Sau khi nhận được phản hồi từ độc giả ở bài đăng trước, hôm nay chúng mình sẽ bàn về bài viết “ĐỂ YÊN CHO TÔI LÀM ĐÀN BÀ” của MC Trác Thuý Miêu. Trước hết, VOGE muốn khẳng định là bài viết này không nhằm mục đích tấn công hay kêu gọi tẩy chay bất kỳ ai, chúng mình chỉ mong muốn đưa ra ý kiến từ góc độ những người đấu tranh cho bình đẳng giới ở Việt Nam về những “phát ngôn” của những nhân vật có ảnh hưởng trong xã hội.
Câu chuyện mà bài viết của Trác Thuý Miêu đưa ra chỉ là một trong vô vàn những ý kiến phản bác việc đấu tranh của phụ nữ, tuy nhiên nó đã động tới một vấn đề rất cốt lõi trong sự bất bình đẳng giới – phân chia lao động giữa nam và nữ. Vậy nên, trong bài viết này, VOGE chỉ xin mượn câu chuyện mà chị Trác Thuý Miêu đã đề cập đến, để mà làm rõ bản chất của đấu tranh cho bình đẳng giới.
1. ĐẤU TRANH CHO BÌNH ĐẲNG GIỚI LÀ ĐẤU TRANH CHO SỰ LỰA CHỌN
Việc nhà hay việc chăm sóc con cái đều là lao động, và phần lớn phụ nữ làm việc nhà dưới hình thức lao động không được trả công hoặc trả công không sòng phẳng. Trong trường hợp phụ nữ ở nhà làm việc nội trợ còn đàn ông ra ngoài làm việc kiếm tiền để trang trải chi tiêu gia đình, đây không được coi là trả công cho việc nội trợ như nhiều người vẫn nghĩ.
Việc người chồng đưa tiền như một sự “trả công” cho vợ không có nghĩa rằng người đàn ông là người sử dụng lao động và người phụ nữ là người lao động, vì sự trả công đó không được bảo vệ bởi hợp đồng lao động hay pháp luật, và nó cũng không được tính vào thu nhập quốc dân như những công việc lao động khác ngoài xã hội.
Điều này có thể dẫn đến hậu quả gì? Hãy tưởng tượng, một ngày người sử dụng lao động không muốn trả công cho lao động nữa, bạn có thể kiện họ và hoàn toàn được bảo vệ bởi pháp luật. Tuy nhiên, nếu sự “trả công” lại là thoả thuận ngầm “trong gia đình”, thì người sử dụng lao động (ở đây là người chồng) có thể ngừng chu cấp cho người lao động (người vợ) mà không phải chịu trách nhiệm nào. Anh ta cũng có thể trả công thiếu, trả công trên danh nghĩa nuôi ăn, cho chỗ ở…và tóm lại là người phụ nữ khi ấy không được đối xử như một người lao động chính đáng dù cô ấy cũng làm việc hàng ngày để chăm sóc gia đình.

Với nhiều phụ nữ, khi lao động này không xuất phát từ sự tự nguyện, nó trở thành một dạng bóc lột lao động được lãng mạn hoá bằng từ “thiên chức”. Bản thân các đặc điểm sinh học của phụ nữ và đàn ông không có sự khác nhau nào mặc định việc nội trợ thuộc về phụ nữ hay khiến đàn ông không thể làm việc nhà. Đây là một khái niệm được kiến tạo bởi xã hội mà phụ nữ phải tiếp thu và nội tâm hoá trong quá trình tiếp xúc với xã hội, để rồi từ đó nó nghiễm nhiên trở thành một nhận thức chung, một ”sự thật” để biện hộ cho sự phân chia vai trò giới trong gia đình.
Chị Miêu trong bài viết làm “việc bếp núc” với sự tự nguyện. Điều này không có gì xấu, tuy nhiên chị Miêu không thể lấy bản thân mình làm đại diện cho “đàn bà”, vì điều này không đúng và không công bằng với những phụ nữ không coi “việc bếp núc” là yêu thích hay tự nguyện.
Trên thực tế, nhiều phụ nữ không có đặc quyền lựa chọn như chị Miêu. Rất nhiều người bị đánh đập, hành hạ hay miệt thị khi từ chối làm việc nhà hay làm không “tốt”, kể cả khi họ cũng lao động với cường độ tương đương với đàn ông trong việc ngoài gia đình. Chưa kể đến, việc lao động không tự nguyện này còn có những hệ luỵ nằm ngoài gia đình, điển hình như việc phụ nữ không thể dành nhiều thời gian và sự đầu tư cho bản thân như mong muốn.
Đấu tranh bình đẳng giới là đấu tranh để cho tất cả chúng ta có quyền được lựa chọn cách sống của mình mà không bị giới hạn bởi định kiến giới. Bình đẳng giới trong gia đình xuất hiện khi người trong nhà không mặc định về nghĩa vụ của đối phương chỉ dựa trên cơ sở giới của họ.
Để có được sự bình đẳng này, người trong gia đình nên chủ động trao đổi về trách nhiệm nội trợ và cảm thông cho nhau để cùng gánh vác và san sẻ công việc “xây tổ ấm”.
2. AI ĐỂ YÊN CHO AI?
Từ câu chuyện của Trác Thuý Miêu, chúng ta có thể hiểu hơn những khó khăn mà phong trào nữ quyền cũng như những nhà hoạt động bình đẳng giới đối diện. Sự bất bình đẳng về phân công lao động tồn tại, và được duy trì bởi những người còn được lợi từ nó – ví dụ như chị Miêu. Tuy nhiên, những người bị đàn áp, bóc lột và không được lợi từ sự bất bình đẳng ấy thì tất yếu sẽ đấu tranh, sẽ phản kháng.
Dẫu vẫy, thách thức được đặt ra vì bất bình đẳng giới đã tồn tại quá lâu, đôi lúc nó đã mạo danh “truyền thống”, “thuần phong mỹ tục” để khẳng định tính “chính danh” (cụm từ trong học thuyết của Khổng tử). Nữ quyền và phong trào đấu tranh giới dễ bị nhìn nhận là “đi ngược với truyền thống”. Vậy nên, bản thân truyền thống không xấu, cũng không tốt.
Vấn đề là cần nhận ra rõ giá trị truyền thống nào đã không còn phù hợp, hoặc đang chèn ép con người, và giá trị nào là nhân văn, là vì con người. Nếu không phân biệt rõ, điều này sẽ gây ra thách thức rất lớn cho cộng đồng những nhà hoạt động xã hội ở Việt Nam.
Hơn nữa, với sự xuất hiện của nhiều thông tin sai lệch trên mạng xã hội, những giá trị cốt lõi của phong trào nữ quyền còn dễ bị bóp méo, khiến nhiều người phụ nữ thấy nữ quyền không đem lại lợi ích gì cho họ hoặc thấy phong trào này cực đoan và không phù hợp với những gì họ đã được biết từ trước.
Trong trường hợp của Trác Thuý Miêu, chị cảm thấy việc mình thích “bếp núc” đi ngược với phong trào nữ quyền, tuy nhiên, trên thực tế, phong trào nữ quyền đấu tranh cho phụ nữ có thêm nhiều sự lựa chọn và cơ hội ngoài công việc nội trợ, và hoàn toàn không mang tính ép buộc. Phụ nữ cho dù chọn “việc bếp núc” như Trác Thuý Miêu hay con đường khác đều xứng đáng được tôn trọng và không bị cản trở bởi những chuẩn mực của xã hội. Đó mới là những giá trị cốt lõi của phong trào nữ quyền.
Hiểu được hiện trạng xã hội như vậy, VOGE mong muốn bạn đọc mở lòng lắng nghe những ý kiến tương tự như ý kiến của Trác Thuý Miêu và trở nên thấu cảm hơn thay vì chỉ tập trung công kích cá nhân. Thay vì đẩy họ xa hơn, nhận ra sự khác biệt của mỗi cá thể là điều rất cần thiết, và hãy lan tỏa yêu thương chứ đừng là những sự tiêu cực, bạn nhé!
Vậy, theo bạn, phụ nữ không làm việc nhà thì có thể làm gì?