CHUẨN MỰC TRUYỀN THỐNG HAY NHỮNG CÁI LỒNG KÍNH ĐƯỢC TÔ VẼ MỸ MIỀU?

Lúc bé, tôi hay tự hỏi mình tại sao con gái phải ngồi khép nép, ăn uống nhỏ nhẹ, mặc đồ kín đáo mới được xem là “con nhà gia giáo”. Đáp lại thắc mắc của tôi luôn là những lời hướng dẫn làm sao để đi khép chân lại, đứng sao cho thẳng lưng, ngồi sao cho đẹp…

Và rồi, những câu hỏi đó dần biến mất trong đầu tôi, thay vào đó là làm sao để trở thành một cô gái theo đúng những chuẩn mực truyền thống của xã hội, ăn làm sao cho đúng cách, nói chuyện như thế nào là âm lượng vừa phải… và ti tỉ những câu hỏi như thế.

Tôi dần bị đóng khung trong những chuẩn mực vô hình mà người ta tạo ra cho những người phụ nữ.

Những cái lồng bằng kính vô hình mà người ta đặt cho nó một cái tên đẹp đẽ: “chuẩn mực truyền thống của xã hội” được đề cao nhiều đến mức người ta cảm thấy điều đó là nghiễm nhiên và quy luật tự nhiên sinh ra đã phải thế.

Một thằng con trai ăn nhồm nhoàm sẽ được cho là “nó đang tuổi lớn, ăn nhiều cho khoẻ”, nói chuyện lớn tiếng thì sẽ được giải thích rằng “nó vỡ giọng, con trai nói thế mới ra mặt đàn ông, nhỏ nhẹ quá thì cứ như đàn bà”…

Còn phụ nữ thì sao? Chỉ cần một khoảnh khắc ngủ kém duyên bị chộp lại, những người không hề quen biết, chẳng hiểu gì về bạn, đều “có quyền” được bình phẩm về đạo đức, con người, lối sống và hằng hà những thứ khác về bạn.

Chúng ta không ngừng nêu cao những khẩu hiệu thúc đẩy bình đẳng giới, kêu gọi mọi người tôn trọng nữ quyền, nhưng, sâu thẳm trong tiềm thức, vẫn tồn tại đâu đó những “khung đo, thước chuẩn” hà khắc cho mẫu hình của một người phụ nữ.

Còn chuẩn mực của đàn ông ư? Nhiều người cho rằng một người đàn ông phải có chí lớn, phải bảo vệ được người phụ nữ của cuộc đời họ, phải xây dựng được mái ấm gia đình… Thật khó để nói đàn ông hay phụ nữ ai mới là người phải chịu nhiều áp lực từ khuôn mẫu hơn. Dù tôi thấy ít người đàn ông nào chia sẻ về những áp lực ấy, nhưng những số liệu về tự tử và trầm cảm ở nam giới đang vẽ lên một bức tranh hoàn toàn khác. Cũng phải thôi, rất nhiều trong số họ được dạy đàn ông phải mạnh mẽ, phải giấu nỗi buồn và sự yếu đuối vào bên trong mà.

Tựu chung, đàn ông hay phụ nữ, trong xã hội từ xưa đến nay, đều có những thước đo chuẩn mực chung. Nếu may mắn đạt được những chuẩn mực ấy, họ sẽ được khen ngợi, tưởng thưởng, được lấy ra làm hình mẫu cho mọi người. Còn nếu không đạt được, rất có thể những chỉ trích sẽ đổ lên họ, bất chấp tiềm năng, sở thích, đam mê của mỗi người có muôn màu muôn vẻ.

Mọi sự thay đổi đều xuất phát từ những điều đơn giản nhất, trước khi đánh giá một người con gái, hãy xem họ có những gì khiến bản thân tự hào trước khi hỏi xem họ đẹp không, hãy xem đâu mới là năng lực, đam mê, cá tính của họ, trước khi bảo họ “học rồi cũng về làm nội trợ”, mọi thứ sẽ thay đổi theo một hướng khác hơn, và cũng mới lạ hơn!
— Đặng Mỹ An (TP. Hồ Chí Minh) —