“Đầu tư thôi, vợ lo cơm rồi” – Một góc nhìn rộng hơn về sự chuyển dịch vai trò của đàn ông & phụ nữ trong gia đình hiện đại

Trong tập 15 của chương trình Shark Tank Việt Nam phát sóng trên kênh VTV3, khi phân chia nước vào các bình tượng trưng cho các khoản đầu tư, Shark Phú có nói: “…(tiền) cho vào đầu tư hết! Đầu tư thôi, cơm vợ lo rồi!”.

Đó là quan điểm và hoàn cảnh sống của một cá nhân, vậy số đông người trong xã hội hiện đại thì sao? Trong bài viết này, VOGE sẽ điểm lại bức tranh toàn cảnh về sự chuyển dịch vai trò giới trong gia đình thời gian gần đây để chúng ta có thể có những đánh giá khách quan hơn về câu nói của nhà đầu tư trên.

CẤU TRÚC GIA ĐÌNH ĐÃ THAY ĐỔI NHƯ THẾ NÀO TRONG VÒNG 50 NĂM QUA?

Trước tiên, để hiểu thật đúng về hiện trạng gia đình trong xã hội hiện đại, chúng ta cần hiểu rằng gia đình là một đơn vị thay đổi liên tục – tức là nó sẽ biến đổi theo quá trình đưa ra quyết định của thành viên gia đình và theo tổ chức của gia đình đó suốt cuộc đời. Chính vì thế mà “gia đình” không còn được định nghĩa bằng các vai trò cố định nữa, mà vai trò trong gia đình giờ đây thay đổi theo thời gian ở và theo tương tác hằng ngày của các thành viên. “Gia đình” cũng mang nhiều ảnh hưởng của chính trị và kinh tế. (*)

Trong một cuốn sách nghiên cứu các gia đình thuộc khối châu Âu của tác giả Livia Sz. Oláh, giáo sư ngành Nhân khẩu học của trường Đại học Stockholm cho thấy, trong vòng 50 năm vừa qua, vai trò của người phụ nữ trở nên toàn diện hơn, trong khi đó ở hầu hết các quốc gia thì vai trò của nam giới hầu như không có gì thay đổi.

Thời đại công nghiệp hóa toàn cầu đã thay đổi cấu trúc gia đình rất nhiều, cụ thể hơn là (1) tỷ suất sinh giảm trầm trọng và (2) việc sinh nở xảy ra muộn hơn và thường xuất hiện ngoài hôn nhân. Việc kết hôn cũng bị trì hoãn hoặc bỏ qua. Các mối quan hệ cũng trở nên mong manh hơn (**). Tình trạng này cũng được miêu tả như một làn sóng “chuyển dịch nhân khẩu học lần thứ hai” (Second Demographic Transition – SDT).

Xu hướng cấu trúc gia đình mới trên – theo bà Oláh – xảy ra đồng thời với sự thay đổi trong vai trò giới, đặc biệt khi vai trò của nữ giới được dàn trải ra hơn, có nhiều phụ nữ tham gia vào việc làm kinh tế hơn và gần đây là bắt đầu có sự xuất hiện của nam giới trong việc tham gia chăm sóc gia đình và trẻ em.

NỮ GIỚI THAM GIA LỰC LƯỢNG LAO ĐỘNG NHIỀU HƠN

Theo nghiên cứu vào năm 2012 của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), khi tỷ suất sinh giảm đi, tỷ lệ nữ giới tham gia lực lượng lao động tăng lên. Ở châu Âu, trào lưu phụ nữ làm việc cho tới khi nghỉ hưu mà không nghỉ việc giữa chừng (vì sinh nở hay kết hôn) ngày càng lan rộng, đặc biệt tại các quốc gia Bắc Âu.

Tại các nước Đông Nam Á, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động trung bình ở nữ giới vào năm 2015 là gần 67%, cao hơn 7% trung bình các nước thuộc tổ chức OECD. Cũng theo báo cáo, nghiên cứu Giới và thị trường lao động ở Việt Nam: Phân tích dựa trên số liệu điều tra lao động – việc làm của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho thấy có hơn 70% phụ nữ Việt Nam nằm trong độ tuổi lao động tham gia lực lượng lao động. Tỷ lệ này trên toàn thế giới là 47,2% và tỷ lệ trung bình của khu vực châu Á – Thái Bình Dương là 43,9%.

SỰ XUẤT HIỆN CỦA NAM GIỚI TRONG VAI TRÒ CHĂM SÓC GIA ĐÌNH

Làn sóng “chuyển dịch nhân khẩu học lần thứ hai” (SDT) cũng được nhà nghiên cứu Frances Goldscheider liên hệ với 2 giai đoạn mà vai trò giới có sự thay đổi:

👉 Giai đoạn 1: Sự gia tăng mạnh mẽ số phụ nữ tham gia làm kinh tế, nhưng vai trò trong gia đình không hề thay đổi. Ở giai đoạn này, mô hình “đàn ông trụ cột gia đình” trở nên ít hơn và gia tăng sự xuất hiện của những người phụ nữ “đa nhiệm”, vừa chăm sóc gia đình vừa tham gia lao động chính.

👉 Giai đoạn 2: Sự gia tăng của những người đàn ông tham gia việc chăm sóc gia đình, những công việc “không lương”.

Không chỉ thế, ở độ tuổi trẻ hơn, càng ngày càng có nhiều các ông bố dần làm quen với khái niệm “active parenting” – nuôi dạy con cái chủ động và tích cực.

CÒN ĐÓ NHỮNG VIỆC PHẢI LÀM

Tuy phụ nữ tham gia lao động nhiều hơn, học cao hơn và đàn ông cũng đang dần chia sẻ các công việc gia đình, thu nhập của phụ nữ vẫn ít hơn nam giới 16%. Con số này thậm chí còn lớn hơn ở nhóm thu nhập cao nhất, khoảng 21% (theo OECD vào năm 2012).

Sự bất lợi về thu nhập này có liên quan chặt chẽ tới vị trí của họ trên thị trường lao động, bởi phụ nữ vẫn tiếp tục cáng đáng việc nhà, những “việc không lương”, và vì thế không thể dành nhiều thời gian hơn cho công việc trả lương. Hơn thế nữa, việc làm bán thời gian lại phổ biến ở phụ nữ hơn là đàn ông, và nhắc tới “làm việc” thì nhiều phụ nữ có gia đình sẽ nghĩ tới việc làm bán thời gian là chủ yếu.

Cũng theo nghiên cứu, nguyên nhân có sự giảm khoảng cách giữa hai giới trong các công việc nhà phần lớn đến từ việc phụ nữ giờ đầu tư ít thời gian hơn cho “nghĩa vụ” chăm sóc gia đình để tham gia lao động, không phải từ việc đàn ông giờ đã chủ động tham gia chia sẻ công việc nhà. Chính điều này lại tạo nên áp lực gấp đôi cho phụ nữ khi phải cân bằng cả hai vai trò: người lao động và người vợ/mẹ.

Bà Valentina Barcucci – chuyên gia kinh tế lao động của ILO tại Việt Nam cho biết: “Bất bình đẳng đối với phụ nữ về chất lượng việc làm và phát triển nghề nghiệp cũng bắt nguồn từ trách nhiệm kép mà họ phải gánh vác. Phụ nữ phải dành thời gian làm việc nhà nhiều hơn gấp đôi so với nam giới”.

TẠM KẾT

Để khép lại bài viết , VOGE xin trích dẫn câu nói của nhà nghiên cứu Esping-Andersen: “Cho đến khi sự đóng góp của nam giới vào các công việc gia đình và công việc chăm sóc có thể tương đương với sự đóng góp của phụ nữ trong công việc trả lương, cuộc cách mạng về giới sẽ vẫn chưa hoàn thiện.” (***) Chính vì thế, chúng mình mong rằng bạn – những độc giả của VOGE – có thể cùng chúng mình tham gia vào sự chuyển dịch này, để ai cũng tìm được sự giúp đỡ, giảm gánh nặng lúc khó khăn.

Bạn nghĩ gì về câu nói của Shark Phú?

Nguồn tham khảo:

(*) Morgan, D. H. J. (2011). Rethinking family practices. Basingstoke: Palgrave Macmillan.

(**) Oláh, L. S., Kotowska, I. E., & Richter, R. (2018). The new roles of men and women and implications for families and societies. In A Demographic perspective on gender, family and health in Europe (pp. 41-64). Springer, Cham.

(***) Esping-Andersen, G. (2009). Incomplete revolution: Adapting welfare states to women’s new roles. Polity. Chicago

1. Oláh, L. S., & Fahlén, S. (2013). Introduction: Aspirations and uncertainties. Childbearing choices and work-life realities in Europe. In Childbearing, women’s employment and work-life balance policies in contemporary Europe (pp. 1-27). Palgrave Macmillan, London.

2. Goldscheider, F., Bernhardt, E., & Lappegård, T. (2015). The gender revolution: A framework for understanding changing family and demographic behavior. Population and development review, 41(2), 207-239. Chicago.

3. Joshi, Heather. (2010). The Incomplete Revolution: Adapting to Women’s New Roles by GOSTA ESPING-ANDERSEN. Population Studies. 64. 199-200. 10.2307/25749150.

4. Giới và thị trường lao động ở Việt Nam – Phân tích dựa trên số liệu Điều tra Lao động – Việc làm Việt Nam