CON TRAI NGẠO MẠN CÓ GÌ SAI?

Đây là một bài viết đến từ VOGE. Nhưng sẽ chẳng có số liệu, chẳng có phân tích, chẳng có phản biện đa chiều. VOGE chỉ đơn thuần kể chuyện thôi, rất nhẹ nhàng thôi. Câu chuyện về một cậu trai ngạo mạn.

Cậu này, theo chiêm tinh Tây phương mà nói, thì là năng lượng sư tử thượng thừa – đã muốn gì là dồn hết sức vào nó, và phải làm tới cùng, làm bằng thắng thì thôi, tao phải luôn là trung tâm phải luôn là người chói sáng nhất đám đông này. Cậu kịch tính hoá tất cả mọi thứ – “trời ơi, em quá khác biệt với mọi người”, “trời ơi, cảm xúc của em mãnh liệt hơn bất kỳ ai, em không thể kiểm soát nổi mình”, “trời ơi, em có làm gì đâu, bản chất em cứ khiến mọi người phải chú ý”. Cậu chẳng hề nhận ra ai cũng khác biệt theo cách của riêng họ, ai cũng có lúc cảm xúc dâng trào đến lấn át lí trí, ai cũng có thể hiếu thắng muốn tận hưởng cảm giác quán quân và không phải mọi sự chú ý đều tích cực (như chúng ta đã biết, sự chú ý tiêu cực thường không dẫn đến tăm tiếng, mà dẫn đến tai tiếng). Thế giới của cậu chỉ có 2 tấm gương: chính bản thân hào nhoáng bị kịch tính hoá của cậu và những con người chờ mong sự kịch tính hoá từ cậu.

Nhưng có hề gì, lại vẫn theo chiêm tinh Tây phương, cậu mạnh chất lửa và sự bùng trội của lửa gắn liền với sự nam tính nên dù ngạo mạn đến đâu, cậu vẫn được ủng hộ. “Đàn ông con trai phải có tự trọng cao như thế, dám nghĩ dám liều mới nên việc lớn”, “Tuổi trẻ nông nổi là chuyện thường thôi, con trai như ngựa non háu đá, đá đủ nhiều thì mới chín chắn lên được”. Ừ thì đây là page của Tổ chức thúc đẩy Bình đẳng giới Việt Nam, xin lạc đề 5 phút đưa ra vài câu hỏi: Những câu nói này bạn nghe quen tai không? Con trai dám nghĩ dám liều mới làm nên việc lớn, thế con gái muốn làm việc lớn thì ai cho phép liều? Con trai xốc nổi đá bao nhiêu mặt trận mới khiêm nhường và chín chắn, tại sao con gái thường được yêu cầu phải chín chắn từ thuở đôi mươi? Có khi nào những lời “động viên” này đang khiến những cô gái muốn liều phải ngập ngừng khi nghe từ “việc lớn”, khiến những cậu trai muốn bỏ cuộc phải lê chân liều tiếp vì sợ bị gắn mác “thằng hèn” hoặc “thằng đàn bà”? Có khi nào những cậu trai hiểu chuyện sớm, sống thầm lặng ăn nói nhẹ nhàng bị đồn thổi thành “thằng bê đê” và những cô gái 27 tuổi vẫn chưa manh nha yên bề gia thất sẽ mang danh “bà già óc chậm tiến hoá” hoặc “cưa sừng làm nghé”? Chỉ đề vài câu hỏi ở đây, bạn đọc thân mến thử ngẫm xem?

VOGE chẳng kết luận như nào đúng như nào sai, chỉ muốn kể nốt câu chuyện. Mang tất cả những lời ủng hộ sự ngạo mạn của mình trên vai, cậu đăng ký vào một diễn đàn với mong muốn tìm người theo dưới trướng mình, cùng mình hoàn thiện dự án của mình và đương nhiên mình sẽ làm leader. Để rồi cậu nhận ra, con người ở đây khác hẳn những người cậu từng quen: họ không nhìn nhau bằng tên, bằng giới tính, bằng gia thế, bằng ngoại hình – họ nhìn nhau bằng bằng tính cách, bằng trải nghiệm của mỗi cá nhân và hoàn toàn dựa trên đó để quyết định yêu hay ghét một người. Trong một diễn đàn đầy những con người chỉ nhìn nhau đơn thuần như những-con-người đúng nghĩa đen, cậu nhận thấy sự ngạo mạn cố hữu trong mình bị bài xích một cách âm thầm và lan tràn. Cậu sợ, cậu thực sự sợ, thật ra cậu yêu mến mọi người lắm lắm, cậu cần được chú ý cần được quan tâm biết bao nhiêu – đây hoàn toàn là nhu cầu cơ bản của con người. Sau một đêm trằn trọc đắn đo, cậu đi đến một quyết định: mình cần chủ động giảm đi sự bài xích này, nhưng bằng cách nào? Cậu liên tục đi hỏi từng anh chị supervisor, làm sao để em hoà nhập nhưng không hoà tan? Cậu bóc bánh kẹo mời hết mọi người, cậu gánh team khi chơi trò thể chất vì trong nhóm cậu to khoẻ nhất. Cậu thậm chí tranh luận (đến mức to tiếng) với bạn trong đoàn nhưng rốt cuộc học được cách lắng nghe và hoà giải thay vì chăm chăm muốn mình phải thắng. Để rồi sau 3 ngày – chỉ 3 ngày ngắn ngủi, cậu chịu thừa nhận dự án của mình không phải cái đặc biệt nhất, mình không phải con người độc tôn và không cần lead team vẫn có thể học hỏi được bao điều.

Cậu trai tâm sự với VOGE rằng, “Chuyến đi đấy là một bước tiến lớn, bước tiến ấy bắt đầu bằng việc em trút bỏ những lời an ủi phiến diện và mù quáng kia đi để nhìn trực diện vào cuộc đời với tâm thế công nhận mọi người đều tài giỏi và khác biệt. Thế giới này không chỉ có bản thân mình, không chỉ có nam-nữ cùng những tiêu chuẩn kép, thế giới này rộng hơn thế nhiều. Định kiến bao che cho ta trong vài mặt, nhưng chính sự bao che đấy dìm ta xuống vì không thể mở lòng với sự đa dạng của tạo hoá. Sự thay đổi lớn có thể đến từ những hành động rất nhỏ, nhưng hành động đó phải bắt nguồn từ nhận thức – nếu ngày ấy em không nhận ra sự ngạo mạn và giới tính nam của mình vốn chẳng liên quan gì nhau và không nên được mù quáng ca tụng, em đã không có những bước tiến ban đầu để rồi hoà nhập được với teammates mọi mặt trận như ngày hôm nay. Còn thay đổi nhận thức như nào á? Dễ lắm, bỏ định kiến xuống và nhìn xung quanh bằng một đôi mắt mới. Lúc đấy ta đã thấy mình khác rồi, khác hẳn đi và tự do biết mấy.”