PHỤ NỮ LAO ĐỘNG & SỰ ÁP CHẾ TÍNH DỤC: TỪ BÀI “THÁI BÌNH DƯƠNG” CỦA RAPPER J JADE

“Mẹ ơi, con yêu mẹ rất là nhiều và bài này là con dành tặng cho mẹ” – đó là chia sẻ của nữ rapper J Jade về bài “Thái Bình Dương” mà cô đã sáng tác và đem đến vòng chinh phục của chương trình R.V. vào ngày 30/10/2021.

“Thái Bình Dương” có thể được coi là một sản phẩm mang tính “vị nữ” – khi người nữ viết về người nữ với những nỗi trăn trở về thân phận của họ, xen lẫn tình yêu thương và mong muốn thoát khỏi những bất công. Bài rap đặt góc nhìn, cảm xúc và trải nghiệm đặc trưng của người nữ làm trung tâm, đặt người nữ làm chủ thể để nói lên tâm tư và kể lại cuộc sống của chính họ. Từ góc nhìn của một người con gái kể về mẹ mình, “Thái Bình Dương” khắc hoạ nỗi niềm và cuộc sống của một người phụ nữ lao động, một người mẹ đơn thân đã phải đối mặt với rất nhiều bất công, định kiến và bạo lực giới.

Trái với nhận định trong chương trình lẫn phổ biến trong cộng đồng, câu chuyện được mô tả qua “Thái Bình Dương” không phải là một trường hợp “đặc biệt” chỉ tồn tại ở một nhóm thiểu số xa xôi nào đó. Chuyện phụ nữ lao động, mẹ đơn thân và những định kiến, bạo lực giới luôn thuộc danh sách những vấn đề trọng yếu cần giải quyết trong thúc đẩy bình đẳng giới, nâng cao chất lượng cuộc sống và quyền tự chủ của phái nữ. Qua bài viết này, hãy cùng VOGE bóc tách một vài khía cạnh vị nữ trong bài “Thái Bình Dương” và cùng liên hệ nó đến hiện trạng chung nhé!

“HAI VẠCH, LỰA CHỌN TỪ BỎ HAY GIỮ LẠI?”, “LỜI ĐỒN THẤT THIỆT LÀM MẤT VIỆC” – TÍNH DỤC & PHỤ NỮ LAO ĐỘNG

Xuyên suốt bài hát là hình ảnh người phụ nữ trải qua rất nhiều sóng gió một mình: từ gây dựng sự nghiệp, sinh đẻ cho đến chăm sóc, nuôi dưỡng con. Không đơn thuần là hình ảnh một người phụ nữ lao động, câu chuyện còn cho thấy tính chất của sự lao động ấy khi tổng hoà với trải nghiệm đặc trưng của phụ nữ: sự bấp bênh về kinh tế, mất cân bằng quyền lực kinh tế – xã hội và áp chế tính dục(*) của phụ nữ.

“18 tuổi bước ra khỏi cửa nhà và lập nghiệp
Đôi vai trầy xước làm nên tất cả rồi sập tiệm
Hai mùa mưa nắng lúc nắng lúc mưa lúc mưa lúc nắng á
Hai bàn tay trắng lúc thắng lúc thua, lúc thua, lúc thắng”

Theo báo cáo tháng 3/2021 của Tổ chức Lao động Quốc tế [1], tỷ lệ phụ nữ Việt Nam tham gia lao động cao đáng kể – 70,9% phụ nữ Việt Nam trong độ tuổi lao động tham gia lực lượng lao động (tỷ lệ toàn cầu là 47,2% và tỷ lệ ở Châu Á – Thái Bình Dương là 43,9%). Mặc dù số lượng cao, tính chất lao động và vị thế của phụ nữ trong lao động lại rất chênh lệch với nam giới – phản ánh những thiết chế và khuôn mẫu đang hạn chế khả năng của phụ nữ. Chẳng hạn, phụ nữ có xu hướng tham gia khu vực kinh tế phi chính thức cao hơn nam giới – những nghề nghiệp không được bảo vệ, đối mặt với tình trạng nghèo đói và rủi ro nghề nghiệp lớn. Lao động nữ có mức thu nhập thấp hơn nam giới, trong khi số giờ làm giữa hai giới tương đương và lao động nữ cũng không đảm nhiệm nhiều vị trí ra quyết định so với nam giới.

“Chợt chuyển dạ một cách bất ngờ
Bởi vì không ai bên cạnh làm sao giờ?
Mình phải gọi 115 ngay bây giờ
Mẹ tự ký giấy cam kết trong phòng chờ
[…] Lời đồn thất thiệt làm cho mất việc rồi thất nghiệp
Cuộc đời chết tiệt nhưng vẫn quyết liệt và bất diệt
Chọn một cuộc sống luôn luôn tất tả và vất vả
Vì không hề muốn cuối cùng tất cả đều mất cả”

Khoản 3, điều 155 Bộ Luật Lao động năm 2012 nêu: Người sử dụng lao động không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với lao động nữ vì lý do kết hôn, mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp người sử dụng lao động là cá nhân chết, bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết hoặc người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động” [2].

Tuy luật pháp Việt Nam đã quy định như trên, thực tế vẫn có doanh nghiệp và sử dụng lao động chưa tuân thủ quy định, hoặc chỉ tuân thủ quy định trên bề mặt trong khi có những thực hành, lý luận mang tính rào cản với lao động nữ mang thai/có con nhỏ. Chẳng hạn, thay vì lý do mang thai/có con nhỏ, doanh nghiệp sẽ lấy lý do khác để chấm dứt hợp đồng với lao động nữ có thai/có con nhỏ – như “doanh thu giảm”, “công ty tư nhân nên không có bảo hiểm xã hội”… [3] Thêm vào đó, khi mất cân bằng quyền lực, sự bấp bênh và vị thế thấp của lao động nữ còn tồn tại, họ rất khó có khả năng và cơ hội sử dụng luật pháp/dịch vụ công để đòi lại công bằng cho chính bản thân mình – đặc biệt khi phải chống lại người sử dụng lao động, những người có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến cơ hội việc làm và “miếng cơm manh áo” của họ trong hiện tại và cả tương lai.

Khi phụ nữ tham gia lao động, họ chịu nhiều thiệt thòi về mặt kinh tế – xã hội: công việc bấp bênh/vị thế thấp, bị hạn chế tiếp cận – sử dụng cơ hội và thụ hưởng thành quả, bị các thiết chế kinh tế áp chế tính dục, luôn phải phân vân và bị bắt buộc lựa chọn/cân bằng giữa gia đình hoặc sự nghiệp. Thế nhưng, cũng chính sự kết hợp giữa các thiết chế kinh tế này với các yếu tố văn hoá – xã hội đã và đang áp chế tính dục của phụ nữ khiến công việc nội trợ, làm vợ – làm mẹ ngày càng nặng nề, không được tôn trọng và hỗ trợ đúng mực. Trong khi đó, chính các thiết chế kinh tế – xã hội ấy có thêm lợi nhuận cũng nhờ sự bấp bênh/vị thế thấp của lao động nữ (có khả năng trả lương thấp, cam kết an sinh xã hội thấp), và nhờ công việc chăm sóc gia đình, sinh sản và nuôi con của phụ nữ (có nguồn nhân công chất lượng lẫn nguồn tiêu thụ hàng hoá lâu dài).

“LÀM MẸ ĐƠN THÂN SAU NÀY CÓ AI TRÁCH?”, “BAO NHIÊU HỦ TỤC CŨNG CAM CHỊU” – ĐỊNH KIẾN CŨ, HÌNH THÁI MỚI?

“Và có nhiều lúc tinh thần đã rất suy sụp
Cố tập làm quen với tất cả các định kiến
Tự hỏi tại sao cuộc đời cứ thích quy chụp
Khó khăn cứ thế càng ngày càng tịnh tiến”

Như nói trên, bên cạnh những yếu tố quyền lực xã hội và các thiết chế kinh tế, sự ngại ngùng khi nói về tính dục nói chung và sự vô hình hoá, áp chế tính dục của người nữ nói riêng trong văn hoá – đời sống, cũng làm nặng nề thêm bất công, bạo lực và định kiến giới. Phụ nữ lao động đặc biệt chịu sự trói buộc bởi những khuôn mẫu văn hoá như “thiên chức của phụ nữ là làm mẹ, làm vợ”, lối tư duy “tam tòng tứ đức”, “công dung ngôn hạnh”, “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”, “đàn bà hơn nhau ở tấm chồng” và thậm chí “đàn bà đái không qua ngọn cỏ” [4].

Để thoát ra khỏi những khuôn mẫu trong văn hoá – đời sống, nhiều người tin rằng tự chủ tài chính và thành công trong sự nghiệp là con đường giải thoát. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện đại hoá và kinh tế thị trường như hiện nay, sự tham gia tích cực của phụ nữ trong lao động không thể chắc chắn là dấu hiệu của bình đẳng giới hay công bằng với phụ nữ – khi những vấn đề của thiết chế kinh tế, mất cân bằng quyền lực xã hội vẫn còn tồn đọng và ngày càng khắc nghiệt hơn, như phần trước đã miêu tả. Những vấn đề đó cho thấy hiện đại hoá và kinh tế thị trường không hiển nhiên dẫn đến giải phóng phụ nữ hay thúc đẩy bình đẳng giới, mà cần nhiều sự nỗ lực, cam kết và soi chiếu hơn để không tái sản xuất hoặc làm nặng nề hơn những bất bình đẳng giới đang tồn tại – dưới các hình thức mới hơn, dưới lớp vỏ bọc “hiện đại” và “văn minh”.

TẠM KẾT: “CHÂN YẾU TAY MỀM CŨNG CAM CHỊU”?

Có chăng, sự yếu đuối của phụ nữ không hề là một sản phẩm của tự nhiên, càng không phải là thứ không thể thoát khỏi. Người phụ nữ lao động, gầy dựng sự nghiệp, một mình sinh đẻ và nuôi con, đương đầu với nhiều bất công và định kiến, vượt qua nhiều tủi nhục và cực khổ – làm sao có thể là “chân yếu tay mềm”?

“Bao nhiêu hậm hực cũng cam chịu, bao nhiêu bực tức cũng cam chịu
Nhiều lúc bất lực cũng cam chịu
Bao nhiêu hủ tục bao năm tủi nhục ‘Chân yếu tay mềm’ vẫn cam chịu
Hí hà hí Hục, lục đà lục đục. Một thân một mình” vẫn cam chịu
[…] Nằm trong bệnh viện, chấp tay cầu nguyện
Nó đã sẵn sàng và nó hứa sẽ vững vàng
Chỉ mong mọi chuyện sẽ được toại nguyện
Mẹ đã sẵn sàng và mẹ hứa sẽ vững vàng.”

Phụ nữ trở thành “nhóm yếu thế” không phải vì bản năng bất lực và nhu mì – có chăng đó là do chúng ta đã dạy những người phụ nữ “phải” như vậy, cùng với những thiết chế kinh tế – xã hội áp chế tính dục của người nữ và hạ thấp, vô hình hoá khả năng cũng như những đóng góp của họ. Hiểu được điều này, VOGE mong rằng chúng ta sẽ cùng xây dựng một xã hội tôn trọng đúng mực quyền sinh sản, tính dục và sức lao động của người phụ nữ, nhìn nhận đủ những đóng góp của phụ nữ ở cả mảng công lẫn mảng tư. Có như thế, chúng ta mới có thể phá bỏ những khuôn mẫu, định kiến hạn hẹp và có thể xây dựng lại các cấu trúc hiện nay, xoá bỏ sự áp bức lao động lẫn áp bức sinh sản với phụ nữ.

Nguồn tham khảo:

(*) Định nghĩa tính dục: năng lực giới tính, thể chất, tâm lý và sinh dục, bao gồm mọi thứ từ giới tính về mặt sinh học, bản dạng giới, khuynh hướng tính dục (dị tính, đồng tính hay song tính…), những ham muốn cho đến việc mang thai và sinh sản. Đọc thêm tại đây:

Áp chế tính dục là khi những điều trên bị vô hình hoá, bị ép buộc/kiểm soát bởi người khác, bị đè nén bằng những hình thức khác nhau.

[1] Tóm tắt nghiên cứu Giới và thị trường lao động ở Việt Nam

[2] Mang thai & quyền lợi lao động:

Chấm dứt hợp đồng lao động đối với phụ nữ có thai: Bị phạt tới 20 triệu đồng

Mang thai trong thời gian thử việc có bị đuổi việc?

Bị đuổi việc khi mang thai: Quyền lợi của lao động nữ ở đâu?

[3] Một số ví dụ thực tế:

Có thể kiện công ty vì bị sa thải khi đang mang thai?

Có bị đuổi việc khi đang mang thai? Điều kiện sa thải lao động nữ nuôi con nhỏ

[4] Đọc thêm về các định kiến với mẹ đơn thân:

Chuyện những bà mẹ đơn thân

Xin đừng để người mẹ đơn thân bị tổn thương