Khuôn mẫu giới sai lệch ảnh hưởng đến các vận động viên thể thao như thế nào?

Mỗi vận động viên thể thao có hai nguồn thu nhập chính: nguồn thu nhập từ những giải đấu hay nói chung là sự nghiệp thể thao, và nguồn thu nhập từ những hoạt động không liên quan đến thể thao như là tham gia các sự kiện giải trí, hay để quảng cáo cho các nhãn hàng. Truyền thông đã nhiều lần đưa tin về sự phân biệt giới trong việc đầu tư, tài trợ và trao thưởng, nhưng gần như chưa bao giờ đề cập tới sự khác biệt trong thu nhập và các cơ hội từ những hợp đồng quảng cáo.

Điều đáng nói là, vấn đề này không chỉ đơn thuần thể hiện sự chênh lệch trong mối quan tâm của công chúng đối với thể thao nam và nữ: ẩn sâu trong đó chính là những định kiến, khuôn mẫu giới không nên có trong thể thao. Trong bài viết này, VOGE sẽ bàn về những khuôn mẫu giới chi phối cách nhìn nhận, sự đầu tư và độ phủ sóng của cầu thủ nam và nữ nhé!

ĐÀN ÔNG PHẢI TO KHỎE, RẮN CHẮC; PHỤ NỮ PHẢI MỀM MẠI, MỎNG MANH

Hầu hết các môn thể thao – đặc biệt là thể thao chuyên nghiệp – thường gắn liền với sự mạnh mẽ và rắn chắc của cơ bắp, vốn luôn được cho là “nam tính.” Vì thế, những vận động viên nam luôn nhận được sự mến mộ và ưu ái của xã hội – vốn đã bị ảnh hưởng sâu sắc bởi khuôn mẫu giới “đàn ông phải mạnh mẽ, to khỏe và có cơ bắp.” Đáng buồn thay, những vận động viên nữ rắn rỏi, khỏe khoắn lại không nhận được sự ưu ái như vậy: họ bị coi là “đi ngược lại với những chuẩn mực về người phụ nữ dịu dàng, nhẹ nhàng và mỏng manh.”

Trong bài phỏng vấn với VnExpress vào cuối tháng 4, Vận động viên Thể hình Đinh Kim Loan, người đã dành rất nhiều Huy chương Vàng trong các giải thể hình châu Á và thế giới, đã trải lòng về những định kiến mà phụ nữ theo con đường thể thao chuyên nghiệp phải đối mặt: “… tôi đã nhận được những lời khó nghe về việc con gái tập tạ, hay con gái có cơ bắp lực lưỡng, vai u thịt bắp trông chẳng nữ tính và giống phụ nữ chút nào.” Đây cũng là lời chế giễu mà Serena Williams, nữ vận động viên quần vợt lừng danh 23 danh hiệu Grand Slam đơn, phải đối mặt xuyên suốt sự nghiệp của mình: “… Người ta nói tôi không nên chơi ở thể thao nữ, rằng tôi thuộc về thể thao nam, bởi vì trông tôi đàn ông hơn các cô gái khác.”

Chung quy lại, phụ nữ chơi thể thao “trông đàn ông,” và phụ nữ cơ bắp “chẳng nữ tính.”

KHUÔN MẪU GIỚI ẢNH HƯỞNG ĐẾN VIỆC KHẮC HỌA VÀ LỰA CHỌN KOL THỂ THAO NHƯ THẾ NÀO?

Khán giả chắc chắn đã thấy những cầu thủ nam của Đội tuyển Quốc gia Việt Nam tham gia nhiều sự kiện, hay quảng cáo cho các nhãn hàng trên sóng truyền hình hay trên mạng. Thế nhưng, mãi đến năm 2019, Việt Nam mới có KOL thể thao nữ đầu tiên – Hoàng Thị Loan, chủ nhân của chiếc HCV bóng đá nữ SEA Games. Sau chiến thắng vào năm đó, lượt theo dõi trên trang cá nhân của cô tăng phi mã sau 2 trận đấu và đã đạt hơn 240.000 theo dõi, vượt xa lượng người theo dõi của những tuyển thủ quốc gia nam như Đỗ Hùng Dũng (150.000 theo dõi), Nguyễn Trọng Hoàng (178.000 theo dõi)…, và tất nhiên là vượt xa các đồng đội ở tuyển nữ như đội trưởng Huỳnh Như (8.000 theo dõi) hay Nguyễn Thị Tuyết Dung (30.000 theo dõi.) Tuy nhiên, khi nhắc đến Hoàng Thị Loan, từ báo chí tới những người giới thiệu cô ở các sự kiện gần như chỉ nhớ một nữ cầu thủ với khuôn mặt xinh đẹp, nữ tính – dường như không ai nói đến vẻ đẹp khỏe khoắn, kỹ thuật bóng đá hay những cống hiến của cô cho Câu lạc bộ Hà Nội.

Nguồn: Ảnh 1; Ảnh 2

Lại là những khuôn mẫu giới truyền thống: đàn ông “phong độ,” phụ nữ “xinh đẹp;” đàn ông “mạnh mẽ,” phụ nữ “dịu dàng.” Các vận động viên nam thừa sự phong độ và rắn chắc để nhận những sản phẩm quảng cáo “nam tính” như đồng hồ đeo tay hay nước tăng lực, còn các vận động viên nữ lại bị cho là “quá thô kệch,” “không đủ nữ tính” cho những sản phẩm “đo ni đóng giày” cho phụ nữ như dầu gội, sữa tắm, nước hoa nữ hay gia vị trong bếp. 

Ấy thế mà rất nhiều khán giả đã ấn tượng với hình ảnh thủ môn Bùi Tiến Dũng quảng cáo cho Shopee, hay đã từng thấy Tiến Linh, Quang Hải và Duy Mạnh quảng cáo cho nước tương Nam Dương 3. Một bên là trang mua sắm trực tuyến, bên còn lại là một loại gia vị nấu ăn – đều là những sản phẩm thường được coi là “nữ tính.” Còn các vận động viên nữ Việt Nam, họ đã bao giờ có cơ hội đại diện cho các nhãn hàng thể thao (vốn được coi là “nam tính” chưa?)

TỪ CHÊNH LỆCH TRONG CƠ HỘI TỚI CHÊNH LỆCH TRONG MỨC ĐỘ PHỦ SÓNG VÀ THU NHẬP…

Mỗi vận động viên thể thao có hai nguồn thu nhập chính: nguồn thu nhập từ những giải đấu và sự nghiệp thể thao, và nguồn thu nhập từ những hoạt động không liên quan đến thể thao như là tham gia các sự kiện giải trí, hay để quảng cáo cho các nhãn hàng. 

(1)Với nguồn tài nguyên quảng cáo và sự kiện ngoài các giải đấu đồ sộ và rộng mở, các vận động viên nam dĩ nhiên có độ phủ sóng cao hơn, và được công chúng chú ý hơn là những vận động viên nữ. (2) Khi mức độ phủ sóng của các vận động viên và tuyển thủ nam tăng lên, việc các nhà đầu tư và các nhà tài trợ tìm đến những đội tuyển hay vận động viên nam cũng như các giải đấu nam nhiều hơn là điều tất yếu. (3) Được đầu tư nhiều hơn, có điều kiện tập luyện và nguồn nhân lực lớn hơn, kết quả mà các vận động viên nam đạt được hầu như cao hơn kết quả của các cầu thủ nữ. Và vòng tròn (1)-(2)-(3) ấy liên tục được lặp lại, bỏ qua những vận động viên nữ – những người không nhận được sự chú ý xứng đáng với công sức, thời gian và tài năng của họ, để rồi từ đó sinh ra khoảng cách lớn giữa thu nhập của vận động viên nam và nữ. Cần hiểu rằng, mức lương KHÔNG phản ánh tài năng, công sức, giá trị của thể thao nam so với thể thao nữ, mà nó phản ảnh một quá trình, một hệ thống, một hệ tư tưởng bất bình đẳng ở phía sau nó.

Theo Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân tháng của người lao động quý I/2021 đạt 6,3 triệu đồng. Đối với một tuyển thủ nam, con số đó rơi vào khoảng 12 triệu đồng/tháng – và đó là mức lương TỐI THIỂU cho những tuyển thủ tuổi đời còn trẻ. Con số đó tăng lên theo thời gian và kinh nghiệm; thậm chí, với nhiều hợp đồng quảng cáo và nhiều cơ hội đầu quân cho các đội bóng quốc tế, một tuyển thủ nam có thể có thu nhập hàng tháng lên tới hàng trăm triệu. Trong khi đó, lương của các cầu thủ đội tuyển bóng đá nữ trẻ U14, U16 Việt Nam lại chỉ rơi vào khoảng từ 5 đến 6 triệu đồng một tháng – và đó là mức lương của tuyển thủ quốc gia và tuyển thủ đến từ những đội lớn như Hà Nội, TP. HCM. Đối với những tuyển thủ ở những đội bóng ở các tỉnh nhỏ hơn, con số đó chỉ ở mức 2-3 triệu đồng một tháng – dưới cả mức thu nhập bình quân toàn quốc. Bởi nhiều trở ngại trong việc thu hút sự quan tâm của truyền thông, những hợp đồng quảng cáo hay nhưng cơ hội tham gia sự kiện truyền thông đều là những điều xa vời đối với hầu hết tuyển thủ nữ.

BÌNH ĐẲNG GIỚI TRONG THỂ THAO: MỘT TRẬN ĐẤU DÀI HƠI

Vào năm 1973, vận động viên quần vợt nữ nổi tiếng Billie Jean King đã chiến thắng trước vận động viên nam Bobby Riggs trong “Trận đấu giới tính” (“Battle of the Sexes.”) Sau đó, bà đã lên tiếng đấu tranh cho sự công bằng trong việc trao tiền thưởng cho nhà vô địch nam và nhà vô địch nữ, và tới năm 2007, cả 4 giải cầu vợt Grand Slams (giải quần vợt Úc Mở rộng, giải quần vợt Pháp ,ở rộng, giải quần vợt Mỹ Mở rộng và giải Vô địch Wimbledon) đều đã thực hiện trao thưởng bằng nhau cho nhà vô địch nam và nhà vô địch nữ. Tuy nhiên, thu nhập của một vận động viên không chỉ nằm trên đường đua, sân bóng hay trong những chặng bơi. Những thu nhập từ những giải đấu của các vận động viên cũng phụ thuộc rất nhiều vào danh tiếng và độ phủ sóng ngoài lĩnh vực của họ.

Hầu hết các vận động viên nữ đều chật vật trong việc thu hút sự chú ý của công chúng trong và ngoài các giải đấu. Đây là hệ quả đáng buồn của những định kiến và khuôn mẫu giới, và điều này chỉ càng củng cố cho vòng tròn luẩn quẩn trong việc đầu tư cho vận động viên nữ: “vì họ không có độ phủ sóng cao nên không thể đầu tư nhiều, mà không đầu tư nhiều thì khó lòng thu hút khán giả và công chúng…”

Để giải quyết vấn đề này, việc cần làm tiên quyết là đào thải triệt để những khuôn mẫu giới độc hại còn tồn tại trong thể thao. Điều này có thể được thực hiện bằng nhiều cách: các nhãn hàng và các vận động viên hoàn toàn có thể truyền tải thông điệp bình đẳng giới vào những sản phẩm quảng cáo, truyền thông của mình, hay các vận động viên có tiếng hoàn toàn có thể sử dụng sức ảnh hưởng của bản thân để lan tỏa sự ủng hộ bình đẳng giới trong thể thao. Sau đó, các đội tuyển và đặc biệt là những liên đoàn thể thao cần chú trọng thu hút và đầu tư nghiêm túc cho các vận động viên nữ. Trao lương thưởng công bằng, tạo ra và giúp đỡ những vận động viên nữ tìm kiếm những cơ hội trong và ngoài lĩnh vực thể thao của họ, và cùng đấu tranh cho công bằng giới trong thể thao thay vì chấp nhận tình trạng vận động viên nữ phải chịu thiệt thòi – đó là những việc các đội tuyển và liên đoàn có thể thực hiện.

Xóa bỏ định kiến và bất công bằng giới đã tồn tại hàng nghìn năm nay trong thể thao không phải một điều dễ dàng. Vì vậy, cần nhận ra những định kiến, những rào cản mà các vận động viên nữ đang phải đối mặt để có những chiến lược hợp lý thúc đẩy sự phát triển của họ. Những giá trị của thể thao nữ không nên và không thể chỉ dừng lại ở ngoại hình hay khuôn mặt của các vận động viên, mà còn phải là kỹ năng, công sức, sự cố gắng của họ. 

Qua bài viết này, VOGE hi vọng bạn đọc có thể hiểu thêm về những sự phân biệt giới tính trong thể thao. Quả thật, nữ VĐV vẫn phải chịu nhiều thiệt thòi, khi họ vẫn chưa có được sự công nhận xứng đáng với những gì mình đã và đang bỏ ra. Mong rằng trong tương lai, các giải thể thao lớn sẽ có một cái nhìn đúng đắn hơn để hạn chế bất bình đẳng giới nói chung trong ngành.

Sources: 

https://www.billiejeanking.com/equality/

http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/xa-hoi/2021-04-19/thu-nhap-binh-quan-thang-nguoi-lao-dong-trong-quy-i-tang-339000-dong-102650.aspx 

https://www.brandsvietnam.com/20017-Tien-Dung-Hoang-Thi-Loan-va-thoi-dai-cua-cac-KOL-bong-da

https://vnexpress.net/vdv-the-hinh-dinh-kim-loan-ho-bao-toi-chang-giong-phu-nu-4268408.html

https://zingnews.vn/cac-co-gai-co-bap-co-xoa-su-ky-thi-ngoai-hinh-post1094505.html

https://bongdaplus.vn/bong-da-cuoc-song/doi-em-nu-cau-thu-2439621903.html