Nếu như “nam tính” được diễn tả ngắn gọn bằng ba chữ P, thì cuộc đời một người phụ nữ “hoàn hảo” gắn liền với 3 chữ C – Chastity, Capable và Captivating.
Qua thời gian, ba chữ này không những không biến mất mà thậm chí còn có phần thêm nặng nề và hà khắc, đem đến thật nhiều gánh nặng cho người phụ nữ.
(Đón đọc bài viết “3 chữ P” tại đây : http://bit.ly/VOGE3ChuP)
Chữ C đầu tiên chắc chắn phải kể đến : “Chastity” – trinh tiết. Trái ngược hoàn toàn với phái nam khi bạn “chịch” càng nhiều thì người ta càng thấy bạn càng nam tính, con gái chỉ cần một lần trước kết hôn thì ôi thôi, rớt giá thảm hại. “Rớt giá” là sao, là tiêu chuẩn kép khiến biết bao cuộc tình tan vỡ, khiến gia đình bạn trai phản đối hôn nhân kịch liệt, và khiến người con gái mang cái mác “vấy bẩn” vì cùng một chữ “Trinh”. Chữ “Trinh” là một phần quan trọng trong nền văn hóa Đông Phương, là một trong những giá trị Chân – Thiện – Mỹ mà thời đại nào con người cũng ca tụng. Chữ “trinh” trong xã hội phong kiến được coi trọng đến nỗi cha mẹ thà mất con còn hơn chấp nhận 1 đứa con gái không còn trong trắng trước khi yên bề gia thất, vì sợ thiên hạ chê cười, dèm pha, khó lòng ngước mặt nhìn ai.
Từ thời phong kiến đến nay vẫn vậy, tiết trinh không chỉ như một thước đo đức hạnh của người phụ nữ, mà còn là chuẩn mực để đánh giá cả gia phong, lễ giáo của gia đình người con gái. Thế nhưng áp đặt một tiêu chuẩn gò bó và hà khắc như vậy liệu có nên, liệu tin tưởng “lần đầu” với người yêu cũ có là suy đồi đạo đức khi không đi được cùng nhau đến cuối con đường? Hơn nữa, cách đơn giản nhất người ta thường dùng để kiểm tra trinh tiết là qua cái màng cũng chưa chắc đáng tin cậy, bởi có 1000 lẻ 1 cách để nó có thể mất như hoạt động mạnh chẳng hạn, thậm chí có người sinh ra không có màng trinh. Và, không quan hệ theo cách này thì vẫn còn n cách khác, bởi vậy mới có những thuật ngữ như blowjob, handjob,…
Nếu trước khi kết hôn là Chastity, thì sau khi lên xe hoa là thời điểm chữ C thứ hai lên ngôi : Capable – đảm đang. Nếu đàn ông được kì vọng sẽ “đánh Nam dẹp Bắc”, thì kì vọng từ một người phụ nữ hoàn hảo sẽ là một hậu phương vững chắc, hi sinh vì người chồng. Ngay cả những người phụ nữ trong cuộc cũng bị “ru ngủ” bởi những lời tung hô, để rồi dùng cả cuộc đời mình miệt mài hy sinh cho một điều gì đó, mong giữ lại sự yên ấm cho ngôi nhà. Khi lấy chồng, họ nhường đàn ông cơ hội lập nghiệp, chấp nhận ở nhà đầu bù tóc rối, góc trời thu hẹp chỉ còn bằng góc bếp.Giờ đây, khi tầm ảnh hưởng của người phụ nữ dần được công nhận, tư tưởng “trọng nam khinh nữ” dần bị xóa nhòa thì lại thêm gánh nặng mới với cái vỏ bọc vô cùng đẹp đẽ : “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”. Nếu danh hiệu đó được trao cho đàn ông thì sao, chẳng lẽ với các đấng nam nhi, chỉ cần “giỏi việc nước” đã là vẻ vang, chuyện con cái, nhà cửa “tầm thường” là việc đàn bà. Nội trợ không đơn giản đâu nhé, những câu chuyện dở khóc dở cười của những ông chồng “tập sự” mà kể thì không thiếu, phải đến khi gia nhập vào cụôc “đua” giành danh hiệu này mới thấy tất cả “việc nước” chẳng thấm tháp vào đâu so với những “việc nhà” nhiều người vẫn khinh rẻ.
CAPTIVATING
Đây có lẽ là áp lực nặng nề nhất mọi người con gái mang trên vai : Captivating – quyến rũ, xinh đẹp. Xấu thì bị chê bai, xinh thì bị soi mói bình phẩm. Ai cũng nói “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”, khi “nước sơn” xấu thì được không được mấy người nhìn vào “gỗ”. Ngoại hình đẹp đem lại biết bao là lợi thế : hấp dẫn đàn ông nè, bản chất sinh học của người đàn ông mà tạo hóa đã ban tặng đó là khả năng truyền giống. Họ luôn bị cuốn hút bởi một người phụ nữ có ngoại hình đẹp, bởi trong tiềm thức nam giới, một người phụ nữ đẹp sẽ sinh được những đứa con đẹp, thông minh. Rồi là công việc nữa, chị em công sở dễ nhận ra điều này nhất : xinh đẹp thì được đặc cách hẳn hoi, ngoại hình thiếu nổi trội thì xác định tự lo hết. Hơn nữa, định kiến ngoại hình chỉ thực sự bùng nổ từ khi xuất hiện mạng xã hội : những bình luận phán xét thậm tệ ngoại hình của người thậm chí còn không quen biết; thậm chí chuyện đi xa đến mức, nạn nhân xâm hại tình dục mà không xinh kiểu gì cũng có bình luận mỉa “sấp mặt” : “xấu như ma mà cũng có đứa ve vãn á”. Lâu dần, người con gái bị kéo vào vòng luẩn quẩn ám ảnh, miệt thị ngoại hình chính bản thân, cộng thêm bao nỗ lực ăn kiêng giữ dáng, phẫu thuật, …chỉ để thỏa mãn thị hiếu xã hội.