Trong buổi ghi hình gameshow vào ngày 22/03, nữ ca sĩ Thái Trinh đã gặp phải lời quấy rối tình dục đến từ một nhân viên quay phim. Sau khi cân nhắc thật kĩ, chị Thái Trinh đã đăng tải câu chuyện của bản thân lên mạng xã hội để nhắc nhở mọi người về vấn nạn quấy rối tình dục. Dòng trạng thái của chị nhận được nhiều lượt chia sẻ và đồng cảm, khiến chúng ta nhận ra rằng chị không phải là nạn nhân duy nhất hay cuối cùng của quấy rối tình dục. Trước hết, VOGE xin được cảm ơn chị đã dũng cảm lên tiếng và chia sẻ trải nghiệm của bản thân. Và nhân chuyện này, chúng mình cho rằng chủ đề QUẤY RỐI TÌNH DỤC NƠI LÀM VIỆC cần được đem ra bàn luận nhiều hơn nữa.
1. CƠ SỞ PHÁP LÝ
Theo Thư viện Pháp luật Việt Nam, Bộ luật Lao động 2019 đã có những quy định cụ thể về quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Luật định nghĩa quấy rối tình dục có thể xảy ra dưới dạng trao đổi như đề nghị, yêu cầu, gợi ý, đe dọa, ép buộc đổi quan hệ tình dục lấy bất kỳ lợi ích nào liên quan đến công việc; hoặc những hành vi có tính chất tình dục không nhằm mục đích trao đổi, nhưng khiến môi trường làm việc trở nên khó chịu và bất an, gây tổn hại về thể chất, tinh thần, hiệu quả công việc và cuộc sống của người bị quấy rối. Những hành vi quấy rối tình dục bao gồm, (1) Hành vi mang tính thể chất gồm hành động, cử chỉ, tiếp xúc, tác động vào cơ thể mang tính tình dục hoặc gợi ý tình dục, (2) Lời nói gồm lời nói trực tiếp, qua điện thoại hoặc qua phương tiện điện tử có nội dung tình dục hoặc có ngụ ý tình dục, và (3) phi lời nói gồm ngôn ngữ cơ thể; trưng bày, miêu tả tài liệu trực quan về tình dục hoặc liên quan đến hoạt động tình dục trực tiếp hoặc qua phương tiện điện tử.
2. TRỞ NGẠI
Trên thực tế, những hành vi quấy rối tình dục không phải lúc nào cũng được xét xử và xử phạt triệt để do nhiều nguyên nhân.
Việc quấy rối tình dục nơi làm việc đã được bình thường hoá trong nhiều khía cạnh, khiến nạn nhân cảm thấy khó khăn trong việc lên tiếng. Những quan điểm, khái niệm như “làm hoa cho người ta hái, làm gái cho người ta trêu” đang góp phần biến những hành động “trêu ghẹo” hay “quấy rối” trở thành một cuộc đùa vui và được ngầm chấp nhận một cách rộng rãi trong cộng đồng. Chính những tư tưởng như vậy đã khiến những người chứng kiến những sự việc quấy rối tình dục trở nên thờ ơ, thậm chí coi những hành động như vậy là một màn kịch mua vui.
Những điều ấy khiến các nạn nhân thường xuyên cảm thấy rằng vấn đề của mình là không hệ trọng và những điều họ gặp phải là lẽ đương nhiên, khó có thể tránh khỏi. Họ cũng tin rằng kể cả khi lên tiếng thì bản thân cũng không nhận được sự công bằng, thậm chí sự nghiệp của họ có thể bị tước đoạt hoàn toàn trong khi kẻ tấn công tình dục có thể chỉ bị phạt hành chính (hoặc sự khiển trách đạo đức hời hợt của xã hội) với mức án rất thấp. Vòng lặp này không những tạo tác động tiêu cực cho nạn nhân mà còn tạo cơ hội cho kẻ quấy rối lặp lại những hành vi này với nạn nhân và cả những người khác.
Nạn quấy rối tình dục nơi làm việc không phân biệt giới tính. Tương tự với những vụ việc quấy rối và tấn công tình dục đối với các nạn nhân nữ, rất nhiều nam giới cũng là nạn nhân của quấy rối tình dục. Bên cạnh những rào cản nói trên, họ cũng phải chịu nhiều định kiến giới khác, một trong số đó bao gồm sự mặc định rằng nam giới là “phái mạnh”. Với chiếc mác này, những nạn nhân nam giới của quấy rối tình dục thường phải đối mặt với những lời chỉ trích như “hèn nhát” hay “yếu ớt”. Tệ hơn thế, nhiều người chứng kiến còn tỏ thái độ không đồng cảm, gạt cảm xúc của nạn nhân và đùa rằng họ “sướng lắm” mới “được” quấy rối tình dục.
3. HỆ LUỴ
Quấy rối tình dục để lại những dư chấn về tâm lý vô cùng nặng nề đối với nạn nhân. Theo Tổ chức Lao động quốc tế, nạn nhân của quấy rối tình dục thường phải trải qua cảm giác bị sỉ nhục, mất động lực phấn đấu hay mất đi sự tự tôn của bản thân. Từ đó, họ hình thành nhiều sự thay đổi trong hành vi như tự cô lập mình, huỷ hoại những mối quan hệ, và họ còn dễ mắc những bệnh thể chất và tinh thần như trầm cảm hay lạm dụng chất có cồn. Tệ hơn, họ có thể rời bỏ những cơ hội trong nghề nghiệp, từ bỏ công việc, thậm chí là tự tử.
Hiểu được những hệ lụy cũng như sự phổ biến của nạn quấy rối tình dục, đặc biệt là tại môi trường làm việc, VOGE mong rằng bạn đọc sẽ đứng về phía nạn nhân và bảo vệ họ mỗi khi chứng kiến những sự việc như vậy. Trước khi nhà nước có những giải pháp toàn diện, hệ thống hơn cho vấn đề này, mỗi chúng ta đều có thể đóng góp để đẩy lùi vấn nạn này bằng cách thể hiện sự thấu hiểu cảm thông với nạn nhân khi họ chia sẻ câu chuyện của mình chứ đừng nên hùa theo đám đông để đổ lỗi ngược cho nạn nhân hay lôi trải nghiệm của họ ra để đùa giỡn.
VOGE hy vọng rằng trong tương lai, xã hội sẽ có những nhận thức đúng đắn hơn về nạn quấy rối tình dục, để từ đó những nạn nhân có thể lên tiếng bảo vệ bản thân mà không còn phải chịu bất kỳ định kiến nào nữa.
- Tham khảo: