PHỤ NỮ VÀ CÂU CHUYỆN BIỆN PHÁP ĐẶC BIỆT TẠM THỜI – P1

Các biện pháp đặc biệt tạm thời ngày nay đang trở nên khá phổ biến ở các quốc gia xưa có nhiều hạn chế, định kiến với phụ nữ. Ấn Độ là một trong những ví dụ nổi bật cũng như được thảo luận sôi nổi nhất trong nhiều năm qua. Không thể phủ nhận, những biện pháp đặc biệt tạm thời mang lại sự thay đổi mạnh mẽ trong cuộc đấu tranh cho quyền phụ nữ nhưng làn sóng phản đối từ học giả cũng mạnh mẽ không kém. Vậy điều gì đang diễn ra? 

Các biện pháp này có những sự thay đổi tuỳ vào từng quốc gia nhưng luôn có hai điểm khá tương đồng. Một, cần một con số tối thiểu về các ghế của phụ nữ trong cơ quan chính trị. Dù trên thực tế một số ứng viên nữ không đủ phiếu nhưng theo luật thì họ vẫn được đắc cử. Ấn Độ yêu cầu ít nhất 33% các ứng cử viên nữ phải có ghế trong Quốc hội, con số này với Tunisia và Iraq vào năm 2012 lần lượt là 10% và 25%. Hai, các biện pháp này sẽ không được phép kéo dài mãi mãi. Kể cả khi kéo dài mãi mãi như ở Ấn Độ, các ứng viên nữ một khi đã được hưởng lợi một lần thì sẽ không được nằm trong diện ưu tiên ở lần bầu cử tiếp theo. 

Bài viết sẽ đưa ra hai luồng ý kiến của những người ủng hộ và phản đối các biện pháp đặc biệt tạm thời. 

Trước hết, các biện pháp đặc biệt tạm thời đang mang lại một xã hội công bằng hơn. Hiện nay, rất nhiều các chính sách quốc gia được đánh giá là chèn ép người phụ nữ. Các chính sách trên được thông qua dễ dàng bởi số lượng rất lớn đàn ông trong bộ máy nhà nước. Với những quan điểm chắc chắn từ niềm tin tôn giáo và xu hướng bảo vệ lợi ích nhóm, các đạo luật trên được nam giới xây dựng và thực hiện như một lẽ dĩ nhiên. Đây đã là một sự bất công nhưng mọi thứ còn được nhân đôi khi phụ nữ muốn có ghế để thay đổi các đạo luật ấy, đòi lại quyền lợi cho mình. Họ không thể làm được do sự thua kém ngay từ vạch xuất phát với đàn ông. Các đạo luật chèn ép phụ nữ, tôn giáo và định kiến xã hội nói trên đã tước đi của phụ nữ cơ hội nhận giáo dục, chăm sóc sức khoẻ, tiếp cận văn hoá trong thời gian quá lâu. Chính bởi vậy, sự ra đời của các biện pháp này là để đền bù cho họ. 

Để phản bác lại ý kiến trên, có một luận điểm khá phổ biến được đưa ra. Đầu tiên, việc có các biện pháp đặc biệt tạm thời cho riêng phụ nữ mà không có cho các nhóm người vốn bị đàn áp khác trong xã hội tự thân nó đã là sự không công bằng. Các nhà hoạt động chưa đưa ra được lý do vì sao sự chèn ép về giới lại nên được xử lý trước sự chèn ép về chủng tộc hay sắc tộc trong quá khứ. Hơn hết, ngay trong nhóm các ứng viên là phụ nữ, nếu bạn thuộc liền hai nhóm người bị áp bức thì sao? Câu chuyện về sự kết nối giữa các loại áp bức này được đưa lên khá nhiều với vấn đề quyền phụ nữ da đen (black feminism). Với mục tiêu là đảm bảo bình đẳng giới, họ thường hay bỏ quên các yếu tố khác bên cạnh đó. Sự ưu tiên cho những người thuộc nhiều nhóm bị áp bức cùng lúc là khó xảy ra, nhưng nếu không ưu tiên cho họ thì sự bất công vẫn còn tồn tại ngay chính trong biện pháp để giảm bất công. 

Bên ủng hộ các biện pháp đặc biệt tạm thời cũng cho rằng sức mạnh về số lượng của các ứng cử viên nữ sẽ khiến quyền lợi nữ giới trở nên có sức nặng và được bảo vệ. Nếu muốn được thông qua các đạo luật, các chính trị gia chắc chắn sẽ cần thuyết phục cả lượng nữ chính trị gia khá lớn trong bộ máy. Thuyết phục dĩ nhiên tương đương với việc ít nhất là không xâm phạm quyền lợi của họ (chưa kể còn phải có những điều kiện tốt để hấp dẫn sự ủng hộ). 

Ngược lại, những người phản đối cho rằng luận điểm trên không có giá trị ở các nước đang phát triển nơi các biện pháp đặc biệt tạm thời được áp dụng. Lý do nằm ở việc phụ nữ thường không có được sự giáo dục bài bản về chính trị ở đây. Họ được đưa lên để đảm bảo bộ máy nhà nước hoạt động bình thường và xoa dịu dư luận quốc tế. Hậu quả là các chính trị gia này cũng trở thành “con rối” của các lãnh đạo các Đảng (những người vốn là đàn ông). Mọi hoạt động đều để phục vụ nhu cầu của những chính trị gia đàn ông khác. 

Với mỗi luận điểm ủng hộ sẽ luôn có một luận điểm phản đối lại nó. Đó không đồng nghĩa với việc các biện pháp đặc biệt tạm thời không nên được đưa ra. Ít nhất chúng ta cũng cần có những hành động dù nhỏ để hướng tới xã hội công bằng hơn. Hành trình đến bình đẳng giới còn dài và đòi hỏi sự cải thiện bằng việc tiếp thu những luận điểm phản biện. 

Còn với bạn, liệu các biện pháp tạm thời có mang lại hiệu quả và nếu có thì đến mức độ nào, vì sao? Hãy bình luận để chia sẻ quan điểm của mình nhé! Cùng theo dõi phần 2 của bài với câu hỏi: Liệu chính các biện pháp đặc biệt tạm thời có khi nào đang dựa trên định kiến? 

#VOGE