.theguardian.com/world/2022/oct/09/iranian-security-forces-arresting-children-in-school-reports-claim-state-tv-hackers

 [11] https://justice4iran.org/wp-content/uploads/2014/03/Hejab-Report-JFI-English.pdf

[12] https://www.thetimes.co.uk/article/iran-surprises-by-relaxing-islamic-dress-code-for-women-m9wmhkgl7 

[13] https://english.alarabiya.net/News/middle-east/2020/10/05/-Improperly-veiled-women-should-be-made-to-feel-unsafe-say-Iran-supreme-leader-reps

[14] https://edition.cnn.com/2019/02/19/middleeast/iran-morality-police-intl/index.html 

[15] Hussein, S. (2016). From Victims To Suspects: Muslim Women Since 9/11. Yale University Press.

[16] https://www.nbcbayarea.com/news/local/south-bay/hate-crime-hijab-mountain-view/2990143/ 

[17] https://ec.europa.eu/migrant-integration/library-document/forgotten-women-impact-islamophobia-muslim-women_en 

[18] https://www.reuters.com/world/middle-east/protests-continue-across-iran-rights-group-reports-19-minors-killed-2022-10-09/