Ở nhà mẹ dặn: “Con gái đừng học cao, không lấy được chồng đâu”
Bạn bè khuyên: “Thôi, cố cho xong rồi kiếm ông chồng mà dựa vào”
Trên TV bảo: “Đàn bà phải yếu đuối để đàn ông có cơ hội nuông chiều”
Những diễn ngôn ấy ta có thể dễ dàng bắt gặp trên các mặt báo, các phương tiện truyền thông đại chúng và trong các câu chuyện phiếm hằng ngày [1]. Đã khi nào bạn tự đặt ra câu hỏi: Các quan niệm đó bắt nguồn từ bao giờ? Cán cân nghiêng về người đàn ông có thực sự làm cân bằng hạnh phúc gia đình hay không? Và khuôn mẫu ấy đang ngầm củng cố bất bình đẳng, áp lực cho cả hai giới như thế nào? Hãy cùng VOGE đi tìm câu trả lời cho “bài toán” nan giải ấy nhé!
NHO GIÁO VÀ QUAN NIỆM VAI VẾ VỢ – CHỒNG
Những quan điểm mà ta thường nghe như “phụ nữ học cao khó lấy chồng”, “vợ phải kém hơn chồng thì gia đình mới hạnh phúc”,… phần nào cũng chịu ảnh hưởng từ những quan niệm Nho giáo xưa kia. Trái lại với tổ chức gia đình mở và xã hội linh hoạt của Nam Việt trước đây, Nho giáo coi gia đình là phạm trù có phần tách biệt với phạm trù công. Tuy có sự tách biệt hơn so với trước, Nho giáo vẫn coi trọng vai trò của gia đình bởi gia đình có yên ổn thì xã tắc mới thái bình. Khi đó, các vai trò giới rập khuôn và cứng nhắc, phân chia mảng công – mảng tư cho từng giới tính mới bắt đầu phát triển.
Đạo Nho quan niệm người đàn ông phải tuân theo chuẩn mực tam cương ngũ thường, người phụ nữ phải có đủ tứ đức tam tòng. Tứ đức có nguồn gốc từ Chu Lễ (sách ghi những quy định về lễ nghĩa thời nhà Chu) mà trong đó, thuyết tứ đức bao gồm 4 yếu tố: công, dung, ngôn, hạnh [2]. Những yếu tố này nhấn mạnh vào khía cạnh nữ công gia chánh, chính chuyên, nhu mì của người phụ nữ, không mưu cầu phải “tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” như các đấng nam nhi. [3].
Qua thăng trầm của lịch sử, một số khuôn mẫu vẫn còn tồn tại đến ngày nay, một số khác thay đổi cho phù hợp hình thái xã hội mới và một số khuôn mẫu đã biến mất hoàn toàn. Qua giai đoạn chiến tranh và quá trình công nghiệp hóa mạnh mẽ, số lượng nữ giới tham gia lực lượng lao động tăng lên đáng kể. “Nghiên cứu Giới và thị trường lao động ở Việt Nam: Phân tích dựa trên số liệu điều tra lao động – việc làm” của ILO cho thấy hiện nay có hơn 70% phụ nữ Việt Nam trong độ tuổi lao động tham gia lực lượng lao động. Tỉ lệ này trên toàn cầu là 47,2% và tỉ lệ trung bình của khu vực châu Á – Thái Bình Dương là 43,9% [4]. Đồng thời, một số khuôn mẫu giới Nho giáo vẫn được duy trì và thậm chí củng cố mạnh mẽ, bên cạnh những kỳ vọng kinh tế – xã hội khác: “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”, “chồng phải hơn vợ một cái đầu”, “phụ nữ hơn nhau ở tấm chồng”…
VỢ < CHỒNG NHƯNG VẪN CHẲNG AI HẠNH PHÚC
Ngày nay, vị thế của người phụ nữ được nâng cao. Nhìn chung, họ không chỉ bó hẹp không gian của mình trong gia đình mà còn có quyền lựa chọn phát triển sự nghiệp, trình độ học vấn của bản thân. Những tưởng, sự tham gia tích cực của nữ giới trong lực lượng lao động sẽ giúp gia đình phần nào nhẹ bớt áp lực. Nhưng sự phổ biến của quan niệm chồng cần giỏi kiếm tiền hơn vợ, có đầu óc hơn vợ, phải chu cấp, dẫn dắt, nuôi sống gia đình đã và đang tạo áp lực nặng nề cho nam giới trong cấu trúc kinh tế – xã hội ngày càng cạnh tranh, áp lực và bất bình đẳng.
Một mặt, nam giới phải cạnh tranh và chịu áp lực trong công việc. Mặt khác, việc người phụ nữ cùng chia sẻ công việc lại khiến một bộ phận nam giới cảm thấy tự ti, mất đi vị thế và bản sắc [5]. Lối tư duy “phụ nữ phải kém hơn chồng” đến từ nỗi sợ mơ hồ rằng: người vợ tài giỏi hơn sẽ khiến người chồng mặc cảm về bản thân, không cho người đàn ông cảm giác che chở, bảo vệ và từ đó xung đột dễ xảy ra, dễ gây đổ vỡ. Các khuôn mẫu giới này còn được củng cố giữa những người đàn ông với nhau – áp lực đồng trang lứa (peer – pressure). Trên bàn nhậu, người đàn ông khoe về số tiền lương, về sự nghiệp, “vợ hiền con ngoan”, vị thế/tiếng nói của mình trong gia đình như minh chứng cho sự “thành công” của bản thân. Ngược lại, những người bị cho là “lệch chuẩn” sẽ bị gắn với những cụm từ như “thằng sợ vợ”, “thua đàn bà”, “chui dưới váy vợ”, nếu ở rể còn bị coi là “chó chui gầm chạn”.
Những áp lực tài chính – kinh tế, cộng hưởng với nỗi sợ mơ hồ đến từ áp lực văn hoá – xã hội, dẫn tới những thực hành độc hại ở nam giới để giải tỏa áp lực như rượu chè, hút thuốc, thậm chí là gây ra những hành vi bạo lực đối với gia đình. Với người phụ nữ, họ lại phải gồng gánh quá nhiều trách nhiệm – “giỏi việc nước, đảm việc nhà, chủ động tránh thai tròn vai thiên chức” – trong khi vẫn bị trói buộc trong vai trò “phải đẹp”, “phải yếu đuối”, “phải mềm mỏng”.
Có những quan niệm cho rằng, phụ nữ có đi làm thêm thì cũng chỉ là nghề tay trái. Bổn phận và thiên chức lớn nhất của mỗi người phụ nữ vẫn là việc nhà, sinh con, nuôi con và chăm sóc gia đình [6]. Dù ở ngoài xã hội có giỏi giang, bôn ba làm quan làm sếp ra sao thì về đến nhà vẫn phải nghe lời, chiều chuộng chồng, thậm chí là tỏ ra yếu đuối để chồng thấy mình được công nhận là bờ vai vững chắc. Có những người phụ nữ đi làm nhưng vẫn phải chịu sự đánh giá, phán xét từ gia đình, người thân rằng: “đàn bà con gái đi làm là ham mê vật chất”, “thứ đàn bà tham công tiếc việc, hư vinh”, “đàn bà mà bỏ bê chồng con, nhà cửa”, “biết phục vụ gia đình chồng thì mới mong hạnh phúc”, “đàn bà phải biết giữ thể diện cho chồng.”
TẠM KẾT
Cân không thể bằng nếu có bất kỳ bên nào nặng hơn/nhẹ hơn. Gia đình cũng không thể hạnh phúc nếu có khái niệm người này phải trên cơ người khác. Mỗi gia đình có cách phân chia lao động, công việc khác nhau sao cho cả hai phía thấy phù hợp, hài hòa với trách nhiệm và khả năng của mình. Không có cái khuôn nào vừa cho tất cả và cũng không thể áp buộc một cách cứng nhắc cái khuôn của mình cho người khác. Các bạn độc giả của VOGE suy nghĩ sao về vấn đề này? Các bạn đã từng gặp những câu chuyện như vậy ngoài đời chưa?
NGUỒN THAM KHẢO
Cổ nhân dạy “Đàn ông có đức chính là tài, phụ nữ vô tài chính là đức” nghĩa là gì?
Đạo diễn Lê Hoàng và phát ngôn gây sốc
DẤU ẤN VIỆT HÓA TRONG NHO GIÁO THỜI TRẦN
Giới và thị trường lao động ở Việt Nam