Pick Me Girl – Khi phụ nữ ghét phụ nữ

Trong thời gian gần đây, các video hài hước và dễ thương của cô bạn có tài khoản @abgtinaofficial trên TikTok được rất nhiều người yêu thích bởi chúng đã diễn tả được một kiểu con gái mà chúng ta đều đã từng gặp hoặc chứng kiến qua. Từ những video đó, khái niệm “pick me girl” được cộng đồng mạng Việt Nam biết đến nhiều hơn. Vậy “pick me girl” rốt cuộc là kiểu người như thế nào, và tại sao nó là biểu hiện rõ ràng nhất của tâm lý ghét bỏ phụ nữ?

TỪ GÂY SỰ CHÚ Ý CỦA NAM GIỚI…

“Pick me girl” là một cụm từ thường xuất hiện trong văn hoá đại chúng ở nước ngoài. Bắt đầu nổi lên từ trào lưu #TweetLikeAPickMe của những người thuộc cộng đồng người da đen trên Twitter từ năm 2016 và 2018, “pick me girl” dùng để nói về những người luôn đề cao bản thân về việc làm một người vợ/người bạn gái “mẫu mực” trong khi hạ thấp những người phụ nữ khác. Nhóm pick-me này cho rằng lý do người khác vẫn còn độc thân là vì họ “lăng nhăng”, hoặc không giỏi nấu ăn, không chăm sóc tốt cho người đàn ông của mình, vv…

Trong năm 2021, cộng đồng TikTok nước ngoài cũng đua nhau bắt trend để phê phán một cách hài hước hình mẫu “Pick Me” trên nền nhạc bài “Heavy Metal” của Lil Uzi Vert (cụ thể là đoạn “Pick me, like, Pick me, like, Pick me, like, Pick me”). Các TikToker, trong vai những cô nàng pick me, đã vẽ nên chân dung cụ thể về nhóm người này: thích chơi với con trai hơn vì “con gái phức tạp lắm”, không thích makeup, tỏ ra mình biết chơi game,… – tất cả chỉ để gây được sự chú ý và được nam giới công nhận.

…ĐẾN VIỆC: TẠI SAO PHỤ NỮ GHÉT PHỤ NỮ?

Từ kết quả tìm kiếm, ta có thể thấy rằng “pick me girl” thường đi kèm với những từ khóa tương tự như là “not like other girls”, “cool girl” (ta từng được nghe từ này trong phim Gone Girl) hoặc “manic pixie dream girl”. Các hình mẫu này đều mô tả tâm lý gộp chung một số đối tượng nữ giới vào với nhau để phân biệt và ghét bỏ, đồng thời nâng cao một cách cực đoan những đặc điểm nhất định mà nữ giới “phải” có, dù đó là “bánh bèo” hay “cá tính”.

Điều đáng nói ở chỗ, tâm lý này xảy ra ở cả phụ nữ và được các nhà nghiên cứu gọi tên là “internalized misogyny”- sự ghét bỏ phụ nữ có được do chịu ảnh hưởng của những định kiến của xã hội và môi trường sống.

Tuy nhiên, những người phụ nữ này không ghét tất cả nữ giới, họ chỉ ghét những người đi ngược lại vai trò giới hoặc có hành vi đe doạ đến chế độ phụ quyền (Patriarchal Ideology). Theo Kate Manne, phó giáo sư triết học tại Đại học Cornell, tác giả cuốn sách The Logic of Misogyny: “Phân biệt giới tính là một nhánh của chế độ phụ quyền, củng cố một xã hội gia trưởng, trong khi đó tâm lý ghét phụ nữ (misogyny) là một hệ thống ủng hộ tư tưởng cốt yếu của chế độ đó.”

Song song với việc đấu tranh với bất công, một số người lớn lên và thực sự mang niềm tin vô thức rằng phụ nữ không xứng đáng được bình đẳng. Niềm tin về sự bất công đó có thể có được từ những điều đã hằn sâu trong hoàn cảnh sống, xã hội và văn hóa xung quanh họ. Đó chính là nguồn gốc sâu xa của pick me girl.

Theo nghiên cứu của Szymanski (2009), nhóm này thường có hai đặc điểm chính, đó là (1) luôn cố gắng có khuôn mặt, vóc dáng, cơ thể hoàn hảo do niềm tin phụ nữ nên được đánh giá bởi vẻ bề ngoài và (2) chấp nhận hoặc lờ đi vai trò giới, phân biệt giới. Về lâu về dài, họ chính là người phải chịu nhiều tự ti, áp lực và gò bó trong cuộc sống của mình.

LỜI KẾT

Cho dù có phải chỉ là một trào lưu trên mạng vô thưởng vô phạt hay không, những liên kết chặt chẽ của “pick me girl” với tư tưởng ghét phụ nữ vẫn sẽ để lại nhiều hậu quả và càng vạch rõ sự phân biệt giới trong xã hội. VOGE tin rằng còn rất nhiều điều thông tin chưa thể liệt kê hết trong bài viết này về pick me girl, nên bạn đừng ngần ngại comment quan điểm của mình để VOGE và mọi người cùng tìm hiểu bạn nhé!

Nguồn tham khảo

Manne, K. (2017). Down girl: The logic of misogyny. Oxford University Press.

Szymanski, D. M., Gupta, A., Carr, E. R., & Stewart, D. (2009). Internalized misogyny as a moderator of the link between sexist events and women’s psychological distress. Sex Roles: A Journal of Research, 61(1-2), 101–109.

What Is Misogyny?

The “pick-me girl” trend and dissecting internalized misogyny