SERIES “NAM TÍNH – CĂN TÍNH?”

“Tiền lương chú bao nhiêu? Có đủ lấy vợ không?”

“Đàn ông mà không uống được rượu là vứt!”

“Đàn ông con trai mà khóc lóc?!”

“Sao mày ốm yếu thế? Chẳng có cơ bắp gì cả.”

“Đồ simp!” …

PHẦN 1 – NAM TÍNH: TRỜI TÍNH HAY… AI TÍNH?

Nam giới – tuy có những đặc quyền nhất định trong xã hội [1] – nhưng vẫn bị ảnh hưởng tiêu cực bởi định kiến giới, bạo lực giới và các cấu trúc bất bình đẳng giới khác. Chính những đặc quyền đã và đang cản trở nam giới nhìn nhận đúng mực về bất bình đẳng giới nói chung và các định kiến giới nói riêng. Khi đối mặt với định kiến giới, nam giới thường tự đổ lỗi cho bản thân “chưa đủ tốt”, “không thể là một người đàn ông đúng nghĩa”, mặc kệ hoặc thậm chí bất mãn với các phong trào xã hội. Nhiều quan điểm còn cho rằng đàn ông thời nay đang bị “nữ tính hoá”, rằng “nam tính đang rơi vào khủng hoảng” – và nguyên nhân của hiện tượng này lại là… các phong trào bình đẳng giới.

Trăn trở về những điều trên, VOGE xin giới thiệu đến độc giả chuỗi bài viết gồm tổng cộng ba bài – mang tên “Nam tính – Căn tính?” – nhằm bóc tách và đi tìm câu trả lời cho câu hỏi “Liệu nam tính có phải là căn tính?” “Căn tính” nghĩa là bản tính con người, mang hàm ý sinh ra đã có và là đặc trưng của một cá nhân, một nhóm hoặc một cộng đồng nào đó. Chẳng hạn, “nam tính” thường được dùng để phân biệt với “nữ tính.”

Nam tính có phải là căn tính không? Rốt cuộc, “nam tính” là gì? Nam giới có phải sinh ra đã có nam tính, hay do ảnh hưởng từ môi trường xung quanh? Nam tính có phải luôn bất biến trong dòng chảy lịch sử? Trong bài viết mở đầu series này, hãy cùng VOGE bóc tách khía cạnh đầu tiên của nam tính: cơ sở sinh học và văn hoá xã hội.

NAM GIỚI & NAM TÍNH, LÀ HAI HAY LÀ MỘT?

Hai từ “nam giới” và “nam tính”, nhìn qua thì rất giống nhau, tuy nhiên về mặt ý nghĩa lại có khác biệt:

👉 Nam giới: (1) là người có hệ thống sinh dục nam, tuyến nội tiết nam và nhiễm sắc thể XY hoặc (2) là những người có bản dạng giới là nam, tức là những người tự nhận định mình là nam, bất kể giới tính sinh học là gì(*).

👉 Nam tính: hành vi xã hội cụ thể hoặc những truyền thống liên quan đến việc đàn ông nên cư xử thế nào và vị trí của họ trong mối quan hệ với các giới khác. Cũng như nữ tính, nam tính cũng có nhiều dạng, thay đổi qua thời gian cũng như thời kỳ [1.1, nghiên cứu SCDI].

Theo nghiên cứu mang tên “Hiểu về nam tính: văn hóa, chính sách và thay đổi xã hội”, “nam giới thường cảm thấy nam tính là cái gì đó nằm sẵn trong người mình và càng lớn thì nó càng lộ rõ. Tuy nhiên nam tính không phải là tố chất mà mọi người đàn ông đều có mà là những suy nghĩ, quan điểm về việc nam giới nên hành xử ra sao.” [1.2, trang 16]

TRĂM NĂM TRĂM CÕI NGƯỜI TA, NAM TÍNH VẪN LÀ NAM TÍNH?

Trong nghiên cứu “Understanding Men: Gender Sociology and the New International Research on Masculinities”, Robert W. Connell chỉ ra: “Những nhà sử học và nhân chủng học đã chứng minh rằng không có một hình mẫu nam tính thống nhất. Những nền văn hóa khác nhau, và những thời điểm lịch sử khác nhau sẽ xây dựng nên một kiểu nam tính khác nhau.” [2.1]

Nếu hình ảnh nam tính hiện đại gắn với quần áo tối màu và giày da thì giày cao gót và tất trắng bó sát từng là biểu tượng “menly” ở châu u – vua Louis XVI còn có cả một bộ sưu tập giày cao gót gắn lông đỏ. Nếu ở thời hiện đại, váy là đặc trưng cho nữ tính thì trước đây váy là trang phục phổ biến cho nam giới. Các binh lính La Mã mặc váy, đàn ông Trung Quốc có áo choàng, Việt Nam có áo giao lĩnh và Nhật Bản thì có kimono. [2]

Trong nghiên cứu sử dụng phương pháp dân tộc ký (ethnography) của nhà Nhân học David D. Gilmore – mang tên “Manhood in the Making” – ông tìm hiểu khái niệm “nam tính” qua tập tục văn hoá và các nghi thức trưởng thành của các cậu bé tại nhiều cộng đồng khác nhau. Tuy ông nhận thấy có 3 đặc tính chung khá phổ biến trong khái niệm “nam tính”: bảo vệ, có nhu cầu tình dục cao và là người chu cấp [2.2], ông nhấn mạnh vai trò của văn hoá xã hội trong việc hình thành những đặc tính ấy. Ngay từ đầu cuốn sách, ông đặt câu hỏi: “Tại sao các bé trai và nam thiếu niên thường bị ‘thử thách’ hay ‘nhồi nhét tư tưởng’ trước khi chúng được trao thưởng sự trưởng thành?” (Why are boys and youths so often tested or indoctrinated before being awarded their manhood?) Ở chương cuối của cuốn sách, ông còn viết về một số ngoại lệ – những cộng đồng ở Đông và Nam Á với quan niệm rất khác về nam tính. Tại đó, quan niệm chung của xã hội về tình dục không ủng hộ sự phóng túng và chủ nghĩa cá nhân không được đề cao, thế nên quan niệm về “nam tính” cũng không mang tính quá dũng mãnh, không phóng túng về tình dục và cũng không yêu cầu phải vượt qua thử thách, tranh đấu để đạt được sự trưởng thành như một số cộng đồng khác.

Trong một nghiên cứu khác về những người đàn ông và nam tính ở một số tộc người tại New Guinea (1935), nhà Nhân học Margaret Mead ghi nhận bộ tộc Tchimbuli cho rằng đàn ông chăm con giỏi hơn, thích ngồi “bà tám” hơn và cũng quan tâm đến quần áo vào trang sức hơn. Với những người đàn ông bộ tộc Tchimbuli, một ngày được đi mua sắm là một ngày hạnh phúc [2.3]

CÒN CƠ SỞ SINH HỌC CỦA NAM TÍNH?

Có những khác biệt sinh lý không thể phủ nhận giữa nam và nữ. Tuy nhiên những đặc điểm “nam tính” được xem là phổ biến như mạnh mẽ, nghĩ lớn, ít nói, chu cấp, nhu cầu tình dục cao liệu có liên quan gì đến yếu tố sinh học không?

Một số quan niệm cho rằng testosterone hình thành các đặc điểm “nam tính” trên. Còn phụ nữ vì nhiều estrogen nên có tính cách ủy mị, yếu đuối hơn, tạm gọi là “nữ tính”. Sinh học (cụ thể là testosterone) vẫn phần nào ảnh hưởng đến việc hình thành những xu hướng, hành vi và đặc điểm “nam tính”, đặc biệt ở trẻ nhỏ. Nhưng trên thực tế, nam và nữ đều có cả hai hormone testosterone và estrogen, với nồng độ và chu kỳ khác nhau. Các hormone này cũng không bất biến mà còn tăng hay giảm, nhiều hay ít tùy từng cá nhân, lối sống, tuổi tác và thời điểm. Nghiên cứu của Sapolski (1998) chỉ ra khi giận dữ, mức testosterone sẽ tăng cao [3.1]. Nghiên cứu của Alice Eagly, Anne Beall và Robert Sternberg cũng chỉ ra rằng hàm lượng estrogen có xu hướng tăng lên khi đàn ông lớn tuổi hơn. Tuy testosterone và estrogen có một phần định hướng hành vi và mong muốn của con người, nghiên cứu này cũng chỉ ra các hormone này có “activational effect” ở não bộ của người trưởng thành – những tác động mang tính tạm thời, quyết định mức độ hormone của một người ở một thời điểm nhất định, có thể thay đổi hoặc đảo ngược tùy vào thời điểm. Nói cách khác, ở não bộ người trưởng thành, các tác động của hormone không vĩnh cửu và mang tính lâu dài, “tự nhiên” như quan niệm phổ biến [3.2].

Với hormone estrogen, theo nghiên cứu của Eagly, Beall và Sternberg, nó không quy định những xu hướng, hành vi và đặc điểm “nữ tính” như quan niệm phổ biến – estrogen phát huy vai trò của nó khá trễ so với testosterone: giúp người phụ nữ phát triển ngực và các đặc trưng sinh dục. Theo The New York Time: “ Vì chúng ta được tiếp xúc với những khuôn mẫu giới từ rất sớm nên rất khó xác định sinh học ảnh hưởng bao nhiêu và môi trường xã hội ảnh hưởng bao nhiêu đến việc hình thành nên sự “nam tính”. Nhưng, phần lớn nghiên cứu đều đồng tình, văn hóa xã hội ảnh hưởng rất lớn đến việc hình thành “nam tính”. ”

Ví dụ, khi một đứa bé trai và một bé gái khóc. Bé gái có thể được vỗ về và hỏi han, nhưng bé trai thì lại nghe những câu như “con trai sao lại khóc”, “đồ yếu đuối”, “đồ đàn bà”. Dần dần, đứa bé trai sẽ nghĩ, thì ra con trai không nên khóc – từ đó bé không khóc nữa, ít thể hiện cảm xúc hơn. Việc nữ khóc nhiều hơn nam, nguyên nhân là do tuyến lệ của nữ phát triển hơn hay do nam giới được mặc định là người không được khóc? Hay do vì nữ được khuyến khích bộc lộ cảm xúc nên qua thời gian, tuyến lệ mới phát triển hơn? Văn hóa, bối cảnh lịch sử đóng một vai trò vô cùng quan trọng, khó có thể tách khỏi quá trình hình thành nam tính.

NAM GIỚI VIỆT – NAM TÍNH VIỆT?

Trong dòng chảy lịch sử, định nghĩa “nam tính” Việt cũng không ngừng biến đổi. Nếu đàn ông thời đại trước để tóc dài búi củ tỏi, củ hành thì nam giới Việt hiện đại ưa chuộng tóc ngắn. Nếu nam giới Việt thời phong kiến mặc giao lĩnh, mặc áo dài thì nam giới hiện đại ít khi mặc áo dài, và dường như không còn mặc áo giao lĩnh nữa.

Hành vi, vai trò của người nam trong mối quan hệ với các giới khác cũng thay đổi liên tục. Thời phong kiến, tiêu chuẩn nam tính là “tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”, đòi hỏi người nam làm trụ cột gia đình, là lao động chính trong nhà, là đại diện cho gia đình trước pháp luật và khi thờ cúng tổ tiên, phải mạnh mẽ, khí phách, quật cường, người quân tử phải “trung quân – ái quốc.” Đến thời cận đại và trong hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ, những đặc tính trên vẫn phần nào được xem trọng, tuy vậy vai trò lao động chính và thờ cúng tổ tiên dần được chuyển sang vai trò của phụ nữ, những người ở hậu phương lao động sản xuất và chăm lo cho các thành viên còn lại. Những tính cách mềm mại hơn của “người quân tử” như sự nhã nhặn, bình tĩnh, thanh cao, am hiểu thi từ, ca phú dường như không được đề cao nữa. [4]

Bước vào thời hòa bình, cải cách và Đổi Mới, khuôn mẫu “nam tính” ấy lại thay đổi cùng với sự thay đổi của bối cảnh xã hội. Hình tượng “nam tính” mềm mại hơn, chăm chút hơn đang dần được đề cao trong một xã hội không còn chiến tranh và đang tiếp nhận những quan niệm đa dạng hơn về nam tính. Những người đàn ông biết làm việc nhà, biết nấu ăn trở thành một điểm cộng lớn, thay vì quan niệm “chuyện bếp núc chỉ của đàn bà”. Những khuôn mẫu “nam tính” cũ đang dần bị lung lay như một lẽ tất yếu trước sự thay đổi của thời cuộc [4].

PHẦN 2: BÀN VỀ NAM TÍNH BÁ QUYỀN (HEGEMONIC MASCULINITY)

Ở phần 1, chúng ta đã bóc tách hai khía cạnh thường được cho là cấu thành nam tính: sinh học và văn hoá-xã hội. Qua đó, ta thấy được vai trò quan trọng của văn hoá xã hội trong việc hình thành, duy trì và thay đổi định nghĩa “nam tính.” Vì thế, nam tính không phải là một định nghĩa/quan niệm bất biến mà trên thực tế đã, đang và sẽ tồn tại rất nhiều “nam tính” khác nhau. Thậm chí, khái niệm “nam tính” có thể đa dạng và linh hoạt đến mức trong tương lai chúng ta sẽ không cần dùng đến nó để miêu tả nam giới nữa.

Ấy vậy, có một nghịch lý rất lớn: giữa những đa dạng và linh hoạt trong thực tế cuộc sống thì vẫn tồn tại một vài định nghĩa “nam tính” phổ biến trong tư tưởng và thực hành xã hội của nhiều người, nhiều thực thể xã hội. Những định nghĩa đó thường được số đông đồng tình là “phù hợp”, “đáng kỳ vọng”, “đáng mơ ước” và “lý tưởng.” Những định nghĩa đó vẫn xuất hiện ở rất nhiều nơi, dưới nhiều hình thức: trong quảng cáo những sản phẩm cho nam, trong nhiều bộ phim bom tấn, những kỳ vọng (và áp lực) phổ biến của gia đình lên con trai, trong những chương trình truyền hình về hẹn hò, trong văn hoá công sở, trong phân công lao động…

Chẳng hạn, trong các quảng cáo, nhân vật nam thường có cơ bắp, sáu múi (về ngoại hình), với tư thế đứng vững chãi, cứng cáp và khuôn mặt tự tin, quyết đoán (về phẩm chất), hoặc thực hiện những hoạt động mang tính bảo vệ, chu cấp, mạo hiểm và vượt lên thử thách (về phẩm chất và vai trò giới). Những quảng cáo sản phẩm cho nam cũng thường có yếu tố tình dục hoá phụ nữ và thể hiện ham muốn chinh phục của người nam (trong quan hệ với những giới khác) [1].

Khái niệm “nam tính” này trở nên phổ biến và có sức nặng như thế cũng chính nhờ sự đồng thuận và thỏa hiệp của phần lớn xã hội, len lỏi vào thói quen hành vi lẫn tư duy của số đông và nhiều cấu trúc xã hội khác – đó chính là “nam tính bá quyền” (hegemonic masculinity).

Thế “nam tính bá quyền” là gì và làm sao để hiểu, sử dụng cụm từ đó một cách phù hợp? “Nam tính bá quyền” có liên hệ thế nào với bất bình đẳng giới? Nó giống hay khác với “nam tính độc hại”? Mối quan hệ giữa “nam tính bá quyền” và “nữ tính bá quyền” ra sao?

“NAM TÍNH BÁ QUYỀN” & LIÊN HỆ VỚI BẤT BÌNH ĐẲNG GIỚI

👉 Thuật ngữ “nam tính bá quyền” (hay cũng có thể gọi là “tính nam bá quyền”) được biết đến qua các nghiên cứu của nhà xã hội học Raewyn Connell (Đại học Sydney, Úc) [2].

👉 Bà Connell nhận định rằng mặc dù trên thực tế “nam tính” có sự đa dạng và thay đổi qua không gian và thời gian, thế nhưng không phải định nghĩa nam tính nào cũng có vị thế ngang bằng nhau trong xã hội. “Nam tính bá quyền” là hình mẫu người đàn ông lý tưởng trong một xã hội phụ quyền: về ngoại hình, phẩm chất lẫn trong mối quan hệ với những giới khác – như những ví dụ đã nêu ở trên. Nó là tập hợp các thực hành xã hội mang tính giới có tác dụng duy trì quyền lực của người nam đối với người nữ, và bảo tồn cấu trúc phụ hệ qua những thiết chế công cộng và thiết chế văn hoá [3].

👉 “Nam tính bá quyền” chính là sản phẩm của chế độ phụ quyền – đặt nam giới làm trung tâm và lý tưởng hoá/cường điệu hóa những đặc tính được cho là của người nam. Từ đó, nó cũng là tác nhân củng cố chế độ ấy theo ba cách sau: (1) áp chế những thể hiện, bản dạng giới đa dạng và những tính dục khác, (2) hạ thấp tính nữ và duy trì quyền lực của người nam lên người nữ, và (3) hiện nay, khi cụm từ “nam tính bá quyền” dần trở nên phổ biến và ý nghĩa bị thay đổi, nó có thể trở thành công cụ lề hoá nam giới ở những nhóm yếu thế khác.

(1) “NAM TÍNH BÁ QUYỀN” VS. NAM TÍNH THỨ CẤP

Khi một số đặc tính được được xem là chuẩn mực và lý tưởng cho nam giới, tất yếu sẽ có những biểu hiện, hành vi và tư tưởng bị coi là “lệch chuẩn”, “trái tự nhiên.” Đó chính là bất bình đẳng giới – khi “nam tính bá quyền” vô hình hoá và áp chế những bản dạng giới, thể hiện giới đa dạng khác vốn đã tồn tại từ lâu trong xã hội tại nhiều thời điểm và địa điểm khác nhau, như trong phần 1 đã chỉ ra.

Connell chỉ ra rằng những người đồng tính nam thường là mục tiêu bị nam tính bá quyền áp chế vì tính dục của họ lẫn niềm tin “đồng tính sẽ có xu hướng nữ tính” – Connell đặt tên cho nhóm bị nam tính bá quyền áp chế là “nam tính thứ cấp” (subordinate masculinity). Người đồng tính nam bị cho rằng không phù hợp với “chuẩn mực” của nam tính bá quyền trên khía cạnh thể hiện giới, tính dục lẫn trong mối quan hệ xã hội với những giới khác. Chính điều đó gây ra việc không công nhận đúng đắn, phân biệt đối xử và thậm chí miệt thị người đồng tính nam. Trong nhóm “nam tính thứ cấp”, Connell cũng nhận thấy có những nhóm nam giới khác, thường bị xã hội gán cho những cái tên như “đầu to mắt cận”, “chàng trai của mẹ”, “wimp”… – tựu trung lại là nam giới với những đặc điểm mà xã hội cho là “nữ tính.”

Theo Connell (2005, trang 79 – 81), số lượng đàn ông thật sự thực hành và tuân thủ đúng “chuẩn mực” của nam tính bá quyền có thể khá ít trong xã hội. Thế nhưng quyền lực của nam tính bá quyền không đến từ số lượng người thực hành nó, mà nằm ở tính chuẩn mực, sự đồng thuận của nhiều người, của nhiều thực thể/thiết chế xã hội với định nghĩa nam tính ấy – bất chấp họ có thực hành nó hay không, có tuân thủ đúng hay đạt được những chuẩn mực ấy hay không.

Khi chúng ta lý tưởng hoá, cường điệu hoá một số đặc tính được cho là của riêng “nam giới”, sự khắt khe và rập khuôn đó không chỉ gây bất lợi và tổn hại đến những người đồng tính, chuyển giới, queer mà ngay cả những người nam dị tính, hợp giới cũng có thể bị ảnh hưởng vì không thể tự do biểu đạt tâm tư, cảm xúc, suy nghĩ cá nhân hay phải cứng nhắc tuân thủ những chuẩn mực thiếu thực tế, vật hoá người nam. Điều này đưa sự chú ý của chúng ta tới tính liên tầng trong quá trình xây dựng bình đẳng giới: bất bình đẳng giới không phải là vấn đề duy nhất, mà cấu trúc bất bình đẳng giới còn đan xen với cấu trúc tầng lớp xã hội và dân tộc.

(2) NAM TÍNH BÁ QUYỀN VS. NAM TÍNH LỀ HOÁ

Trong nghiên cứu của bà, Connell cũng nhấn mạnh rằng cần nhiều nghiên cứu mang tính địa phương và cụ thể hơn, vì quan niệm “nam tính” còn tùy thuộc vào yếu tố lịch sử, xã hội và văn hoá bản địa – rất khó có thể khái quát hoá trong một lý thuyết hay cấu trúc giới duy nhất [4, trang 831]. Theo Connell: “Sự đan xen của cấu trúc giới với những cấu trúc khác, như giai cấp và dân tộc, tạo thêm nhiều mối quan hệ giữa các nam tính khác nhau.” (The interplay of gender with other structures such as class and race creates further relationships between masculinities – 2005, trang 80).

“Nam tính lề hoá” chính là tên Connell đặt cho nhóm nam tính khi tổng hoà với những bất bình đẳng cấu trúc khác – chẳng hạn như “nam tính” của nhóm dân tộc thiểu số, “nam tính” của tầng lớp lao động. Một ví dụ bà đưa ra là “nam tính” của người châu Phi thường bị cường điệu hoá và quy chất hoá với sự bạo lực, cứng cáp – vì thế vật hoá đàn ông châu Phi thành công cụ/nguồn gốc của bạo lực, củng cố bất bình đẳng sắc tộc và duy trì quyền lực của người da trắng bằng cách định nghĩa “nam tính” của người da trắng là văn minh, hiện đại và tích cực hơn.

Không đâu xa, nhiều nghiên cứu tại bối cảnh Việt Nam đã cho thấy định nghĩa “nam tính bá quyền” đang gây tổn hại cho đàn ông tầng lớp lao động nhiều hơn đàn ông trung và thượng lưu. Tại xã hội Việt Nam đương đại, khả năng chu cấp tài chính và có sự nghiệp vững chắc vẫn là hai yếu tố rất quan trọng trong định nghĩa “nam tính.” Trong nền kinh tế thị trường ngày càng phát triển và cạnh tranh căng thẳng, hai yếu tố này càng được nhấn mạnh hơn. Tuy nhiên, khi khoảng cách giàu – nghèo, áp lực tài chính và cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường ngày càng tăng mạnh, nam giới càng chịu nhiều áp lực để chứng minh được sự “nam tính” của mình và đáp ứng các kỳ vọng văn hoá-xã hội [5]. Hiện tượng tương tự cũng đã xảy ra ở những nước khác với các quan niệm giới tương tự Việt Nam, như Trung Quốc và Hàn Quốc [6].

Tuy có những tác động tiêu cực nhất định, cấu trúc giới vẫn đặt người nam làm trung tâm của ý thức hệ và các đặc điểm được xem là “nam tính” nhìn chung vẫn được đề cao hơn “nữ tính.” Chính “nghịch lý” này khiến nam giới chưa có cái nhìn đầy đủ và đúng mực về thúc đẩy bình đẳng giới tại Việt Nam. Khi “nam tính bá quyền” đang lung lay và bị chỉ trích, một số cá nhân có thể cảm nhận chủ quan rằng bình đẳng giới đang cố lấy đi sự “nam tính” của họ hay của những người đàn ông xung quanh họ – vì thế họ muốn bảo vệ “nam tính bá quyền” ấy.

Góc nhìn trên quên mất rằng thúc đẩy bình đẳng giới không hướng đến việc ép buộc một vài cá nhân phải sống theo quy chuẩn về giới nào đó – dù là mạnh mẽ hay mềm mỏng, thể hiện bản thân ra sao, giai cấp, sắc tộc, bản dạng giới hay xu hướng tính dục nào, tất cả đều có quyền là chính mình, có quyền được đối xử công bằng và bình đẳng. Sự đa dạng, linh hoạt và thay đổi trong định nghĩa “nam tính” đã và đang tồn tại như một hiện thực xã hội không thể né tránh – nên việc bảo vệ “nam tính bá quyền” thực chất không phải là bảo vệ nam tính hay nam giới, mà chỉ đang bảo vệ cấu trúc quyền lực tạo ra và duy trì bất bình đẳng giới mà thôi. Trong cấu trúc ấy, như phần 2 đã phân tích, ai cũng có thể bị tác động tiêu cực – mà đặc biệt nhất là những nhóm thiểu số và yếu thế trong xã hội.

Hiểu được sự đa dạng, linh hoạt của “nam tính” cũng như sự đan xen của nhiều cấu trúc bất bình đẳng khác nhau, chúng ta cần phân biệt giữa “nam tính bá quyền” (thuật ngữ trong nghiên cứu về giới) và “nam tính độc hại” (“toxic masculinity”, một khái niệm mới hơn trong văn hoá đại chúng và đã dần được sử dụng trong nghiên cứu). Theo nhà xã hội học Carol Harrington, diễn ngôn về “nam tính độc hại” không nên được sử dụng để hiểu về cấu trúc giới, vì nó mang hàm ý cá nhân hoá và trong lịch sử đã trở thành công cụ tấn công nhóm nam giới bị lề hóa. Vì thế, những diễn ngôn ấy không thể dẫn đến bình đẳng giới theo hướng cấu trúc mà còn khắc sâu hơn bất bình đẳng giới lẫn các bất bình đẳng cấu trúc khác như giai cấp và chủng tộc [7].

(3) NAM TÍNH BÁ QUYỀN VS. NỮ TÍNH (BÁ QUYỀN?)

Bên cạnh áp chế và lề hoá những “nam tính” khác, “nam tính bá quyền” tạo ra và duy trì quyền lực của người nam lên người nữ nói chung, lên “nữ tính” nói riêng. Quan niệm cho rằng nam giới có những tính chất nhất định và nữ giới có những tính chất nhất định không chỉ mang tính quy chụp, hạn chế sự tự do lựa chọn và khả năng phát triển, mà nó còn là nguồn gốc của việc đặt “nam tính” – “nữ tính” lên một bàn cân mà ở đó “nam tính” được đề cao hơn.

Trong rất nhiều bài viết trước đây của VOGE, chúng mình đã chỉ ra vô số ví dụ thực tế ngay tại Việt Nam về việc xem trọng “nam tính” hơn “nữ tính”, cũng như những phát ngôn và hành vi áp đặt “nữ phải thế này, nam phải thế kia” [8]. Chẳng hạn, trong bài viết “Đánh ghen & chuyện đồ đàn bà” (đăng ngày 20/09/2020), VOGE đã lấy ví dụ lời bình luận của một biên tập viên so sánh việc đánh ghen của những quý ông (được mô tả là “công khai và sòng phẳng”) với việc đánh ghen của những quý bà (mô tả là “lén lút” và “bất ngờ”). Bài viết “Đừng sống như cái đồ đàn bà” (đăng ngày 27/08/2020), VOGE cũng đã chỉ ra sự sai lầm và tiêu cực của lối tư duy “đồ đàn bà” – “giống đàn bà thì có gì mà xấu?”

Sự phân chia hệ nhị nguyên nam – nữ đang bỏ quên những nhóm đa dạng khác, áp đặt/hạn chế con người trong nhiều khía cạnh và đang duy trì quyền lực xã hội của người nam. Quyền lực xã hội ấy không chỉ có những biểu hiện cá nhân, trong đời sống hàng ngày mà còn có những biểu hiện mang tính cấu trúc hơn: trong niềm tin phổ biến, các diễn ngôn, văn hoá và đời sống công sở, thị trường lao động, chính sách công và quản lý nhà nước [9]. Chẳng hạn, những công việc được xem là “của nữ” thường là những công việc lương thấp, có vị thế thấp, đơn giản và bấp bênh – không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp bắt buộc [10]. Nhiều quan niệm hiện nay vẫn cho rằng nữ giới không thể hoặc không phù hợp tham gia công việc lãnh đạo hoặc tham gia chính trị.

“Nữ tính bá quyền” (hegemonic femininity), tương tự với khái niệm “nam tính bá quyền”, là những đặc điểm mà xã hội gán là đặc trưng của nữ giới và được nhiều người, nhiều thiết chế xã hội đồng ý, thoả hiệp. Khi khái niệm “nữ tính bá quyền” dần trở nên phổ biến, cùng với sự xuất hiện của cụm từ “nam tính độc hại”, chúng ta thường đánh đồng “nữ tính bá quyền” với “nữ tính độc hại.” Tương tự với việc sử dụng “nam tính độc hại”, sử dụng cụm từ “nữ tính độc hại” cũng có những tiêu cực riêng của nó: (i) làm thay đổi ý nghĩa của thuật ngữ, hướng sự chú ý của chúng ta khỏi tính cấu trúc và chỉ tập trung công kích cá nhân, (ii) ngầm cho rằng “nữ tính bá quyền” có vị thế tương đương với “nam tính bá quyền” – điều này không đúng, vì như bài đã phân tích thì “nam tính” và “nữ tính” thật ra không hề được nhìn nhận ngang bằng nhau trong xã hội. Việc ngầm cho rằng “nam tính” và “nữ tính” đã có vị thế bằng nhau không chỉ sai thực tế, mà còn vô tình phủ nhận sự thống trị của nam tính trong văn hoá xã hội, làm chệch hướng quá trình thúc đẩy bình đẳng giới.

PHẦN 3: NAM TÍNH BÁ QUYỀN TRONG XÃ HỘI VIỆT NAM

Ở bài viết trước thuộc series Nam tính – Căn tính, VOGE đã đề cập đến định nghĩa “tính nam bá quyền” trong tương quan tác động/bị tác động với xã hội. Qua đó ta thấy được mối liên hệ của khái niệm này với vấn đề bất bình đẳng giới.

Những năm qua, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có bước phát triển về vấn đề bình đẳng giới trong khu vực. Tuy nhiên, TS. Khuất Thu Hồng – Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển xã hội cũng chỉ ra vấn đề: Quá trình thực hiện Chiến lược dường như đang “bỏ quên” đối tượng nam giới khi họ cũng đang phải đối mặt với nhiều vấn đề do ảnh hưởng của lao động di cư, biến đổi khí hậu, sức khỏe tâm thần trước áp lực của cuộc sống, già hóa dân số, v.v… (theo “Báo cáo Giới thiệu về các mục tiêu trong Chiến lược quốc gia về BĐG giai đoạn 2015-2020”)

Khi các cấu trúc văn hóa, kinh tế và xã hội đang thay đổi, điều đó có ảnh hưởng đến nam giới và nam tính như thế nào? Sau khi đã nắm vững bản chất và các lý thuyết của nam tính, trong phần cuối cùng của series “Nam tính – Căn tính?”, hãy cùng VOGE đi vào liên hệ thực trạng các quá trình cụ thể tại Việt Nam đã thay đổi “tính nam bá quyền” như thế nào nhé.

(1) CHÂN DUNG NGƯỜI ĐÀN ÔNG ĐÍCH THỰC THEO QUAN NIỆM VĂN HÓA VIỆT NAM

Như đã phân tích trong bài 1 của series, hình ảnh người đàn ông nam tính trong lý tưởng thường được xem là một khuôn mẫu nhất quán và không thay đổi. Nhưng R. W. Connell chỉ ra trong nghiên cứu “Understanding Men: Gender Sociology and the New International Research on Masculinities” rằng: “Những nhà sử học và nhân chủng học đã chứng minh rằng không có một hình mẫu nam tính thống nhất. Những nền văn hóa khác nhau, và những thời điểm lịch sử khác nhau sẽ xây dựng nên một kiểu nam tính khác nhau” [1].

Xét ở thời trung đại, hiện đại tại Việt Nam, nam giới giữ vị trí quan trọng trong dòng tộc, phụ trách việc thờ phụng tổ tiên, nối dõi tông đường. Nhưng ở thời cổ đại, công việc này không phải là trách nhiệm riêng của bất kỳ ai. Việt Nam trước khi tiếp nhận tư tưởng Nho giáo là một xã hội theo chế độ mẫu hệ. Nhưng hệ thống làng xã tự trị với quy mô nhỏ lẻ, linh hoạt, tính chất mở trong gia đình và tính cộng đồng trong đời sống tâm linh mang lại sự tự do, tách biệt trong trách nhiệm của mỗi cá nhân. Mỗi người đều phải có trách nhiệm với tổ tiên và gây dựng, bảo vệ làng xã chứ không riêng gì nam giới hay phụ nữ. [2]

Trong 1000 năm Bắc thuộc (111 trước Công Nguyên đến 938 sau Công Nguyên), Việt Nam đã ảnh hưởng ít nhiều bởi Nho giáo. Nho giáo được cho là hệ tư tưởng có tác động lớn đến xã hội Việt Nam trong một thời gian dài, là nền tảng đạo đức giáo dục, kinh tế, luật pháp, văn hóa, văn học trong các triều đại Lý, Trần, Lê, Nguyễn. Ảnh hưởng sâu sắc của Nho giáo đối với Việt Nam đã xếp Việt Nam vào các nước ảnh hưởng nền Văn minh Trung Hoa gọi là Vùng văn hóa Đông Á [3].

Trong cuốn Lý thuyết hóa nam tính Trung Quốc: Xã hội và giới tính ở Trung Quốc, Kam Louie đã chỉ ra định nghĩa về nam tính của Trung Quốc với mô hình văn – võ. Mô hình Văn – Võ hay quan chế quan quan văn – quan võ này cũng tồn tại trong các triều đại quân chủ tại Việt Nam. “Văn” là hình mẫu những người đàn ông tinh thông văn chương, thi phú, sử sách. Ngược lại, “võ” là mẫu đàn ông thuộc về chiến trường, binh đao, tinh thông võ nghệ, sức khỏe cao cường [4]. Ở thời điểm đó, trang nam nhi chân chính phải là người văn võ song toàn. Tuy nhiên, ít ai có thể đáp ứng toàn vẹn cả hai phương tiện đó. Vậy nên, khuôn mẫu nam tính ngầm dịch chuyển theo bối cảnh chung của xã hội và cách định nghĩa của cấu trúc quyền lực. Ở thời bình, khuôn mẫu “văn” được trọng dụng, văn chương thi phú cũng là nội dung thi cử, khoa bảng chình nhằm chọn ra quan, trạng giúp nước sau này. Đến thời loạn, hình mẫu nam tử hán võ biền khỏe mạnh, can trường lại có phần được trọng dụng hơn.

Trải qua thời kỳ thuộc địa và hai cuộc chiến tranh, hình ảnh người đàn ông nam tính lại thay đổi khi tiếp nhận những quan niệm Tây phương – được khắc họa một cách rõ ràng qua hình ảnh của những nam tài tử điển trai, thân hình khỏe mạnh, sáu múi, tính cạnh tranh và tự do cá nhân cao, phóng túng về tình dục. Chúng ta vẫn thấy những ảnh hưởng đó tại thời điểm hiện nay, qua những diễn ngôn hiện đại được truyền thông sử dụng như “X-men đàn ông đích thực”, “chuẩn men” đang dần làm sâu sắc thêm hình ảnh đàn ông nam tính “chuẩn mực”: thân hình vạm vỡ, khỏe mạnh, dũng cảm, gan dạ, gánh vác gia đình, kinh tế giỏi, có kinh nghiệm “giường chiếu”,..

Dù là thời nào đi nữa, nam tính trong lý tưởng có thể là một khuôn mẫu nhất quán. Trên lý thuyết nó phù hợp và phục vụ hệ giá trị, cấu trúc xã hội hài hoà. Nhưng cần đặt câu hỏi: các khuôn mẫu ấy trong thực tế có nhất quán, khả thi và đem lại ổn định xã hội hay không? Mỗi con người tồn tại là một cá nhân độc lập, cá biệt; bối cảnh và quan hệ xã hội vốn cũng không thống nhất mà rất phức tạp, đa chiều. Không phải ai cũng đạt được hay có nhu cầu đạt được khuôn mẫu ấy, không phải trong bối cảnh nào cũng cần những khuôn mẫu ấy. Trong khi đó, khuôn mẫu lại thường do những người có quyền lực tạo ra, những người nắm giữ vật chất và có tiếng nói để định nghĩa văn hoá/cấu trúc xã hội, phục vụ lợi ích nhất định của tầng lớp nhất định. 

(2) ÁP LỰC VÔ HÌNH CỦA NAM GIỚI HIỆN ĐẠI

Hình thái xã hội mới tạo ra những thực hành xã hội mới nhưng dựa trên các quan niệm cũ. Lộ trình của người đàn ông thành công thời nay thường sẽ theo mô hình: lương ngàn đô, làm quản lý, tậu xế sang, mua nhà lầu, cưới vợ đẹp. Tuy thực hành cụ thể ở thời nay có thể khác thời xưa, nhưng vẫn có những điểm tương đồng cơ bản: thời nào thì người đàn ông cũng phải gánh trên vai trách nhiệm dẫn dắt, chu cấp và đại diện gia đình. Các chuẩn mực nam tính lý tưởng hoá, cường điệu hoá quá mức trong văn hoá – xã hội, khi kết hợp với tính bóc lột và cạnh tranh trong hệ thống kinh tế tư bản, có thể gây rất nhiều tác động tiêu cực cho nam giới, đặc biệt là nam giới thuộc tầng lớp lao động.

Tiêu chí hình mẫu “nam tính chuẩn mực” quá khắt khe và cứng nhắc khiến không ít người cảm thấy bị áp lực. Trong đó, tài chính là một trong những thước đo để đánh giá nam giới [5]. Theo nghiên cứu “Nam giới và nam tính trong một Việt Nam hội nhập” của Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội ISDS thực hiện năm 2020, có 3% số nam giới tham gia khảo sát trả lời rằng họ từng có ý định tự tử. Trong nhóm nam giới ở độ tuổi 18 đến 29 tuổi, con số này tăng lên đến 5,4% (tỷ lệ cao nhất) [6]. Đây là độ tuổi bắt đầu lập nghiệp, không tránh khỏi áp lực. Hơn nữa, theo khảo sát, nam giới ở những khu vực đô thị, càng cạnh tranh gắt gao thì càng phải chịu áp lực lớn hơn nam giới ở khu vực nông thôn. Thực tế này có vẻ tương đồng với những số liệu của Ngân hàng Thế giới đưa ra năm 2020, cho thấy tỉ lệ tự sát ở nam giới Việt Nam là 10,9/100.000 người, trong khi ở phụ nữ chỉ khoảng 3,7/100.000 người[7].

Nam tính qua quá trình đổi mới đất nước cũng như hội nhập quốc tế đã có nhiều thay đổi và có phần đa dạng hơn so với trước đây. Nhưng trong tư tưởng/ý thức nhiều người vẫn cho rằng nam tính chuẩn mực phải là khoẻ mạnh, nắm quyền và chu cấp cho gia đình; nếu đàn ông làm nội trợ, rửa bát, quét nhà là thiếu nam tính. Theo mô hình vai trò giới: sản xuất, tái sản xuất, cộng đồng; vai trò tái sản xuất: sinh con, chăm sóc sức khỏe gia đình, nấu ăn, dọn dẹp, giặt giũ,… để phục vụ cho hoạt động sản rất quan trọng nhưng không tạo ra thu nhập và trở thành “công việc không lương” [8]. Đa số phụ nữ và trẻ em gái buộc phải chịu trách nhiệm chính trong vai trò này trong khi đây là trách nhiệm của cả tất mọi giới trong việc sản xuất dân số và nguồn lao động.

Thực tế hiện nay, số lượng phụ nữ tham gia vào quá trình sản xuất nhiều hơn, tạo ra của cải vật chất cho gia đình. Nhưng nhiều nam giới vẫn cho rằng đàn ông là phải nắm quyền quyết định cho dù phái nữ có kiếm được nhiều tiền hơn đi chăng nữa. Khi đó, chính nam giới đang tự ép mình theo khuôn mẫu và chịu thêm áp lực. Nhất là trong khoảng thời gian dịch bệnh hoành hành, kinh tế đảo lộn, nhiều người rơi vào tình trạng thất nghiệp, không ít nam giới nhận hết trách nhiệm gánh vác gia đình lên vai mình, dễ cảm thấy bản thân kém cỏi, vô dụng. Suy nghĩ ấy dẫn đến những thực hành độc hại như nghiện rượu, hút thuốc, xu hướng bạo lực và bạo hành gia đình ở nam giới, đặc biệt là trong thời gian dịch bệnh.

(3) TRẠNG THÁI LẠC LÕNG CỦA NAM GIỚI & HÀNH VI CHỐNG ĐỐI NỮ QUYỀN

Khi phong trào vị nữ phát triển, có rất nhiều nghiên cứu về phụ nữ và tính nữ được triển khai. Đây là điều dễ hiểu bởi họ là nhóm yếu thế, bị lịch sử bỏ quên trong quá khứ. Nhưng điều này vô tình khiến những nghiên cứu về nam giới trở nên thiếu hụt, khiến người đàn ông cảm thấy lạc lõng, bị độc ác hoá, bị áp đặt và khó kết nối với xã hội hơn. Phong trào vị nữ có thể làm cho một bộ phận nam giới cảm thấy lạc lõng, nhưng góc nhìn/cảm xúc của bộ phận này chưa toàn diện và không sát thực tế vì phong trào vị nữ không “đạp đổ” nam giới như họ nghĩ.

Cảm giác lạc lõng của nam giới còn đến từ một nghịch lý: nam giới có những đặc quyền trong khía cạnh văn hoá – xã hội. Nam giới được coi là chủ gia đình, tiếng nói có sức nặng hơn, có quyền làm chủ cuộc sống cá nhân, cơ thể và hành vi bản thân. Nhưng khi cấu trúc xã hội đang thay đổi rất nhanh, họ không có những kỹ năng phù hợp để thích ứng với xã hội như sự linh hoạt, kiên nhẫn, khéo léo, nhẹ nhàng, tinh thần hợp tác trong tính cách, khả năng tự chăm sóc bản thân (nấu nướng, dọn dẹp nhà cửa…), sự tự do bộc lộ cảm xúc – những kỹ năng rất cần thiết trong cuộc sống hiện nay.

Nam giới bị đóng khung trong hình ảnh mạnh mẽ, buộc họ không được cho phép bản thân dễ dàng bộc lộ cảm xúc cá nhân ra bên ngoài, tạo kết nối xã hội và linh hoạt trong công việc/cuộc sống – khiến áp lực càng khó giải tỏa và ngày càng chống chất. Chính trị không còn nhiều đặc quyền cho riêng nam giới khi phụ nữ dần được ủng hộ tham gia vào các vị trí lãnh đạo quan trọng. Tất cả những điều ấy dẫn tới hành vi chống đối nữ quyền, phủ nhận khả năng của nữ giới. Nó như một cơ chế phòng vệ tiêu cực của nam giới trước trạng thái lạc lõng, mất kết nối xã hội. Tuy nhiên, chủ nghĩa vị nữ không nhằm chống đối hay tước đi cơ hội của nam giới. Bởi mục đích của chủ nghĩa nghĩa vị nữ là nhằm “xác định, xây dựng và bảo vệ quyền lợi chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội bình đẳng cho phụ nữ” [10].

Điều ấy khiến ta cần nhìn nhận lại và dành nhiều sự quan tâm, nghiên cứu hơn đến nam giới – nhóm đối tượng tưởng chừng đã được hiểu quá rõ này.

TẠM KẾT

Qua tổng cộng 3 phần thuộc series “Nam tính – Căn tính?”, VOGE đã phần nào làm rõ nam tính không phải căn tính. Không phải ngay khi sinh ra, nam giới đã có sẵn sự nam tính mà nó chịu ảnh hưởng, thay đổi của cơ sở sinh học và văn hóa xã hội. Ngày nay, với sự xuất hiện đa dạng của các định nghĩa nam tính thì “nam tính bá quyền” không còn thực sự “bá quyền” như nó đã từng. Nhưng tại sao phải duy trì sự bá quyền khi chúng ta có thể chung sống bình đẳng, thừa nhận và tôn trọng cá tính, đặc trưng, lựa chọn của mỗi người.

Các bạn có trải nghiệm, cảm nhận hay quan sát riêng gì về áp lực mà nam giới đang phải gánh vác? Hãy chia sẻ với chúng mình nhé!

Nguồn tham khảo

Connell, R. W., Messerschmidt, J. W. (2005). Hegemonic Masculinity: Rethinking the Concept. Gender & Society, 19(6) : 829-859.

https://drive.google.com/drive/folders/16z2Zol4QEyFS65iU5yJDi4Wx5bfNQHup?fbclid=IwAR1phqzgeeI-bxXcU76kZ1ZqeKF22mqOFwvm-J2EY06wzc6D7ZkeG1htJxU

Connell, R. W. (2001). Understanding men: Gender sociology and the new international research on masculinities. Social thought & research, 24(1/2), 13-31.

VUA LOUIS XIV ĐÃ THAY ĐỔI LỊCH SỬ THỜI TRANG NHƯ THẾ NÀO?

Origin of the High Heel Trend: High Heel as a Symbol of Masculinity

Đàn ông mặc váy sẽ không còn bị coi là quái đản trong tương lai gần?

Gilmore, D. D. (1990). Manhood in the making: Cultural concepts of masculinity. Yale University Press.

The 3 P’s of Manhood: A Review

Mead, M. (1963). Sex and temperament in three primitive societies (Vol. 370). New York: Morrow.

CHING: Masculine ideal differs across cultures, time periods

Nơi phụ nữ thoải mái ân ái, cưỡng hiếp đàn ông

The myth of pink and blue brains

Understanding Sex and Gender

Thừa estrogen: Những điều cần biết

Boys to Men: Teaching and Learning About Masculinity in an Age of Change

Một số ví dụ thực tế về hình tượng “nam tính bá quyền” trong quảng cáo: https://youtu.be/0Y3k9Hpy8eg

Connell, R. W. (2005). Masculinities (second edition). California: University of California Press.

Những vấn đề của cặp nhị nguyên giới tính nam-nữ

Connell, R.W., Messerschmidt, J.W. (2005). Hegemonic masculinity: Rethinking the Concept. Gender & Society, 19(6): 829 – 859.

https://drive.google.com/drive/u/0/folders/16z2Zol4QEyFS65iU5yJDi4Wx5bfNQHup?fbclid=IwAR0x_38oRE7KhPQB9ibZzYR8PAq98sVFMeZi1jqlAwldrBzoGO_gHI3PRtc

VTV đưa tin: https://www.facebook.com/watch/?v=693602778249897

Nghiên cứu “Breadwinning wives & ‘left-behind’ husbands: Men & Masculinities in the Vietnamese Transnational Family” – https://drive.google.com/file/d/1OgITH2HJLkmpNqRXZwZt7wLKz6sGIWTn/view?fbclid=IwAR0lE06PwMAYeQ2dDP5ERL27QS6VaRJ6oUXHDyikKSQmngqjWJMkzOoGb9U

Freeman, Caren. Making and Faking Kinship: Marriage and Labor Migration between China and South Korea. Ithaca, NY: Cornell University Press, 2011.

Kwon, June Hee. “The Work of Waiting: Love and Money in Korean Chinese Transnational

Migration.” Cultural Anthropology 30, no. 3 (2015):477-500. Link: https://journal.culanth.org/ind…/ca/article/view/ca30.3.06

Harrington, C. (2020). What is “Toxic Masculinity” and Why Does it Matter? Men and Masculinities, 1(8 ) : 1-6.

Đánh ghen & chuyện “đồ đàn bà”: https://www.facebook.com/…/a.17277780…/3012179932404614/

“Đừng sống như cái đồ đàn bà”: https://www.facebook.com/voge.vn/posts/2989325638023377

Brown, W. (1995). States of Injury: Power & Freedom in Late Modernity. Princeton, NJ: Princeton University Press.

Theo Báo cáo Rà soát Chiến lược Quốc gia về Bình đẳng giới, giai đoạn 2011-2020 (UN Women Việt Nam)

Benedict, J.T.K, Marr, D.G (2004). Beyond Hanoi: Local Government in Vietnam. Singapore: Institute of Southeast Asia Studies Press.

Kam Louie, Lý thuyết hóa nam tính Trung Quốc: Xã hội và giới tính ở Trung Quốc, (Introducing wen – wu: Towards a Definition of Chinese Masculinity), Chương 1 – Giới thiệu văn – võ: Hướng đến một định nghĩa về nam tính Trung Quốc.

Nam giới và vai trò “Trụ cột gia đình”: https://www.facebook.com/thoisuvtv/videos/693602778249897/

Men and masculinities in a globalising Viet Nam

Vietnam Suicide Rate 2000-2023

https://nature.org.vn/vn/wp-content/uploads/2018/12/131218_TOT_Tai-lieu-tham-khao.pdf?fbclid=IwAR02DGoDIXCFcrMhsF8ujmU0a032hRG4hXmEE9T-qb3kORepv27izUR1pLA

http://www.merriam-webster.com/dictionary/feminism