Mulan Live Action: Có phải đã tiếp cận nữ quyền sai cách?

Mặc dù được đầu tư một lượng kinh phí “cực khủng” từ Disney với 200 triệu đô la, cùng với sự tham gia của dàn diễn viên điện ảnh nổi tiếng của Trung Hoa như Củng Lợi, Lưu Diệc Phi, Châu Tử Đan, Lý Liên Kiệt. Vậy nhưng bộ phim Mulan (2020) phiên bản điện ảnh người đóng vẫn nhận về những đánh giá thấp khi nhiều khán giả nhận định rằng nó đã thất bại trong việc chuyển thể nếu đem so sánh với phiên bản phim hoạt hình cùng tên Mulan (1998).  Một trong số các lý do được nhiều khán giả đưa ra đó là Mulan (2020) – Đáng lẽ ra phải mang theo những “lăng kính giới” khách quan và những giá trị tích cực của nữ quyền giống như những gì bản hoạt hình đã làm, lại thất bại trong việc tiếp cận và truyền tải thông điệp. 

Mulan Live Action 2020 và Mulan bản hoạt hình năm 1998

Sự thật là trong khoảng thời gian gần đây, Disney liên tục thúc đẩy  mạnh việc truyền tải các thông điệp nữ quyền vào trong các bộ phim của họ. Theo hướng tích cực, đây là một trong những cố gắng đáng ghi nhận để thay đổi hình ảnh của nữ giới với những định kiến giới cố hữu trên màn ảnh. Tuy nhiên, một sự thật đáng buồn là Disney đang “sa đà” vào việc sản xuất một số lượng lớn các bộ phim truyền tải thông điệp về bình đẳng giới cũng như trao quyền cho phụ nữ, nhưng lại không hề chăm chút cẩn thận cho những tác phẩm đó. 

Và hậu quả là chỉ mới năm ngoái thôi, nhà Chuột đã tiếp tục để đứa con cưng tiếp theo của họ là Mulan Live Action (2020) – Một bản phim chuyển thể từ bộ phim hoạt hình cùng tên Mulan (1998) tiếp tục đạt số điểm cực kỳ thấp trên Metacritic là 6.6 từ người đánh giá và 2.8 từ phía người xem. Nhiều khán giả nhận định rằng, đây giống như là một bộ phim độc lập tự làm của Disney hơn là phim chuyển thể từ phim hoạt hình gốc năm 1998, vì nó “Chẳng hề giống với kịch bản gốc của phim hoạt hình, cả về giá trị và ý nghĩa”. Có thể nói lời nhận định này không hề sai, nhất là khi chúng ta đem so sánh với phiên bản hoạt hình gốc Mulan (1998).

Để giải thích cho quan điểm này, có rất nhiều lý do khác nhau từ kịch bản, nhân vật đến những sự thay đổi có phần “khó hiểu” so với phiên bản hoạt hình gốc cùng tên năm 1998. Dưới đây là ba “sai lầm” lớn nhất mà theo chúng mình, đã khiến cho phiên bản Live Action, đáng lẽ ra đã là một bản “tuyên ngôn” về nữ quyền giống như những gì bản hoạt hình năm 1998 đã thể hiện, lại phải chịu chỉ trích có phần “nặng nề” về vấn đề tiếp cận và truyền tải thông điệp về nữ quyền này. 

Sai lầm số 1: Nữ quyền = Nam tính truyền thống 

Mặc dù nghe có vẻ vô lý nhưng thực sự sai lầm này vẫn xảy ra với một số bộ phim nữ quyền hiện đại. Sai lầm cốt lõi này thể hiện rất rõ ở một số bộ phim tiếp cận trao quyền cho nữ giới của Disney dạo gần đây như Captain Marvel (2019) hay Starwar: The Last Jedi (2017). Bản thân chính Mulan Live Action (2020) cũng đã đưa ra cách tiếp cận trao quyền cho phụ nữ bằng cách biến nữ giới trở nên… giống hệt như nam giới. Nói cách khác là nhân vật nữ trong các bộ phim về nữ quyền của Disney đang bị “nam tính hóa” và mọi đặc trưng của “tính nữ” đều bị xóa bỏ hoặc làm mờ nhạt đi. 

Một người nam giới có thể chất trung bình nhanh hơn, to hơn, khỏe hơn so với nữ giới. Chính vì thế, họ luôn phải gánh vác công việc nặng hơn so với nữ giới, chọn những phần việc khó khăn hơn nhằm mục đích chứng minh thế mạnh và khả năng của mình. Và quan điểm của Disney là mang tất cả những đặc điểm đó của nam giới đưa vào trong các nhân vật nữ, biến người nữ giới trở nên mạnh mẽ và gánh vác tất cả mọi việc ngang với người nam giới, đặc biệt là vấn đề thể chất. 

Nhà Chuột tin rằng với điều đó, họ có thể thể hiện ra hình tượng của một nữ giới người có thể làm được tất cả những gì mà nam giới có thể làm được. Nhưng vấn đề ở đây chính là họ đã thay đổi những phẩm chất của nữ giới để trở nên giống hệt như nam giới, và điều này không phải trao quyền để phụ nữ trở nên phù hợp và bình đẳng với nam giới. Đây là hành động biến một phụ nữ trở thành một người đàn ông. Điều đó khá phi thực tế vì ngoài đời không phải nữ giới nào cũng có thể chất mạnh mẽ như nam giới do cả yếu tố sinh học và xã hội. Chưa kể, đây có thể bị xem như một hành động bài trừ tính nữ và đề cao tính nam.  

Có một sự khác biệt lớn giữa tiếp cận trao quyền cho nữ giới và biến nữ giới trở thành nam giới. Đó là cho thấy nữ giới có thể làm được những gì cho bản thân và xã hội, chứ không phải là biến nữ giới trở thành một người có thể gánh vác được tất cả công việc “như một người đàn ông”. Và bằng cách nào đó, nhà Chuột của những năm gần đây luôn luôn chọn phương án sau cho bộ phim của họ. Đáng lẽ ra, Disney phải làm nổi bật những đặc điểm của tính nữ như trở thành một cô gái có ý nghĩa như ra sao? Nữ giới có thể làm được những gì để đóng góp cho xã hội? Làm thế nào để xã hội có thể nhìn nhận và tôn trọng những đóng góp đó?  Làm sao để nữ giới và nam giới có một tiếng nói chung và có thể làm việc cùng nhau?. Nhưng không, Disney của bây giờ chỉ đơn giản đưa ra một luật định duy nhất: “Nữ quyền là nữ giới phải trở thành nam giới.”

Bản gốc hoạt hình của Mulan (1998) đã thể hiện rất tốt cho những câu hỏi trên nó đã cho thấy những đặc điểm của tính nữ đã giúp Mulan góp phần đánh bại tộc Huns trong phim như thế nào. Ở bản hoạt hình năm 1998, Disney đã thực sự khắc họa được một cô gái Mulan dũng cảm, người phải chấp nhận đóng giả làm nam giới để thay người cha già yếu tòng quân đánh giặc. Cô phải chấp nhận luyện tập gấp đôi những người đồng đội nam giới của cô để có thể sử dụng một thanh kiếm thuần thục. Cùng với việc cố gắng để bắt kịp với mọi người trong đội quân, cô đã chứng minh rằng giới không phải là thứ có thể kìm hãm sự phát triển của bản thân. Bởi đơn giản cô là Mulan, một người con gái luôn cố gắng phấn đấu vì những những ước mơ cao cả của bản thân. 

Mulan phiên bản hoạt hình (1998) cùng các đồng đội cải trang thành nữ giới để giải cứu hoàng đế Trung Hoa

Cô cũng đã giúp thay đổi dần hình ảnh nam tính cực đoan của các đồng đội khác, giúp họ từ những kẻ tối ngày chỉ biết ẩu đả để chứng minh cho sự nam tính của họ, trở thành những người biết tính toán khéo léo và mưu trí hơn.Điều này đã thể hiện rõ qua chi tiết khi những đồng đội nam của cô chấp nhận mặc đồ cung nữ để đánh lừa quân Huns lao vào cung giải cứu Hoàng đế. 

Xuyên suốt bộ phim, ta có thể học hỏi rất nhiều điều từ cả hai giới tính. Nam giới có thể ứng xử mềm mại hơn , cũng như  nữ giới có thể trở nên cứng rắn mạnh mẽ hơn. Mỗi giới đều có những thế mạnh riêng, và thế mạnh này sẽ đều cần thiết trong việc xây dựng và phát triển xã hội

Tuy nhiên, những chi tiết đầy tính thông điệp trong phiên bản hoạt hình lại bị thay đổi hoàn toàn một cách đầy “khó hiểu” trong bản chuyển thể năm 2020. Trên phiên bản phim điện ảnh này, chúng ta gặp một Mulan hoàn toàn khác, một người mà gần như chẳng có quan hệ hay bất cứ tương tác nào với chính những người đồng đội của cô. Tất cả những gì chúng ta có là một Mulan có thể làm được tất cả mọi thứ, một người mà chẳng tạo ra bất cứ “giá trị” hay “bài học” nào cho người xem trong suốt bộ phim ngoài những “ Siêu năng lực” giúp cô trở thành người giỏi nhất ngay từ ban đầu, với một xuất phát rõ ràng là từ vạch đích. Điều đó vô tình đã khiến cho bản Live Action giống như một bộ phim độc thoại vô hồn về cuộc phiêu lưu của Mulan hơn là một bộ phim tiếp cận trao quyền cho nữ giới, với những sự tương tác của cả hai giới.

Mulan của bản Live Action có thể chiến đấu mạnh mẽ mà không phải trải qua giai đoạn cố gắng luyện tập

Sai lầm số 2: Nhân vật quá hoàn hảo. 

Bạn sẽ thích một bộ phim mà nhân vật chính từng bước cố gắng để dần trở nên hoàn thiện, hay một bộ phim mà nhân vật chính cái gì cũng có ngay từ vạch đích? 

Việc xây dựng một hình tượng Mulan không trải qua quá trình phát triển đã vô tình khiến cho việc tiếp cận trao quyền của bộ phim gặp vấn đề. Ở bản hoạt hình, ta có thể thấy một Mulan đã nỗ lực luyện tập, cố gắng nhiều hơn đồng đội của cô  để có được sự thừa nhận từ những người đồng đội này, cũng như để vượt lên những thiếu sót về thể chất của bản thân.Trong khi đó ở bản điện ảnh, chúng ta có một Mulan quá “bá đạo”, người đã sở hữu siêu năng lực ngay từ khi còn nhỏ đã giúp cô khỏe hơn người thường, và thậm chí chính chính Mulan cũng tự biết điều đó ngay từ khi còn nhỏ.  

Một Mulan ngay từ khi sinh ra đã đạt tới vạch đích, dẫn tới việc cô chẳng hề có bất kì sự tương tác gì với những người đồng đội khác, hay cố gắng để thừa nhận và vượt qua những khuyết thiếu của bản thân. Trong phim Mulan chính là người duy nhất gánh nước lên được tới đỉnh núi, không phải bởi vì cô luyện tập chăm chỉ hơn những người khác, mà bởi vì cô… mạnh sẵn rồi. Bộ phim không hề có những yếu tố “ phát triển”, “ học hỏi”, hay “ thử thách” cả. Một Mulan sinh ra đã hoàn hảo cả về thể chất và tinh thần ở giữa những hình tượng đồng đội nam giới của cô bị xây dựng một cách mờ nhạt và yếu đuối, thậm chí còn chẳng có tương tác với nhau. 

Câu hỏi sẽ là vậy thì làm thế nào mà nữ giới có thể nhận ra thông điệp tiếp cận trao quyền bởi nội dung của bản phim chuyển thể này? Nó tạo nên một hình tượng quá hoàn hảo để nữ giới nhìn vào, khi nhân vật chính sinh ra đã là một thần đồng ngay từ khi mới lọt lòng. Không có hành trình, không có nhận thức, không có xung đột bên trong hay bên ngoài cho vấn đề đó, không có gì cả. Mulan chỉ là một nhân vật “bá đạo”. Thứ ý tưởng này đã phá bỏ hoàn toàn một Mulan từ bản gốc hoạt hình, một cô gái sinh ra không có gì đặc biệt, không thể gánh hai xô nước đi quá ngọn núi, không thể nhảy ngược trên mái nhà và phải dựa vào sự tương tác với chính những đồng đội của cô để giải quyết vấn đề.

Sai lầm số 3 : Sự phá vỡ các quy tắc riêng của tính nam và tính nữ. 

Ở phiên bản hoạt hình gốc năm 1998, ta có thể thấy rõ việc Mulan ban đầu không tốt trong việc trở thành khuôn mẫu của “nữ giới” hay “nam giới”. Trong phiên bản này, ta có thể thấy một Mulan không biết tự trang điểm, không biết các quy tắc hoặc lễ nghi hay các công việc nữ công gia chánh trong nhà. Mulan cũng cho thấy cô chẳng giỏi khi làm các công việc nam giới bởi rõ ràng cô cũng chẳng thông thạo việc chiến đấu bằng tay chân như các đồng đội của cô. Tuy nhiên, Mulan lại biết cách kết hợp hài hòa giữa “tính nam” và “tính nữ” của cô, nhấn mạnh rằng tuy cả nam giới và nữ giới dù khác nhau về mặt sinh học, nhưng họ đều có những mục tiêu và thuộc tính chung trong hành vi và tâm lý… Chính bởi sự khác nhau về “tính nam” và “tính nữ” này, cả hai giới vẫn có thể kết nối hài hòa với nhau khi họ kết hợp hay “giúp đỡ” lẫn nhau, bởi điều đó có thể khiến cho cả hai giới có thể “học hỏi” lẫn nhau. 

Mulan phiên bản hoạt hình 1998 không hề biết tự trang điểm, không biết rõ về các qui tắc gia đình hay những công việc nữ công gia chánh

Nói đúng hơn, phiên bản hoạt hình Mulan (1998) đã phá vỡ định những định kiến giới theo quan niệm của người Trung Quốc thời xưa. Nó đặt ra những câu hỏi như có thực sự đúng không khi cho rằng đàn ông chỉ thuộc về quyền lực và sức mạnh? Phụ nữ chỉ thuộc về vẻ đẹp và sự sinh nở? 

Mulan (1998) cho thấy rằng nam và nữ có thể học hỏi lẫn nhau để vượt lên khuôn mẫu trên và tạo ra những giá trị tích cực cho xã hội. Ví dụ, trên chiến trường và trong quá trình huấn luyện, Mulan phiên bản hoạt hình không chỉ đơn thuần sử dụng sức mạnh hay năng lực của cô để thành công, mà là sự sáng tạo, sự khéo léo và trực giác nhạy bén của cô ấy trong việc giải quyết các vấn đề. Cô ấy không cần phải là một người đàn ông mạnh mẽ để tham gia chiến đấu, và điều đó cũng khiến các đồng đội của cô ấy cũng dần học được cách không phải lúc nào cũng nên dựa dẫm vào sức mạnh thể chất của họ.

Buồn thay, bản live-action Mulan không có được một sự nhận thức sâu sắc về vấn đề giới như bản hoạt hình năm 1998. Nó chỉ đơn thuần tạo ra một Mulan có sức mạnh có thể địch muôn người. Dường như phiên bản phim điện ảnh thừa nhận rằng nam tính truyền thống mới là thứ chiến thắng trong các cuộc chiến. Nếu bạn mạnh mẽ và nhanh nhẹn như Mulan, bạn sẽ nghiễm nhiên trở thành người chiến thắng.

Mulan bản Live Action (2020) sở hữu “siêu năng lực” giúp cô có thể một mình đối địch với nhiều người.  

Bản Live Action Mulan không tạo ra được những kết cấu chặt chẽ về vai trò của các giới trong thời kỳ Trung Quốc cổ đại, hay đảm bảo khám phá những góc nhìn mang đậm sắc thái giới hơn trong của thời đại chúng ta. Đơn giản bởi vì người xem đều chỉ thấy một nhân vật chính- người có thể làm được mọi thứ, và việc chiến thắng là thứ gì đó được nhìn thấy từ trước đó rồi. Nói cách khác, bản Live Action đã hoàn toàn xóa sạch mọi quy tắc và khái niệm của “tính nam” và “tính nữ” trong việc xây dựng nhân vật. Thứ duy nhất chúng ta có thể thấy đó chính là một “tính nam” nổi trội ở trong chính nhân vật Mulan, trong khi mọi “tính nữ” thì đều bị xóa sạch. Đây là điều đã khiến cho bộ phim mất hoàn toàn giá trị truyền tải thông điệp về nữ quyền mà nó đặt ra lúc đầu.

Kết luận 

Sẽ thật không công bằng nếu như nói rằng Mulan (2020) là một bộ phim tệ hại. Bên cạnh những chỉ trích nặng nề về nội dung kịch bản, thì bộ phim thực tế vẫn nhận được những đánh giá cao về hiệu ứng, kỹ xảo và cảnh quay trong phim. Tuy nhiên, nó đã không thể truyền tải được những thông điệp ý nghĩa về các khía cạnh giới so với phiên bản hoạt hình gốc. Có lẽ bản thân chính chúng mình cũng hy vọng rằng, Disney có thể sớm nhận ra những sai lầm này của họ, và nhanh chóng có những giải pháp tiếp cận trao quyền hiệu quả hơn trên các sản phẩm phim ảnh tiếp theo, điều mà trước đây Disney vẫn luôn làm rất tốt. Và cũng hy vọng rằng, không chỉ riêng mỗi Disney, mà bất cứ một hãng làm phim nào cũng sẽ có một góc nhìn hợp lý trước khi đưa ra phương pháp tiếp cận trao quyền cho nữ giới trong các sản phẩm điện ảnh.