Người chuyển giới, liên giới tính tham gia thể thao: Định kiến và Hy vọng

Trong trận chung kết Bóng đá nữ giữa Việt Nam và Thái Lan năm 2019, mạng xã hội đã lan truyền nhiều những bình luận xúc phạm, phản cảm của các cổ động viên Việt Nam với cầu thủ chuyển giới mang áo số 11 của đội tuyển nữ Thái Lan là Kanjana Sungngoen. Dù nằm trong đội tuyển thi đấu nữ, tuyển thủ này có khá nhiều đặc điểm được gắn liền với nam giới như yết hầu, dáng người cứng rắn, và những đặc điểm ấy lại khiến cô phải chịu nhiều sự miệt thị từ cộng đồng mạng. Nhiều người đã lên án hành động trên và cho rằng nó đại diện cho những định kiến về người chuyển giới trong tham gia thi đấu thể thao. 

Hành động miệt thị, coi thường người chuyển giới/liên giới tính nam/nữ trong thể thao vì những đặc điểm cơ thể của họ khác với hình mẫu “tiêu chuẩn” nam/nữ là không hề hiếm hoi. Thí sinh Liêu Mộng Tuyết, vận động viên (VĐV) điền kinh người Trung Quốc mới đây cũng vướng phải tranh cãi “nam giả nữ” khi cô tham gia thế vận hội Olympics 2020 tại Nhật Bản. Cư dân mạng mỉa mai, bêu rếu cô, thậm chí đưa ra những lời đồn thổi vô căn cứ về tài năng của nữ VĐV này – chỉ bởi vì ngoại hình của cô có phần khác biệt so với những cô gái khác.

Những tranh luận xoay quanh giới tính sinh học của VĐV liên giới tính/chuyển giới

Điều đầu tiên và chắc chắn cần thiết để đảm bảo công bằng trong các giải đấu thể thao là không cho phép VĐV sử dụng Doping (Một loại chất kích thích khiến cơ thể tăng thêm sức bền, sức chịu đựng) khi thi đấu. Để chứng minh một vận động viên có sử dụng chất kích thích hay không, các liên đoàn thể thao sẽ phải tiến hành đo hàm lượng testosterone trong cơ thể của các vận động viên. Hàm lượng testosterone đã được quy định rõ ràng theo giới tính, và những VĐV tham gia không được phép vượt quá hàm lượng ấy. Tuy vậy, với cách thức trên, liên đoàn thể thao có thể vô tình loại một số VĐV có lượng testosterone cao hơn mức cho phép, nhưng lại không hề sử dụng chất cấm nào – những người liên giới tính.

Hàm lượng Testosterone tồn tại ở cơ thể của tất cả mọi người, không phân biệt giới tính; tuy nhiên, hàm lượng này thường có xu hướng cao hơn ở cơ thể nam. Việc xét tư cách thi đấu dựa trên mức độ testosterone sẽ dẫn đến việc các VĐV nữ có mức độ testosterone cao ở ngưỡng ngang với nam giới bị tước tư cách thi đấu hoặc hủy bỏ kết quả thi. Những VĐV này sau đó cũng sẽ phải chịu đựng chỉ trích và công kích từ dư luận – những người cho rằng họ gian lận và thao túng kết quả cuộc thi. Nhiều VĐV còn bị gọi là những người chuyển giới, dù rằng họ không phải như vậy mà chỉ có lượng testosterone cao hơn những người khác mà thôi.

Một trường hợp điển hình chính là VĐV điền kinh nữ người Ấn Độ Dutee Chand, khi cô có lượng testosterone cao hơn những cô gái khác nhưng lại bị cho rằng là người chuyển giới. Những đồn đại vô căn cứ trở nên nghiêm trọng đến mức dư luận và truyền thông còn tìm đến tận nhà nữ VĐV này để điều tra về giới tính của cô. Trong suốt thời gian đó, Chand đã không thể tham gia bất cứ cuộc thi thể thao nào, và cũng không chấp nhận điều trị ức chế hoocmon theo quy định của Hiệp hội Liên đoàn điền kinh quốc tế (IAAF), Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) và các cơ quan thể thao khác. Không những không gặt hái được thành quả từ quá trình luyện tập, Chand còn trở thành tâm điểm của những tranh luận khoa học ngoài ý muốn của cô về testosterone. 

Nữ vận động viên Dutee Chand bị hủy bỏ kết quả thi đấu vì lượng Testosterone cao trong cơ thể

Một trường hợp khác phải kể đến là VĐV Santhi Soundarajan – cô cũng bị tước đi mọi thành tích khi kết quả kiểm tra nồng độ testosterone của cô cao vượt mức “tiêu chuẩn”. Cô bị chính địa phương của mình nghi ngờ và hắt hủi vì cho rằng cô đã “gian lận về giới tính” để tham gia thi đấu. Mặc dù cô đã từng kêu gọi xem xét và xác thực, song cho tới thời điểm này Santhi cũng chỉ đành “tay trắng” khi tòa án tuyên bố mọi việc đã qua hết thời hạn và không giải quyết cho cô. Nữ VĐV này thậm chí từng có khoảng thời gian tự sát hụt vì không chịu nổi áp lực của dư luận. 

Việc xét nồng độ testosterone tuy rằng được tạo ra nhằm mục đích đem lại công bằng trong thi đấu thể thao, bản chất của nó lại mắc phải một lỗi vô cùng nghiêm trọng: không phải ai cũng có nồng độ testosterone trong mức “tiêu chuẩn” dành cho nam-nữ của các hiệp hội thể thao. Ngoài giới tính nam và nữ, chúng ta còn biết tới những người liên giới tính, khi họ sinh ra với những đặc điểm cơ thể khác với hệ nhị phân nam nữ, và cả những người chuyển giới, khi họ sinh ra trong cơ thể khác với bản dạng giới của mình. Với những người chuyển giới, khi tham gia bất kì môn thể thao nào chia theo giới tính, họ phải chịu vô số những định kiến giới, cho rằng họ “không ra nam, không ra nữ” và họ đang gian lận.

Ví dụ như trường hợp của Rachel McKinnon, VĐV thi đấu tại môn xe đạp nữ, cho biết mỗi ngày cô phải nhận về hơn hàng trăm ngàn bình luận tiêu cực trên trang cá nhân. Đây cũng là một trong những lí do khiến McKinnon trở thành nhà hoạt động cho quyền lợi của cộng đồng người LGBTQ+.

Vận động viên chuyển giới nữ Rachel Mckinnon thi đấu tại môn xe đạp  

Định kiến giới thiếu khoa học về người liên giới tính/chuyển giới trong thể thao

Đa số các nhận định phản đối việc người chuyển giới/liên giới tính tham gia thể thao thường lấy lý do rằng thể chất của nam giới và nữ giới khác nhau. Họ cho rằng sự khác nhau giữa Testosterone của nam và nữ ảnh hưởng đến sức bền, thể lực, và phát triển các mô cơ. Ví dụ, những VĐV chuyển giới nữ sẽ có lợi thế hơn khi thi đấu các môn thể thao nữ vì họ có sẵn lượng testosterone cao trong cơ thể. Bản thân Liên đoàn thể thao Olympic (viết tắt là IOC) cũng từng xác định giới tính của VĐV bằng việc kiểm tra lượng testosterone, qua đó cho phép hoặc đình chỉ thi đấu các vận động viên nữ có lượng testosterone cao bất thường với mức cho phép. Theo họ, lượng testosterone cao bất thường này là do vận động viên đã sử dụng chất kích thích như Doping hoặc Adrenalines, những chất kích thích bị cấm sử dụng trong các cuộc thi đấu thể thao 

Thực tế, Giáo sư Peter Sonksen – một giáo sư về Endocrinology (khoa nghiên cứu về hormone) tại Bệnh viện St Thomas (London, Anh) đã chứng minh quy luật kiểm tra đó là sai lầm. Nghiên cứu của GS Sonksen đã chỉ ra rằng 16% vận động viên nam có lượng Testosterone thấp hơn tiêu chuẩn, trong khi đó 13% ở vận động viên nữ lại có lượng Testosterone cao hơn “với sự chồng chéo lên nhau giữa hai giới”. Nói cách khác, khoảng cách về nồng độ Testosterone giữa nam và nữ là không tồn tại trong số các vận động viên ưu tú. Các lợi thế về vận động không chỉ phụ thuộc vào hàm lượng Testosterone mà còn phụ thuộc vào cấu tạo của cơ thể, ví dụ như chiều cao, khối lượng cơ thể, và lượng oxy vào các tế bào hồng cầu. Chính vì vậy nên những VĐV chuyển giới/liên giới tính sẽ không ảnh hưởng nhiều đến tính cạnh tranh và công bằng trong các cuộc thi đấu thể thao.

Dựa vào kết quả nghiên cứu của GS Sonksen, IOC đã thay đổi luật lệ tiến bộ hơn khi tiến hành thẩm tra toàn bộ lý lịch chứ không chỉ đơn thuần xác định VĐV gian lận bằng việc kiểm tra Testosterone. GS Sonksen nói: “Việc xác định một VĐV gian lận thi đấu bằng cách kiểm tra Testosterone là không công bằng, quy chụp và thiếu khoa học. Rõ ràng đây là một sự phân biệt đối xử”.

Ngoài ra, có những môn thể thao không chỉ dựa vào những lợi thế thể chất do Testosterone quyết định mà còn dựa vào tính đồng đội, chiến thuật, sự bền bỉ. Đã có một trường hợp một vận động viên nữ bóng đá nữ ở Úc, Hannah Mouncey, rơi vào hoàn cảnh ấy – khi cô cam đoan rằng những đặc điểm về thể chất của bản thân chưa chắc đã là lợi thế như nhiều người lầm tưởng.

“Tôi có thể hình lớn hơn các đồng đội nhưng đó đâu hẳn đã là một lợi thế. Nhiều môn cần tốc độ và sức dẻo dai thì tôi đâu thể bằng họ. Tôi cũng hồi phục chậm hơn so với nhiều phụ nữ khác”, nữ cầu thủ Mouncey chia sẻ.

Chính vì vậy, việc nhận định rằng  “Người chuyển giới/liên giới tính tham gia thể thao có thể ảnh hưởng đến kết quả thi đấu” là một nhận định chưa chính xác, và mang tính định kiến giới đối với những vận động viên chuyển giới cũng như những vận động viên nữ giới hoặc nam giới có mức testosterone cao thấp bất thường.

Tạm kết

Trước những ảnh hưởng ngày càng lớn mạnh của phong trào bình đẳng giới, chống phân biệt đối xử, các liên đoàn thể thao đang cố gắng điều chỉnh và dần nới rộng những luật lệ, quy tắc để tạo điều kiện cho các vận động viên chuyển giới/liên giới tính tham gia thể thao. Ví dụ như trường hợp gần đây nhất của VĐV chuyển giới nữ Laurel Hubbard – khi cô được cho phép tham gia thi đấu tại bộ môn Cử tạ nữ vào thế vận hội Olympic tại Tokyo. Tuy vậy, sự thay đổi muộn màng này lại không thể giúp Dutee Chand quay trở lại phong độ đỉnh cao của cô ấy; hay như trường hợp của Santhi Soundarajan, con đường vận động viên chuyên nghiệp của cô đã hoàn toàn khép lại. Cũng đã có nhiều người đưa ra giải pháp rằng tổ chức một giải đấu riêng cho người chuyển giới và liên giới tính, tuy nhiên trên thực tế, biện pháp này lại chỉ khiến cho những phân biệt và định kiến giới trong thể thao diễn ra trầm trọng hơn. 

VOGE hy vọng rằng, trong một tương lai không xa, khi nhận thức về một xã hội công bằng về giới được lan tỏa và phát triển, những người chuyển giới/liên giới tính sẽ có được những quyền lợi mà họ cần có, cùng với việc họ sẽ không còn phải lo lắng, bất an về giới tính sinh học/bản dạng giới của mình – khi tham gia thi đấu thể thao và cả trong cuộc sống hàng ngày. 

Sources: 

https://en.wikipedia.org/wiki/Santhi_Soundarajan

https://en.wikipedia.org/wiki/Dutee_Chand

https://thanhnien.vn/the-thao/toan-canh-the-thao/tranh-cai-vdv-cu-ta-chuyen-gioi-duoc-tham-gia-the-van-hoi-2021-134405t.html

https://suckhoedoisong.vn/nong-chuyen-gioi-tinh-o-cac-nu-van-dong-vien-the-thao-quoc-te-n85973.html

https://www.bbc.com/news/health-47640359

https://afamily.vn/vdv-dien-kinh-trung-quoc-dang-khien-dan-mang-bi-lu-va-su-that-dang-sau-khien-ai-cung-bat-ngo-20210802173705957.chn

https://thebridge.in/athletics/athletics-federation-indian-grand-prix-4-june-21-22001?infinitescroll=1

Nguồn ảnh đã được gắn vào caption dưới mỗi ảnh.