TỚ NỮ TÍNH – TẠI SAO KHÔNG?

Bạn đã bao giờ gặp một cô nàng ngày thường vốn ăn mặc tomboy, cắt tóc ngắn, cư xử thẳng thắn và có phần “mạnh mẽ”, rồi bỗng một ngày cô ấy trở nên “nữ tính” hơn hẳn: bắt đầu biết makeup, thậm chí là mặc váy, và bộc lộ những khía cạnh dịu dàng hơn trong tính cách của mình? Bạn nghĩ gì về hiện tượng này? Là cô gái đó bỗng “lột xác thành thiếu nữ”, “hormone phát triển bất ngờ”, hay chỉ đơn giản là cô ấy đang bộc lộ một khía cạnh khác vốn tiềm ẩn trong bản thân mình mà thôi?

1. Thế nào gọi là “nữ tính”?

Thực ra dù một cô gái có cắt tóc ngắn, tomboy, ít chải chuốt cho bản thân, hay để tóc dài, mặc váy, biết trang điểm, thì cô gái ấy cũng đều “nữ tính” và đó là một đặc điểm thống nhất nơi cô. Cô ấy nữ tính đơn giản vì cô ấy là con gái, vì thế nên nếu cô thay đổi từ cách “nữ tính” này sang cách “nữ tính” khác thì cô ấy vẫn là chính cô ấy thôi. Giống như khi mặc váy, hôm nay tôi mặc một chiếc váy màu xanh và ngày mai tôi thay một chiếc váy màu hồng. Nếu ta coi “màu xanh” nghĩa là tomboy, cá tính, mạnh mẽ và màu hồng là yểu điệu, dịu dàng, nhiều cảm xúc thì câu chuyện sẽ được nhìn nhận theo một cách khác.

Nhưng nếu một cô gái đổi màu váy thì chẳng ai ngạc nhiên bằng việc cô ấy thay đổi hẳn cách thể hiện giới của mình. Sở dĩ bởi vì khuôn mẫu giới về nữ tính đã ăn quá sâu vào tiềm thức của họ, rằng nữ tính nhất định phải là “mặc váy”, “dịu dàng”, “tóc dài”… và khi một cô gái thay đổi cách thể hiện bản thân của mình, người ngoài có thể cảm thấy như thể cô đã thay đổi hẳn giới tính của mình vậy!

2. Những câu trêu đùa gây tổn thương

Tự ti, xấu hổ về bản thân, cảm thấy bị xúc phạm, cảm thấy mình lạc lõng và mình không có quyền thể hiện bản thân như những người khác… có thể là một trong những cảm xúc của những người nhận được những câu đùa vô tâm như:
“Mày cũng biết mặc váy cơ à?”.
“Tao tưởng mày là con trai luôn rồi chứ, cũng biết trang điểm cơ đấy”.

Hoặc đối với những bạn nữ có vẻ ngoài “tomboy” và có phần “nam tính”, những câu nói như “tao không coi mày là phụ nữ”, hay “con này là đàn ông luôn rồi”, chúng đã bằng cách nào đó chối bỏ, phủ nhận những đặc tính căn cốt rất đỗi nhân bản của một con người.

Chính những khuôn mẫu của xã hội về nữ tính khiến cho những người lệch khỏi khuôn mẫu ấy được xếp vào “một giống loài khác”. Nếu bạn đơn thuần ngạc nhiên về một cô gái lệch khỏi khuôn mẫu giới, đó không phải lỗi của bạn. Sự ngạc nhiên đôi khi là một phản ứng nằm ngoài sự tự chủ về ý thức của chính bạn, có thể vì bạn còn bị chi phối bởi những khuôn mẫu, quan niệm thông thường của xã hội,… chúng đã ăn sâu và hình thành trong bạn những tư tưởng cố định rập khuôn. Vấn đề không nằm ở sự ngạc nhiên, mà nằm ở cách bày tỏ sự ngạc nhiên ấy. Nếu bạn bày tỏ sự ngạc nhiên ấy một cách tế nhị hơn, quan tâm đến cảm xúc của người nghe hơn, không dùng những từ ngữ mang tính chất áp đặt, định đoán, phán xét, thì bạn có thể vừa học hỏi được một góc nhìn mới, vừa không vô tình mang đến cho người khác những tổn thương tinh thần.

3. Mỗi người là một tiểu vũ trụ phong phú và vô cùng độc đáo. 

Con người thay đổi mỗi ngày, và không một điều gì – một khuôn mẫu cố định, một tính từ, một lời nhận xét… có thể thâu tóm toàn bộ bản chất và định đoán tương lai của một con người. 

Dù bây giờ bạn có thể được nhận xét là “cá tính”, nhưng cá tính không phải là một đặc điểm cố định nói lên tất cả về bạn, và bạn hoàn toàn có thể không “cá tính” nữa. Bạn sinh ra là con gái không có nghĩa là toàn bộ hành vi, tính cách, nhân phẩm… của bạn sẽ được định đoán và bó buộc trong những khuôn mẫu mà xã hội đặt ra và kì vọng về nữ giới.

#VOGE #nữtính