Ngày Quốc tế Nam giới và tại sao loài người cần nó

Bên cạnh ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 được biết đến rộng rãi, ở nhiều nơi trên thế giới người ta đã công nhận và tổ chức Ngày Quốc tế Nam giới vào ngày 19/11 hàng năm. Ngày này được bắt đầu vào năm 1999 ở Trinidad và Tobago, được Liên Hợp Quốc và nhiều nước ở Bắc Mỹ, châu Âu, châu Á, châu Phi và vùng Caribe ủng hộ. Mục đích của ngày Quốc tế Nam giới là tập trung vào sức khỏe của nam giới và trẻ em nam, cải thiện quan hệ giữa các giới, thúc đẩy bình đẳng giới và làm nổi bật vai trò của nam giới. Đây là dịp để nam giới nêu bật sự phân biệt đối xử với họ và để kỷ niệm những thành tựu và đóng góp của mình, đặc biệt là đóng góp đối với cộng đồng, gia đình, hôn nhân và chăm sóc con cái.

Ý tưởng về một ngày lễ dành cho đàn ông được hình thành và khởi động vào tháng 2 năm 1991, được đề xuất một năm sau đó bởi một người có tên là Thomas Oaster. Tuy nhiên mãi đến năm 1999 Ngày Quốc tế Nam giới mới chính thức được tổ chức lần đầu tại Trinidad và Tobago bởi Tiến sĩ Jerome Teelucksingh. Ông chọn ngày 19/11 để tưởng nhớ đến sinh nhật của người cha và đồng thời kỉ niệm những nỗ lực phi thường trong việc giành vé đến vòng chung kết Worldcup của đội tuyển bóng đá nam Trinidad và Tobago ngày 19/11/1989. Phát biểu về Ngày Quốc tế Nam giới, tiến sĩ Teelucksingh cho rằng ông và các cộng sự đang đấu tranh cho bình đẳng giới, từng bước loại bỏ những hình ảnh tiêu cực gắn liền với nam giới trong xã hội.

Rất nhanh sau đó ngày Quốc tế Nam giới được ủng hộ rộng rãi ở nhiều nơi trên thế giới. Đại diện cho UNESCO, bà Ingeborg Breines – Chủ tịch Woman and Culture of Peace cho rằng đây là một ý tưởng tuyệt vời và sẽ đóng góp cho sự công bằng về giới. Hiện nay trên thế giới đã có khoảng trên 70 quốc gia công nhận và tổ chức ngày lễ này.

Ở Việt Nam ngày Quốc tế Nam giới vẫn còn khá xa lạ với nhiều người. Có lẽ ăn sâu vào tiềm thức của nhiều người là việc đấu tranh cho bình đẳng giới là đấu tranh cho phụ nữ, những người vận động bình đẳng giới là những nhà nữ quyền. Vào ngày 8/3 hàng năm, không khó để bắt gặp những câu nói đùa như “Chỉ phụ nữ mới cần ngày dành cho mình, vì 364 ngày còn lại là của đàn ông”. Tuy nhiên thực tế lại không giống như vậy. Cũng như nữ giới, nam giới đang chịu rất nhiều những bất công và những áp lực từ xã hội.

Tuổi thọ trung bình của nam giới kém xa phụ nữ, lần lượt là 69 và 73 tuổi, nguyên nhân có thể đến từ việc nam giới thường phải làm những công việc nặng nhọc hơn, nguy hiểm hơn. Tỉ lệ tự tử ở đàn ông cao hơn phụ nữ nhiều lần. Ở một góc nhìn gần gũi hơn, trẻ em nam thường lớn lên với lời dạy bảo phải “mạnh mẽ”, “cứng rắn” và trở thành trụ cột gia đình. Truyền thông đại chúng và nền văn hoá hiện đại cũng không khuyến khích đàn ông chia sẻ và bộc lộ cảm xúc của mình, rằng “tám chuyện”, “mít ướt” chỉ dành cho “bọn đàn bà”.

Những khuôn mẫu và định kiến xã hội như vậy vô hình trung sẽ khiến đàn ông phải chịu nhiều áp lực nặng nề, nhưng chúng xuất phát từ chính quan niệm rằng phụ nữ yếu kém hơn và không đáng coi trọng. Đàn ông chịu áp lực phải trở thành trụ cột, điển hình như việc nhiều người cho rằng người chồng nghiễm nhiên phải gánh vác phần lớn hoặc toàn bộ việc kiếm tiền cho gia đình, còn người vợ thì “làm được bao nhiêu thì làm, còn đâu để chồng nó nuôi”, và chính điều này cho thấy phụ nữ đang bị giới hạn cơ hội tạo ra thu nhập. Ngày Quốc tế Nam giới ra đời không phải để trở thành “đối thủ” của ngày 8/3 mà là sự đáp ứng cho một nhu cầu bức thiết: đàn ông cũng cần đấu tranh cho bình đẳng giới, cho quyền lợi của chính mình.

Qua gần 2 thập kỉ, Ngày Quốc tế Nam giới dần chứng tỏ được sự cần thiết và ý nghĩa quan trọng của nó. Trong năm 2009, 6 mục tiêu cốt lõi của Ngày Quốc tế Nam giới đã được xác lập:

– Thúc đẩy hình mẫu vai trò nam giới; không chỉ là theo các ngôi sao điện ảnh và các vận động viên, mà còn là người lao động bình thường, người có cuộc sống đàng hoàng và chân thật.

– Chào mừng sự đóng góp tích cực mà những người đàn ông đã đóng góp cho xã hội, cộng đồng, gia đình, hôn nhân, chăm sóc trẻ em và môi trường.

– Tập trung vào sức khỏe của nam giới và hạnh phúc trong xã hội, tình cảm, thể chất và tinh thần.

– Nêu bật những phân biệt đối xử đối với nam giới trong các lĩnh vực hoạt động xã hội, môi trường xã hội và nêu rõ những kỳ vọng cũng như quyền lợi.

– Cải thiện quan hệ giới và thúc đẩy bình đẳng.

– Cùng kiến tạo một thế giới an toàn hơn, tốt hơn, trong đó những người đàn ông được an toàn và có thể phát triển được đầy đủ tiềm năng của họ.

Ngoài ra mỗi năm Ngày Quốc tế Nam giới còn lấy một chủ đề khác nhau, đều là những vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm. Ví dụ như năm 2016 là ngăn chặn sự tự sát ở nam giới, năm 2017 là tôn trọng sự đa dạng và năm 2018 là hướng đến những hình mẫu tích cực. Trong những năm qua, hoạt động của Ngày Quốc tế Nam giới bao gồm các buổi hội thảo công cộng, các hoạt động tại trường học, các chương trình phát thanh và truyền hình, các màn trình diễn và tuần hành, các cuộc tranh luận, thảo luận, lễ trao giải và triển lãm nghệ thuật

Trong một xã hội lí tưởng, nơi mà mọi người đều được đối xử bình đẳng và tôn trọng, có lẽ chúng ta sẽ chẳng cần đến những ngày 8/3 và 19/11 nữa. Tuy nhiên để đạt đến sự bình đẳng hoàn hảo thì nhân loại chắc chắn phải đi tiếp một hành trình dài kiên định đấu tranh; và trên hành trình đó, những ngày Quốc tế Nam giới – cũng như Quốc tế Phụ nữ – là những dấu mốc không thể thiếu, nhằm cổ vũ tinh thần và nhắc nhở mỗi người về quyền lợi và nghĩa vụ của mình.