PHỤ NỮ CHÂU Á TRÊN MÀN ẢNH: HÌNH TƯỢNG DRAGON LADY

Trong phần đầu của series “Phụ nữ châu Á trên màn ảnh”, VOGE đã cùng độc giả bàn về hình tượng Lotus Blossom thông qua việc tìm hiểu định nghĩa, đưa ra một số ví dụ tiêu biểu và liên hệ tới phụ nữ Việt Nam.

Trong phần hai và đồng thời là phần cuối của series này, ta sẽ cùng tìm hiểu về một hình tượng tưởng chừng như trái ngược hoàn toàn và cứu cánh cho Lotus Blossom – Dragon Lady. Liệu, các bạn độc giả mê phim của VOGE có bao giờ thắc mắc rằng châu Á có những “Femme Fatale” (“Người đàn bà nguy hiểm” – một nguyên mẫu về phụ nữ trong giới văn học và nghệ thuật ở phương Tây) hay không, và nếu có thì họ được phác họa thế nào?

Ngoài ra, VOGE cũng sẽ cùng các bạn bóc tách nguyên nhân đằng sau sự mô tả về phụ nữ châu Á như hai hình tượng nêu trên, đồng thời chỉ ra những tác hại của sự mô tả này.

Cùng bắt đầu thôi!

HÌNH TƯỢNG DRAGON LADY

Nếu như hình tượng “Lotus Blossom” tạo cảm giác ngây thơ, vô hại, thì “Dragon Lady” có vẻ hoàn toàn trái ngược – tạo cảm giác nguy hiểm và khó nhằn ngay từ cái tên. Việc gắn sự “nguy hiểm” và “đe dọa” cho người châu Á đã bắt đầu từ khá lâu trước đó với khuôn mẫu Yellow Peril. Bởi vậy, để hiểu rõ hơn về Dragon Lady, trước hết ta cần bóc tách khái niệm “Yellow Peril”:

“Yellow Peril” (tạm dịch: Hiểm họa màu vàng) là một phép ẩn dụ về màu da sắc tộc, ngụ ý rằng những người đến từ Đông và Nam Á là một mối nguy hiểm tiềm tàng với thế giới phương Tây. Nỗi sợ này không đến từ một vấn đề/dân tộc/quốc gia cụ thể nào mà nó nhắm đến một hình ảnh tưởng tượng về một nhóm những người da vàng. Như một dạng của hội chứng bài ngoại (xenophobia), “Yellow Peril” đại diện cho nỗi sợ đối với một phương Đông xa lạ, với những nhóm người không-phải-da-trắng rằng họ sẽ áp đảo và biến phương Tây thành nô lệ. Học giả Gina Marchetti cho rằng nỗi sợ về mặt tâm lý – văn hóa dành cho người Đông – Nam Á bắt nguồn từ nỗi sợ hãi thời Trung cổ về Thành Cát Tư Hãn và các cuộc xâm lược của người Mông Cổ vào châu u (1236-1291) [1]. Theo đó, “Yellow Peril” bao gồm sự e dè dành cho những nền văn hóa xa lạ, nỗi lo âu về mặt tính dục và niềm tin rằng phương Tây sẽ bị chế ngự và bao trùm bởi những thế lực huyền bí, đen tối và không thể cưỡng lại của phương Đông.” Đi kèm với nỗi sợ này là một loạt những định kiến như “nguyên thủy”, “lạc hậu”, “bản năng”, “điên loạn”, v.v. được phóng chiếu lên người Đông và Nam Á. Trong thế kỷ XIX, lối suy nghĩ này được dùng để chính đáng hóa công cuộc thực dân và chinh phục thuộc địa.

Có thể thấy, hai khía cạnh “tính dục” và “nguy hiểm” đã luôn được phóng chiếu lên phụ nữ châu Á xuyên suốt chiều dài lịch sử và Dragon Lady là khuôn mẫu tiêu biểu – một dạng thức khác của khuôn mẫu Yellow Peril. Dragon Lady là những người phụ nữ xinh đẹp, bí ẩn, có những hành vi lừa dối và mang lại nguy hiểm cho người khác – đặc biệt là nam chính trong các tiểu thuyết hay bộ phim thể hiện khuôn mẫu này. Bởi vậy, Dragon Lady được ví như “Femme Fatale” phiên bản châu Á. Họ thường xuất hiện trong những bộ sườn xám họa tiết rồng bay phượng múa hoặc những bộ kimono bó sát, đôi môi tỏ son đỏ chót kèm theo cái nhìn sắc lạnh và quyến rũ chết người. Hiểu nôm na, khuôn mẫu này là sự kết hợp đặc điểm của hai khuôn mẫu khác: những geisha truyền thống và những chiến binh.

Thoạt tiên, nhiều người có thể nhầm tưởng rằng khuôn mẫu Dragon Lady là một bước tiến so với Lotus Blossom, bởi các Dragon Lady không còn yếu đuối và phụ thuộc vào ai nữa. Tuy nhiên, có thực là như vậy? Hãy cùng VOGE tìm hiểu rõ hơn ở những ảnh sau nhé.

MỘT SỐ VÍ DỤ TIÊU BIỂU

Có lẽ, khi nhắc đến hình tượng Dragon Lady (bên cạnh Lotus Blossom), nữ diễn viên Anna May Wong sẽ là cái tên hiện lên đầu tiên trong hồi ức của nhiều người. Bà nổi tiếng với vai diễn con gái của ông trùm giới tội phạm Fu Manchu trong bộ phim “Con gái của Rồng” (1931). Ngoài ra, diễn viên Lucy Liu cũng là một gương mặt quen thuộc với khuôn mẫu này. Từ những năm 1990 đến đầu những năm 2000, bà chủ yếu đóng những nhân vật nữ lạnh lùng, quyến rũ và thao túng người khác. Chẳng hạn, trong “Kill Bill” (2003) – một bộ phim nổi tiếng của đạo diễn Quentin Tarantino, bà thủ vai nữ tướng của một băng đảng nữ sát thủ và thường ra tay khi đang mặc trang phục truyền thống Nhật Bản. Ngoài ra, bà cũng xuất hiện trong show truyền hình hài kịch “Ally McBeal” (1997), trong đó các nhân vật nữ châu Á thường được miêu tả với đặc tính nhỏ nhen và bị tình dục hóa.

Trong “You Only Live Twice” (1967), hai người phụ nữ châu Á đóng cùng tài tử James Bond là một trong những đại diện phụ nữ châu Á hiếm hoi trên màn ảnh lúc bấy giờ. Tuy nhiên, sự đặc biệt này không thực sự đáng hoan nghênh, nhất là khi Sean Connery – nhân vật của Bond hỏi Ling (Tsai Chin) một câu hỏi đầy ngầm ẩn tính dục và sắc tộc sau khi quan hệ: “Tại sao phụ nữ Trung Hoa ‘nếm’ khác thế?” Ling trả lời: “Anh yêu, em phục vụ anh món đỉnh nhất mà.” Ngay sau đó, Ling cho hai sát thủ gốc Á đột nhập vào phòng để xử Connery.

Nếu khuôn mẫu phụ nữ Lotus Blossom là một mặt của đồng xu thì Dragon Lady chính là một mặt còn lại. Kiểu mẫu phụ nữ Dragon Lady thường xinh đẹp, quyến rũ nhưng đầy bí ẩn và nguy hiểm, dùng sắc đẹp để lừa nhân vật chính vào những cái bẫy chết người. Chẳng hạn, nhân vật Ling trong bộ phim nói trên sử dụng sự quyến rũ của mình để giữ lớp mặt nạ điệp viên. Mới giây trước, cô chấp nhận nhún nhường và thỏa mãn nhu cầu tình dục của Bond; ngay sau đó, cô định cướp đi mạng sống anh ta. Cô được miêu tả trên màn ảnh như một người đàn bà hai mặt, lạnh lùng và không có đạo đức.

Kể cả một số bộ phim cận đại hơn cũng rơi vào lối mòn miêu tả phụ nữ châu Á theo một trong hai khuôn mẫu: hoặc là Lotus Blossom, hoặc là Dragon Lady. Trong “Rush Hour 2” (2001), Chương Tử Di thủ vai Hồ Li – tay sai của phản diện chính Ricky Tan. Nhân vật của cô toát ra vẻ nguy hiểm, quyến rũ và đầy tàn nhẫn trong khi những người phụ nữ châu Á khác trong phim toàn là thợ mát-xa nữ, được miêu tả theo khuôn mẫu Lotus Blossom tức yếu đuối và phục tùng (Park, Gabbadon, & Chernin, 2006). Trong “Tomorrow Never Dies” (1997), Michelle Yeoh đóng vai người tình của James Bond và đồng thời là một mật vụ Trung Hoa. Mặc dù có trí tuệ, võ thuật và sắc đẹp, cô vẫn bị mắc kẹt trong hình tượng Dragon Lady vì cô thể hiện sự sắt đá và máu lạnh, như một ví dụ làm nổi bật cặp nhị nguyên đối lập: một phương Đông nguy hiểm, chết chóc và một phương Tây ngây thơ, vô hại (Wang, 2010).

Mặc dù hoàn toàn trái ngược với kiểu mẫu Lotus Blossom, các Dragon Lady không được tôn sùng vì sự mạnh mẽ của họ. Họ được gán cho mác bạo lực và bị tình dục hóa một cách quá quắt. Họ không có sự phát triển tính cách nhân vật nếu là nhân vật phụ và thường bị trừ khử ở cuối phim nếu là nhân vật phản diện. Nói cách khác, phụ nữ châu Á trong khuôn mẫu Dragon Lady thường không được miêu tả như một con người có nhân cách và phẩm hạnh. Họ bị đóng hộp trong một hình tượng cực đoan, nguy hiểm theo một cách bị tình dục hóa. Và điều quan trọng nhất là, họ không sở hữu những yếu tố để được khán giả cảm thông. 

ĐẰNG SAU HÌNH TƯỢNG LOTUS BLOSSOM VÀ DRAGON LADY

Hai hình tượng phổ biến nhất về phụ nữ châu Á trên màn ảnh được ra đời trong bối cảnh căng thẳng sắc tộc và ảnh hưởng của chiến tranh vẫn còn sâu sắc. Chúng là bề nổi của tảng băng chìm mang tên phân biệt chủng tộc và thù ghét phụ nữ – vốn được hình thành và liên tục duy trì xuyên suốt lịch sử nước Mỹ. Đạo luật Nhập cư năm 1875 của Hoa Kỳ đã cấm cửa việc lao động “phương Đông” nhập cư không tình nguyện hoặc nhập cư vì “những mục đích không đúng đắn về mặt đạo đức và dâm dục.” [2] Trên thực tế, chỉ có vế sau của đạo luật được nhấn mạnh và thực thi – dẫn đến việc hầu hết phụ nữ Đông Á không thể nhập cảnh vào Mỹ.

Nancy Wang Yuen – một nhà xã hội học với lĩnh vực nghiên cứu là sự đại diện của người Mỹ gốc Á trong phim Hollywood cho biết: “Những người phụ nữ này được đặc tính hóa như những mầm bệnh tình dục tiềm tàng. Ngoài ra, họ cũng bị lo ngại rằng sẽ ‘dụ dỗ đàn ông da trắng’.” [3] Theo đó, Đạo luật hạn chế nhập cư đầu tiên của nước Mỹ đã củng cố hai khuôn mẫu về phụ nữ châu Á: (i) Họ là gái bán dâm (ii) Họ luôn luôn là những người nước ngoài xa lạ, không hòa nhập được với nước Mỹ. Chưa kể, người Mỹ chiếm đóng đất đai ở châu Á cũng nhiều như cách lính Mỹ chiếm đóng cơ thể của những người phụ nữ nơi đây. Không phải chuyện mới lạ gì rằng phụ nữ châu Á tại vùng chiến sự được coi như một loại tài nguyên tình dục vô hạn. Sự chênh lệch về quyền lực giữa lính Mỹ và những cô gái bán dâm bản địa khiến cho những mối quan hệ này thường mang tính chất bóc lột và thao túng. Tất cả điều này là thực tế – và thực tế thì sẽ được phóng chiếu lên màn ảnh.

Trong bối cảnh lịch sử như vậy, chẳng trách số lượng diễn viên châu Á trên màn ảnh có thể nói là ít ỏi, và những diễn viên châu Á tiêu biểu nhất thì thường thể hiện một trong hai hình tượng Lotus Blossom và Dragon Lady. Bởi lẽ đó, họ cũng phải gánh chịu những chỉ trích từ chính cộng đồng của mình. Trong trường hợp này, những nữ diễn viên như Anna May Wong và Lucy Liu thường xuyên bị chất vấn về lý do họ sẵn sàng nhận những vai diễn với ngầm ẩn sắc tộc và tính dục có hại cho người châu Á.

Tuy nhiên, nền công nghiệp điện ảnh Hollywood bấy giờ đưa ra rất ít lựa chọn về vai diễn cho người châu Á. Chính vì thế, những nữ diễn viên châu Á bị kẹt giữa hai thứ: một là đóng những vai mà Hollywood giao cho, hai là không được xuất hiện trên màn ảnh. Vậy nên, vấn đề không nằm ở việc những nữ diễn viên này thể hiện bản thân theo cách bị tình dục hóa; vấn đề nằm ở những cấu trúc đứng sau mà chủ yếu là truyền thông đã chủ động muốn họ được nhìn nhận như vậy.

Chúng ta có thể thấy điều này trong trường hợp điển hình của Anna May Wong. Mặc dù là một trong những nữ diễn viên nổi tiếng và thành công nhất đầu thế kỉ XX, bà vẫn bị giới hạn trong vai diễn. Anna May Wong từng tâm sự rằng bà không có nhiều lựa chọn, mặc dù bản thân bà cũng mong rằng điện ảnh Mỹ sẽ dừng các khuôn mẫu gây hại về phụ nữ châu Á. Với tư cách là một người gốc Á, bà cũng chịu ảnh hưởng từ bộ luật cấm pha trộn màu da (bản gốc: Anti-miscenegation laws) – một bộ luật nhằm ngăn cản những sự “kết hợp chủng tộc” trong bối cảnh căng thẳng chủng tộc khá gay gắt, đặc biệt là với những mối quan hệ thân mật và tình cảm như yêu đương, kết hôn, v.v. Điều đó khiến cho Anna chỉ được giao cho những vai diễn phụ bên cạnh vai diễn nam chính da trắng, và phần nhiều trong số đó lại rơi vào hai khuôn mẫu Lotus Blossom và Dragon Lady.

Vì vậy, trách nhiệm không nên thuộc về những diễn viên nữ đóng các nhân vật thuộc kiểu hình này. Chưa kể, những diễn viên người Mỹ gốc Á thường không được trao cho các vai diễn của người châu Á. Trong bộ phim “The Good Earth” (1937), người phụ nữ nông dân Trung Quốc O-Ian được thể hiện bởi nữ diễn viên da trắng Luise Rainer. Rainer được trang điểm cho da nhìn vàng hơn và mắt được chỉnh cho nhỏ lại thay vì cho Anna May Wong diễn vai đó (Rajgopal, 2010). Thậm chí, mỉa mai hơn, Rainer còn thắng giải Academy cho Nữ diễn viên xuất sắc nhất với vai diễn O-Ian.

TÁC HẠI CỦA HÌNH TƯỢNG LOTUS BLOSSOM VÀ DRAGON LADY

Mặc dù những khuôn mẫu dành cho phụ nữ châu Á được ra đời và tiếp diễn trên bình diện tinh thần – tức là trong những bộ phim, tiểu thuyết, vở kịch, v.v, chúng vẫn mang lại những ảnh hưởng sâu sắc về mặt văn hóa và cả những tác động ngoài đời thật.

Từ trong phim…

Trước tiên, những hình tượng như Lotus Blossom và Dragon Lady tạo ra những định kiến và hình dung thiếu thực tế về phụ nữ châu Á. Không chỉ về mặt tính cách và cốt truyện, phụ nữ châu Á được miêu tả khác biệt về ngoại hình so với phụ nữ da trắng theo một cách bị tình dục hóa. Họ thường xuất hiện với trang phục bó sát, gợi cảm hoặc trang phục truyền thống được điều chỉnh sao cho phù hợp với nhãn quan nam giới da trắng như sườn xám hoặc kimono bó sát (Paner, 2018). Chẳng hạn, nhân vật Suzie Wong (Nancy Kwan) đã trở thành đối tượng của sự tình dục hóa vẻ đẹp ngoại quốc (Wang, 2010). Ngoài ra, những hành động mà một Lotus Blossom hay Dragon Lady thường làm trong phim ảnh/ tiểu thuyết cũng vô tình được gắn với phụ nữ châu Á nói chung – bất chấp sự thật rằng mỗi người có một tính cách, đặc điểm và nhân dạng khác nhau đến mức không thể bị gộp chung vào những chiếc khuôn cứng nhắc. Tóm lại, những khuôn mẫu kể trên khiến cho phụ nữ gốc Á bị vật hóa, bị liên tưởng với những “gái bán hoa”, bị coi như những đồ vật có thể mua bán, trao đổi, thay vì những chủ thể cần được nghiên cứu, tôn trọng và thấu hiểu.

Tới ngoài đời…

Những khuôn mẫu kể trên ảnh hưởng sâu sắc tới cách phụ nữ gốc Á được nhìn nhận và đối xử trong thực tế. Theo Yuen, hầu hết phụ nữ Đông Á và Nam Á mà bà biết đã từng bị trêu ghẹo và gạ gẫm “lên giường” khi đang đi đường [4] – những cử chỉ quấy rối tình dục gợi nhắc lại cảnh phim nổi tiếng trong “Full Metal Jacket” (1987) của Stanley Kubrick.

Nghiêm trọng hơn nữa, đôi khi cái giá mà những người phụ nữ này phải trả là cả tính mạng. Đầu năm 2021, truyền thông rúng động với vụ xả súng tại một spa làm đẹp tại Atlanta, Mỹ. Thủ phạm đã bắn chết 8 người, 6 trong số đó là phụ nữ gốc Á. Hắn cho biết động cơ sau vụ việc là ham muốn tình dục – thể hiện rằng phụ nữ châu Á đã bị gắn với những khuôn mẫu bị tính dục hóa một cách cuồng loạn. Một báo cáo của Stop AAPI Hate cho thấy rằng trong một vài năm trở lại đây, 65% những tội ác thù ghét chống lại người châu Á được báo cáo bởi phụ nữ. [5] Sau vụ xả súng ở Atlanta, những người phụ nữ gốc Á đã lên tiếng trên mạng xã hội về vấn nạn đối xử với phụ nữ châu Á. Rất nhiều trong số họ bị quấy rối và tấn công tình dục, bị gọi là “China doll” (tên gọi khác của Lotus Blossom), hoặc là đối tượng của trò đùa vô duyên như “five dollah sucky sucky” (ảnh hưởng từ bộ phim “Full Metal Jacket”).

Có thể thấy, những khuôn mẫu này đã từ phim ảnh mà bước ra sống đời sống của riêng chúng.

TẠM KẾT

Tóm lại, điểm chung giữa hai hình tượng Lotus Blossom và Dragon Lady là sự vật hóa và giản lược phụ nữ châu Á theo những hình dung và tưởng tượng nằm ngoài tầm kiểm soát của họ. Khởi đầu với một Lotus Blossom ngây thơ, yếu đuối, phụ thuộc, nhu nhược, ta có một Dragon Lady xinh đẹp, quyến rũ và chết người tiếp nối. Tuy nhiên, hình tượng sau không những không phá bỏ định kiến tạo ra bởi hình tượng trước mà còn đổ thêm dầu vào lửa. Cả hai đều là những bức tranh biếm họa về chủng tộc mà phụ nữ châu Á làm trung tâm.

Tại sao chúng ta cần phải nói về những điều này? Rõ ràng, những ảnh hưởng trong văn hóa đại chúng không tồn tại ở một môi trường chân không mà lan ra cuộc sống hằng ngày. Với làn sóng bạo lực và phân biệt đối xử dâng cao với phụ nữ châu Á, ta có thể hiểu rằng: Chừng nào những khuôn mẫu và hình tượng độc hại còn đang tồn tại, chừng đó đối tượng của chúng vẫn chưa được an toàn.

Tuy nhiên, ta cũng có cơ sở để hi vọng về một tương lai đang khởi sắc. Ngành công nghiệp giải trí đang dần nhận ra họ cần thay đổi, và sự thay đổi đang diễn ra từ từ. Trong hai năm trở lại đây, những tác phẩm như “The Half of It”, “The Farewell”, “Always Be My Maybe”, “Shadow and Bone”, “Never Have I Ever”, “Killing Eve”, v.v, và nổi nhất là bộ ba phim “To All the Boys” đã mang lại làn gió mới cho sự đại diện của phụ nữ châu Á trên màn ảnh. Ta thấy những nhân vật nữ trong các phim kể trên tìm hiểu về tính dục của mình một cách chủ động và lành mạnh. Họ nắm quyền kiểm soát và quyền định nghĩa về tính dục nói riêng và bản thân mình nói chung. Họ được phát triển một cách đầy đủ, toàn vẹn, thể hiện những sự phát triển cảm xúc phức tạp như mọi người bình thường. Và nếu xu hướng này tiếp diễn, ta có thể đảo ngược lại những định kiến và khuôn mẫu để tự vẽ nên câu chuyện của mình.

Đó là những suy nghĩ và góc nhìn của VOGE về hai hình tượng phụ nữ châu Á trên màn ảnh, vậy còn các độc giả của chúng mình thì sao? Đừng ngần ngại cho VOGE biết bạn nghĩ gì ở phần bình luận nhé!

NGUỒN THAM KHẢO:

[1] Marchetti, Gina (1994). Romance and the “Yellow Peril”: Race, Sex, and Discursive Strategies in Hollywood Fiction. University of California Press. ISBN 9780520914629.

[2] Page Act of 1875 – Wikipedia

[3], [4] Atlanta spa shooting suspect’s ‘bad day’ defense, and America’s sexualized racism problem – NBC News

[5] Nearly two-thirds of anti-Asian hate incidents reported by women, new data shows – CBS News

THAM KHẢO THÊM:

1. Here’s how pop culture has perpetuated harmful stereotypes of Asian women (today.com)

2. The Marginalization and Stereotyping of Asians in American Film (dominican.edu)

3. Hollywood continues to sexualize Vietnamese women – Chao Hanoi

4. Asian Women tropes | GD 203 (ncsu.edu)

5. The Evolution of the Asian Heroine in Hollywood – Nerdist