Bình đẳng giới lên ngôi tại TheFace Vietnam: LÃNH ĐẠO hay ĐÀN ÁP?

Người phụ nữ trên cương vị là những nhà lãnh đạo quyền lực có lẽ là một hình ảnh đại diện tiêu biểu mà mọi người thường nghĩ tới khi các vấn đề về nữ quyền được khơi gợi. Tuy nhiên, đó có thực sự là tất cả những gì mà chúng ta, những nhà đấu tranh cho bình đẳng giới đang thực sự hướng tới?

Trong tập 8 của Gương mặt thương hiệu (The Face Vietnam) mùa 2 vừa rồi, với chủ đề về bình đẳng giới và “sự quyền lực của người phụ nữ”, có lẽ không một khán giả trung thành nào của chương trình quên được hình ảnh những thí sinh nữ thay nhau chèn ép, hết túm áo lại quay sang nắm cà vạt của bạn diễn nam cùng những câu nói “đối với nhiều phụ nữ ngày nay, bình đẳng thôi chưa đủ, họ còn cần hơn thế nữa”. Đối với họ, ‘’sự bình đẳng’’ ở đây được thể hiện qua “quyền lực” hay đôi khi là sự áp đảo đối với giới còn lại. Chính những hành động, phát ngôn này đã một lần nữa dấy lên luồng sự tranh luận về việc: “Thế nào được coi là bình đẳng giới?”

Bình đẳng giới là khi tất cả các giới được đối xử công bằng trong tất cả các khía cạnh của đời sống kinh tế – xã hội, đồng thời được hưởng đầy đủ các quyền cơ bản của con người mà không bị bất kì một tác nhân nào cản trở, về cả mặt tiếp cận, sử dụng và thụ hưởng từ cơ hội. Để đạt được điều đó, việc thể hiện hình ảnh người phụ nữ như những nhà lãnh đạo “trên cơ”, đàn áp nam giới có thực sự hiệu quả?
Quay trở lại với chương trình Gương mặt thương hiệu (The Face Vietnam) mùa 2, câu hỏi đặt ra là: ”Sự ‘mạnh mẽ’ mà mọi người đang nhắc tới ở đây là gì?”. Nếu nó được thể hiện qua những hành vi động chạm thân thể có phần thô bạo hay sự chênh lệch quyền lực của hai giới, thì phải chăng, ta đang vô tình chia các giới về hai bên mặt trận, quên đi sự khác biệt mà ngầm chuyển đi thông điệp: phụ nữ phải “giống như đàn ông, làm những điều đàn ông làm” (đây lại là một khái niệm tương đối!), hay ngược lại, thì hẵng mơ đến bình đẳng giới?

Bước đầu để đạt được bình đẳng giới nói chung có lẽ là sự TÔN TRỌNG giữa người với người, chỉ khi tôn trọng nhau, tôn trọng sự khác biệt và đa dạng của mỗi người, chúng ta mới có thể cùng thông cảm, cùng sẻ chia và cùng nhau tiến bộ. Và đó mới chính là mục đích cao cả mà những nhà hoạt động về bình đẳng giới nói riêng và toàn thể xã hội đang cùng hướng tới, một thế giới nơi “Giới tính không phải giới hạn.”

Còn các bạn nghĩ sao về vấn đề này?

Credit: The Face Vietnam