KHI ĐÀN ÔNG THẤT THẾ: BẤT BÌNH ĐẲNG GIỚI KHÔNG CHỈ PHỤ NỮ KHỔ

Người ta mải nói quá nhiều về việc phụ nữ chịu thiệt thòi do bất bình đẳng giới tính. Nhưng lại chẳng ai nhận ra việc đàn ông là phải như thế này, như thế kia… cũng tạo những gánh nặng cho “phái mạnh” vốn đã có nhiều điểm yếu.

“Khi tiền kiếm dễ dàng, có nhà đẹp, xe sang, ai có thể ngờ có ngày chỉ đóng học cho con mình cũng chẳng kham nổi”, một anh bạn chua chát kể với tôi sau một thời gian dài bặt tăm. Hóa ra, giai đoạn vắng mặt ấy là anh đang phải trốn chui trốn lủi vì bị ráo riết đòi nợ.
Trước đây, anh là trưởng phòng kinh doanh phụ trách khối bán lẻ cho một công ty thực phẩm khá lớn ở miền Bắc, với thu nhập rất cao. Vợ anh là giáo viên, đi làm cho vui và lương chỉ để tiêu vặt vì mọi khoản chồng thừa sức “bao”. Xây nhà 5 tầng ngay mặt đường, mua ôtô xịn, cho con học trường tư có tiếng… anh lo ngon ơ.

Nhưng hai năm trước, việc làm ăn gặp khó khăn, anh bị một số khách hàng lớn “xù”nên phải tự dùng tiền riêng để bù vào trả công ty. Cũng thời điểm đó, mấy khoản đầu tư nhà đất đều bị kẹt, anh vay chỗ nọ đập chỗ kia, thậm chí có lúc cậy tới tín dụng đen. Khoản nợ mỗi ngày một lớn… Bước đường cùng là khi mọi việc vỡ lở, anh bị mất việc nhưng trước đó phải bán xe và một mảnh đất để bù vào số tiền hàng còn thiếu của công ty. Sau đó, anh đi xin việc nhưng vị trí cao thì không tuyển mà làm nhân viên quèn thì anh không muốn. Tiền không có, các chủ nợ ráo riết đòi, anh không còn xu dính túi, đành bỏ vào nam “ẩn” một thời gian.

Nhưng đòn đau nhất giáng vào anh là tin nhắn muốn ly hôn của vợ. Chị nói quá mệt mỏi khi phải nghe những cú điện thoại đòi nợ, thấy tương lai mờ mịt, không biết khi nào chồng có thể gây dựng lại sự nghiệp. “Cú đánh đó thực sự khiến mình gục, có lúc thậm chí chỉ muốn biến mất khỏi cuộc đời. Nhưng còn con, còn bố mẹ”, anh chia sẻ. Anh nói rằng lỗi cũng tại mình quá chủ quan, khi đang ở đỉnh cao không lường tới lúc ngã ngựa để chuẩn bị các phương án dự phòng cho chính mình và người thân.

Đáng buồn là những tình cảnh như anh bạn tôi không hiếm, nhất là giữa vòng xoáy thị trường ngày nay, giữa bối cảnh xã hội vẫn nặng nề nhiều định kiến về giới, đặt áp lực “trụ cột” lên vai nam giới.

Theo một nghiên cứu do tiến sĩ Trần Thị Minh Đức (khoa tâm lý học, Đại học quốc gia Hà Nội) thực hiện, gần 90% trong số 558 người được hỏi nói rằng trong nhà cần một người làm trụ cột và hơn 80% mong muốn đó là nam giới. Có hơn 70% số người tham gia khẳng định chồng phải là người đầu tiên chịu trách nhiệm trước các khó khăn của gia đình và chỉ có 9% nói là cả hai vợ chồng nên cùng đương đầu với các vấn đề đó.

Theo tác giả nghiên cứu, những quan niệm này không chỉ cản trở khả năng phát triển của phụ nữ, mà còn khiến nam giới có mặc cảm tội lỗi khi không có khả năng hay hoàn cảnh thuận lợi để hoàn thành trách nhiệm “trụ cột”.

Một nghiên cứu khác về giới, nam tính do Trung tâm Quốc tế Nghiên cứu về Phụ nữ phối hợp cùng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội của Việt Nam (ISDS) thực hiện cho kết quả: 36% số đàn ông được hỏi cho biết họ xấu hổ khi đối mặt với gia đình nếu mình không có việc làm hay có thu nhập kém. Quan niệm khuôn mẫu về việc “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” không chỉ tước đi những cơ hội vươn lên của phụ nữ mà còn tạo sức ép cho cả nam giới. Một nghiên cứu năm 2015 của ISDS cho thấy, nam giới thường được kỳ vọng gắn với vai trò “đại gia”, trụ cột gia đình, thành đạt trong công việc… Phải phấn đấu để đạt được các “hình mẫu” ấy đã góp phần đẩy các đấng mày râu Việt Nam tới nhiều yếu tố nguy cơ: nam giới chiếm 70% số người nhiễm HIV/AIDS, là “tác giả” gây ra 81% vụ tai nạn giao thông và chiếm hơn 80% số ca tử vong, thương tật do tai nạn giao thông…

Trở lại câu chuyện của bạn tôi, anh ấy cũng có thời gian đắm chìm trong hơi men vì không muốn đối mặt với thực tế phũ phàng ập đến đời mình. Nhưng tất cả các cách lảng tránh cuối cùng chỉ khiến mọi việc tệ thêm. Cuối cùng, anh lựa chọn quay trở về Hà Nội, trực tiếp nói chuyện, đàm phán với các chủ nợ để khống chế lãi, bắt đầu đi làm ở vị trí dưới tầm và quan trọng nhất là đưa ra kế hoạch cụ thể cho việc trả nợ, lo cuộc sống gia đình hiện tại và có phương án dự phòng cho những bất trắc tương lai. Anh cũng lựa chọn thay vì gồng mình gánh vác mọi thứ thì trò chuyện, chia sẻ với vợ để chị hiểu và cùng chung lưng đấu cật. Đó là một lựa chọn không dễ dàng nhưng có lẽ là lối duy nhất để gỡ cho anh khỏi con đường bế tắc.
——————————–
Nguồn: Mann up’s Collaborator
#VOGE #Mannup