“ĐÁNG LẼ CƠM THÌ KHÔNG NÊN NẤU NHƯ CHÁO”: NHỮNG QUAN NIỆM GÒ BÓ CON NGƯỜI & XÃ HỘI

“Người ta nói đàn ông mà có ‘tính đàn bà’, thì chắc chắn là họ không có ý là chê đàn bà hay là hạ thấp giá trị của người phụ nữ đâu. Như kiểu bạn nấu cơm, bạn cho quá nhiều nước, người ăn nói là ‘cơm gì mà ăn như cháo ấy!’ Đâu có nghĩa là họ chê cháo không ngon, chỉ là đáng lẽ cơm thì không nên nấu như cháo thôi.”

CƠM - CHÁO & HỆ NHỊ NGUYÊN GIỚI

Đó là nhận định mới đây của một TikTok-er và cũng đã nhận được kha khá ý kiến đồng tình trên mạng xã hội. Tuy hiểu rằng nhận định trên có thể đến từ trải nghiệm và quan sát cá nhân của TikToker, chúng ta cần công nhận rằng việc so sánh tính nam và tính nữ với cháo và cơm cùng ý kiến “đáng lẽ cơm thì không nên nấu như cháo” không hợp lý ở hai điểm: (1) quy chất rằng có những đặc tính hiển nhiên là của riêng nữ, hiển nhiên là của riêng nam; từ đó ngầm củng cố hệ nhị nguyên giới khi cho rằng cơm là cơm, cháo là cháo – tương đương với nam giới phải nam tính, nữ giới phải nữ tính và hai giới vốn rất khác nhau, và (2) quên mất rằng những quan niệm rập khuôn về giới đó chính là nguồn cơn của các bất bình đẳng giới vẫn đang tồn tại trong xã hội Việt Nam.

Trong bài viết này, hãy cùng VOGE bóc tách việc phân chia hệ nhị nguyên tính nam – tính nữ (gán cho nam giới – nữ giới) và bất bình đẳng đến từ việc phân chia này nhé!

CƠM – CHÁO & HỆ NHỊ NGUYÊN GIỚI

Qua lập luận của TikToker, chúng ta có thể hiểu “cơm” và “cháo” ở đây tượng trưng cho “tính nam” và “tính nữ” – và TikToker ngầm cho rằng nam giới phải biểu hiện “nam tính”, còn nữ giới phải biểu hiện “nữ tính.” Thế nhưng trên thực tế, có quy tắc nào bắt buộc con người phải nhất nhất tuân thủ quan niệm về nam tính – nữ tính hay không? Có phải chỉ có nam giới mới có “nam tính” và chỉ có nữ giới mới có “nữ tính” hay không?

“Tính nam” và “tính nữ” là các quan niệm, giá trị và niềm tin về đặc điểm, phẩm chất, hành vi, ngoại hình và vai trò của người nam và người nữ trong xã hội, trong các mối quan hệ với những giới khác. Chẳng hạn, quan niệm phổ biến ở Việt Nam hiện tại cho rằng người nam phải mạnh mẽ về cả tinh thần lẫn thể chất, phải là trụ cột trong gia đình, có chí tiến thủ và có đóng góp đáng kể cho xã hội. Trái lại, người nữ cần phải mềm mỏng và nhu mì, là người “giữ lửa” và quán xuyến nội trợ trong gia đình, không nên quá tham công tiếc việc ngoài xã hội. Về ngoại hình, người nam cần thể hiện “tính nam” – có cơ thể cường tráng, vạm vỡ, có những biểu hiện của cuộc đời phong trần như để râu, làn da chai sạn, hình xăm, vết sẹo; còn người nữ cần thể hiện “tính nữ” – mình hạc xương mai, làn da láng mịn, đôi môi đỏ mọng, đôi mắt e lệ… [1]

“Đáng lẽ cơm thì không nên nấu như cháo” là quan niệm đến từ tư tưởng nhị nguyên giới và quy chất luận(*) – vốn đã ăn sâu vào tiềm thức, thói quen sinh hoạt và cả các thiết chế, tổ chức xã hội. Quy chất luận (essentialism) là học thuyết cho rằng mọi thứ đều có những đặc tính tiêu biểu, cố định và phổ biến trên toàn cầu. Trong các thảo luận về giới, quy chất luận là niềm tin mỗi giới có những đặc tính tiêu biểu, là bản chất tự nhiên của giới đó và khác biệt với các giới còn lại [2]. Dựa trên tính quy chất như thế, quan niệm về hệ nhị nguyên giới ra đời. Quan niệm này (a) cho rằng nam tính, nữ tính là những đặc điểm tự nhiên hoàn toàn, không thay đổi, (b) nam giới phải biểu hiện nam tính, nữ giới phải biểu hiện nữ tính (nam ra nam, nữ ra nữ).

Góc nhìn quy chất và nhị nguyên giới như trên đã bị thách thức và phản biện bởi nhiều nhà sử học, nhân học và xã hội học, qua các nghiên cứu và bằng chứng rất rõ rệt khi học về quá khứ, về các dân tộc và cộng đồng khác nhau. Margaret Mead, Signe Howell, Raewyn Connell, David Gilmore, Frederick Errington, Deborah Gewertz, Marilyn Strathern chỉ là một vài cái tên trong số rất nhiều nhà nghiên cứu khác đã chỉ ra được sự kiến tạo xã hội trong quan niệm nam tính và nữ tính. Con người sinh ra không tự nhiên có những đặc tính này hay lập tức có thể đảm nhiệm vai trò theo kỳ vọng giới; mà phải trải qua quá trình học hỏi và làm theo dựa trên quan sát, giáo dục, xã hội hoá, tương tác giữa cá nhân và thế giới. Những quan niệm đó không phải tự nhiên, cũng không phải lựa chọn duy nhất, nên trong lịch sử bản thân chúng đã thay đổi rất nhiều lần tuỳ theo tổ chức xã hội, bối cảnh, môi trường sống và giá trị chung của cộng đồng [3].

Trong thực tế cuộc sống, cho rằng nam giới phải biểu hiện nam tính, nữ giới phải biểu hiện nữ tính còn gò bó, hạn chế rất nhiều sự lựa chọn và khả năng phát triển của con người cũng như không phản ánh đúng hiện thực xã hội đa dạng. Tin tưởng vào quan niệm nhị nguyên giới và quy chất luận về giới thường khiến chúng ta bỏ quên, thậm chí hạ thấp và miệt thị, những cá nhân bị cho rằng không “khớp” với khuôn mẫu và chuẩn mực giới ấy. Nam giới bị áp lực tài chính và áp lực không được biểu lộ cảm xúc; nữ giới bị đối xử bất công trong tiếp cận cơ hội giáo dục và cơ hội tham gia quản lý, lãnh đạo; người đồng tính, song tính và chuyển giới bị miệt thị và bạo lực vì bị cho là “nam không ra nam, nữ không ra nữ”; người liên giới tính bị bỏ qua trong tất cả những cuộc thảo luận về giới và bình đẳng giới – tất cả điều đó chính là bất bình đẳng giới, và chúng có nguồn gốc từ tư tưởng nhị nguyên và quy chất.

CƠM – CHÁO: ĐẶT TÍNH NAM – TÍNH NỮ LÊN BÀN CÂN HAY TÔN TRỌNG SỰ ĐA DẠNG?

Nhận định của TikToker về câu nói đồ đàn bà (“nói đàn ông mà có ‘tính đàn bà’”) cũng chưa hoàn toàn sát thực tế [4]. Trong bối cảnh Việt Nam, câu nói “đồ đàn bà” không đơn giản thể hiện “sự khác nhau” như TikToker nghĩ (và “sự khác nhau” này thực chất cũng không có cơ sở) mà còn mang tính miệt thị, tiêu cực, hạ thấp tính nữ/người nữ cũng như đối tượng nam bị cho là “có tính nữ.” Chúng ta vẫn có thể thấy những biểu hiện của sự coi thường tính nữ qua rất nhiều ví dụ thực tế mới gần đây: khi bản tin thời sự cho rằng đánh ghen giữa những quý ông là “công khai, sòng phẳng” còn giữa những quý bà là “lén lút, đầy bất ngờ”. Nó phản ánh quan niệm phổ biến cho rằng những biểu hiện của “tính nam” là chuẩn mực, đáng có, chuyên nghiệp và phù hợp với quyền lực trong khi những biểu hiện của “tính nữ” bị xem là lố lăng, đua đòi, cảm tính thuần túy và làm phân tâm, sao lãng người khác [5].

Khi so sánh cháo – cơm với nam tính – nữ tính (nam giới – nữ giới), TikToker cho rằng đơn giản cháo và cơm khác nhau thôi, không có nghĩa chê bai cháo không ngon. Tuy nhiên, khác với cháo và cơm, việc phân chia hệ nhị nguyên nam – nữ không chỉ thiếu hợp lý, không phản ánh đúng hiện thực xã hội, mà nó còn là nguyên nhân chủ chốt của các bất bình đẳng giới, bất công giới, bạo lực giới như ở trên đã bóc tách. Cơm và cháo có thể khác nhau, nhưng cơm và cháo không có nhận thức, không có bản sắc, không có các mối quan hệ xã hội và các quan niệm văn hoá, ý thức hệ, hành vi và mong muốn cá nhân, cũng không có sự đa chiều, linh hoạt và uyển chuyển trong đời sống hàng ngày. Ngược lại, vì con người có tất cả các điều trên, chúng ta không nên bị định nghĩa trong một số khuôn mẫu hay bộ tính cách rập khuôn và máy móc.

TẠM KẾT

Dù là một video rất ngắn và có lẽ tác giả không có chủ ý phân biệt giới tính, chúng ta vẫn cần hiểu sự phân biệt giới tính ăn sâu vào thói quen sinh hoạt, tư duy lẫn tiềm thức và hiện diện trong tất cả khía cạnh cuộc sống. Vì thế, ai cũng có thể mắc phải và không phải lúc nào cũng có thể dễ dàng nhận ra, soi chiếu.

Như TS. Khuất Thu Hồng chia sẻ, việc nâng cao nhận thức và giáo dục cộng đồng rất quan trọng trong thúc đẩy bình đẳng giới. Trong đó, truyền thông đóng vai trò cực kỳ quan trọng – có khả năng củng cố, tạo ra thêm hoặc phá bỏ những định kiến giới. VOGE đặt hy vọng những người làm truyền thông và nội dung sẽ không chiều chuộng tâm lý đám đông, sa vào những mô tả dễ dãi, quy chụp, phóng đại hoặc cố tình gây tranh cãi để đạt được mục đích truyền thông và lợi nhuận bất chấp trách nhiệm với cộng đồng. VOGE mong rằng tất cả chúng ta sẽ tự soi chiếu và góp ý mang tính xây dựng cho nhau, hướng đến một xã hội thấu cảm và tôn trọng, nơi giới tính không phải là giới hạn.

Bạn nghĩ sao về chủ đề này và so sánh của bạn TikToker? Hãy chia sẻ cho chúng mình biết trong phần bình luận nhé.

NGUỒN THAM KHẢO

[1] Một số báo cáo & nghiên cứu về tính nam – tính nữ:

📌 Báo cáo về nam giới và tính nam của ISDS: https://drive.google.com/file/d/1I3K1ctJwZCybPMd5kf6B99Gr_iraUZLb/view?usp=sharing

📌 Bài của TS. Nguyễn Phương Mai về sự hình thành tính nam, tính nữ – https://www.facebook.com/…/a.5318771343…/726136588306927

[2] Theo Introducing Cultural Studies, trang 67, 208-209 (Brian Longhurst, et al.)

[3] Một số nghiên cứu tham khảo:

📌 Margaret Mead (1935). Sex and Temperament in Three Primitive Societies. New York: Morrow.

📌 Signe Howell (1989). “To Be Angry Is Not To Be Human, But To Be Fearful Is”: Chewong Concepts of Human Nature. Societies at Peace: Anthropological Perspectives. New York: Routledge.

📌 David Gilmore (1990). Manhood in the Making: Cultural Concepts of Masculinity. New Haven: Yale University Press.

📌 Frederick Errington, Deborah Gewertz (1987). Cultural Alternatives and a Feminist Anthropology: An Analysis of Culturally Constructed Gender Interests in Papua New Guinea. Cambridge: Cambridge University Press.

📌 Marilyn Strathern (1988). The Gender of the Gift: Problems with Women and Problems with Society in Melanesia. CA: University of California Press.

📌 Iris Marion Young (1980). Throwing like a Girl: A Phenomenology of Feminine Body Comportment Motility and Spatiality. Human Studies, 3: 137 – 156.

📌 Erving Goffman (1977). The Arrangement between the Sexes. Theory & Society, 4: 301-332.

📌 Judith Butler (1993). Bodies that Matter: On the Discursive Limits of ‘Sex’. New York: Routledge.

[3] Các bài viết trước đây của VOGE về sự hình thành tính nam – tính nữ:

📌 Nam tính – Căn tính?

Phần 1: https://www.facebook.com/voge.vn/posts/3313774188911852

Phần 2: https://www.facebook.com/voge.vn/posts/3320444514911486

Phần 3: https://www.facebook.com/voge.vn/posts/3325155454440392

📌 Người phụ nữ Việt “lý tưởng”: https://www.facebook.com/voge.vn/posts/2948940918728516

📌 Người đàn ông Việt ‘lý tưởng”: https://www.facebook.com/voge.vn/posts/2981448145477793

[4] Các bài viết trước đây của VOGE về vị thế của tính nữ, về câu nói “đồ đàn bà”

📌 Đánh ghen & chuyện “đồ đàn bà”: https://www.facebook.com/voge.vn/posts/3012183989070875

📌 Tèn Tèn girls & con đường đến “quyền nữ”: https://www.facebook.com/voge.vn/posts/3067477100208230

📌 “Đừng sống như cái đồ đàn bà!”: https://www.facebook.com/voge.vn/posts/2989325638023377

[5] Một số ví dụ thực tế:

📌 VTV24 so sánh chuyện đánh ghen giữa các “quý ông” và “quý bà” – https://youtu.be/w4noc_ubutg

📌 Bà Sonia Sotomayor, thẩm phán Tòa án Tối cao Hoa Kỳ, đã gặp nhiều chỉ trích và so sánh vô lý dựa trên sơn móng tay màu đỏ. Nhiều người so sánh bà với những thẩm phán nam (được cho là “trung lập”, “lý trí” hơn) và thẩm phán nữ mặc đồ “màu trung tính” hơn (được cho là phù hợp hơn). Nghị sĩ AOC sau đó đã lên tiếng phản đối những bình luận phân biệt giới tính và coi thường những biểu hiện của “tính nữ” –

https://www.allure.com/story/alexandria-ocasio-cortez-red-lipstick-hoops-swearing-in-sonia-sotomayor-nail-polish?fbclid=IwAR2HfE17JeJYMs4LTxIcatBn7esCkYLcGDYIPnw7apHBs2aYUtYl5cWfYqg