[su_heading size=”23″]SÁCH GIÁO KHOA – “VẬT CẢN VÔ HÌNH” VỚI BÌNH ĐẲNG GIỚI[/su_heading]
[su_dropcap style=”simple”]T[/su_dropcap]heo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo trên 76 cuốn sách giáo khoa của 6 môn học từ lớp 1 đến lớp 12, gần 8.300 nhân vật xuất hiện trong nội dung văn bản nhưng chỉ có 24% là nữ giới, 7% là trung tính (ví dụ đứa trẻ, học sinh, phụ huynh), còn nam giới chiếm đến 69%. Tương tự, trong gần 8.000 hình ảnh, nam giới chiếm tỷ lệ lớn hơn (58%).
Trong các hình ảnh minh họa, bé gái thì mặc váy, nếu không thì cũng quần áo hoa, còn bé trai thì áo xanh, đội mũ beret. Em nam nghịch ngợm, hiếu động còn bạn nữ hiếu thảo, lễ phép. Nữ giới thường xuyên vào thế yếu (Kiều, Vũ Nương, Mị Châu). Nghề chuyên môn cao như bác sĩ, kỹ sư, nhà khoa học, bộ đội, công an,… chắc chắn là của nam giới, trong khi đó nữ giới được gắn liền với những hình ảnh nội trợ, may vá, hay những công việc trong gia đình. Cũng trong thống kê của Bộ GD&ĐT, 95% nhân vật nổi tiếng được nhắc đến trong sách giáo khoa là nam giới. Điều này đã cho thấy sự mất cân đối rất lớn về hình ảnh, vai trò, nghề nghiệp… của phụ nữ và nam giới trong nội dung bài học hình ảnh minh họa.
Đơn giản hóa các hình ảnh trang phục, cử chỉ giúp các em dễ dàng nhận diện giới, ít mất công suy đoán, tuy nhiên lại vô tình hình thành khung thẩm mỹ cố định về ngoại hình, sự chuẩn mực, sở thích, hành động cả nam và nữ, ngăn cản các em “tự tin khoe cá tính”: nam thì như này, nữ thì như kia, không như kia như này là lạc loài, “khá là chắc kèo” bị cô lập, mỉa mai,… Sợ hãi bị cô lập – hình thức trừng phạt và tra tấn tâm lý đáng sợ bậc nhất – vì “dị thường”, các em buộc phải gò mình theo đám đông, trang phục theo đám đông, quan điểm cũng theo đám đông. Bị “kì thị” như kẻ lạc loài, nhẹ thì khiến tâm trạng u ám ảnh hưởng học tập, nặng thì dẫn đến trầm cảm.
Cách truyền đạt của SGK còn góp phần hình thành niềm tin thiếu chính xác về nghề nghiệp, tương lai. “Con gái kiếm tiền mệt lắm”, “Sao con gái lại thích làm khoa học?”. Chúng ta cũng có những nhà khoa học nữ xuất sắc như GS Toán học Lê Thị Thanh Nhàn, nhưng mà lại không được mấy người. Họ ít không phải vì họ kém, mà chính hình ảnh SGK vẽ ra vô tình củng cố bức tường ngăn cản họ tìm hiểu, phát triển tiềm năng và tài năng. Đâu chỉ mình nữ giới là nạn nhân khi mà nam giới cũng gánh những áp lực khi “vinh dự” được gắn với hình ảnh con người thành đạt.
Đây cũng không phải vấn đề mới, nhưng thay đổi chắc chắn không phải việc một sớm một chiều. Đã có những hành động nhất định, thậm chí là nhiều, tuy nhiên vẫn chưa thể triệt để khi những bài học về bình đẳng vẫn vô tình trót lọt những chi tiết phân biệt giới. Thay đổi không phải chỉ từ SGK mà phải củng cố kiến thức và quan điểm những tác giả thêm vững chắc – chuyên gia nhận định trong hội thảo “Lồng ghép giới trong SGK phổ thông” mới diễn ra tháng 9/2018 gần đây. Và đội ngũ giáo viên cũng cần như vậy, bởi họ là những người rất quan trọng trong việc truyền đạt cho học sinh vấn đề về giới, bởi sách viết có tốt thế nào mà giáo viên không hiểu được chiều sâu về bình đẳng giới thì cũng không giải quyết được vấn đề triệt để.
Việc thay đổi không phải là không thể, dù khúc mắc còn nhiều. Chỉ khi đó, trẻ em mới thực sự tự do khỏi định kiến, tự do thế hiện cá tính, quyết định tương lai, chọn nghề không phải theo giới mà theo đam mê, tự do phát triển và phát huy năng lực. Và hơn nữa, các em – thế hệ ngày mai – có được những quan điểm vững chắc về giới từ khi còn nhỏ – điều cốt yếu trong công cuộc hướng tới bình đẳng giới trong tương lai.