Định kiến về biểu hiện giới đối nam

“Con trai mà chải chuốt dữ vậy, bộ mày bê đê hả?”
“Tập thể hình cho đô lên coi, tướng gì ốm nhách như con gái.”

Có không ít định kiến như trên cho rằng đàn ông không nên chăm chút cho ngoại hình của mình. Đàn ông mà đi đâu cũng vuốt keo bóng lưỡng, xịt nước hoa thơm phức, thì … coi chừng “bê đê”?

Từ áo, quần, tóc tai, người ta soi đến cả dáng hình, tướng đi, giọng nói. Thậm chí theo báo Vietnamnet, nhiều bậc phụ huynh đã đưa con đến khám bác sĩ chỉ vì con chuyển sang mặc áo hoa, màu lòe loẹt, dùng nước hoa và phấn trang điểm hay có giọng nói “ẻo lả”, “không giống đàn ông”. Không hiếm gặp các bài báo, bài tranh luận chỉ trích những người đàn ông “quá” chải chuốt, cho đó là hành động làm mất đi vẻ nam tính (*). Nhưng thế nào là “quá”, thế nào là vừa đủ? Ai là người đặt ra thước đo để đánh giá những điều ấy ở một người đàn ông?

Có nhiều cách để đàn ông thể hiện bản thân – họ có thể thích tập gym để có cơ thể cường tráng, hay cắt tóc cho gọn gàng, nhưng cũng có những người thích sự thon gọn, thích để tóc dài. Không có một khuôn mẫu tiêu chuẩn nào về sự thể hiện giới đối với đàn ông, và cho dù họ có chọn cách thể hiện nào thì chúng ta đều nên tôn trọng và chấp nhận họ, chứ không nên bắt ép họ phải thay đổi để trở thành một hình mẫu nam tính mà ta muốn. Sự nam tính không thể được đánh giá chỉ bởi vẻ bề ngoài của một người.

VẬY NAM TÍNH LÀ GÌ?

Đầu tiên chúng ta cần hiểu rõ các khái niệm về giới tính sinh học (sex) và biểu hiện giới để “đi tìm” định nghĩa nam tính.

  • Giới tính sinh học: Được xác định dựa trên các đặc điểm cơ thể như bộ phận sinh dục, nội tiết tố, nhiễm sắc thể. Ngoài giới tính nam và nữ, ta còn có liên giới tính (intersex), chỉ những người có những đặc điểm sinh học khác tiêu chuẩn nam – nữ thông thường.
  • Bản dạng giới: Cách một người nhìn nhận về bản thân, ví dụ giới tính sinh học là nam nhưng nhìn nhận mình là nữ thì họ có bản dạng giới là nữ. Chỉ có người đó mới quyết định được bản dạng giới của mình. Các cá nhân thể hiện bản dạng giới của mình bằng nhiều cách, thông qua danh xưng, quần áo, trang phục, tóc tai,…
  • Biểu hiện giới: Cách một người thể hiện bản dạng giới ra ngoài, gồm trang phục, kiểu tóc, trang điểm,v..v.

Hiện nay, trong đa số các nền văn hóa nói chung và ở Việt Nam nói riêng, ta thường bắt gặp một số khuôn mẫu được gọi là nam tính như sau: tóc ngắn, giọng trầm, đi đứng mạnh mẽ, mặc đồ tối màu, thân hình lực lưỡng, biết chơi thể thao,… Nếu tìm kiếm từ “Người đàn ông nam tính” trong google hình ảnh, bạn sẽ thấy những ví dụ rất giống với khuôn mẫu trên.

Tại Việt Nam, không thiếu những bài báo chỉ trích việc trang điểm của các sao nam, khi họ đánh phấn nhiều hay dùng màu son sáng. Tuy nhiên, những chuẩn mực đánh giá sự nam tính ấy có thật sự đúng đắn không, khi những thứ như quần áo, tóc tai, màu sắc,… vốn đâu mang giới tính?

LIỆU NAM TÍNH CHỈ CÓ MỘT KHUÔN MẪU DUY NHẤT?

Những chuẩn mực nói trên về sự nam tính luôn biến đổi theo thời gian và có sự khác biệt giữa các quốc gia trên thế giới. Ví dụ như về vấn đề tóc tai, trong thời phong kiến, nam giới buộc phải để tóc dài, bởi cắt tóc ở Trung Quốc được xem là bất hiếu; ở một vài cộng đồng người Mỹ bản địa (Native American), mái tóc dài gắn liền với yếu tố tâm linh, chỉ được cắt khi để tang cho cái chết của người thân – trong khi hiện nay ở Việt Nam, con trai thường không hay để tóc dài, và các trường học cũng yêu cầu nam sinh phải cắt tóc ngắn gọn gàng.

Ở Scotland, chiếc váy đặc trưng “Kilt” cũng được xem là biểu hiện của nam tính bởi nó được mặc bởi những chiến binh khi ra trận. Hiện tại đàn ông Scotland mặc Kilt cả trong những dịp trọng đại, bao gồm lễ cưới. Ngược lại, tại Việt Nam, hiếm khi nào bắt gặp hình ảnh nam giới mặc váy, thậm chí câu nói “mặc váy vào” còn được dùng như một lời chế giễu những người đàn ông.

Từ các ví dụ trên, có thể thấy những chuẩn mực nam tính không thật sự hoàn hảo và bất biến. Những tiêu chuẩn ấy thay đổi theo thời gian, vùng miền, đất nước, và vô cùng đa dạng. Vì vậy, nếu chỉ vì một người đàn ông không phù hợp với khuôn mẫu mà xã hội đã gán cho họ mà đánh giá họ là không “chuẩn men”, không nam tính thì liệu nó có thật sự công bằng?

HỆ QUẢ CỦA NHỮNG ĐỊNH KIẾN ẤY VỚI NAM GIỚI

Sẽ không có gì để nói nếu ai sinh ra cũng đúng theo khuôn mẫu như những người máy, tuy nhiên con người lại đa dạng hơn như vậy rất nhiều. Khi thấy mình khác với mẫu “nam tính” chung, nhiều bạn nam khó tránh khỏi cảm giác tự ti. Đôi khi họ còn bị người thân, bạn bè nghi ngờ về xu hướng tính dục.

Kết quả, họ buộc phải thay đổi bản thân để giống những người khác, bởi nếu không chịu thay đổi, họ còn có thể bị người khác tấn công (bằng bạo lực hoặc bằng những lời nói cay nghiệt). Việc nam giới dùng kem chống nắng, dùng mỹ phẩm, tắm ngày 2 lần, dùng nước hoa có thật sự làm mất đi “sự nam tính”? Nếu “nam tính” được đánh giá chỉ qua những điều ấy thì phải chăng chúng đang quá bất công đối với các bạn nam?

Định kiến về biểu hiện giới tất nhiên không chỉ làm khổ những bạn nam mà còn cả các bậc phụ huynh. Khi thấy con mình khác với “tiêu chuẩn” chung, nhiều vị phụ huynh đã nảy sinh những lo lắng, mong muốn con mình thay đổi để trở nên “giống những người khác” – từ những cách như khuyên bảo, nhắc nhở cho tới những cách cực đoan hơn như đưa con đi bác sĩ, đưa con vào các “trại trị liệu”.

Tuy nhiên mỗi con người đều là những cá thể rất khác nhau, và việc các bạn nam chăm sóc bản thân với mỹ phẩm, mặc đồ đa sắc, hay có tướng đi, giọng nói khác với “tiêu chuẩn” không khiến họ mất đi sự nam tính, hay “bớt đàn ông” như nhiều người vẫn nói. Định kiến giới khiến các thế hệ trong gia đình không tìm được tiếng nói chung, từ đó làm cho mối quan hệ ngày một xấu đi.

TẠM KẾT

Mong rằng qua bài viết này, độc giả của VOGE sẽ có thêm một vài kiến thức mới về chủ đề này. Bất cứ ai cũng nên được mặc những bộ quần áo mình yêu thích, để kiểu tóc mình muốn, được phép trang điểm và chăm sóc bản thân mà không bị gọi bằng những cái tên thiếu tôn trọng. Nếu đàn ông thích tập gym để cơ thể cường tráng, thích chơi những môn thể thao mạo hiểm, thật tốt cho họ – nhưng nếu có những người đàn ông muốn để tóc dài, thích đọc sách, đánh đàn hơn là tập thể hình, hãy tôn trọng những quyết định ấy của họ.

Chúng mình hi vọng rằng xã hội, sớm thôi, sẽ chấp nhận thêm nhiều cách thể hiện giới mới mẻ và đa dạng hơn những tiêu chuẩn truyền thống dành cho nam giới.

Nguồn tham khảo:

Đổ xô đi khám vì con trai ẻo lả, con gái ‘chuẩn men’

Con trai “nữ tính hóa”: con gái “chịu” được không?

20 sự thật thú vị về Hàn Quốc có thể bạn chưa hề biết

Khi sao nam Việt đánh đổi vẻ nam tính thường ngày bằng những gương mặt trang điểm quá tay

99% đàn ông đã hiểu nhầm về khái niệm nam tính

Spiritual Power of Long Hair: A Symbol of Strength, Wisdom and Identity

Celtic warriors of the trenches: The fearless Scots who earned their ferocious reputation by charging into battle wearing KILTS during the First World War

(*) Những bài báo cho rằng đàn ông chải chuốt là gay, là không nam tính:

Cách nhận diện đàn ông bị gay chị em cần biết

Khi chàng thích chải chuốt

[Hướng dẫn] Cách nhận biết con trai ” cong hay thẳng ” chính xác nhất