Khi KOL kinh doanh và nổi tiếng nhờ việc củng cố định kiến giới

Gần đây, VOGE đã nhận được nhiều phản ánh bức xúc từ các độc giả về một số KOL (key opinion leader, tạm dịch là những người có tiếng nói trong cộng đồng) đang tuyên truyền những thông điệp và nhận thức độc hại về giới, với mục đích câu like, câu tương tác, thậm chí để quảng bá cho các sản phẩm thương mại. Ngày nay, phương tiện truyền thông nói chung và mạng xã hội nói riêng là một trong những tác nhân gây ảnh hưởng mạnh mẽ đến cách chúng ta nhìn nhận một vấn đề.

Chính vì thế, VOGE xin được đưa một số ví dụ và bóc tách những thông điệp/góc nhìn này để chúng ta cùng hiểu tác động tiêu cực của chúng đến cộng đồng. Trên cơ sở đó, VOGE mong rằng chúng ta có thể có chọn lọc hơn trong việc tiếp nhận các ấn phẩm truyền thông, cũng như các nhà xuất bản và phân phối ấn phẩm truyền thông cần cẩn trọng hơn trong quá trình lựa chọn nội dung đem đến công chúng.

KHI ĐỊNH KIẾN HOÁ THÂN THÀNH HÌNH MẪU, KHI KOL KINH DOANH DỰA TRÊN CÁC NIỀM TIN ĐỘC HẠI

Hiện nay, có rất nhiều kênh Youtube và sách có nội dung về chủ đề tình yêu, hẹn hò và các mối quan hệ. Họ thường nhắc tới một mối quan hệ kiểu mẫu mà trong đó phụ nữ phải là người lép vế, phục tùng, yếu đuối và mỏng manh trong khi đàn ông phải là người bảo vệ, mạnh mẽ, đầy nam tính thì mới hạnh phúc và đáng được yêu thương. Chúng mình hiểu rằng có thể KOL đang chia sẻ góc nhìn và sở thích cá nhân, tuy nhiên, khi đặt trong bối cảnh tuyên truyền đến cộng đồng lớn, có thể cách truyền tải của các KOL sẽ làm người xem hiểu lầm giữa quan điểm cá nhân và chân lý. Nhiều người còn lợi dụng lòng tin và sự mến mộ của người xem để bán những sản phẩm như khóa học hẹn hò, các loại sách báo dạy tạo dựng mối quan hệ – vừa tạo lợi nhuận, tạo danh tiếng, vừa tiếp tục tuyên truyền các niềm tin độc hại.

Câu chuyện sẽ không có gì đáng nói nếu như tác giả của những bộ sách, khoá học trên sử dụng những kiến thức khoa học chính xác và góc nhìn đa chiều, tôn trọng hơn để giải thích cho các hành vi, tâm lý của con người trong mối quan hệ tình cảm/tình dục. Thay vào đó, nhiều người lại sử dụng những khuôn mẫu giới, định kiến giới độc hại để nhạo báng, coi thường những người không phù hợp với cái khuôn họ xây dựng nên.

Chẳng hạn, một Youtuber A. đã có rất nhiều những video bình phẩm, đánh giá “chất lượng” của phụ nữ dựa trên cơ thể, tính cách và hành vi của họ khi hẹn hò. Youtuber này cho rằng, phụ nữ “chuẩn” là người phụ nữ mảnh mai, hiền dịu, mềm mỏng, chứ không phải những người “quá cỡ” hay những người “trông giống đàn ông”. Tuy nhiên, những ý kiến chủ quan người này nói về việc hẹn hò chung quy cũng nhằm mục đích quảng bá và thuyết phục người xem tham gia những “khóa học” về tình yêu và tâm lý phụ nữ của mình. Một ví dụ khác là một cuốn sách dạy phụ nữ cách hành xử trong tình yêu để được đàn ông “chọn” của tác giả A.M. Giống Youtuber A., tác giả A.M. cũng sử dụng kinh nghiệm cá nhân để hạ thấp, mỉa mai một bộ phận phụ nữ không thuộc vào hình mẫu tiêu chuẩn của mình và trình bày quan điểm riêng như một chân lý hiển nhiên, một hiện thực đáng mong muốn. Hiện tại, cuốn sách ấy vẫn được rao bán rộng rãi trên thị trường bởi nhiều nhà phân phối sách có tiếng. Rất nhiều người đã đọc và tin những điều trong cuốn sách ấy là đúng.

Việc bán những sản phẩm hợp thị hiếu, hợp nhu cầu bằng cách sử dụng những khái niệm, những thông tin độc hại, mô tả đơn giản hóa là không ít. Chính vì đánh vào tâm lý dễ dãi và cảm xúc tiêu cực, những ấn phẩm của các KOL này lại dễ dàng được công chúng chú ý và đón nhận – vô tình tạo ra suy nghĩ sai lệch rằng “chắc họ cũng phải thế này thế nọ thì mới bán được sách và làm ăn được chứ” trong cộng đồng. Những người không quen hay không có khả năng tìm hiểu để xác thực thông tin rất dễ tiếp thu những thông tin độc hại và tin rằng lời của các KOL đó là sự thật. Bên cạnh đó, những KOL – như A., như A.M. – cũng thường tỏ ra họ có nhiều trải nghiệm, có học thức và có nhận thức nhất định về vấn đề nhằm biện minh cho sự “đúng đắn” của những quan điểm cá nhân. Một số KOL khác còn làm giả bằng cấp và khai gian trình độ học vấn với công chúng, với nhà xuất bản. Khi bị độc giả phản ánh và yêu cầu giải thích, các nhà xuất bản và phân phối sách thậm chí còn từ chối giải thích hay nhận bất cứ trách nhiệm nào – cho rằng độc giả “quá tiêu cực” hoặc “bị tự ái cá nhân.”

HỆ QUẢ & HƯỚNG GIẢI QUYẾT?

Hệ quả của việc “đặt niềm tin nhầm chỗ” này là sau khi sử dụng những sản phẩm như vậy, người đọc/người dùng có thể cảm thấy hụt hẫng vì chất lượng không như mong đợi hoặc thậm chí có thể bị lôi kéo, trở nên tiêu cực và bài xích với những người không giống “tiêu chuẩn” mà các cuốn sách hay khóa học đã định nghĩa.

Sự phát triển cực nhanh của mạng xã hội đem đến nhiều lợi ích, một trong số đó là các thông tin ngày càng đa dạng và dễ tiếp cận. Tuy nhiên, đó lại là một con dao hai lưỡi khi có nhiều nguồn thông tin lệch lạc, câu like bằng những mô tả dễ dãi, đơn giản hóa, cố tình gây tranh cãi, hoặc cố tình chiều chuộng độc giả để nhanh nổi tiếng, có danh tiếng và tài chính – cũng sẽ dễ dàng tiếp cận người dùng Internet hơn. Tình trạng này ngày càng rõ hơn tại Việt Nam, khi nghề youtuber, KOL và streamer ngày càng trở nên phổ biến, đặc biệt là có độ phủ sóng cao tới lớp thanh thiếu niên – độ tuổi rất dễ bị ảnh hưởng bởi các nội dung độc hại, thiếu kiểm duyệt.

Đối với các nhà xuất bản và phân phối ấn phẩm truyền thông, VOGE mong rằng quý anh chị có thể chọn lọc những nội dung xác thực, bổ ích, đa chiều và tôn trọng hơn để đem đến cộng đồng. Đối với quý độc giả, VOGE tin rằng kỹ năng đọc hiểu truyền thông, biết cách chọn lọc thông tin là một yếu tố hết sức cần thiết trong thời đại công nghệ hiện nay. Chúng mình xin gợi ý một số cách như sau:

👉 Báo cáo ngay những kênh tuyên truyền kiến thức, góc nhìn, hành vi độc hại – ví dụ như các hành vi quấy rối tình dục, bắt nạt, bạo lực, hạ thấp người khác…

👉 Phụ huynh có thể giám sát, xem trước những kênh Youtube mà con mình đang theo dõi để kiểm tra độ an toàn của kênh. Nếu nội dung kênh có những biểu hiện độc hại như trên, phụ huynh nên can thiệp kịp thời bằng cách nhắc nhở và tâm sự cùng con.

👉 Đối với những kênh như đã nói ở phía trên, chúng ta nên hiểu những tác động tiêu cực có thể xảy ra khi tiếp tục củng cố các lối mòn về giới và tính dục. Nếu những thông tin mà chủ kênh đưa ra là ý kiến cá nhân, chúng ta hãy vẫn lắng nghe họ, nhưng cũng nghe từ những nguồn thông tin đối nghịch khác để có nhiều góc nhìn đa chiều và tôn trọng hơn.

👉 Trước khi phát hành những sản phẩm sách, báo, nhà xuất bản cần đọc trước sách, kiểm tra xem nội dung cuốn sách có đúng kiến thức khoa học không, có tuyên truyền nhận thức độc hại không. Đặc biệt, khi nhận được phản hồi từ độc giả, các nhà xuất bản nên cân nhắc và lắng nghe những ý kiến đó, đồng thời chịu trách nhiệm với những nội dung mà mình đã kiểm duyệt.

VOGE hy vọng qua bài viết này, các bạn đã có thêm một góc nhìn mới về những thông tin trên mạng và cách tiếp nhận, chọn lọc thông tin. VOGE cũng mong rằng, để tạo ra một không gian lành mạnh cho tất cả mọi người, những nhà sáng tạo nội dung sẽ nỗ lực hơn, đầu tư hơn cho sản phẩm và hình ảnh của mình để mang lại những giá trị tích cực cho cộng đồng.