Liệu bạn có đang vô tình quấy rối tình dục bằng lời nói với chính thần tượng của mình?

“Đào ngon quá anh ơi”

“Đừng nâng tạ nữa, nâng em đi”

“Nhìn anh mà em muốn đẻ mấy lứa”

Đó là những gì chúng ta thường hay đọc được dưới ảnh của các nam nghệ sĩ, diễn viên, thần tượng (idol) được đăng trên các trang cộng đồng người hâm mộ. Từ lâu, công chúng coi đó là điều bình thường bởi lí lẽ “chỉ là lời khen, bộc lộ cảm xúc thôi mà” và khi ai đó góp ý thì sẽ bị coi là phản ứng thái quá.

Nhiều người vẫn nghĩ chỉ có nữ giới mới bị quấy rối tình dục (QRTD), nhưng sự thực là bất kỳ ai cũng có thể bị quấy rối tình dục (QRTD), kể cả là nam giới – trong trường hợp này là những nam thần tượng trên mạng.

QUẤY RỐI QUA… BÀN PHÍM

LIỆU BẠN CÓ ĐANG VÔ TÌNH QUẤY RỐI TÌNH DỤC BẰNG LỜI NÓI VỚI CHÍNH THẦN TƯỢNG CỦA MÌNH?

Với đặc tính của mạng xã hội, hành vi quấy rối thường thấy nhất đó là qua ngôn từ. Quấy rối tình dục bằng ngôn từ được hiểu là các nhận xét khêu gợi, tục tĩu, xúc phạm, không phù hợp về mặt xã hội, văn hóa mà người nghe không mong muốn. Dạng thức thường thấy của nó bao gồm bằng những hành động mang ngụ ý về tình dục như những trò đùa gợi tình về tình dục, tiếng huýt sáo có chủ đích hay những nhận xét tình dục hóa trang phục, cơ thể của một người nào đó khi có mặt họ hoặc hướng tới họ. Trên không gian mạng, ta cũng có thể bị quấy rối bằng lời nói thông qua những tin nhắn văn bản, bình luận dưới bài đăng, tin nhắn âm thanh có ý bình phẩm, nhận xét khiếm nhã về cơ thể.

Một dạng thức quấy rối thường thấy hơn nhưng ta hiếm khi nhận thức được đó là Vật hóa. Vật hóa (objectification) là hành vi đánh đồng, đối xử với con người như một vật thể bị sở hữu. Ví dụ dễ hiểu, khi khen một người có ngoại hình “ngon”, “dai”, “thịt tươi” ta đang vô tình dùng tính từ miêu tả món ăn bằng vị giác để nhận xét về cơ thể của một người nào đó, coi họ như món ăn để thưởng thức. Hành vi vật hóa vô tình nâng người phát ngôn lên vị trí trên cơ, ở vị thế cao hơn và có quyền tự ý chiếm đoạt người khác. Lâu dần, nó sẽ gây nảy sinh tư tưởng coi thường, hạ thấp giá trị con người, coi con người chỉ như đồ vật. Đồng thời, nạn nhân bị vật hóa sẽ cảm thấy bị xúc phạm, coi thường, ảnh hưởng đến tâm lý.

Phần lớn mọi người cho rằng, chỉ có nữ giới mới là đối tượng bị quấy rối tình dục, đàn ông không thể bị quấy rối. Tuy rằng nếu dựa vào các con số thống kê, có thể thấy, lượng nữ giới bị xâm hại, quấy rối tình dục có xu hướng cao hơn nam giới. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc không có đàn ông nào bị quấy rối tình dục. Suy nghĩ định kiến ấy khiến nam giới không thể lên tiếng tố cáo, phanh phui vụ việc bởi phần lớn người nghe sẽ cho rằng họ chỉ đang làm quá, thổi phồng mọi việc và cười nhạo ngược lại nạn nhân là “thiếu nam tính”, “nghiện mà còn ngại”.

HỆ QUẢ CỦA VIỆC BÌNH THƯỜNG HÓA QUẤY RỐI TÌNH DỤC NAM GIỚI

Trở lại với đối tượng là các nam diễn viên, thần tượng, đặc thù công việc yêu cầu họ luôn phải xuất hiện trước công chúng, báo chí, mạng xã hội với hình ảnh hấp dẫn, thu hút nhất có thể. Các công ty quản lý không ngại yêu cầu nghệ sĩ của mình theo đuổi phong cách quyến rũ, lôi cuốn thậm chí hở bạo bởi đó chính là yếu tố dễ dàng thu hút sự chú ý của người hâm mộ, đặc biệt là các fan nữ ở độ tuổi mới lớn.

Chúng ta đã quá quen với những bình luận ngưỡng mộ, cảm mến và đôi lúc hơi nhạy cảm quá đà của người hâm mộ dành cho thần tượng. Qua thời gian, điều ấy được bình thường hóa, trở nên quen mắt, quen tay và một bộ phận công chúng cứ vô tình vật hóa, quấy rối thần tượng hay bất kì nam giới nào qua mạng mà cứ ngỡ đó chỉ là lời khen, lời cảm thán thông thường.

Đặt giả thiết, nếu những bình luận như thế xuất hiện dưới ảnh các idol nữ, chúng sẽ bị cho là kinh tởm, bệnh hoạn. Điều này thể hiện tiêu chuẩn kép trong suy nghĩ của công chúng, một phần cũng bị ảnh hưởng bởi định kiến giới. Định kiến giới có thể hiểu là nhận thức, thái độ và đánh giá thiên lệch, tiêu cực về đặc điểm, vị trí, vai trò và năng lực của người nam hoặc người nữ. Đó là khuôn mẫu về tính cách, đặc điểm, khả năng, hành vi mà cộng đồng, xã hội áp đặt, mong đợi ở các giới.

Định kiến giới (trong suy nghĩ) sẽ tạo ra Khuôn mẫu/kỳ vọng/vai trò giới dẫn đến Kỳ thị giới (trong lời nói và thái độ) và sự Phân biệt đối xử về giới (trong hành vi). Hình ảnh nam giới thường được xây dựng với vẻ ngoài mạnh mẽ, dũng cảm, gan dạ. Nó trái với hình ảnh yếu đuối, ủy mị, dễ tổn thương của nữ giới.

Chính vì vậy mà nam giới là bị mặc định là đối tượng không thể bị tổn thương, không cần bảo vệ. Nếu người bị quấy rối là các nam idol, mọi người sẽ mặc định đó là lời khen, chẳng có gì đáng phải bận tâm.

Có người phản bác rằng: các thần tượng, nghệ sĩ nam không thể đọc các bình luận nên sẽ không bị tổn thương tinh thần, những bình luận quấy rối là vô hại. Nhưng lâu dần, các bình luận nhạy cảm như thế sẽ ngầm củng cố định kiến giới, bình thường hóa việc nam giới bị quấy rối.

KHI VĂN HÓA THẦN TƯỢNG TRỞ THÀNH HÀNH VI QUẤY RỐI

FANFIC KHÔNG CÒN LÀ FANFIC

Một trong những sản phẩm tiêu biểu của văn hóa thần tượng đã tồn tại từ rất lâu chính là Fanfiction. Fanfiction (hay Fanfic) có thể hiểu là sản phẩm truyện chữ, truyện tranh, thơ, video… hư cấu do chính cộng đồng người hâm mộ tự sáng tạo ra và chia sẻ nó trên các trang fanfic trực tuyến phổ biến như Archive of Our Own (AO3), Fanfiction/./net, Wattpad,…

Văn hóa viết fanfic không chỉ xuất hiện riêng ở cộng đồng fan âm nhạc mà rất nhiều fan truyện tranh, tiểu thuyết, điện ảnh,… từ lâu cũng tự sáng tạo fanfic để thỏa mãn sự hâm mộ của mình bằng cách đồng sáng tạo với tác giả gốc, viết tiếp, viết thêm và xây dựng câu chuyện mới dựa trên tác phẩm sẵn có.

Chúng ta có thể kể đến các tác phẩm gốc có lượng tác phẩm phái sinh khổng lồ như tiểu thuyết Harry Potter, truyện tranh Thám tử lừng danh Conan,… Fanfic trong trường hợp này chính là mảnh đất màu mỡ để người hâm mộ thỏa sức sáng tạo, viết tiếp câu chuyện hoặc thậm chí sáng tạo cốt truyện theo tưởng tượng của riêng mình.

Khác với phim, truyện hay tiểu thuyết, đối tượng của fanfic idol chính là những con người thật. Nhánh fanfic này có tên gọi riêng là Real Person Slash (RPS): Fanfic dựa trên nhân vật là người nổi tiếng ngoài đời. RPS có xu hướng hư cấu về cuộc sống, công việc, tình cảm, thậm chí là đời sống tình dục của thần tượng.

Một số tác phẩm RPS trực tiếp ghép đôi và miêu tả, khắc họa cảnh quan hệ tình dục hư cấu giữa các thành viên trong nhóm, các thần tượng khác nhóm và thậm chí là cảnh quan hệ giữa fan và idol. Những cảnh quan hệ tình dục hư cấu này (ở dạng văn bản, tranh vẽ hay hoạt hình) không còn là điều quá xa lạ trong thể loại RPS.

Vì đặc thù của ngành công nghiệp thần tượng, độ tuổi các idol đang ngày càng trẻ hóa. Độ tuổi ra mắt hiện tại của các idol là 15, 16 tuổi, thậm chí thấp hơn. Điều đó có nghĩa rằng, có thể các thần tượng sẽ đối mặt với nguy cơ bị quấy rối tình dục khi chưa đủ tuổi trưởng thành.

RPS có thể ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý của các thần tượng nhỏ tuổi nếu họ vô tình đọc phải. Tình trạng này càng dễ xảy ra hơn khi đa số fanfic được đăng tải công khai, miễn khí, không giới hạn độ tuổi người xem trên các diễn đàn, trang web online.

Mặc dù thường có lượt đọc vô cùng “khủng” nhưng không có ai trực tiếp đứng ra kiểm duyệt, giám sát kho nội dung khổng lồ này. Tại Hàn Quốc, thậm chí đã từng có kiến nghị lên chính phủ kêu gọi trừng phạt nghiêm khắc những người viết fanfic của thần tượng nam dưới tuổi vị thành niên – nhận được hơn 163,000 chữ ký chỉ sau 3 ngày (*).

Nhưng hiện tại, do tính ẩn danh của mạng xã hội và số lượng nội dung quá lớn mà việc kiểm tra, xử lý vô cùng khó khăn và chưa có chế tài xử phạt nào dành riêng cho hành vi tình dục hóa thần tượng dưới tuổi vị thành niên qua mạng này.

Ta cần làm rõ rằng, bản chất fanfic không xấu. Những độc giả/tác giả đang đọc/viết fanfic bắt nguồn từ sự yêu mến của người hâm mộ dành cho thần tượng thông qua việc tưởng tượng, hư cấu câu chuyện thường ngày về họ. Thể hiện tình cảm yêu mến với một người là điều tốt, nhưng cũng cần vạch ra những ranh giới để không vô tình biến tướng fanfic thành công cụ tình dục hóa idol, đặc biệt là những idol dưới vị thành niên.

Một số nam nghệ sĩ thần tượng như rapper Son Simba, thành viên Yesung (nhóm Super Junior), Zico (nhóm Block B ) từng thừa nhận đã vô tình đọc được fanfic gán ghép về mình một cách nhạy cảm và cảm thấy không hề thoải mái. Khi ấy, fanfic thay vì là một sản phẩm giải trí thì nó lại đang vô tình ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh nghệ sĩ và cộng đồng người hâm mộ trong mắt công chúng.

TẠM KẾT

Quả thực, bản chất của fanfic không hề xấu. Nó xuất phát từ lòng yêu mến của công chúng dành cho đối tượng mà mình yêu thích. Chúng mình không kêu gọi bài trừ, phê phán văn hóa fanfic bởi đây là một sân chơi mở để người hâm mộ thể hiện sự sáng tạo, bày tỏ tình yêu mến của mình. Nhưng giống như những “con sâu làm rầu nồi canh”, có một bộ phận nhỏ đang vô tình biến fanfic thành công cụ tình dục hóa, quấy rối thần tượng – đặc biệt là những thần tượng còn nhỏ tuổi.

Trong thời đại mạng xã hội, truyền thông trở nên phổ biến thì sự lan truyền của “những con sâu” này vô cùng mạnh mẽ, không thể tránh khỏi sự tổn hại đến người đọc fanfic cũng như đến cả chính những thần tượng được nhắc tới trong câu chuyện.

Trong trường hợp chúng ta đang bàn, các nạn nhân nam sẽ bị đổ lỗi ngược là yếu đuối, làm quá, “đàn bà” nếu lên tiếng công khai, tố cáo vụ việc. Trong khi nữ giới lên tiếng tố cáo quấy rối tình dục là điều hoàn toàn bình thường và được ủng hộ. Nhưng QRTD là QRTD, bất kể nạn nhân ai đi chăng nữa thì ảnh hưởng tâm lý mà nạn nhân phải gánh chịu là như nhau.

Nói một cách công tâm, đôi khi không phải người hâm mộ cố ý quấy rối mà họ vô tình bị cuốn vào cách bình luận phản cảm, văn hóa thần tượng đã thành nếp từ trước đó. Ranh giới giữa Khen ngợi và Quấy rối vô cùng mong manh mà đôi lúc ta sẽ vô tình vượt qua. Mọi thay đổi đều phải đến từ gốc rễ của vấn đề.

👉 Ai cũng cần ý thức rõ về vấn đề quấy rối ngôn từ và hệ quả to lớn mà nó gây ra cho nạn nhân.

👉 Học cách tiết chế, văn minh khi bình luận, nhận xét bất kỳ ai dù là ở thế giới ảo hay cuộc đời thực.

👉 Ngưng bình thường hóa việc quấy rối nam giới và loại bỏ suy nghĩ nam giới không thể bị quấy rối.

VOGE hy vọng rằng, các độc giả của chúng mình nói riêng và người hâm mộ nói chung sẽ đủ tỉnh táo, lý trí để nhận ra ranh giới: đâu là quấy rối, đâu mới thực sự là yêu mến.

Nguồn tham khảo

CHARACTERISTICS & DEFINITIONS OF SEXUAL HARASSMENT

Tính dục hóa (sexualization) có bao giờ là tích cực?

Feminist Perspectives on Objectification

QUẤY RỐI TÌNH DỤC NƠI LÀM VIỆC VÀ NHỮNG CON SỐ BIẾT NÓI

Tại sao nam giới ít trình báo khi bị xâm hại tình dục?

Nhân viên nam bị quấy rối tình dục, chỉ biết… cười cho qua chuyện

Controversy grows over ‘real person slash’ sexualizing male K-pop idols

Has K-Pop Fan Fiction Crossed a Line?

Obsession, Sexualization, and Selective Reactions

Why is K-pop RPS, or real person slash, fan fiction causing controversy? An anonymous Blue House petition called to punish web hobby writers and rapper Son Simba spoke out on Instagram

The Dubious Ethics of “Real-Person Fiction”