Hẳn là trong ngày hôm nay – Quốc tế Phụ nữ 8/3, từng đóa hoa, món quà và lời chúc thân thương nhất đã được dành cho những người phụ nữ tuyệt vời trên khắp thế giới. Phụ nữ luôn là biểu tượng của cái đẹp, là nguồn cảm hứng bất tận cho nghệ thuật. Ấy vậy, liệu “cái đẹp” có bao giờ trở thành một áp lực, một chiếc lồng giam vô hình lên phụ nữ nói riêng và xã hội nói chung? Nhân ngày 8/3, hãy cùng VOGE tìm hiểu những ý nghĩa ẩn đằng sau hai từ “phái đẹp” nhé!
“GƯƠNG KIA NGỰ Ở TRÊN TƯỜNG…”
Khoảng 2 năm về trước, trên mạng xã hội hỏi đáp Zhihu của Trung Quốc đã bùng nổ một câu hỏi với hàng chục triệu lượt quan tâm: “Ngoại hình đối với con gái quan trọng đến thế nào?”. Khoan hãy bàn về những quan điểm trái chiều của cư dân mạng trước câu hỏi ấy, mà hãy nhìn vào một vấn đề cốt lõi hơn: Ngoại hình của phụ nữ quan trọng đến thế nào với xã hội?
Dường như ý tưởng rằng bạn chỉ được chọn 1: vẻ đẹp hoặc trí tuệ đã tồn tại trong ý thức xã hội từ lâu. Hình ảnh “Dump Blonde” (tóc vàng ngu ngốc) trên màn ảnh Hollywood ám chỉ những cô nàng xinh đẹp, ham mê của cải vật chất và tất nhiên…kém thông minh đã quen thuộc đến mức trở thành một định kiến. Và đó là một định kiến rất độc hại. Ở trong một thế giới mà ngoại hình lại gắn liền với giá trị, trí tuệ hay tính cách của một con người thì con người mất nhiều hơn được. Ở đây, chúng mình sẽ lý giải 2 hậu quả:
Thứ nhất, hạ thấp phụ nữ. Người phụ nữ với vẻ ngoài xinh đẹp sẽ không được đánh giá đúng khả năng của mình khi tham gia vào các hoạt động kinh tế, chính trị hay xã hội. Quan trọng hơn, ngay từ những năm tháng tuổi trẻ, cô ấy hiếm khi được khuyến khích theo đuổi những công việc liên quan đến khoa học, kinh doanh, hoặc lãnh đạo. Khi nói với phụ nữ rằng cô ấy chỉ cần đẹp thôi và không phải làm gì cả cũng chẳng khác nào tước đi cơ hội được giáo dục, lao động của một con người. Dần dà, những công việc ấy sẽ được trao cho đàn ông, và phần ít phụ nữ khác, khiến “các cô gái xinh đẹp” thật sự trở thành khuôn mẫu “vô dụng” mà xã hội áp đặt lên họ.
Thứ hai, tạo áp lực lên phụ nữ. Đây là một hậu quả dường như hiển nhiên. Khi mà xã hội coi trọng vẻ ngoài, đặc biệt là vẻ ngoài của người phụ nữ, họ sẽ cảm thấy bị áp lực để trở nên “đúng chuẩn hơn”. Gọi là “đúng chuẩn” mà không phải là “đẹp” bởi lẽ đây chính là bản chất của “cái đẹp”: nó không tuyệt đối. Khi bạn nói một người là đẹp tức là bạn phải so sánh cô/anh ấy với một chuẩn mực nào đó. Mà chuẩn mực của cái đẹp thì lại không cố định, thay đổi theo thời gian và quan trọng là, do con người tạo ra.
Nhiều người cho rằng phụ nữ thì chỉ biết chạy theo cái đẹp. Đó cũng là động lực thúc đẩy ngành công nghiệp thời trang, thẩm mỹ phát triển một cách chóng mặt, thậm chí cố gắng tạo ra những tiêu chuẩn “không thể với tới” để kiếm lời. Tuy nhiên, chạy theo cái đẹp không phải bản chất của phụ nữ như nhiều người nghĩ. Phần là vì áp lực từ xã hội, môi trường học tập, làm việc và gia đình mà người phụ nữ phải vươn tới “vẻ đẹp” bằng mọi giá. Thực chất, đạt được (gần) đến “chuẩn” của xã hội sẽ không nghi ngờ, đem lại những đặc quyền nhất định – điều mà con người khao khát. Có thể gọi đây là cơ chế thưởng – phạt để vận hành xã hội: ai gần với tiêu chuẩn hơn sẽ được “thưởng” với hàng ngàn lời khen ngợi, ngưỡng mộ, cơ hội tốt…và ngược lại.
“EM SO ĐẸP”, ANH THÌ SAO?
Khi gắn “sắc đẹp” với nữ giới, có vẻ như ta đang tình cờ bỏ qua tất cả những “giới” còn lại. Đúng là nam giới cũng có những tiêu chuẩn sắc đẹp riêng, nhưng họ dường như quá ít được chú ý so với nữ giới. Điển hình ta có thể thấy số lượng các cuộc thi sắc đẹp hiện nay của nam giới ít hơn hẳn so với nữ giới. Dẫu cho trong lịch sử thì cuộc thi sắc đẹp hình thể đầu tiên là dành cho nam giới với tên gọi “Contest of physique” ở Hy Lạp.
Hẳn là, giới nào thì cũng đẹp và không ai nên tước đi “quyền được đẹp” theo cách riêng của họ. Tuy nhiên, vẫn còn đó những sự kì thị, dè bỉu đối với những người mang giới tính nam mà thường quan tâm vẻ ngoài của mình. Nếu chỉ vì một người đàn ông biết sử dụng các sản phẩm dưỡng da, trang điểm hay dành hơi nhiều thời gian ngắm nhìn bản thân mà đánh giá thấp họ thì thật là đáng buồn!
Bởi lẽ, vẻ đẹp đối với mỗi người đều khác biệt nên cách thể hiện chúng cũng đa dạng không kém. Không chỉ đàn ông mà những người thuộc cộng đồng LGBTQ+ cũng phải chịu rất nhiều miệt thị chỉ vì cách biểu hiện giới qua vẻ bề ngoài của họ.
NGẪM.
Suy cho cùng, chúng ta vẫn là những con người, là sản phẩm của tự nhiên và tạo hoá. Tự nhiên không quy định ai xấu, ai đẹp thì tại sao con người lại tự xây lồng giam chính mình?
Vậy nên, điều mà VOGE muốn gửi đến các bạn thân yêu trong ngày mùng 8/3 đó là: chúng mình yêu phụ nữ…và chúng mình cũng yêu đàn ông, phụ nữ đẹp và đàn ông cũng thế, bất kỳ ai cũng thế. Dù bạn là ai, giới tính là gì, biểu hiện giới ra sao, chúng mình tin rằng vẻ đẹp là cách bạn nhìn chính mình. Ngoài ra, ngày hôm nay, hãy nhìn vào mắt những người bạn yêu thương và nói rằng họ thật đẹp. Bởi vì vẻ đẹp xuất phát từ tình yêu mới là vẻ đẹp đích thực.