“CHỮA” ĐỒNG TÍNH, SỬA “LỖI”?

Đây sẽ không phải một bài viết tranh luận, sẽ chẳng có số liệu thống kê hay bằng chứng gì, mà chỉ đơn giản là một quan điểm. Chuyện là hôm nay tôi đi uống café với N.- bạn thân tôi. Thời tiết đẹp, nhưng tâm trạng cậu không ổn lắm. Không, chính xác là nó rất tệ. N. tự nhận mình là một người song tính. Chuyện này thì mẹ cậu đã biết từ lâu, và vẫn tìm mọi cách để “sửa lỗi” sự “lệch lạc” này. Bác ấy bảo do cậu chưa biết “kích thích” là sao, nên chuyện bố mẹ cậu đã quan hệ tình dục thế nào là điều N. được nghe kể thường xuyên, rồi những câu nói như “con “nữ tính” thế này mẹ nghĩ con sẽ sớm “bình thường” thôi”…

Điều này đã kéo dài được tầm chục năm, và những câu chuyện đó vẫn ám ảnh sâu sắc N.. Cậu bảo với tôi rằng “mỗi chữ “nữ tính” như một nhát dao xuyên qua lồng ngực”, đến người ngoài như tôi còn thấy nó sai sai, thì người trong cuộc còn thấy thế nào? Chuyện sửa “lỗi” thế này khi đó tôi cũng không biết nhiều để giúp bạn, nên lên Google tìm mọi thứ, và điều đó khiến tôi thực sự sốc. N. chỉ là một trong vô vàn trường hợp như vậy. Những nỗ lực “sửa lỗi” thậm chí trở nên có phần cực đoan: chạy chữa đông tây y hay cúng bái vẫn còn nhẹ, có những lúc còn là… hiếp dâm sửa chữa, nói chung là những biện pháp mạnh mang tính ép buộc. Hệ quả thì vô vàn, nhiều người LGBT cảm thấy bản thân sinh ra bị “lỗi”, họ cảm thấy lạc lõng, dẫn đến sang chấn tâm lý, trầm cảm, những sự ám ảnh các biện pháp cực đoan mang lại. Sự yêu thương đáng lẽ là chỗ dựa cho họ, lại đẩy họ đến đường cùng khi bị đặt sai chỗ.

Đối với N., điều này xuất phát từ tình yêu của mẹ cậu, bác ấy nghĩ rằng nghĩ cậu “lệch lạc” thế này là do lỗi của mẹ giáo dục giới tính không tới, thế nên mẹ chỉ đơn giản tìm mọi cách “uốn nắn” cho N. “bình thường” như con nhà người ta. Không tính các tội ác “bẻ” hay hiếp dâm sửa chữa dưới cái mác giúp đỡ, những trường hợp còn lại cũng đến từ tình yêu, và từ nỗi sợ của họ. Không thể phủ nhận rằng, dù đã có những sự tiến bộ, cộng đồng LGBT+ vẫn còn nhận những sự phân biệt đối xử hà khắc. Những điều đó càng củng cố niềm tin rằng lệch khuôn là khổ, là sẽ bị xã hội bài trừ. Không chỉ vậy, những người thân còn được củng cố niềm tin rằng đó là “căn bệnh quái ác”, và tình yêu khiến họ tìm mọi cách để “sửa chữa” cho khớp với cái khuôn.

Vậy nhưng, đó có chắc chắn là điều họ cần cũng như điều họ muốn? Tình yêu đó là thật nhưng yêu vậy liệu có đúng? Bởi những nỗ lực của họ nhằm thay đổi xu hướng tính dục, vốn là bẩm sinh, vô tình tạo nền tảng cho những định kiến và sự kỳ thị đối với cộng đồng LGBT cùng những tác hại khôn lường. Dù nỗ lực thay đổi là gì, thì “đồng tính vốn không phải là bệnh, vì vậy việc can thiệp “chữa trị” những người đồng tính là hoàn toàn vô đạo đức” – Hiệp hội Tâm thần học thế giới WPA lên tiếng. Và khi đồng tính đã là bình thường, những người LGBT+ hoàn toàn có thể sống bình thường như bao người khác, không phải cứ LGBT là khổ. Điều đó do chính họ quyết định, chứ không do ai quyết định.

Khi đã yêu thì ai cũng muốn giúp, nhất là khi LGBT vẫn còn bị phân biệt đối xử. Thế nhưng, tình yêu đó nên đặt vào đâu? Liệu có phải là thay đổi xu hướng tính dục – điều đã trở thành bẩm sinh? Chắc chắn cũng có những trường hợp câu trả lời là “có”, nhưng câu trả lời phải đến từ chính những người LGBT. Và nếu nói một cách chính xác, đó chỉ đơn giản là một sự thay đổi, chứ không phải là “bẻ” bằng những phương pháp cực đoan mang tính ép buộc, bởi càng cố nắn một thanh sắt theo ý mình, sắt càng dễ gãy hẳn, không gãy thì cũng méo mó và trải qua những nhát búa đau đớn. Và vì “đồng tính vốn không phải là bệnh”, họ cũng chẳng phải “cong” để mà bảo bẻ thành “thẳng”. Một lần nữa, họ vẫn cần ta giúp, vẫn cần ta yêu, nhưng mà là yêu cho đúng, bởi không phải ai cũng như ai. Ta không phải Bụt, và họ cũng không phải Lọ Lem. Ta là hành động tạo ra cơ hội, nhưng xài hay không là do họ.

Bởi vậy, yêu thì yêu, nhưng hãy yêu đúng cách!

#VOGE #VOGEReaders #LGBT+