Ngày 24/02/2022, Tổng thống Nga phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” với Ukraine [1]. Mặc dù cộng đồng quốc tế đã lên tiếng phản đối và yêu cầu Nga chấm dứt hành động bạo lực với Ukraine, đến hôm nay chúng ta vẫn chưa thấy cơ sở chắc chắn nào cho hoà giải và hoà bình.
Xung đột quân sự hiện nay không chỉ tồn tại giữa Nga và Ukraine, cũng chưa dừng lại ở các nước liên quan và bị ảnh hưởng gián tiếp bởi “chiến dịch quân sự đặc biệt” ấy. Hiện nay, vẫn còn vô số cuộc chiến và xung đột quân sự khác đang diễn ra trên toàn cầu – 4 cuộc xung đột quy mô lớn, gần 20 cuộc xung đột quy mô vừa, 20 quy mô nhỏ và 15 cuộc đụng độ giao tranh: từ Afghanistan đến Sudan, từ Myanmar đến Syria, Nigeria, Iraq, Colombia,… [2] Dù truyền thông không đưa tin thường xuyên, nhưng những xung đột quân sự ấy vẫn tiếp diễn và xoay chuyển cuộc sống của hàng triệu con người.
Nhân dịp ngày Quốc tế Phụ nữ trong bối cảnh ấy, hãy cùng VOGE điểm qua những nghiên cứu và nhận định của các nhà vị nữ về vấn đề chiến tranh và xung đột quân sự. Qua đó, chúng ta cùng xem góc nhìn giới nói chung và vị nữ nói riêng đã đóng góp như thế nào cho việc hiểu căn nguyên, đặc điểm của chiến tranh cũng như xây dựng hòa bình nhé!
Bấm vào các hình bên dưới để đọc tiếp nhé! Các bạn độc giả của VOGE còn biết đến nhà vị nữ nào và nhận định nào của họ về chiến tranh không? Bạn cảm thấy như thế nào về những nhận định tổng hợp bên dưới?
Tờ Nhân Dân số 7613 (ngày 8/3/1975) đã viết về nguồn gốc của ngày Quốc tế Phụ nữ và vai trò của phụ nữ trong chính trị – xã hội như sau:
“Ngày 8-3 đi vào lịch sử loài người để ghi nhớ cuộc đấu tranh đầu tiên của phụ nữ nổ ra ngày 8-3-1899 tại nước Mỹ. Ngày đó, những người phụ nữ trong các ngành dệt và may mặc ở hai thành phố Si-ca-gô và Niu Oóc đã xuống đường biểu tình, siết chặt đội ngũ đòi bọn tư bản phải giảm giờ làm và trả lương phụ nữ bằng nam giới trong các công việc như nhau. Từ cuộc đấu tranh đầu tiên đó, phụ nữ ngày càng hiểu rõ vai trò và trách nhiệm lớn của mình trong cuộc đấu tranh để bảo vệ những quyền lợi của bản thân và con cái mình. Những cuộc bãi công, mít tinh, biểu tình do phụ nữ tổ chức, hoặc sát cánh đấu tranh cùng với nam giới, ngày càng nổ ra dồn dập.
Họ không những chỉ đấu tranh đòi cải thiện đời sống, mà ngày càng tham gia đông đảo các cuộc đấu tranh đòi dân chủ, xoá bỏ chế độ bóc lột người và xây dựng chế độ mới – chế độ xã hội chủ nghĩa.” [3]
Bên cạnh 5 nhân vật mà VOGE đã tổng hợp và giới thiệu sau đây, còn rất nhiều nhà vị nữ đã và đang nghiên cứu về chiến tranh/xung đột quân sự cũng như hoạt động không mệt mỏi tại các vùng chiến sự, hay góp phần xây dựng hoà bình bằng nhiều hình thức. Tawakkol Karman, Clara Zetkin, Hiratsuka Raichō, Nadia Murad, Marcia Judith Freedman, Betty A. Reardon, Wendy Brown, Catherine Lutz – đó chỉ mới là một số ít cái tên nổi bật nhất [4].
KWON IN-SOOK: Chủ nghĩa quân phiệt & Tính nam

Từng là một nhà tổ chức lao động Hàn Quốc và đã truyền cảm hứng cho phụ nữ Hàn Quốc thành lập Hiệp hội Phụ nữ Hàn Quốc (KWAU), Kwon In-sook là người phụ nữ đầu tiên dám đệ đơn tố cáo chính phủ Hàn Quốc tấn công tình dục. Bà được sử gia Lee Nam-hee coi là “một nhân vật tiêu biểu của Hàn Quốc trong những năm 1980; là hiện thân của niềm đam mê, lý tưởng và những khát vọng chồng chéo của phong trào dân chủ hóa những năm 1980.” Sau này, bà đã trở thành một học giả nữ quyền tại Hàn Quốc.
Kwon tốt nghiệp Tiến sĩ tại Đại học Clark, ngành phụ nữ học. Lĩnh vực nghiên cứu của bà bao gồm tính nam, chủ nghĩa dân tộc xoay quanh thể chế nhà nước, phụ nữ và chủ nghĩa quân phiệt [5]. Những nghiên cứu của bà không chỉ giúp chúng ta hiểu hơn các đặc điểm của nhà nước, chủ nghĩa dân tộc, quân phiệt và quân sự hoá, mà còn cho thấy tính giới trong những tư tưởng, thực hành, quá trình đó [6].
Các nghiên cứu của bà cho thấy cách nhà nước và cưỡng bách tòng quân củng cố tính nam một cách cường điệu hoá quá mức – qua các giá trị quân sự, cách định nghĩa sự trưởng thành của nam giới qua tham gia quân ngũ, cách định nghĩa sự trưởng thành của nam giới gắn liền với tư cách công dân… vốn không chỉ tồn tại trên thao trường, mà trong cả xã hội và cuộc sống hàng ngày. Từ đó, bà cho rằng: “Chính trị vị nữ không thể chỉ gói gọn trong việc thách thức những bất bình đẳng hữu hình giữa nam và nữ. Nếu không giải mã những trải nghiệm chung của nam giới và của người Hàn Quốc với cách cưỡng bách tòng quân định nghĩa tính nam và công dân theo hướng quân sự hoá nam tính, thì những nỗ lực chính trị vị nữ sẽ tiếp tục gặp phải những rào cản văn hoá sâu sắc.”
“Tôi sẽ chỉ ra rằng nghĩa vụ quân sự bắt buộc với nam giới đã đóng vai trò quan trọng trong việc kiến tạo nên các khái niệm về tư cách công dân, tính quốc gia, tính nam, tính nữ, làm mẹ và làm cha; và cũng đóng vai trò như ‘chất kết dính’ 6 khái niệm đầy uy lực đó với khái niệm quốc gia dân tộc tại Hàn Quốc đương đại […] Nếu không hiểu tính giới len lỏi trong chế độ nghĩa vụ quân sự, chúng ta sẽ không thể hiểu đúng sự bền bỉ của văn hoá quân phiệt ngày nay…” [6] Theo bà Kwon, chủ nghĩa quân phiệt là sự phản chiếu của chủ nghĩa trung ương tập quyền; chỉ định rằng quốc gia là một thực thể tuyệt đối – bên trên bất cứ cá nhân nào – và chấp nhận hệ thống phân cấp trong một nhóm là cần thiết [7].
Trong bối cảnh những năm 1980 tại Hàn Quốc, những lập luận và nghiên cứu của bà là sự soi chiếu cần thiết, không chỉ để đem góc nhìn giới/vị nữ vào quá trình dân chủ hoá mà còn vì một xã hội công bằng hơn cho tất cả.
bell hooks: Bạo lực, Tư bản, Chủng tộc và Giới

Gloria Jean Watkins, bút danh bell hooks, là một tác giả, giáo sư, nhà nữ quyền và nhà hoạt động xã hội người Mỹ. Năm 1973, bà tốt nghiệp Cử nhân tại Đại học Stanford. Năm 1976, bà tốt nghiệp Thạc sĩ tại Đại học Wisconsin-Madison. Bà đặc biệt quan tâm đến sự đan xen giữa chủng tộc, chủ nghĩa tư bản, giới cũng như có nhiều trăn trở về khả năng sản sinh, duy trì các hệ thống áp bức và thống trị. Các tác phẩm của bà góp phần phát triển phong trào vị nữ, đặt nền móng cho nữ quyền da màu, nhấn mạnh sự giao thoa và vai trò của cộng đồng, của sự chữa lành trên con đường xây dựng xã hội công bằng.
Với những quan sát sâu sắc về bạo lực và tầm nhìn xây dựng xã hội tốt đẹp hơn, bell hooks nhận định rằng: “Chiến tranh về bản chất là một hình thức khác của chủ nghĩa tư bản. Chiến tranh làm cho vài người trở nên giàu có – và chúng làm cho rất nhiều người nghèo đi, và chúng cướp đi sinh mạng của rất nhiều người. Phần lớn cuộc chiến đang xảy ra là nỗ lực của một nhóm để cướp tài nguyên của nhóm khác.” [8]
“Chúng ta đã thừa hưởng một ngôi nhà rộng lớn, một ngôi nhà thế giới rộng lớn, mà tại đó chúng ta phải chung sống. Người da màu và da trắng, người phía đông và phía tây, người Do Thái và người không phải Do Thái, Công giáo và Tin Lành, Hồi giáo và Ấn Độ giáo, một gia đình tách biệt bởi những khác biệt lớn về ý tưởng, văn hoá và các mối quan tâm, những người mà chúng ta không bao giờ có thể sống tách rời, nên bằng cách nào đó cần phải học cách chung sống trong hoà bình.” [9]
RAFIA ZAKARIA: Chiến tranh Afghanistan và Phụ nữ Hồi giáo

Rafia Zakaria là một luật sư, nhà nữ quyền, nhà báo và tác giả người Mỹ. Năm 2021, cô xuất bản cuốn sách có tựa đề “Chống lại Nữ quyền Da trắng” (Against White Feminism). Qua đó, cô chỉ trích sự nhấn mạnh vào trải nghiệm của phụ nữ da trắng của tư tưởng nữ quyền thông thường, trong khi loại trừ phụ nữ da màu. Zakaria tự nhận diện bản thân là một nhà vị nữ Hồi giáo.
Trong một cuộc phỏng vấn với Wisconsin Public Radio về cuộc chiến tại Afghanistan và sự tham gia của Mỹ, Zakaria đã phê phán phong trào vị nữ tại Mỹ – cùng một số nhân vật dẫn đầu phong trào – đã ủng hộ chiến tranh tại Afghanistan sau sự kiện 9/11, mặc kệ những nỗ lực phản chiến của các nhà vị nữ Afghan lúc bấy giờ [10].
Đáp lại quan điểm này, phóng viên đã hỏi: “Thật ra, ý tưởng là tiêu diệt Taliban không chỉ chống lại nạn khủng bố, mà còn mở cánh cửa đến nhiều quyền hơn cho phụ nữ Afghan – như giáo dục, và công việc, và quyền tự quyết. Đó có vẻ là những mục tiêu tốt. Vậy lập luận đó có gì là sai?
Zakaria đáp: Điều sai đó là bạn không thể vừa đánh bom một quốc gia trở về thời đồ đá vừa đồng thời nói bạn sẽ trao quyền và nâng cao vị thế phụ nữ. Điều sai đó là những mục tiêu đó bị sử dụng như những công cụ làm đẹp để che dấu sự hỗn loạn – những cuộc tấn công ban đêm vào nhà dân, sự giam cầm, những người bị lôi đi nhiều tháng trời, những gia đình không biết bố hoặc anh trai bị đưa đi đâu. Và kết quả là, những thứ như giáo dục hay trao quyền hay tập huấn công việc cho phụ nữ và trẻ em gái đều trở nên vô nghĩa vì chúng gắn liền với sự xâm lăng đau đớn và vô nhân tính đó.
Phóng viên: Có phải bạn đang nói rằng chính phủ và quân đội sử dụng nữ quyền – có chủ đích và bất chấp đạo đức – để kêu gọi ủng hộ cho chiến tranh không? Và các nhà vị nữ nổi tiếng ở Mỹ đã bị lừa để tin vào điều đó?
Zakaria: Đúng vậy. Tôi hiểu nỗi cám dỗ đó. Khi chiến tranh vừa nổ ra, các nhà vị nữ người Mỹ đã được bảo là: “Các bạn là những nhà vị nữ, các bạn mạnh mẽ, các bạn có quyền – và chúng tôi sẽ xuất khẩu các bạn và sự tuyệt vời của các bạn đến môi trường này mà ở đó phụ nữ bị đàn áp.” Và cốt truyện đó đã rất thuyết phục vì nó đặt Mỹ ở vị thế đạo đức cao hơn. Mặc dù đó là một thông điệp thực dân lặp đi lặp lại, “đàn ông da trắng giải cứu phụ nữ da nâu khỏi đàn ông da nâu”, vốn là một châm ngôn đã nổi tiếng (được phát triển và đặt tên bởi nhà lý luận vị nữ hậu thuộc địa Gayatri Chakravorty Spivak).
Phóng viên: Tuy thế, trong thời gian lực lượng liên minh chiếm đóng, viện trợ nhân đạo đã tăng lên ở Afghanistan, và chúng tôi bắt đầu thấy nhiều nơi trú ẩn cho phụ nữ, trường học cho trẻ em gái và việc làm cho phụ nữ trong chính phủ. Vì vậy, nói một cách thực tiễn, chẳng phải cuộc sống của phụ nữ đã được cải thiện sao?”
Zakaria: Đây là điển hình của rất nhiều dự án cố gắng trao quyền cho phụ nữ. Trong ngắn hạn, có, có một sự cải thiện. Nhưng bởi vì đó là việc từ trên xuống, và nguồn tài trợ là bên ngoài, nên thực sự không có sự hỗ trợ về mặt văn hóa hay chính trị nào đối với sự hiện diện ngày càng nhiều của phụ nữ trong các trường học, nơi làm việc và chính phủ. […] Chủ nghĩa vị nữ “nhỏ giọt” (trickle-down) là cách trao quyền cho phụ nữ ở Afghanistan, về cơ bản nó đã thất bại. Bởi vì nó không chảy xuống, đó là bài học đầu tiên. Bạn không thể lấy chủ nghĩa vị nữ và đẩy nó xuống họng của mọi người bằng cách nhập khẩu bằng bom.
CAROLYN NORDSTROM: Kinh tế, Chiến tranh và Phụ nữ

Là thành viên của khoa Notre Dame từ năm 1997, Carolyn Nordstrom là một nhà nhân chủng học. Bà nghiên cứu các cuộc chiến tranh, buôn bán ma túy bất hợp pháp, các mối quan hệ giới và trục lợi chiến tranh. Nghiên cứu của bà khiến bà trở thành nhân chứng và học giả về các chiến trường thành thị và nông thôn toàn cầu cũng như về mặt tối của kim cương, ma túy, vũ khí và buôn lậu [11].
Khác với những nghiên cứu về chiến tranh đầy cứng nhắc, Carolyn Nordstrom là một trong những người tiên phong điền dã tại nhiều vùng chiến sự khác nhau. Bà cho biết, khi đi trong cuộc chiến, ta mới có thể tìm thấy những “vết chân” của những mạng lưới kinh tế phi chính thức, ranh giới mỏng manh của hợp pháp và bất hợp pháp – “ảo tưởng về một cuộc chiến tranh ‘gọn gàng’ rất phổ biến, nhưng dù sao cũng là ảo tưởng”. Đó là điều mà rất nhiều văn bản pháp lý, công ước quốc tế và nghiên cứu kinh tế vĩ mô chưa cân nhắc, và vì thế, khó lòng hiểu được bức tranh toàn cảnh của chiến tranh và những cấu trúc duy trì bạo lực [12].
Cũng theo Nordstrom: “Vì phụ nữ chiếm ưu thế trong những hoạt động ‘chìm sâu’ của nền kinh tế, họ bị đẩy xuống những khía cạnh mờ mịt của những điểm biến mất tùy tiện được tạo ra bởi các quy ước chính trị, nghiên cứu, và quyền lực.” Khi tìm hiểu về nền kinh tế phi chính thức trong các cuộc chiến, Nordstrom nhận thấy vai trò then chốt của phụ nữ và tác động mạnh mẽ của bạo lực lên cuộc sống của họ – ấy vậy, những câu chuyện về chiến tranh luôn vô hình hoá những vai trò và trải nghiệm đó [13].
“Bạo lực chính trị khuếch đại những xu hướng đương đại toàn cầu trong thế kỷ 21: toàn cầu hoá, dựa dẫm ngày càng nhiều vào nền kinh tế phi chính thức, sự chuyển dịch từ sản xuất của thế kỷ 20 sang wildcatting(*) tài nguyên và sức lao động, cùng sự phát triển của các mạng lưới thương mại ngoại-hợp-pháp(**) quốc tế phức tạp. Phụ nữ đóng vai trò chủ đạo trong tất cả những điều này, mặc dù vị thế lãnh đạo lẫn nạn nhân dưới bạo lực của họ thường bị lãng quên trong những phân tích chính thống.” [11]
CYNTHIA ENLOE: Chiến tranh, Tính dục & Làm mẹ

Cynthia Holden Enloe là một nhà văn, nhà lý luận và giáo sư về nữ quyền. Bà được biết đến với những nghiên cứu về giới và chủ nghĩa quân phiệt cũng như những đóng góp của bà trong lĩnh vực quan hệ quốc tế vị nữ. Bà cũng có tác động lớn đến lĩnh vực địa lý chính trị vị nữ. Năm 2015, Tạp chí Chính trị Vị nữ Quốc tế, kết hợp với nhà xuất bản học thuật Taylor & Francis, đã tạo ra Giải thưởng Cynthia Enloe “để vinh danh nghiên cứu vị nữ tiên phong của Cynthia Enloe về chính trị quốc tế và kinh tế chính trị, và đóng góp đáng kể của bà trong việc xây dựng cộng đồng học giả vị nữ bao hàm hơn.”
Tìm hiểu về tính giới trong chính trị quốc gia lẫn quốc tế và lao động cảm xúc – thể chất của phụ nữ mà các chính sách chiến tranh thường lợi dụng, những chủ đề về tính dục phụ nữ và việc làm mẹ cũng thuộc mối quan tâm của bà [14].
“Rất nhiều nữ giới và nam giới tại Ba Lan, Chile, Nam Phi và Pháp chưa bao giờ phục vụ trong quân ngũ quốc gia; ấy vậy từ năm 1945 đến năm 1989 cuộc sống của họ cũng bị quân sự hoá. Sự quân sự hoá đã duy trì các mối quan hệ Chiến tranh lạnh giữa người và người qua 40 năm đòi hỏi một quân đội thèm khát tuyển mộ lính mới; nó cũng phụ thuộc vào những suy tưởng về tính nam và tính nữ để tiếp cận những người chưa bao giờ trải qua huấn luyện cơ bản. Có thể chứng minh rằng nhổ gốc những suy tưởng ấy sẽ còn khó hơn phá bỏ một bức tường. Cuốn sách này sẽ nói về đa dạng tính nam và tính nữ đã cần thiết để tạo ra Chiến tranh lạnh và những chuyển biến trong mối quan hệ giữa nam – nữ sẽ cần thiết để việc kết thúc chiến tranh có thể tiến bước.”
Chẳng hạn, lấy ví dụ về Liên Xô thời chiến, Enloe nhận định: “Làm mẹ từng là một mặt trận chiến lược bị bủa vây trong Chiến tranh lạnh, tương tự trong các cuộc chiến nảy lửa hơn ở hai bên Bức Màn Sắt. Những người ủng hộ Stalin đề cao việc làm mẹ với tinh thần yêu nước thông qua Hội Phụ nữ Xô Viết thuộc Đảng Cộng sản. Trong suốt 4 thập kỷ Chiến tranh lạnh, không có bất cứ đấu thủ tầm cỡ hoặc đồng minh nào của họ có thể chiêu mộ đủ quân lính bắt buộc hoặc tự nguyện nếu không có các hình thức ủng hộ từ các bà mẹ.”
Vì vậy, khi các bà mẹ Xô Viết thành lập các nhóm độc lập nhằm thu thập thông tin về số phận những người con trai bị mất tích của họ, Enloe nhận thấy họ cũng đang tái định nghĩa mối quan hệ giữa phụ nữ và tính nữ với chính trị chính thống: “Việc trở thành một người mẹ tốt của Liên Xô và một người yêu nước ở Liên Xô dường như không còn củng cố lẫn nhau. Các bà mẹ bắt đầu tạo ra chân dung mới về quân đội nhà nước […] không còn là những người yêu nước đang bảo vệ xã hội Liên Xô, không còn là thứ biến các cậu bé thành những người đàn ông độc lập khỏi mẹ. Nó lại giống một cỗ máy vô nhân đạo ăn thịt con trai của các bà mẹ hơn. Chính quyền Gorbachev, trong nỗ lực rút khỏi Afghanistan và thực thi cải cách chính trị trong nước, đã cực kì dễ tổn thương trước sự phản đối của các bà mẹ.” [15]
BẢN TUYÊN NGÔN PHẢN CHIẾN CỦA CÁC NHÀ NỮ QUYỀN NGA

Hiện nay, có hàng chục tổ chức cộng đồng nữ quyền đang hoạt động tại ít nhất 30 thành phố của Nga [16]. Những ngày vừa qua, các tổ chức nữ quyền ấy đã lên tiếng phản đối cuộc chiến của Putin, cho ra một Bản Tuyên ngôn phản chiến và kêu gọi các nhà nữ quyền khắp thế giới đoàn kết cùng chống lại động thái công kích quân sự của chính quyền Putin.
Tiếp nối bài viết về góc nhìn vị nữ lên chiến tranh, VOGE xin được dịch Bản tuyên ngôn của các nhà nữ quyền Nga sang tiếng Việt và trình bày dưới đây. Mong rằng các bạn đọc có thể tham khảo và hiểu thêm tầm nhìn vị nữ về chiến tranh nói chung, về cuộc chiến mà chính quyền Putin đã kích động nói riêng.
—–
Ngày 24 tháng 2, vào khoảng 5 giờ 30 phút sáng giờ địa phương Moscow, tổng thống Nga Vladimir Putin đã tuyên bố thực hiện một “chiến dịch đặc biệt” trên lãnh thổ Ukraine để “tiêu diệt tư tưởng phát xít” và “phi quân sự hoá” quốc gia có chủ quyền này. Chiến dịch ấy đã được chuẩn bị từ rất lâu về trước. Trong nhiều tháng, quân đội Nga đã tiếp cận biên giới Ukraine. Cùng lúc đó, những người đứng đầu nước ta đã chối bỏ mọi khả năng của một cuộc tấn công quân sự. Giờ thì ta thấy rằng đó là một lời nói dối.
Nga đã tuyên chiến với láng giềng của mình. Nga đã khước từ quyền tự chủ cũng như bất kỳ hy vọng vào về một cuộc sống bình yên của Ukraine. Chúng tôi tuyên bố – chẳng phải lần đầu tiên – rằng chiến tranh đã luôn được châm ngòi trong suốt tám năm qua bởi chính phủ Nga. Cuộc chiến ở Donbas là hệ quả từ việc sáp nhập Crimea bất hợp pháp. Chúng tôi tin rằng Nga và những tổng thống của đất nước ấy đang không và chưa bao giờ quan tâm đến số phận của người dân tại Luhansk và Donetsk, và sự công nhận các chế độ cộng hoà sau tám năm chỉ là một cái cớ để xâm chiếm Ukraine dưới vỏ bọc của giải phóng.
Là những công dân và nhà nữ quyền Nga, chúng tôi lên án cuộc chiến này. Nữ quyền với tư cách là một thế lực chính trị không thể đứng cùng chiến tuyến với cuộc chiến tranh mang tính gây hấn và xâm chiếm quân sự. Phong trào nữ quyền Nga đấu tranh vì những nhóm yếu thế cùng sự phát triển của một xã hội công bằng với cơ hội và triển vọng đồng đều cho mọi người, và nơi đó không có chỗ cho bạo lực và xung đột quân sự.
Chiến tranh có nghĩa là bạo lực, là nghèo đói, là di tản bắt buộc, những mảnh đời vỡ tan, sự bấp bênh và thiếu tương lai. Nó không đội trời chung với những giá trị và mục tiêu của phong trào nữ quyền. Chiến tranh khắc sâu thêm bất bình đẳng giới và đẩy lùi những thành tựu của đấu tranh nhân quyền về nhiều năm. Chiến tranh mang đến không chỉ bom đạn mà còn cả bạo lực tình dục: từ những bài học lịch sử, nguy cơ bị cưỡng bức của phụ nữ tăng gấp nhiều lần trong mọi cuộc chiến tranh. Vì điều này và nhiều nguyên do khác, những nhà nữ quyền Nga cũng như những ai đồng tình với các giá trị nữ quyền cần phải có thái độ cương quyết phản đối cuộc chiến gây ra bởi lãnh đạo nước ta.
Cuộc chiến hiện tại, theo lời của Putin, mang ý nghĩa bảo vệ “giá trị truyền thống” như tuyên bố trong chủ trương của giới cầm quyền – những giá trị được cho là cần phải được truyền bá khắp thế giới bởi nước Nga như một giáo lý, và những ai phản đối hoặc có quan điểm khác thì sẽ bị trừng phạt bởi bạo lực. Những ai có khả năng tư duy phản biện đều hiểu rằng cái gọi là “giá trị truyền thống” này bao gồm bất bình đẳng giới, bóc lột phụ nữ, và đàn áp của chính phủ với những đối tượng có lối sống, có nhân dạng, hoặc hành vi không tương thích với quy chuẩn phụ quyền hạn hẹp. Biện minh cho việc xâm lăng một nước láng giềng bằng mong muốn tuyên truyền những giá trị méo mó đó và theo đuổi sự “giải phóng” đầy dân túy là một nguyên do khác để các nhà nữ quyền của Nga phải phản đối trận chiến này bằng tất cả sinh lực của mình.
Ngày nay, nữ quyền là một trong số ít những thế lực chính trị tích cực ở Nga. Trong một thời gian dài, chính phủ Nga đã không xem chúng ta như một phong trào chính trị nguy hiểm, và vì thế chúng ta tạm thời ít chịu đàn áp hơn những nhóm chính trị khác. Hiện tại có hơn bốn mươi lăm tổ chức nữ quyền khác nhau đang hoạt động khắp lãnh thổ Nga, trải dài từ Kaliningrad đến Vladivostok, từ Rostov-on-Don tới Ulan-ude và Murmansk. Chúng tôi kêu gọi những nhóm và nhà nữ quyền Nga cùng tham gia vào Phong trào Nữ quyền Phản chiến và hợp lực để tích cực phản đối cuộc chiến cùng nhà cầm quyền đằng sau nó. Chúng ta là một tập thể lớn, và cùng nhau chúng ta có thể làm nên rất nhiều: Suốt mười năm nay, phong trào nữ quyền đã giành được sự quan tâm truyền thông và sức mạnh văn hoá khổng lồ. Đã đến lúc biến nó thành sức mạnh chính trị. Chúng ta là thế lực đối lập với chiến tranh, chế độ phụ quyền, chế độ toàn trị, và chủ nghĩa quân phiệt. Chúng ta đại diện cho một tương lai tốt đẹp hơn (*).
— Chúng tôi kêu gọi các nhà nữ quyền trên toàn thế giới:
Hãy tham gia biểu tình ôn hoà và phát động các chiến dịch online và offline để phản đối cuộc chiến ở Ukraine và sự độc tài của Putin, tổ chức những hoạt động của chính các bạn. Đừng ngại sử dụng biểu tượng của Phong trào Nữ quyền Phản chiến (Feminist Anti-War Resistance) trong những tư liệu và bài đăng của các bạn, cũng như những hashtag #FeministAntiWarResistance và #FeministsAgainstWar.
Chia sẻ các thông tin về chiến sự tại Ukraine và sự hung hãn của Putin. Chúng ta cần toàn thế giới ủng hộ Ukraine ngay tại lúc này, cũng như từ chối giúp đỡ chính quyền Putin bằng mọi cách.
Chia sẻ tuyên ngôn này với người khác. Việc nữ quyền thể hiện thái độ chống đối cuộc chiến này – cũng như bất kì cuộc chiến nào khác – là cần thiết. Chúng ta cũng cần phải cho thấy vẫn còn những nhà hoạt động xã hội tại Nga đang sẵn sàng đồng lòng phản đối chính quyền Putin. Tất cả chúng tôi đang có nguy cơ bị đàn áp bởi chính phủ và rất cần sự hỗ trợ của các bạn
Nguồn tham khảo
[1] Theo Báo Lao động: https://laodong.vn/…/tong-thong-nga-putin-phat-dong…
Theo Reuters: https://www.reuters.com/…/russias-putin-authorises…/
[2] Tham khảo tại đây: https://en.wikipedia.org/…/List_of_ongoing_armed_conflicts
[3] Thư viện Quốc gia Việt Nam (nguồn lực số hoá), xem chi tiết tại http://baochi.nlv.gov.vn/baochi/cgi-bin/baochi?a=d&d=Qik19750308.2.15&e=——-vi-20–1–img-txIN%7ctxME-ch%c3%a0o+m%e1%bb%abng+ng%c3%a0y+qu%e1%bb%91c+t%e1%ba%bf+ph%e1%bb%a5+n%e1%bb%af—–#
[4] Một số nhà vị nữ khác:
– Tawakkol Karman: https://www.tawakkolkarman.net/
– Hiratsuka Raichō: https://www.ndl.go.jp/portrait/e/datas/380/
– Marcia Freedman: https://www.nytimes.com/…/02/us/marcia-freedman-dead.html
– Nadia Murad: https://www.nadiasinitiative.org/
– Clara Zetkin: https://www.theguardian.com/…/clara-zetkin…
Về Kwon Insook
[5] https://dbpedia.org/page/Kwon_In-sook
https://womens-studies.rutgers.edu/…/1997/1036-kwon-insook
[6] Tham khảo: A Feminist Exploration of Military Conscription: The Gendering of the Connections Between Nationalism, Militarism and Citizenship in South Korea
[7] https://archive.org/…/makingofminjungd…/page/90/mode/2up
Về bell hooks:
[8] https://www.azquotes.com/quote/1283245
[9] https://ur.umich.edu/0203/Jan20_03/09.shtml
Về Rafia Zakaria:
[10] https://www.wpr.org/how-afghanistan-became-americas-first…
Về Carolyn Nordstrom:
[11] https://anthropology.nd.edu/…/faculty/carolyn-nordstrom/
[12] Shadows of War: Violence, Power, and International Profiteering in the Twenty-First Century
[13] Women, Economy, War (International Review of the Red Cross, 03/2010)
Về Cynthia Enloe:
[14] https://www2.clarku.edu/faculty/facultybio.cfm?id=343
[15] The Morning After: Sexual Politics at the End of the Cold War.
[16] https://jacobinmag.com/…/russian-feminist-antiwar…/…
(*) Câu gốc: “We are the future that will prevail.”
Ở đây VOGE đã chọn cách dịch thoáng hơn để diễn tả được tinh thần của các nhà nữ quyền Nga nói riêng và nữ quyền nói chung.