BÌNH ĐẲNG GIỚI VÀ THẾ GIỚI MỚI

Mình có nghe một số lập luận cho rằng nữ quyền hay bình đẳng giới mà phần đa đang hướng tới là có hại cho “bình đẳng giới thực sự”. Theo các ý kiến này, “bình đẳng giới thực sự” là khi các giới tính làm đúng vai trò của mình: phụ nữ nuôi dưỡng, đàn ông chịu trách nhiệm,…

Trước tiên phải nói rằng mình không đồng ý với các ý kiến này. Tiếp theo, dẫu mình biết sẽ có người nghĩ mình giả tạo và cũng có người ý kiến cho rằng mình nịnh bợ cố để được yêu thích hay thậm chí “pick me girl”, hay quen thuộc hơn là nghĩ mình thơ ngây hoặc ngu ngốc, nhưng mình tin rằng những người bày tỏ ý kiến như trên có nhiều người thực sự muốn tốt cho toàn bộ nhân loại. Và vì không biết từng người cụ thể có ý định ra sao, mình sẽ chọn hành xử như thể tất cả đều có ý tốt, vì nó tốt cho sự sống hơn là tin rằng tất cả đều có ý xấu và cũng vì nó chân thực hơn, dẫu ở giữa hiện trạng thế giới này. Có ý tốt tức là gì:

👉 Mong muốn con người sinh tồn tốt nhất có thể để sống lâu, sống khỏe sống vui;

👉 Mong muốn mối quan hệ người-người chan hòa thân ái;

👉 Tin rằng đi theo, làm theo những ý kiến nào đó có thể thực sự có ích cho hai mục tiêu trên (do giới hạn xuất phát lập luận của các ý kiến không trực tiếp nhắc tới mối quan hệ với thiên nhiên, nên mình không nhắc tới).

Thật lòng hy vọng rằng những người tin vào vai trò giới, vào “bản năng” đàn ông, phụ nữ, vào trật tự đàn ông dẫn dắt che chở ra quyết định – phụ nữ chăm sóc nuôi dưỡng, là những người có mong muốn tốt đẹp, niềm tin kiên định, có hành động tôn trọng, thống nhất với niềm tin và giá trị trong lòng. Và họ không có nghĩa vụ phải lắng nghe mình hay cân nhắc về những điều mình nói, cũng không có nghĩa vụ phải dịu dàng trong trao đổi với mình, dù mình biết và tin rằng họ hoàn toàn đủ khả năng và thiện chí từ phía họ để làm điều đó.

Với niềm tin và hy vọng đó, mình xem xét các ý tưởng được họ trình bày với sự tôn trọng và suy xét cẩn thận. Quá trình này không dễ dàng, một phần là vì mỗi lần tiếp xúc với các ý kiến khác chiều, khác nền tảng niềm tin, khác hệ quy chiếu, thì cứ như phải học một ngôn ngữ khác. Một phần khó khăn khác là hình thức trình bày ý kiến của họ làm mình sợ hãi tổn thương nhiều – đọc chúng, nghe chúng khiến mình có cảm giác trong niềm tin của họ, hoặc mình là không được nói, không được lắng nghe, hoặc là không nên nói nói vì theo niềm tin của họ mình không phải là giới tính có thể tư duy logic hay có thể thấu hiểu sự đời. Nhưng mà vì mình nghĩ khác họ nên là, đi qua tất cả những khó khăn đó, mình hiểu rằng niềm tin của mình vững vàng hơn.

Mình tìm thấy một số ý kiến và sẽ trình bày những phản biện của mình trong các ảnh đánh số 1, 2, 3 ở dưới.

LỜI BÌNH MỞ ĐẦU CỦA VOGE

Một số quan điểm cho rằng “bình đẳng giới là bình đẳng về cơ hội.” Theo ý hiểu này, giải quyết bình đẳng giới chỉ dừng lại ở vấn đề cá nhân và chỉ dừng lại ở việc trao cơ hội. Những vấn đề về cấu trúc, tổ chức xã hội hay chất vấn “cơ hội để làm gì? làm như thế nào?” thường bị bỏ qua.

Như vậy, trong bối cảnh xã hội vẫn còn bóc lột kinh tế, áp chế tính dục và phân biệt chủng tộc, co cụm trong “bình đẳng cơ hội” tức là mỗi giới đều “có cơ hội được” bóc lột kinh tế, áp chế tính dục và phân biệt chủng tộc như nhau sao? Hay chúng ta cần phải nhìn cấu trúc giới trong sự đan cài và giao thoa với những cấu trúc xã hội khác như chủng tộc, giai cấp, tính dục…? VOGE nhận thấy, tuy không chỉ mặt điểm tên, tác giả bài viết đã gián tiếp cho thấy điểm yếu của lập luận “bình đẳng cơ hội” trong thúc đẩy bình đẳng giới.

Xin cảm ơn bạn độc giả (xin phép ẩn danh) đã có những quan sát và bình luận sâu sắc, nhân văn về bình đẳng giới; quan trọng nhất là mối liên hệ của bình đẳng giới với một thế giới công bằng, tốt đẹp hơn cho tất cả. Có thể, một số ý kiến sẽ cho rằng bạn độc giả “quá lý tưởng” và “không thực tế”. Bản thân bạn độc giả cũng có phản hồi những ý kiến này trong bài viết.

VOGE chỉ muốn gợi mở thêm hai điểm như sau: (1) những biện pháp mới mẻ, khi được đưa ra, lúc nào cũng sẽ vấp phải những ý kiến nghi ngờ – điều này chưa hẳn là tiêu cực – nhưng cũng không nên hoàn toàn bác bỏ các ý kiến mới mẻ và triệt để này; (2) bạn độc giả đã chỉ ra các nghiên cứu có vai trò nền tảng cho các lập luận và nhận định của bạn, mong rằng chúng ta sẽ dành thời gian để đọc và tìm hiểu thêm các nghiên cứu ấy.

Ngoài ra, VOGE còn biết đến một nghiên cứu của nhà Nhân loại học Carolyn Nordstrom, liên quan đến cấu trúc tạo ra và duy trì chiến tranh. VOGE cho rằng nghiên cứu của Nordstrom có thể làm sáng rõ hơn lập luận 1 của bạn độc giả về thế giới không còn chiến tranh. Các độc giả khác có thể tìm đọc cuốn: “Shadows of War: Violence, Power, and International Profiteering in the Twenty-first Century” nhé.

1 – “Đàn ông là người chịu trách nhiệm, chịu nguy hiểm để bảo vệ vợ con, bảo vệ quốc gia bảo vệ giống loài.”

=>> Ý là đàn ông ra trận trong chiến tranh. Thường đi kèm với câu nói bình đẳng giới có hại vì phụ nữ cũng phải nhập ngũ, ra trận, như vậy phụ nữ là giống nòi gặp nguy hiểm hơn, nhóm con người sinh tồn kém hơn, nên rất đáng quan ngại.

Khi mình đọc, trong đầu mình nảy ra câu hỏi hỏi: “Sao không phải là chấm dứt thế giới thích chiến tranh, hướng đến thế giới mới có khả năng đảm bảo hòa bình dài lâu bền vững, mà lại là nguồn lo sợ xem ai ra trận?” Đừng vội cười, bởi vì nền tảng niềm tin khác nhau, nên mình mới nghĩ điều đó khả thi còn có người thì không.

Mình không lập luận đến việc cuộc sống của con người có nhiều thứ hơn chỉ mỗi duy trì nòi giống, bởi vì câu đó không mấy liên quan. Nếu họ có mối quan tâm lớn về nòi giống đến vậy, mình tôn trọng. Mình chỉ nói rằng cách hiệu quả hơn để bảo vệ nòi giống, là kết thúc hệ thống thế giới tạo ra nguy cơ chiến tranh, đó là giải pháp kiến tạo chủ động hơn là giải pháp tự vệ bắt buộc theo dạng luôn phải chuẩn bị cho chiến tranh vì thế giới hiện tại không coi trọng tình hữu ái.

2 – “Đàn bà không nên đi làm vì tư bản bóc lột, nếu đàn bà đi làm thì tư bản có gấp đôi nguồn lao động, làm cho lương của cả đàn bà đàn ông đều không tăng lên, Tư bản vừa phá hoại gia đình vì không ai chăm sóc con trẻ. Đàn bà ở nhà nội trợ là an toàn, không bị bóc lột.”

Ý này đi kèm phê phán là bình đẳng giới ngày nay bắt phụ nữ phải đi làm, làm phải chịu bóc lột, lại còn khiến đàn ông bị bóc lột tệ hơn nên phải chống lại điều đó bằng cách bảo vệ gia đình, bảo vệ phụ nữ khỏi bóc lột – là cho cô ấy làm nội trợ.

Quan sát của mình là ý này chỉ ra một điều mình đồng ý, là sự bóc lột của tư bản. Sự đi làm này không phải một ảo tưởng tự do lựa chọn như ta thấy trong nhiều diễn giả bình đẳng giới hiện nay, mà là một tính toán có hệ thống của giới chủ để họ hạ giá sức lao động. Bên cạnh đó, một điều mình nhận định khác với ý kiến trên, đó là làm nội trợ thì vẫn bị bóc lột. Mình sẽ để trong bình luận một số tài liệu chứng minh: làm nội trợ + sinh con chính là phục vụ tích lũy tư bản, hay nói cách khác là các hoạt động này đã bị chiếm đoạt – bóc lột “trắng” từ các hoạt động đó mà không trả cho họ một đồng. Khi quy trách nhiệm và thụ hưởng về nội trợ, con cái cho từng gia đình nhân danh bảo vệ gia đình truyền thống, thì tư bản không phải trả chi phí nào cho việc tái tạo sức lao động và sinh sản nguồn lao động mới. Suy nghĩ: “Việc nội trợ và sinh con chỉ có lợi cho riêng gia đình thôi mà” đang làm lu mờ giá trị to lớn của những công việc đó cho tích luỹ tư bản, vì thế thuyết phục chúng ta rằng tư bản không có trách nhiệm gì phải “đền bù”, “bồi đắp” lại cho chúng.”.

Vì thế, co cụm trong nội trợ để trốn nạn bóc lột không khả thi, không hiệu quả. Nếu họ thật sự quan tâm đến bóc lột, thật sự đau xót cho tình cảnh bị bóc lột của con người, có cách khác hiệu quả hơn, thì giải pháp phải là đàn ông và đàn bà đoàn kết lại, bắt hệ thống bóc lột phải trả giá, để có một thế giới mới nơi mà “đi làm” hay nội trợ đều không còn là lao động bóc lột, lao động cưỡng bức nữa, mà thật sự là những lựa chọn cống hiến và xây dựng Bình Đẳng.

3 – “Đàn ông chu cấp và chịu trách nhiệm. Ngày xưa phụ nữ mà phạm tội thì xử phạt đàn ông, bầu cử thì người chồng đại diện cho ý chí cả hai thì là phụ nữ vẫn có quyền bầu đó mà.”

(những ý này họ đưa ra dựa trên luật Couverture)

Mình trích nguyên (kể cả định dạng chữ) từ những người đã đưa ra ý kiến này: “Từ ngàn xưa, đàn ông đã được xác định là người đứng mũi chịu sào. Anh ta phải chịu trách nhiệm và đứng ra giải quyết vấn đề của chính mình và CỦA CẢ NGƯỜI PHỤ NỮ.” Sau đó họ nói “Nhưng nếu các bạn muốn giành được sự tôn trọng của xã hội, các bạn phải học cách chịu trách nhiệm…. như một người đàn ông”.

Tự chịu trách nhiệm là điều bất cứ ai cũng làm được và nên làm mà nhỉ? Mình tìm hiểu thì thấy luật Couverture đó thực ra đã làm phụ nữ biến mất khỏi sự thừa nhận là người trong xã hội, vì họ bị hợp nhất vào người chồng. Ở đây mình bắt gặp một mâu thuẫn: “Phụ nữ không biết chịu trách nhiệm”, rồi lại nói “phụ nữ được quyền bầu cử” nhưng “ý chí của cả hai được đại diện bởi người chồng”. Vậy cuối cùng phụ nữ vẫn không được tự quyết phải không? Những ý kiến này coi phụ nữ là sinh vật không thể chịu trách nhiệm, em không thể tự quyết định. Chủ nghĩa vị nữ và bình đẳng giới chứng minh điều ngược lại, khi chính phụ nữ nói rằng họ có đầy đủ năng lực và phải trả không gian thực hành tự trị cho họ. Nhưng vẫn có những ý kiến kiên quyết không, phụ nữ không biết gì đâu, không hiểu được chính mình đâu, đừng bị dắt mũi huhu, bạn không thể tự trị đâu, không thể được tôn trọng đâu vì bạn không phải là đàn ông – rồi tự gọi đây là bảo vệ phụ nữ, là “bình đẳng giới thật sự”.

Sự tự trị là điều phụ nữ nói riêng và toàn nhân loại nói chung khao khát thực hiện. Nó không phải bị ai tước đi, mà là không thể thực hiện được trong thế giới áp bức có hệ thống và bóc lột liên tục. Sự tự trị bắt đầu bằng việc tin rằng ai cũng là người, đối xử với họ bằng cách nhận ra mọi điều đều có khả năng và cần xây dựng những điều kiện để phát hiện, bồi dưỡng khả năng; chứ không phải là nhất định không để phụ nữ có cơ hội làm, rồi bảo là họ không làm được. Nhất định ảnh chăm chăm vào những yếu kém lịch sử gây ra cho họ, rồi bảo đó là do cá nhân họ kém cỏi ngu si, không chịu nỗ lực, như là nói con người tham lam ngu dốt ích kỷ là bản chất, mà không thấy tất cả những xã hội họ từng chứng kiến trong sử sách đều khiến đa số con người đói khổ lầm than. Không có điều kiện sinh tồn thì làm sao mà nó tự trị, mà đạo đức?

Sự tự trị sẽ không đến nếu để người khác gánh tội thay, gánh trách nhiệm thay và có quyền quyết định thay. Sự tự trị cũng không sống nổi nếu cái đói quyết định hộ, cái bấp bênh kề bên cổ và tha hóa cưỡi lên lưng. Cách duy nhất để phụ nữ bình đẳng, là có sự tự trị này. Không phải vô cớ những người đưa ra ý kiến “Phụ nữ ngây thơ không hiểu về thế giới” lại nói vậy. Trong suy nghĩ của mình, họ nói vậy vì thế giới từ khi có giai cấp, đều xoay quanh đàn ông, bị thiết kế nên bởi đàn ông, bị duy trì bởi đàn ông, bị tồn tại để những người đàn ông chiếm hết tài sản tiếp tục thu lời và mặc kệ cả cả nhân gian chết hết. Không phải không có những phụ nữ gia nhập câu lạc bộ bóc lột và đàn đàn áp này, chỉ là họ bước vào và duy trì một trật tự bất lương đã được hàng ngàn thế hệ đàn ông xây dựng, vì trước đây chỉ đàn ông mới sở hữu tài sản, thậm chí chỉ đàn ông mới là “người’ trong luật ở nhiều nơi, còn đàn bà là “tài sản” hay “phụ thuộc”.

Nhưng một thế giới như thế, thơ ngây trước nó, chối từ nó và tin vào sự thay thế nó chỉ có gì tội lỗi? Không muốn vận hành như nó thì sai sao? Chúng ta nhất định là phải tin rằng có những người là phụ thuộc, là tài sản của người khác thì mới được ư? Chúng ta nhất định phải chống lại nhau, đánh nhau, dẫm đạp lên nhau, gằm ghè quyền tự trị của nhau mới được ư? Không, những người bị áp bức, chịu bóc lột chối từ cái thế giới kinh hồn đó. Và đoàn kết tìm lại sự tự trị cho tất cả những người bị áp bức chính là con đường xây dựng thế giới mới, bất kể giới tính, tính tính dục hay bản dạng.

Hiện tại chúng ta đều không có sự tự trị đầy đủ, dù chỉ tính riêng về mặt xã hội. Chúng ta vẫn chịu chi phối điều khiển của hàng hóa, của giành giật sự sống dù của cải làm ra đã thừa mứa đủ nuôi cả nhân loại. Sự tự trị khuyết thiếu của đa số đàn ông hiện tại so với sự tự trị thiếu vắng của đàn bà, chỉ là ảo tưởng để che đi sự thật là là đa số chúng ta đều chưa có tự do, chưa thể thực sự “lựa chọn”. Sự che đậy đó là để đàn ông sợ hãi rằng phụ nữ tự trị khiến đàn ông thành nô lệ, để đàn ông chống lại sự phát triển ý thức về tự trị của phụ nữ. Ngày xưa có giáo viên từng phân tích với mình là vì sao có mẹ chồng cay nghiệt con dâu trong xã hội cũ được phản ánh vào văn học, là vì bà ấy bị cả xã hội đè ép không thể kháng cự, nên bà mới đè ép con dâu, người duy nhất yếu thế hơn mình. Xã hội có giai cấp đã khiến cho đàn ông ở giai cấp bị trị thành ra như vậy, thành những người chỉ có thể cảm thấy an toàn và được lắng nghe khi bắt nạt, đè ép được ai đó khác. Ai đó ở đây là những “tài sản mới được công nhận là người” cách đây vài trăm năm. Ai đó ở đây là những người mang xu hướng tính dục, bản dạng giới không quen thuộc với trật tự mà những kẻ thống trị đã thiết lập. Thay vì biến thành những người vì sợ hãi mà đàn áp kẻ yếu hơn, những người bị áp bức nên nhận ra đâu mới là điều đang giới hạn sự tự trị của mình và đoàn kết lại xây dựng thế giới mới không có áp bức không còn bóc lột, có tự trị trọn vẹn cho mỗi người.

Tạm kết

Mình nhận thấy những người mang ý nghĩ 1, 2, 3 ở trên họ muốn đàn ông đàn bà sống hòa hợp, chứ không muốn đoàn kết đàn ông đàn bà để thay đổi hiện thực, để dẹp bỏ tư bản bóc lột mà chính họ nói ra – vì họ tin rằng đây là hiện thực tốt nhất rồi, thị trường tự do là nhất, tư bản bóc lột vẫn là nhất so với bất cứ khả năng nào khác. Còn rất nhiều những lập luận khác xoay quanh những điều này, ví dụ như là “nam nữ trời sinh đã khác nhau”, “bản năng các giới tính khác nhau”,… nhưng mình chỉ trích 3 lập luận tiêu biểu và chỉ ra điểm chung của các lập luận đã, chưa được nhắc đến thôi.

Ý kiến của mình và các ý kiến trên rất khác nhau, bởi vì toàn bộ hệ thống nền tảng niềm tin của chúng mình khác nhau. Mình nghĩ rằng những ý kiến 1) 2) 3) ra đời như một sự phản ứng lại với hiện thực hiện tại bất công, trong trạng thái nhận định rằng con người bất lực – là con người không nên và không thể thay đổi hiện thực này. Họ nói muốn tìm về những gì quen thuộc và thoải mái, rằng như thế sẽ tốt hơn, sẽ đúng “bản năng của mỗi giới tính”, và như thế, cuộc sống dễ dàng và có trật tự hơn. Song song với đó mình cũng nghĩ, nếu những ý kiến này đến từ những kẻ thống trị, những người có tất cả của cải và quyền lực, và không có một nỗi bấp bênh gì trong cuộc đời, thì đó là do họ lo sợ mất đi tất cả những đặc quyền của bản thân đó thôi.

Còn niềm tin của mình là có hiện thực khác tự do, bình đẳng, yêu thương và tự trị hơn tất cả những hiện thực từng đi qua, và chúng ta hoàn toàn có thể đi đến đó. Chúng ta chính là những người sẽ tranh đấu cho nó, sẽ xây dựng được nó. Tất nhiên sẽ cần rất đoàn kết, rất nỗ lực mới đến được đó. Nhưng như đã nói, nó khó không phải là để thôi không làm, mà cần quyết tâm xây dựng từng bước thực tiễn để có thế giới đẹp tươi như thế. Và khác với cái “ bình đẳng giới là đàn ông chịu trách nhiệm vì phụ nữ không thể” của họ, mình biết mỗi người đều có thể làm những việc để xây dựng nên thế giới mới này.

Nếu bạn quan tâm trao đổi thêm với mình nhé!

📌 Góc độc giả #VOGEReaders là nơi các độc giả của VOGE có thể cùng lên tiếng vì cộng đồng và chia sẻ góc nhìn, quan sát của bạn về bình đẳng giới.

📌 Đăng tải bài viết/sản phẩm truyền thông của bạn tại chuyên mục Góc độc giả #VOGEReaders bằng cách gửi về hòm thư [email protected] hoặc gửi tin nhắn Facebook trực tiếp.

❤ Bài viết là góc nhìn, quan sát và trải nghiệm của độc giả gửi về. Mong mọi người đọc, cân nhắc và phản hồi với sự tôn trọng. Bài viết không hoàn toàn thể hiện quan điểm của VOGE.

❤ Ảnh minh hoạ lấy cảm hứng từ game Journey.