— bell hooks (25/09/1952 – 15/12/2021) —

“Rõ ràng nhiều phụ nữ đã chiếm dụng nữ quyền để phục vụ mục đích của riêng họ, đặc biệt là những phụ nữ da trắng tiên phong của phong trào; nhưng thay vì buộc bản thân phải chấp nhận sự chiếm dụng này, tôi chọn định nghĩa lại thuật ngữ ‘nữ quyền’, để chỉ ra trọng tâm của từ ‘nữ quyền’ một cách thực chất nghĩa là mong muốn giải phóng tất cả mọi người, cả nữ giới và nam giới, thoát khỏi các khuôn mẫu vai trò giới mang tính phân biệt, khỏi sự thống trị và đàn áp.”

— bell hooks, trích từ cuốn sách “Ain’t I A Woman: Black Women and Feminism” năm 1981.

“Nữ quyền là phong trào nhằm chấm dứt phân biệt giới tính, sự bóc lột và áp chế trên cơ sở giới.”

— bell hooks, trích từ cuốn sách “Feminist Theory: From Margin to Center” năm 1984.

CUỘC ĐỜI VÌ NỮ QUYỀN DA MÀU, TÌNH YÊU & HY VỌNG

Đã viết và xuất bản hơn 30 đầu sách, bell hooks cống hiến đời mình để nghiên cứu và phát triển nhiều lập luận sắc bén, sát thực tế, đóng góp to lớn cho phong trào nữ quyền. Bà có tên thật là Gloria Jean Watkins, nhưng lấy bút danh là bell hooks để bày tỏ sự tôn kính, tưởng nhớ đến người bà của mình – Bell Blair Hooks. Bà chọn không viết hoa bút danh bell hooks, nhằm gửi thông điệp đến mọi người rằng nên tập trung vào những lập luận và ý tưởng của bà thay vì tập trung vào bản thân bà.

Ngày 15/12/2021, bell hooks đã qua đời tại Kentucky, khi bà 69 tuổi. Là một giáo sư, tác giả sách, nhà thơ, nhà lý luận và nhà hoạt động xã hội, bell hooks đã miệt mài cống hiến cho phong trào nữ quyền, đặt nền móng và phát triển nữ quyền da màu; viết về sự giao thoa giữa chủng tộc, chủ nghĩa tư bản và giới; phân tích sự giao thoa ấy có khả năng sản xuất và củng cố thêm những cấu trúc mang tính đàn áp, bóc lột; nhấn mạnh vai trò của cộng đồng và sự chữa lành trên con đường xây dựng xã hội công bằng.

Để tưởng nhớ bell hooks, đúng như mong muốn của bà lúc sinh thời, hãy cùng VOGE điểm qua một số đầu sách và ý tưởng của bà nhé!

bell hooks là ai?

Gloria Jean Watkins (bút danh bell hooks) sinh vào ngày 25/09/1952 tại một thị trấn nhỏ của Kentucky. Tại thời điểm đó, thị trấn nơi bà sinh ra bị phân cách trên cơ sở chủng tộc và gia đình của bà thuộc tầng lớp lao động người Mỹ gốc Phi. Bố của bà làm lao công và mẹ làm giúp việc cho những gia đình da trắng. Khi bà đi học, trường học cũng bị phân cách trên cơ sở chủng tộc. Năm 1973, bà tốt nghiệp Cử nhân tại Đại học Stanford. Năm 1976, bà tốt nghiệp Thạc sỹ tại Đại học Wisconsin-Madison. Khi đó, năm bà 24 tuổi, bell hooks đang trong quá trình viết cuốn sách “Ain’t I a Woman: Black Women and Feminism.” Cuốn sách đã được xuất bản vào năm 1981.

ain’t I a women – black women and feminisim

Được xuất bản vào năm 1981, cuốn sách “Ain’t I a Woman: Black Women and Feminism” tìm hiểu tác động của phân biệt chủng tộc lẫn phân biệt giới tính lên phụ nữ da màu. Trong cuốn sách, bell hooks chỉ trích những nhà hoạt động nữ quyền da trắng đã bỏ quên thực trạng cuộc sống và nhu cầu của người da màu – vì thế củng cố sự phân biệt giới tính, chủng tộc và giai cấp. Bên cạnh đó, bà chỉ ra những khuôn mẫu giới đan xen khuôn mẫu chủng tộc đã hạ thấp tính nữ của phụ nữ da màu, trở thành sự bạo biện cho các hành vi tấn công tình dục phụ nữ da màu.

Kimberlé Crenshaw, người đã tạo ra thuật ngữ “nữ quyền giao thoa” (intersectional feminism), đã nói về bell hooks: “Cô ta thật sự dũng cảm khi đã viết ra giấy những suy nghĩ thầm kín của rất nhiều người chúng tôi.”

feminism is for everybody

Phản đối những quan điểm chống đối nữ quyền, trong cuốn sách này, bell hooks nhấn mạnh vai trò của hiểu biết liên ngành và học về lịch sử nữ quyền để có thể tiếp tục đấu tranh nữ quyền một cách hiệu quả hơn. Cuốn sách đặc biệt hướng tới những độc giả tin rằng phân biệt giới tính không còn tồn tại nữa và phụ nữ đã đạt được bình đẳng rồi.

feminist theory – from margin to center

“Bên lề” (margin) là cụm từ bell hooks dùng để miêu tả phụ nữ da màu – những người có cuộc sống và nhu cầu thường bị vô hình hoá trong xã hội Mỹ. Trong cuốn sách này, bà nhấn mạnh sự cần thiết của các lý thuyết cân nhắc đầy đủ yếu tố chủng tộc, giới và giai cấp. Ở chương 1 của cuốn sách, bell hooks nhận định “The Feminine Mystique” của Betty Friedan là phiến diện trong các miêu tả hiện thực cuộc sống của những người phụ nữ.

where we stand: class matter

Từ những soi chiếu và trải nghiệm của chính bản thân trong cuộc sống lẫn sự nghiệp, bell hooks nhấn mạnh yếu tố giai cấp – đan xen yếu tố chủng tộc – trong xã hội. Trong khi vấn đề chủng tộc được đề cập và thảo luận rất nhiều, vấn đề giai cấp lại chưa được chú tâm và nhìn nhận đúng mực.

all about love – NEW VISIONS

Xuất bản vào năm 2000, cuốn sách All about Love nói về các mối quan hệ lãng mạn trong xã hội đương đại, được viết kết hợp giữa trải nghiệm cá nhân và các góc nhìn tâm lý, triết học. bell hooks nhận định rằng người đàn ông trong văn hoá Mỹ trải qua quá trình xã hội hoá và điều kiện hoá để không tin/không đề cao giá trị và sức mạnh của tình yêu. Trong khi đó, phụ nữ thì được xã hội hoá để tin vào những giá trị ngược lại. Qua đó, bà gợi ý một số cách để có thể phá bỏ những khuôn mẫu giới và giá trị truyền thống, vốn đề cao cái tôi cá nhân, sự thống trị, tính hung hăng và kiểm soát.

Tình yêu, hy vọng, sự chữa lành và tính cộng đồng còn là chủ đề mà bell hooks thường tìm hiểu trong một số cuốn sách khác như: “Communion: the female search for love”, “Teaching community: a pedagogy of hope”, “The will to change: men, masculinity, and love”

Các bạn biết đến và yêu thích những cuốn sách/câu trích dẫn nào của bell hooks nữa? Hãy chia sẻ cho VOGE và mọi người cùng biết nhé!

Tham khảo thêm:

📌 Feminism is for Everybody

📌 MSNBC đưa tin: bell hooks dies after a career of shaping a feminism Black women could embrace

📌The Guardian đưa tin: bell hooks, author and activist, dies aged 69

📌 New York Times đưa tin:

bell hooks, Pathbreaking Black Feminist, Dies at 69

In Praise of bell hooks